Unsplash.com
Đã bao giờ bạn rơi vào tình trạng không còn tiền để sinh hoạt vào cuối tháng hay thậm chí số tiền lương của bạn bốc hơi nhanh chóng dẫu chỉ mới vài tuần đầu trôi qua mà thôi. Và hầu như bằng cách nào đó thì chúng ta vẫn có thể tìm ra giải pháp để gắng gượng, chống chọi cho tới khi tiền lương lại về. Bạn thật là tài giỏi!
Nhưng liệu ai mà thích cảm giác phải luôn xoay sở để chi tiêu cơ chứ và càng ngày điều này càng có khả năng khiến bạn rơi vào vòng lặp của chuyện lương về-trả nợ-vay tiền. Một vòng luẩn quẩn ám ảnh cuộc đời chúng ta.
Qua thời gian tìm mọi cách để không còn phải chịu tình trạng cháy túi cuối tháng của mình. Có tham khảo qua nhiều phương pháp quản lý tiền như Kakeibo hay phương chai lọ gì đấy và thêm tí sự thay đổi tùy theo thực tế cuộc sống bản thân thì giờ mình không còn lâm vào hoàn cảnh như trước nữa. Chi tiêu không khó như bạn nghĩ và không phải là bất khả thi để sống mà không lâm vào cảnh thiếu hụt.
Trước tiên quyết định lên kế hoạch chi tiêu như thế nào, giờ các bạn hãy thử tính xem khoản tiền thiết yếu hàng tháng không thể thiếu bao gồm tiền nhà ở, ăn uống, đi lại là bao nhiêu. Để đảm bảo rằng bạn có thế sống sót một cách bình yên qua một tháng thì số tiền bạn kiếm được nên ít nhất nhiều hơn khoảng trên 15-20%. Có nghĩa là một tháng đối với sinh viên như mình thì cần tối thiểu 3 triệu để chi trả cho chi phí tiền trọ, điện, nước, wifi,... và chi phí ăn uống, thì số tiền mình cần có để có thể sống thoải mái để cân bằng mọi khía cạnh của cuộc sống khoảng 3,5 triệu là hợp lý. Mọi người có thể phản bác rằng sinh viên có thể sống với số tiền ít hơn đó nhiều nhưng đây vẫn nên là con số hợp lý để ta có thể sống thoải mái, không đắn đo nhiều với kế hoạch quản lý tài chính chặt chẽ. Cũng tùy thuộc vào đối tượng áp dụng phương pháp mà số tiền dư ra có thể nhiều hoặc ít hơn. Nếu công việc của bạn đòi hỏi yêu cầu phải gặp mặt, giao lưu nhiều thì nên cân nhắc nâng con số này lên để có thể trang trải được cho những khoản chi phí. Còn nếu như ai đó nói tôi không có khả năng kiếm được đủ số tiền theo như phương pháp thì chẳng có ai giải quyết được vấn đề cho bạn cả, phải tự tìm cách mà kiếm thêm thu nhập hoặc giảm khoản chi tiêu lại hết mức có thể. Nhưng như thế thì nghe có vẻ hơi khổ sở nhỉ.
Sau khi đã biết được mình cần bao nhiêu để có thể sống trong thời gian một tháng, bạn hãy phân chia số tiền ấy cho 4 hộp khác nhau. Hãy chắc rằng mỗi tuần chỉ lấy tối đa hết số tiền trong mỗi hộp thôi nhé, nhưng tốt nhất hãy chi tiêu sao cho còn dư lại một ít tiền đã mà trang trải cho những khoản khác nhé. Nhiều bạn có thể phân chia chi tiết hơn khi chia số tiền đó thành khoản chi tiêu cho từng ngày riêng lẻ. Bám chặt lấy quy tắc, chỉ tiêu trong phạm vi số tiền bạn được cho phép thì không còn gì phải lo đến việc không biết phải sống sao vào cuối tháng nữa.
Và để có thể kiểm soát và theo dõi chi tiêu một cách cụ thể nhất, hãy ghi lại những gì bạn chi tiêu nhé. Mình thường sử dụng phần mềm money lover để ghi lại những khoản chi trong ngày và sao đó nhập dữ liệu cụ thể lên google sheets để có cái nhìn cụ thể và tiện quản lý. Việc này không tốn quá nhiều thời gian đâu nên cố gắng đừng bỏ quên ngày nào nhé.
Bên cạnh đó hãy chuẩn bị riêng cho mình một cái hộp riêng để đựng số tiền còn thừa lại sau một ngày chi tiêu. Dẫu mỗi ngày không nhiều nhưng đến cuối tháng bạn sẽ bị bất ngờ trước số tiền bạn tiếp kiệm được đó.
Sau khi chúng ta đã giải quyết xong vấn đề về chi tiêu thiết yếu mỗi tháng thì còn khoản trên 15% còn lại chúng ta sẽ sử dụng như nào?
Bạn hãy suy nghĩ thật kĩ bạn thích gì, bạn muốn gì và bạn muốn bao nhiêu. Chia số tiền đó theo từng khoản tùy theo mức độ ưu tiên. Đối với trường hợp của mình, bên cạnh ăn uống sinh hoạt, những khoản còn lại bao gồm cafe, giải trí (chơi game, xem phim,...),bạn bè và sách. Xếp theo mức độ ưu tiên đối với mình thì sẽ như sau, cafe, sách, bạn bè và giải trí. Theo như thứ tự ưu tiên này, số tiền còn lại mình sẽ giành phần trăm theo cấp độ gồm 35% cho cafe, 25% cho sách, 20% bạn bè và 15% giải trí. Số tiền 5% còn lại là số tiền dành để cho đi, từ thiện,... Dù không nhiều nhặn gì nhưng vừa có thể giúp đỡ một cho những người không may mắn một phần và vừa đem đến cho bản thân niềm hạnh phúc vì đã chia sẻ được yêu thương trong cuộc sống.
Toàn bộ trên là cách giúp mình chi tiêu một cách khôn ngoan và giúp mình nâng cao hơn nhận thức về tầm quan trọng của quản lý tài chính. Hy vọng sẽ hữu ích được cho mọi người.