“Tôi chọn dạy gia sư vì tôi tin hình thức này phù hợp với đặc tính và tiềm năng riêng của từng người học. Tôi hướng về giá trị căn bản trong giáo dục là gắn với cuộc sống.”
Đây là những điều tôi chia sẻ trên fanpage “Giáo dục & Cuộc sống” của tôi. Ban đầu phần giới thiệu này không được ngắn gọn như vậy. Sau nhiều lần ngẫm nghĩ, tôi nhận thấy đó là những việc tôi nên làm và tôi có thể làm được khi gắn bó với giáo dục trong vai trò của một gia sư.
1. Vì sao tôi trở thành gia sư?
Khi lựa chọn theo học tiếp lên Cao học, tôi phải tính toán đến chi phí. Thời Đại học, dù tôi có đi làm thêm và cũng may mắn được học bổng tất cả các kì, thì tôi vẫn quá non nớt để nhìn nhận số tiền mình sở hữu bằng con mắt của người có thói quen quản lý tài chính cá nhân. Tiếc là tôi cũng ít gặp được ai có thói quen này khi học Đại học.
Do đó, tôi tiêu hết vào sở thích. Sở thích của tôi là đọc sách và trải nghiệm. Tôi mua rất nhiều sách và trải nghiệm nhiều thứ khác nhau. Có thứ đáng tiền, có thứ không, có thứ rõ ràng là phí tiền nhưng may mắn, tôi không mất hết vì tôi rút ra được bài học, coi như học phí đào tạo kỹ năng mềm (hoặc bẩm sinh tôi lạc quan quá mức nên nghĩ vậy). Tôi có quyết định học Cao học song chưa có tiền học.
Làm thế nào để vừa học Cao học vừa kiếm tiền? Tôi không muốn thử lại những việc mình đã làm thêm thời Đại học, nên tôi quyết định đi dạy gia sư.
Dần dần tôi cảm thấy thích việc gia sư, không phải thích bởi vì được dạy dỗ người khác (dạy dỗ đến nơi đến chốn thì cần nhiều nỗ lực, chứ không phải lối dạy dỗ theo kiểu “thể hiện” mà chúng ta thường bắt gặp trong đời sống) mà thích vì tôi có thể học hỏi được nhiều điều từ học sinh, được chia sẻ vốn sống của tôi với thế hệ tiếp theo, tạo nên cầu nối giữa các bậc cha mẹ và con cái.
Dạy gia sư đồng nghĩa với việc tôi có thể tập trung vào người học, thay vì tập trung vào bài giảng của tôi hay những thứ tôi buộc phải dạy các em cho đúng, cho đủ. Đôi khi cái đúng và đủ đó chưa hẳn đã do người dạy nghĩ ra, mà hình như nó cũng chưa mấy thiết thực cho cuộc đời của các em (chỉ toàn định nghĩa, sơ đồ với công thức trong khi sự sống ngoài kia thì nhiệm màu: lấy đâu ra định nghĩa tình yêu, sơ đồ vận mệnh với công thức làm giàu(?).
Tôi thích chia sẻ, nhưng không phải chia sẻ vì nghĩa vụ mà chia sẻ vì niềm tin rằng những điều mình trao đi sẽ có ích với người học.
Xác định mình theo nghiệp gia sư, trong quá trình học Cao học, tôi đã học thêm chứng chỉ Nghiệp vụ Sư phạm và tìm đọc các đầu sách về giáo dục. Nỗ lực của tôi được đền đáp bằng việc tôi ứng tuyển thành công vào vị trí giáo viên của Dự án Phát triển Văn hóa đọc Sách Ơi Mở Ra.
