Về giá trị của những hành động trong cuộc sống, tôi từng được lắng nghe hai quan điểm khá thú vị: Thứ nhất là “Nếu việc mình làm có giá trị thì sẽ kiếm được tiền, còn chưa kiếm được tiền thì đối với người khác, việc đó chưa có giá trị”. Thứ hai là: “Nếu chưa kiếm được tiền thì không phải bản thân không muốn kiếm tiền mà chưa đủ giỏi để lấy tiền của người khác”. Nhận xét ấy không phải rút ra từ phim ảnh, sách vở mà rút ra từ hai con người thực, đang sống trong thời đại này- với hai xuất phát điểm khác nhau nhưng giống nhau là đều có thành tựu nhất định trong cuộc sống.
Tôi ngẫm nghĩ về hai nhận xét trên rồi liên tưởng tới nghề giáo. Nghề giáo có giá trị thực hay không? Nếu đem hai nhận xét kia áp dụng triệt để vào con đường này thì cũng không sai, nhưng sẽ khó tạo ra những người thầy đúng nghĩa. Mà thầy không ra thầy thì chẳng nên mơ tưởng trò sẽ ra trò. Người thầy có đạo đức, tri thức không phải lúc nào cũng là người giàu có, tuy nhiên đừng nên để bản thân túng thiếu. Vì túng thiếu thì còn ai muốn nghe lời thầy dạy trong xã hội kim tiền? Nhưng nếu người thầy giảng dạy vì kim tiền, thì ai muốn coi đó là thầy để lắng nghe nữa, khi có thể dùng tiền để đổi lấy điểm chác, bằng cấp từ thầy?
Ngẫm lại tôi thấy con đường của người làm thầy là con đường dành cho những người can đảm. Bởi hình như có nhiều người thông minh nhưng không muốn làm thầy. Cũng có những người thành đạt không muốn làm thầy. Vì làm thầy là làm người dẫn đường qua mảnh đất tăm tối, làm người trồng một cái cây mà bản thân chưa chắc sẽ được hưởng hoa thơm, trái ngọt. Những lời tâm huyết dành cho trò thì cũng phải đến lúc trò lớn khôn mới cảm nhận được, còn tri thức thầy truyền thụ, thì cũng cần tới hàng thập kỷ trò mới ngộ ra (nếu trò đó còn nhớ lời thầy). Con chưa kể tới, những lời ca tụng có cánh dành cho thầy để đổi lấy rất nhiều kì vọng, hình mẫu song chỉ mong thầy sống bằng việc hưởng hương, hương hoa. Nhưng chỉ cần một sai lầm trong đời thôi, từ “thầy” có thể bị đính kèm từ “thằng” phía trước. Con đường “đầu sóng, ngọn gió” này hỏi còn ai muốn theo? Theo rồi thì vì đâu lại muốn bỏ? mặc dù bỏ rồi thì tại sao đôi lúc trong lòng vẫn có chút tiếc nuối?
Người thầy càng tận tâm thì càng phải sống trong mâu thuẫn, giữa một bên là ước mơ giáo dục và một bên là trách nhiệm với gia đình. Còn người thầy không cam chịu  thiếu thốn thì chấp nhận thỏa hiệp với đời để giữ danh thầy nhưng thực ra là thợ.
Câu chuyện về những người thầy khiến tôi nhớ tới hình ảnh của các thiên sứ. Có những thiên sứ cánh trắng, nhưng cũng có những thiên sứ cánh đen và cũng có cả những thiên sứ cánh dơi. Họ đều được Ơn Trên trao cho quyền năng dẫn lối nhân loại nhưng theo bản chất riêng, họ đã chọn lựa những cách thức khác nhau.
Có lẽ vinh quang không thuộc về những đôi cánh họ sở hữu, mà thuộc về hành động họ đã chắp thêm những đôi cánh như thế nào cho nhân loại- “Hành động của một người sẽ nói lên họ là ai.”
Đến đây tôi nhận ra mặc dù quý trọng đồng tiền và tôn trọng người có tiền, nhưng không phải giá trị nào trên đời cũng đo đếm bằng tiền. Vì nếu người thầy nhìn nhận tiền là giá trị, thì những trẻ em ở tầng lớp bình dân trở xuống sẽ không bao giờ có cơ hội ước mơ và được khích lệ để hiện thực hóa những ước mơ ấy.
Năng lực của một người có thể được đo bằng tiền, nhưng nếu người thầy giỏi được hiểu như là người làm kinh tế giỏi thì kinh tế gia đình thầy đi lên nhưng nhân phẩm của thầy và niềm tin của trò, của gia đình trò vào thầy sẽ đi xuống.
Nói đến giáo dục, tôi không nghĩ đến ngày, tháng, năm mà nghĩ đến những cuộc đời. Do đó, tôi cầu chúc cho những nhà giáo dục sống một đời mạnh khỏe, kiên định và nếu thực lòng yêu việc mình làm thì nên theo, không yêu việc mình làm thì không nên khiên cưỡng. Vì khiên cưỡng làm thầy thì có lỗi với thế hệ tiếp theo và cũng có lỗi với bản thân khi không dám sống. Mình không thực là mình thì những điều mình giảng dạy liệu có còn ý nghĩa?
Trong suy nghĩ của tôi, người thầy là người phụng sự cho những lý tưởng cao đẹp nhưng cũng dám sống và biết sống đời mình. Họ có đủ can đảm để tỏa sáng dù biết rằng hoàng hôn đang buông xuống.
Khi kết lại bài này, tôi nhớ tới những người thầy (bao gồm tất cả những người tôi đã gặp, những cuốn sách tôi đã đọc, những thứ tôi từng nhận được và những gì tôi đã cho đi, những khung cảnh thiên nhiên tôi từng được ngắm). Tôi biết ơn lòng từ bi và trí tuệ của những bậc thầy ấy đã soi sáng cho sự vô minh nơi tôi. Để mỗi khi khi mây đen kéo tới, tôi vững tin rằng trên cao kia vẫn có vầng mặt trời.