Sau khi xem chương trình “Việt Nam hôm nay” ngày 29/11/2022 trên kênh VTV1, tôi có mong muốn viết bài chia sẻ này. Bởi chương trình có một phóng sự đề cập đến thực trạng nhà tuyển dụng không còn quá chú trọng đến bằng cấp, điểm số nhưng vẫn không quên nêu thông điệp điểm số vẫn là mục tiêu để sinh viên phấn đấu.
Có lẽ góc nhìn của một cá nhân như tôi thì không thể bao quát và chuẩn xác với mọi trường hợp, nhưng tôi tin trải nghiệm thực của mình sẽ góp phần đưa ra thêm một tấm bảng chỉ báo để các bạn sinh viên và gia đình tham khảo. Đặc biệt là để các bạn trẻ không vội vàng tự suy diễn là việc học không quan trọng (vì đến truyền hình còn nói thế(?) hay “cái chính là thực tế, là kiếm ra tiền, cứ có tiền thì làm” giống như lý luận theo kiểu “Bill Gates bỏ học mà vẫn giàu” đã khiến không ít người lạc lối trước đây.
Nếu điểm lại một số bài viết về chủ đề này, bạn và tôi có thể nhận thấy Bill Gates chưa bao giờ khẳng định bỏ học hay xem thường việc học là tiền đề của thành công bền vững, tôi xin gửi lại một số đường link bài viết:
Giờ chúng ta sẽ quay trở lại việc tìm hiểu xem vì sao nhà tuyển dụng ngày nay không quá chú trọng bằng cấp. Tôi nghĩ nếu trình bày một cách đầy đủ, thì đúng ra là họ “không coi trọng những bằng cấp thiếu thực chất”. Điều này giống như sự khác biệt giữa tiền thật và tiền giả, giá trị khác nhau dù bề ngoài có vẻ giống nhau.
Tình trạng vào dễ, ra cũng tương đối dễ, có thể xin điểm, mua điểm, dựa dẫm mối quan hệ còn tồn tại trong một số nhà trường chính là lý do khiến các doanh nhân vốn sắc sảo và coi trọng hiệu quả công việc cảm thấy ngán ngẩm. Họ muốn tuyển người giỏi về để tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, thay vì tuyển người giỏi về để trả lương cao. Do đó, nếu mang một tấm bằng chói lòa nhưng thiếu thực chất đến để đàm phán về mức lương, rồi sau đó lại làm việc không hiệu quả, chắc chắn doanh nghiệp đó sẽ có ác cảm với những ứng viên có bằng cấp cao sau này.
Ngoài ra, câu chuyện bằng cấp còn phụ thuộc vào một lý do khá tế nhị nữa là người chủ doanh nghiệp xuất thân ở đâu và trình độ học vấn ra sao. Nếu họ không coi trọng bằng cấp, học vấn thì chưa chắc con đường họ đã chọn sẽ là con đường bền vững về lâu về dài, dù thực tại đó có thể là những cá nhân “ăn to, nói lớn”. Bởi mọi việc họ làm thường dựa vào kinh nghiệm và bản năng. Liệu bạn có muốn lên một đoàn tàu mà người lái tàu điều khiển nó bằng kinh nghiệm và bản năng không?
Với những chủ doanh nghiệp mà tôi từng tiếp xúc, tôi nhận thấy không ít người trong số họ có nền tảng học vấn bài bản (một số người còn có học vị và trong quá trình trò chuyện, quan sát họ, tôi nhận biết được học vị đó là thực, không phải thứ “giả cổ” hay “tráng men”). Họ có học nên cũng biết trân trọng người có học. Sự nghiệp gắn với những doanh nhân có học thường minh bạch, dù làm sếp nhưng họ vẫn biết trước biết sau. Thậm chí họ còn rất chú trọng đến công tác đào tạo nội bộ và khuyến khích nhân viên đi học thêm các khóa học bên ngoài để phát triển bản thân. Do đó, nếu bước vào một đơn vị mà không coi trọng bằng cấp, không khuyến khích học tập, thậm chí còn lựa lời tác động để các bạn bỏ học đi làm sớm, thì các bạn trẻ nên cảnh giác. Lúc này họ cần bạn, nhưng nuốt được bạn rồi thì họ sẽ không ngần ngại thải bạn ra khi bạn hết giá trị (phần so sánh này có thể hơi thô, nhưng cuộc sống vẫn đang diễn ra như vậy).