Tại đây, tôi may mắn được cô Ngọc Minh và các chị em đồng nghiệp- hầu hết tốt nghiệp loại giỏi trở lên tại Đại học Sư phạm Hà Nội bổ túc thêm. Trong hơn một năm gắn bó nơi đây, tôi rút ra được khá nhiều điều quý báu từ cô và các chị em, như: chia sẻ của cô Minh về “Chuyên gia là người chịu khó quan sát, tìm hiểu và tư duy giải quyết các vấn đề”, “Hành trình của cuộc sống là đi qua các điểm và các điểm ấy sẽ dần dần nối thành đường”; “cứ thử đi – hợp với em lắm”; sự nhanh nhẹn và tràn đầy năng lượng của chị Cấn Yến; sự chỉn chu, cẩn thận của chị Liên; sự vui vẻ, thoải mái của chị Miền; ý thức bảo vệ môi trường, tính chu đáo của chị Hải Yến; sự chăm chỉ, nhiệt tình của chị Nhung; sự điềm đạm của chị Lan và tình yêu đối với công việc của các em trợ giảng.
Ngày tôi sắp dừng làm giáo viên, tôi còn gặp được chị Quỳnh, kịp học được ở chị tính lạc quan, tinh thần vươn lên (suýt thì quên, còn chị Mai dạy Tiếng Anh tư duy cho chúng tôi nữa. Tôi học được ở chị thói quen tư duy ngôn ngữ sâu và sắc, mặc dù đến nay tôi vẫn trung thành với lối nói - viết theo cảm xúc).
Hiện tại, tôi không còn là giáo viên nữa, tôi đi dạy gia sư. Vì con người tôi sinh ra hình như hơi khác lạ: Tôi chỉ làm việc mình thích, khi tôi thực sự thích thì tôi thường mơ mộng đến nỗi quên đi lựa chọn đó khó khăn hay dễ dàng.
2. Phụ huynh cần gì? Học sinh cần gì? và tôi có thể (hoặc không thể) làm gì?
Giờ tôi sẽ chia sẻ cụ thể hơn về công việc gia sư của tôi để cảm ơn các bạn đã đọc nội dung rất dài ở phần trước (bạn nào lướt xuống phần này ngay thì nên vui vẻ đọc lại phần 1 đã nhé!)
Những trường hợp phổ biến
Các bậc phụ huynh cần con cái khỏe mạnh, học tập tốt và biết nghe lời.
Học sinh thích ăn, ngủ, vui chơi và tự do.
Đó là hai đường thẳng song song tương đối phổ biến trong các gia đình mà tôi thường gặp.
Những trường hợp đặc biệt
Các bậc phụ huynh muốn thấu hiểu con cái hơn chính bản thân con cái, các bậc phụ huynh muốn con cái xuất sắc đến mức xuất chúng, các bậc phụ huynh muốn bao bọc con cái cả đời.
Học sinh không biết bản thân thích gì, học sinh thích những thứ không nên thích, gặp rắc rối với việc giao tiếp với mọi người xung quanh, trầm cảm nhẹ, nghiện internet.
Đó là bầu trời và mặt đất- nhưng trời không chịu đất và đất cũng không chịu trời.
Tôi có thể làm gì?
Như đã nói ở phần một, tôi cần bắt đầu tìm hiểu từ đặc tính rồi mới đến tiềm năng của học sinh. Tôi tin mỗi chúng ta đều có tiềm năng, nhưng không phải ai cũng nhận ra để rồi phát huy tiềm năng ấy.
Hơn nữa, không phải lúc nào các cá nhân cũng tìm được môi trường thuận lợi và phù hợp để phát triển (không phải môi trường thuận lợi nào cũng phù hợp cho sự phát triển của con người).
Tôi sẽ làm những điều có thể để giúp đỡ học sinh và trò chuyện cùng phụ huynh. Vì tôi có thế mạnh trong việc kết nối và thấu hiểu vấn đề của mọi người. Mỗi trường hợp cụ thể lại có cách giải quyết riêng, nên không có công thức chung nào cả.
Điều tôi cố gắng hướng đến là có thể giúp học sinh tự duy độc lập hơn, tự giác hơn và biết cách tự học. Còn đối với phụ huynh, tôi mong muốn họ lắng nghe thông tin tôi cung cấp và có sự điều chỉnh kịp thời trong quá trình nuôi dạy con em. Để gia đình thuận hòa, thực tế hơn trong những kì vọng về nhau.
Tôi không thể làm gì?
