Tôi chia sẻ chủ đề này vì có cảm hứng viết sau khi chứng kiến và suy ngẫm về các mối tình. Phần nhiều là các mối tình ấy không kết thúc thì cũng là chết từ từ khi chuyển sang một giai đoạn yêu cầu sự cam kết cao hơn.
Với kinh nghiệm ít ỏi của mình trong tình yêu, tôi chưa đủ khả năng đơn độc bàn về nó, mà cần mượn thêm trải nghiệm và tâm sự của những người trong cuộc. Họ từng trải hơn tôi, nhưng tôi tin trong số họ hẳn cũng ít ai dám mạnh mẽ thừa nhận họ hiểu được yêu là gì.
Một đôi nam nữ thích nhau nhưng chưa công khai, không gọi là họ yêu nhau. Khi họ công khai thích nhau, ngỏ lời rồi được chấp nhận thì đó được coi là cặp đôi, là hai người yêu nhau, là người yêu của nhau. Bề ngoài những người xung quanh sẽ thấy họ gần gũi, quan tâm chăm sóc đến nhau hơn. Trong mối quan hệ, thì họ sẽ gọi tên nhau theo cách riêng, có nhiều bí mật chỉ hai người biết, có sự lãng mạn, riêng tư đan xen giận hờn, đùa nghịch. Đó là những điều tôi thường thấy giống nhau ở những người yêu nhau trong giai đoạn đầu, nhưng chuyển sang giai đoạn sau nữa thì hình như bắt đầu có sự biến đổi ra muôn hình muôn vẻ:
Chàng trai có mối quan hệ yêu đương với một cô gái khác, ngoài bạn gái của anh. Bạn gái anh phát hiện ra nên đã tụ họp bạn bè mình lại rồi hẹn chàng trai đến quán cà phê để vạch trần sự bội bạc. Có thể sau nhiều giờ ngẫm nghĩ để rồi lựa chọn cách cư xử giống với các bộ phim kịch tích, cô tin đó là sự trừng phạt đích đáng với anh.
Cô gái tin yêu và muốn vun vén những điều tốt nhất cho chàng trai. Anh ta đón nhận nhưng rồi cơ hội đến và anh ta tìm thấy một cô gái có thể mang lại cho anh ta những điều mới mẻ hơn và theo anh nghĩ là tốt hơn. Anh chia tay và bắt đầu cuộc tình mới và lại nói tiếng “yêu” như một món quà miễn phí mà tạo hóa ban tặng.
Chàng trai và cô gái yêu nhau. Anh chiều chuộng cô cả về vật chất lẫn tinh thần. Cô đón nhận và giữ lại tình cảm cùng tiền lương của anh. Đến lúc xảy ra xích mích khiến hai người không thể tiếp tục, anh muốn nhận lại số tiền của mình thì cô không ngần ngại bày tỏ quan điểm là cô muốn giữ lại một phần đề coi như bù đắp quãng thời gian cô bên anh.
Cô gái chưa yêu bao giờ, chàng trai dạy cô yêu. Khi cô đã biết yêu rồi thì anh rời bỏ cô mà không cần có lý do cụ thể. Anh chưa từng xác định sẽ có trách nhiệm với cô nhưng anh vẫn có thể yêu cô vì anh muốn chứng tỏ anh là một gã đàn ông sành sỏi.
Anh và cô đều có thể yêu nhau, sau đó chia tay, sau đó yêu người khác, sau đó hoặc kết hôn với họ hoặc lại chia tay. Thậm chí là đã thuộc về nhau thì họ vẫn có những khoảng trời riêng để rồi lại tiếp tục yêu người khác.
Đó là vài câu chuyện người thực, việc thực tôi sưu tầm từ những gì mình được chứng kiến. Người ta gọi đó là tình yêu, còn tôi nghĩ nếu tình yêu chỉ có đến vậy thì tại sao các bậc hiền triết đều ca ngợi? vì thú vật có thể tìm bạn tình mà không biết đến tình yêu, phải chăng con người đôi khi cũng có thể trao nhau tiếng yêu mà cũng không cần hiểu yêu là gì?
Trong những ví dụ nêu trên, đâu là dấu hiệu của tình yêu thực sự? Những tin nhắn, những bữa ăn tối, những chuyến du lịch, những lần chờ đợi đón đưa hay những đêm đầy cảm xúc, những phút tâm sự đầy thấu hiểu và vỗ về lẫn nhau hay những món quà, những bức ảnh chụp chung? Hình như cần phải có những cũng chưa thể đủ để chứng minh đó là tình yêu.
Tôi nghĩ nếu người ta chưa thể quên đi lợi ích và khoái lạc, thì đó chưa thể coi là tình yêu.
Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, lời yêu vẫn thốt ra hằng ngày vì không phải ai cũng cần một tình yêu chân thành: quá phức tạp, quá trách nhiệm quá ràng buộc và sớm muộn gì cũng sẽ phải thiệt thòi. Không phải bản chất họ xấu, mà bởi con người chưa đủ vị tha, chưa đủ can đảm dừng tư lợi để yêu thực sự chọn vẹn.
Do đó, tình yêu mà các bậc hiền triết ca ngợi mang đến hạnh phúc, còn tình yêu con người phàm tục trao nhau chỉ tiềm ẩn mầm mống đắng cay, đau khổ.
Để hiểu tình yêu, bạn nên quan sát cách mà các bậc cha mẹ sinh ra và nuôi dưỡng. dạy dỗ con cái. Dù đôi lúc nóng giận, nhiều khi vụng về, áp đặt, chiều chuộng thái quá nhưng chưa bao giờ tình yêu của họ với con cái có sự thay đổi- dù con cái họ lớn khôn hay ngu dại.
Tôi không thể giải thích chi tiết hơn nữa, nhưng tôi có thể khẳng định đó là tình yêu. Thời điểm bạn hiểu ra cha mẹ yêu bạn như thế nào, bạn hẵng nên yêu. Biết yêu không phải là bắt đầu hẹn hò, biết yêu là hiểu trước khi yêu và phân biệt được rõ ràng giữa thích và yêu.
Trước khi nói lời yêu, trước khi lập gia đình và trước khi làm cha làm mẹ bạn đừng nóng vội. Bạn sẽ phải nghĩ cho mình, nghĩ cho cha mẹ, nghĩ cho người vợ, người chồng và con của bạn trong tương lai trước khi quyết định.
Cũng đừng cho rằng yêu để lập gia đình sớm là minh chứng cho sự trưởng thành. Vì đâu ai trưởng thành mà vẫn còn nóng vội nhỉ?
Sẽ tốn nhiều thời gian, nhưng đó là cách con người hoàn thiện nhân tính thông qua tình yêu.
Tôi từng được kể về câu chuyện rằng ở một gia đình nọ, có một chàng trai học cấp ba bỏ học giữa chừng để lấy vợ. Sau khi lấy vợ, cậu ấy sinh đứa con đầu tiên. Đến khi có đứa con đầu tiên, mỗi sáng hai cha con ra quán ăn của mẹ cậu ta để ăn sáng. Cậu tiếp tục ở nhà để gia đình chu cấp. Vài năm sau, đứa lớn cứng cáp hơn, cậu ta có đứa con thứ hai. Người vợ vì quá chán chường nên bỏ đi, còn lại cậu ta với hai đứa trẻ. Sáng, cậu dẫn hai đứa ra quán ăn của mẹ để ăn sáng, còn chiều cậu ra quán của mẹ xin tiền để dẫn đứa thứ nhất ra hàng internet dạy nó chơi game.
Khi chúng ta nghe, đó là một mẩu chuyện bi hài, nhưng với người trong cuộc, có lẽ đó là bi kịch. Giờ chắc bạn hiểu tại sao tình yêu là đóa hoa đẹp đẽ nhưng tôi vẫn khuyên bạn thận trọng rồi chứ? Đóa hoa này không chỉ có gai, mà gai của nó còn có độc. Để thưởng thức tình yêu, bạn cần để sự hiểu biết đi trước, thay vì để bản năng dẫn đường.
 * Bài viết sử dụng ảnh minh họa từ Pixabay