Giờ tôi sẽ xin được phân tích vì sao việc học tập vẫn là giá trị đáng để các bạn trẻ phấn đấu. Tôi không thích dùng cụm “điểm số là mục tiêu” để phấn đấu, bởi chúng mang tính thời vụ và hời hợt. Lập thân, lập nghiệp thì không thể hời hợt được mà cần có bài bản, suy ngẫm lộ trình cụ thể. Giá trị sẽ gắn với chúng ta cả cuộc đời, còn mục tiêu chỉ là những đoạn rất ngắn mà chưa đạt được thì chán nản, đạt được rồi lại sinh thói tự mãn, kiêu căng. Học là việc cả đời và thông qua việc học, chúng ta phần nào đánh giá được ý chí và thái độ của con người.
Bạn đã bao giờ nghe câu: “Thái độ quan trọng hơn trình độ” chưa? Nhìn vào quá trình học tập của một ứng viên (không phải bảng điểm, vì thứ đó có thể làm giả được) nhà tuyển dụng có thể xem xét thái độ, năng lực ứng xử của người đang ứng tuyển. Nếu quá trình học tập kèm theo hạnh kiểm bê bết, hoặc một trong hai thứ bê bết, thì không  cơ hội việc làm nào tốt đến với ứng viên đó. Dù họ có là thiên tài chăng nữa nhưng nếu kèm theo đó là sự “lắm tài, nhiều tật” thì cũng rất khó để họ dung hòa được với tổ chức. Trừ khi họ tìm được những nhà lãnh đạo lão luyện, có thể dùng mọi loại người- nhưng với trải nghiệm cá nhân thì tôi nhận thấy những lãnh đạo như vậy không nhiều và cơ hội tiếp cận họ cũng không hề dễ. Xung quanh họ không phải là những người giỏi, mà thường là những người xuất sắc.
Tiếp theo đó, một người liên tục thi lại, nợ môn, ra trường chậm hay nhảy trường này sang trường khác, thường xuyên kêu ca về trường của bản thân cũng không phải là lựa chọn tối ưu với các nhà tuyển dụng. Dù kinh nghiệm làm thêm và số tiền họ kiếm được khi còn đang đi học có nhiều đến đâu, thì cũng không thể thay đổi một sự thực rằng họ có thói quen đề cao tốc độ, coi trọng các lợi ích trước mắt và phong cách "giờ nọ việc kia”. Điều gì đảm bảo rằng một sinh viên ham làm thêm sẽ không trở thành một nhân viên ham kiếm thêm thu nhập từ bên ngoài? Tôi nhận thấy trường hợp này thường dễ được nhận việc vì năng suất, nhưng hiếm khi được trọng dụng. Vì năng lực của họ không ổn định. Họ đến vì tiền nên cũng sẽ vì tiền mà rời bỏ tổ chức. Có lẽ, đôi bên đều hiểu điều này khi mỉm cười bắt tay nhau.
Thay cho lời kết
Đôi dòng chia sẻ của tôi dù còn bé nhỏ, thiên về trải nghiệm cá nhân nhưng mong rằng không lãng phí thời gian đọc của bạn. Là một nhà giáo dục, tôi nhận thấy mình cần có trách nhiệm lên tiếng khi nhận thấy sự xuất hiện của những cách tiếp cận tiềm ẩn nguy cơ dẫn các bạn trẻ đến lối suy nghĩ và hành động phiến diện, tối ưu một trong hai: Coi học là chân lý hoặc hành là chân lý, có kiến thức là có sức mạnh hoặc có tiền là có sức mạnh- trong khi làm người muốn đứng vững cần có hai chân thay vì một chân.
Tôi cũng lo ngại các bạn học sinh, sinh viên sẽ hoang mang khi vừa tưng bừng trải qua lễ tri ân ngày Nhà giáo (20/11), ca ngợi tinh thần tôn sư trọng đạo thế rồi ngay sau đó, các bạn lại phải tiếp nhận thông tin là học tập, bằng cấp không được coi trọng. Vậy giữa “rừng” thông tin ngút ngàn đó, các bạn phải làm gì? Câu trả lời ngắn gọn là: học. Học để biết phân biệt đâu là hoa thơm trái lành, đâu là nấm độc.
Đừng bao giờ từ bỏ việc học, cũng đừng nghĩ rằng học chỉ để có việc làm hay học ở trong trường lớp là đủ. Đối với tôi, từ bỏ việc học là từ bỏ việc làm quan trọng nhất: làm người. Học đi đôi với hành, học rồi mới hành, học kết hợp với hành, đừng quên bạn nhé.