Trước hết tôi không phải là một giáo viên chuyên luyện thi. Do đó, tôi không thể cam kết sẽ mang đến điểm số như gia đình kì vọng. Tôi thường thẳng thắn chia sẻ điều này với các bậc phụ huynh ngay từ đầu.
Tôi không nhân tiền để dạy theo yêu cầu của phụ huynh hay điều chỉnh việc dạy học của mình. Bản thân tôi biết rõ mình đang làm gì và học sinh của tôi sẽ biết chính xác các em muốn gì.
Tôi không đánh đập học sinh hay nghiêm khắc theo kiểu “thương cho roi, cho vọt”. Tôi muốn các em biết ngoài những khái niệm trong sách, cuộc sống này có một quy luật mang tên gọi “Nhân – Quả”: Nếu các em chăm chỉ, các em có kết quả tốt; nếu các em tử tế, mọi thứ tốt lành và ngược lại.
Do đó, tôi sẽ nhắc nhở những điều các em cần lưu ý, nhưng nếu tuổi trẻ của các em muốn xông pha- sự thử nghiệm ấy không nguy hiểm đến tính mạng, đe dọa đến nhân phẩm của các em, thì tôi vui lòng để các em thử với cuộc sống này, để xem tôi nói thật hay không.
Làm thầy không có nghĩa là lúc nào tôi cũng đúng và tôi không cố gắng xây dựng cuộc sống của tôi để sao cho người khác nhìn vào giống với hình dung về người thầy trong các thước phim đen trắng.
Cuộc đời này chỉ có một, nên tôi chọn làm điều mà tôi cảm thấy thích, miễn là điều ấy không gây ảnh hưởng xấu đến ai.
3. Thu nhập thì sao?
Nếu bạn là một gia sư dạy các môn học trên trường lớp như: Văn, Toán, Anh, Vật Lý, Hóa Học, Sinh Học, Lịch Sử, Địa Lý v.v…
Tra Google với từ khóa “Tìm gia sư cho con” là các bạn sẽ có ngay câu trả lời từ các trung tâm (họ thường niêm yết bảng giá trên website). Thu nhập của gia sư thường được tính theo giờ/buổi học, thanh toán theo tháng, mức lương dựa vào bằng cấp, kinh nghiệm và vị trí công tác hiện tại của gia sư (nếu là giáo viên chính thức thì lương sẽ cao hơn giáo viên tự do, giáo viên tự do lương sẽ cao hơn sinh viên).
Nếu bạn là một giáo viên dạy Văn kết hợp với đủ các đầu việc như tôi nêu trên, thì:
Bạn có thể tự đặt ra mức thu nhập mình mong muốn rồi sau đó trao đổi với phụ huynh. Miễn là bạn thực sự tạo ra giá trị và thực hành đúng như những gì bạn thường dạy học trò.
Với tôi, thu nhập cao hay thấp không phải là vấn đề lớn nhất của việc dạy học, mà là nhận mức thu nhập ấy, bạn có cảm thấy tự hào về bản thân hay không?
4. Mới đi dạy thì cần lưu ý gì?
- Thận trọng trước các trung tâm môi giới gia sư: lúc mới lơ ngơ đi dạy, tôi cũng từng bị mất tiền môi giới, nhưng thôi của đi thay người- nếu không được lạc quan bẩm sinh như tôi thì bạn nên tìm hiểu thật kỹ trung tâm gia sư trước khi nộp phí.
- Tỉnh táo trước những lớp có học phí cao bất thường: Kiếm tiền không dễ dàng, dù chúng ta có kiến thức lý thuyết đi chăng nữa.
- Cảnh giác khi nhận lớp ở các khu vực xa, tuyến đường an ninh kém: Nên cân nhắc kỹ việc đi lại, nếu không an toàn thì nên từ chối, vì gia sư hay dạy kèm buổi tối, sẽ bất tiện với các bạn nữ (giờ chủ yếu dạy theo hình thức online, nên vấn đề này tạm thời không còn, nhưng tôi nêu ra không thừa).
