Tết vừa rồi, trên đường về nhà, tôi thấy hai chiếc vỏ bao lì xì cuộn tròn, nằm ê chề trên mặt đường.
“Không rõ là người lớn hay trẻ nhỏ vứt ra nhỉ?”. Tôi nghĩ.
Lì xì từng là nét đẹp văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Người lì xì gửi gắm bình an đến người nhận, ngược lại, người được lì xì đón lời cầu chúc này bằng tâm thế trân trọng. Đầu xuân năm mới, trao và nhận lì xì mang đến niềm hạnh phúc cho cả đôi bên.
Tôi nói từng là nét đẹp bởi với hình ảnh bao lì xì năm trên mặt đất, tôi không thể bao biện nó vẫn đang là nét đẹp, nết đẹp được. Vì nó bị vứt bỏ không thương tiếc sau khi đã trở nên trống rỗng.

Hơn nữa, nếu chỉ người nhận cảm thấy thỏa mãn, còn người trao phải lo lắng, băn khoăn về mệnh giá những tờ tiền trong phong bao đỏ thắm ấy, thì đúng là “thắm lắm, phai nhiều”.
Tại sao gần đây người ta phải lo lắng nhỉ? Có thể, một phần nguyên nhân là do thái độ nhẫm lẫn giữa tình cảm và tiền bạc. Mừng nhiều, tức là tốt, là quý. Mừng ít, tức là chưa tốt, chưa quý.
Con người cho rằng không thể thiếu tiền bạc trong các mối quan hệ, đặc biệt là những mối quan hệ mang tính xã giao. Vậy nên họ sẽ đầu tư nhiều tiền vào những mối quan hệ ấy, dần dà theo thói quen, nếu không có sự đan xen của vật chất thì tình cảm lại càng khó đậm đà.
Một năm, liệu có bao lần người người, nhà nhà bỏ tiền ra không phải vì thành tâm mà bởi đến dịp cần thể hiện, vì “lễ nghĩa sinh phú quý” nhỉ?
Thôi thì không ít đầu óc người lớn bị thời đại kim tiền nhào nặn là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, nếu trẻ em cũng có cách suy nghĩ tương tự, thì rất đáng buồn.
Trẻ em học từ hành động của người lớn. Khi trẻ được mừng tuổi, người lớn thường sẽ hỏi “Con được mừng bao nhiêu” trên danh nghĩa “Để liệu còn ghi nhận tình cảm của người mừng” hoặc để “Cha/mẹ giữ hộ, sao năm nay được mừng có ngần này?”.
Đứa trẻ không hiểu những lý lẽ phức tạp của người lớn, nó chỉ quan tâm đến định nghĩa về sự tỷ lệ thuận giữa mừng nhiều – quý và mừng ít – không quý. Do đó, trẻ sẽ khao khát giá trị từ mệnh giá tờ tiền, thay vì giá trị nhân văn mà phong bao lì xì mang lại.
Xa hơn nữa, trẻ sẽ quan tâm đến tiền và đồng nhất tiền với những thứ bản thân quý trọng, cũng như là chìa khóa vạn năng cho mọi chuyện và là thang đo từng người trẻ gặp gỡ trong tương lai.
Trong lúc người lớn hớn hở nghĩ rằng đang giáo dục con rất tốt về tiền và quản lý tài chính cá nhân, thì thực ra lại đang móc lưỡi câu bằng polyme vào tâm hồn non nớt của trẻ.
Thế là mỗi độ xuân về, trẻ khoanh tay, cúi đầu, nhận lì xì rồi chạy vọt ra chỗ khác bóc lì xì, mắt sáng bừng nếu tờ tiền có số to, mặt xịu xuống khi thấy số nhỏ. Bề ngoài tưởng chừng đáng yêu, nhưng ngầm trong đó, trẻ đã xong xuôi quá trình đánh giá người mừng.
Những cái tết sau, chủ nhân tờ tiền to có thể được chào đón hân hoan từ cửa, còn ngược lại, chủ nhân những tờ tiền nhỏ có thể chỉ vớt vát được câu chào vọng ra từ phòng trẻ.
Trẻ đã biết cách lễ phép và ngoan ngoãn có điều kiện.
Khi trẻ con không còn là trẻ con nữa, thì vòng xoáy lẫn lộn của tiền tài và tình cảm đã thống lĩnh tâm hồn. Sẽ xuất hiện thêm những chàng trai, cô gái với loạt câu hỏi ngộ nghĩnh :“Sao dịp này lại không tặng quà mình nhỉ?”; “Tại sao quà tặng không giá trị thế này mà cũng đi tặng nhỉ?”; “Mình cho đi, ăn đi chơi thoải mái, tặng toàn đồ giá trị thế này mà sao không thích mình nhỉ?”; “Thu nhập thế thì sao xứng đáng với mình nhỉ?” v.v…
Đến khi cha già, mẹ héo thay vì dành thời gian quan tâm, chăm sóc thì cũng chính những chàng trai, cô gái ấy sẽ đưa ra mức lương của mình và trích lại một phần trong đó để đền đáp ơn nghĩa sinh thành. Báo hiếu thậm chí có thể đơn giản hơn nữa, bằng cách chuyển khoản. Vậy cũng tốt thôi, vì họ nghĩ “cái gì không giải quyết được bằng tiền, thì có thể giải quyết bằng rất nhiều tiền”.
Chữ “Hiếu” là lớn, vậy nên tiền phải nhiều.
Cầm những đồng tiền có số to ấy, người lớn năm nào hỏi con về phong bao lì xì- giờ đã thành người già, liệu có hạnh phúc chăng?
Chuyện tôi thấy vỏ chiếc bao lì xì nằm lăn lóc trên đường cũng nhỏ thôi và tôi tin không ít bạn đọc cũng từng thấy hình ảnh này vào dịp Tết.
Dù vậy, chính những điều nhỏ nhoi lại đã, đang góp phần hình thành nên thế hệ tương lai đấy, bạn ạ.
Thành ra, tôi cảm thấy cần phải nói, dù có thể điều mình nói sẽ bị hiểu thành lo xa, nghiêm trọng hóa.
Khi đã quyết định gắn bó với giáo dục, tôi không xem nhẹ những vấn đề tồn tại trong gia đình và xã hội, bởi chỉ mình nhà trường thì không đủ để giáo dục nên những tâm hồn lành mạnh.
Giáo dục là “Không lo xa, ắt phải buồn gần”.
Tiền quý thật, nhưng thiếu Tình, thiếu Giáo dục, thì tiền chỉ còn là bạc mà thôi.