- Nên chuẩn bị đầy đủ các bằng cấp, giấy tờ liên quan trong lần đầu đến gặp mặt phụ huynh học sinh. Bạn hãy cư xử lịch sự, chân thành, chừng mực và quan sát xem phụ huynh học sinh có làm thế với bạn hay không? Nếu phụ huynh không tôn trọng bạn, thì rất có thể học sinh cũng thế. Bạn nên quên chuyện nhận học sinh này đi, tự thưởng cho bản thân một que kem, mua một cuốn sách hay về nhà đọc rồi tìm lớp khác phù hợp hơn. (Đừng nghĩ tôi tiêu cực quá nhé, nhưng nếu phụ huynh không ủng hộ bạn, học trò ỷ thế của phụ huynh, thì bạn chẳng thể dạy dỗ được gì đáng kể).
- Xác định rõ với phụ huynh về các kì vọng, mức học phí, thời hạn thanh toán và hình thức thanh toán. Đừng ngần ngại, vì bạn đang làm việc, việc của bạn áp lực và bạn cần chi phí xứng đáng để có động lực làm tốt (nếu ai nói dạy học không áp lực, thì có thể dẫn link các bài báo đề cập đến việc không ít bậc phụ huynh mong con đến trường trở lại, vì kèm con học quá vất vả).
- Dù phụ huynh bận rộn, cùng đừng quên giữ liên lạc với họ thường xuyên.
- Nếu dạy học trực tiếp, hãy tự biết cách bảo quản phương tiện đi lại, tài sản của bản thân. Không được tò mò, táy máy tài sản của học sinh và gia đình học sinh.
- Dù có thời gian, sức lực thì cũng không nên dạy gia sư theo kiểu chạy show ca nhạc. Để làm tốt việc dạy học, bạn cần thực hiện mọi thứ một cách từ tốn, để dạy học một cách từ tốn, bản thân bạn cần là người điềm đạm.
- Chú ý đến các biểu hiện về sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh trước khi bắt đầu mỗi buổi học.
- Cần chủ động học hỏi, phát triển bản thân cả ở phương diện chuyên môn và phương diện ứng xử.
5. Gia sư có phải là công việc thời vụ, kém ổn định?
Dịp trước Tết, có một người anh hỏi tôi: “Liệu em có thể dạy được gia sư 30 năm không?” Tôi nói được. Sau một hồi trầm ngâm, anh nói rằng sẽ cho tôi mượn các cuốn sách về lĩnh vực giáo dục mà tôi quan tâm. (Lúc ấy tôi tưởng là sẽ bị anh mắng cho một trận vì thiếu thực tế hoặc tệ hơn là anh dùng sách để đập tôi- anh nghiên cứu lĩnh vực chính trị, xã hội nên sách của anh toàn cuốn dày). Giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy hoang mang, mà thực ra bây giờ tôi mới nghĩ đến câu trả lời lúc đó.
Tôi thấy rằng hầu hết mọi người quan niệm dạy gia sư là một công việc thời vụ, kém tính ổn định. Nhưng với tôi, đó không phải là một công việc thời vụ và tôi cũng không mưu cầu sự ổn định khi làm việc (dù ảo tưởng này nghe có vẻ hấp dẫn trong một xã hội đầy biến động như hiện nay).
Điều tôi muốn là dạy học, được đóng góp chút gì đó có ích cho các gia đình ở hiện tại- cũng chính là các gia đình trong tương lai.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về việc dạy gia sư, nhưng bài viết này của tôi chưa cung cấp đầy đủ thông tin thì đừng ngần ngại chia sẻ với tôi nhé? Vì trên chặng đường 30 năm, tôi đã đi hơn 5 năm, sẽ có thứ tôi nhớ, cũng có thứ phải được nhắc, tôi mới nhớ.
“Tôi chọn dạy gia sư vì tôi tin hình thức này phù hợp với đặc tính và tiềm năng riêng của từng người học. Tôi hướng về giá trị căn bản trong giáo dục là gắn với cuộc sống.”
#thaunganhhieunghe #chiasenghenghiep.
Nguồn: