Xin chào xin chào, lại là mình đây.
Lời đầu tiên xin gửi lời cảm ơn đến các bạn đọc vô cùng dễ thương nha.
Mình thì không hay viết vời gì lắm nên không trông đợi nhiều. Mới mấy hôm trước vào xem đã có ai vào đọc blog mình viết chưa thì bất ngờ quá, rất là nhiều luôn nè. Lại còn có bạn muốn mình viết thêm nữa chứ hihi. Không phụ lòng mọi người nên mấy hôm nay mình lại ngồi nặn óc để chọn ra chủ đề để gửi đến các bạn đây…
Vào đề. Chắc từ nhỏ đến lớn mọi người đều được nghe đến chỉ số thông minh rồi đúng không, chỉ số IQ ấy? Nếu phụ huynh của bạn cũng giống phụ huynh mình thì họ đều rất chú trọng tới chỉ số IQ của chúng ta và tập trung phát triển chỉ số đó bằng nhiều cách. Nhưng rồi sau này chúng ta dần được tiếp cận đến hai loại chỉ số khác, đó chính là EQ AQ, bạn đã từng qua chưa?
Vấn đề đặt ra là: lĩnh vực bạn theo đuổi sẽ yêu cầu chỉ số nào ở ứng viên? Liệu chỉ phát triển IQ đã đủ để bạn thành công?
Tiếp nối câu chuyện lần trước - tìm job ngon khi trong tay chưa có gì – sử dụng các công cụ có sẵn để bản thân có định hướng trau dồi đúng cách cũng là một ý hay. Các chỉ số nội tại như bộ ba IQ, EQ và AQ một cách tiếp cận khá thích hợp cho các bạn đồng trang lứa như mình có thêm cơ sở tự định hướng bản thân.

Bên cạnh IQ, chúng ta còn có EQ và AQ

IQ là viết tắt của Intelligent Quotient, dùng để nói về chỉ số thông minh của mỗi người. Vì chúng ta không thể đo IQ thụ động bằng các loại máy móc được, để biết được mình có chỉ số thông minh xếp vào loại thiên tài độc nhất vô nhị hay giống như bao người bình thường khác, phải làm kiểm tra mới biết được nhé.
Đã lâu rồi mình không thử đo lại IQ của mình (bạn đọc yêu quý của mình yên tâm là mình không có dưới chuẩn bình thường đâu nhé), mình chỉ nhớ là hồi đó mình có làm nhiều dạng test khác nhau, rồi chọn kết quả trung bình của nhiều bài test.
Bên cạnh IQ thì chúng ta còn có EQ (chỉ số thông minh cảm xúc). Nhà tâm lý học Daniel Goleman đã phát triển thuật ngữ này vào năm 1995, ông cho rằng đó là khả năng giúp một người kiểm soát suy nghĩ và hành động của chính mình, thấu cảm với người khác và chọn ra phương án hành động phù hợp nhất trong những tình huống nhất định.
AQ (thương số nghịch cảnh) được Paul Stoltz phát minh và chú giải trong cuốn sách của ông vào năm 1997. Ông phổ biến chỉ số này để đánh giá khả năng đối mặt với nghịch cảnh của một người liệu có tốt hay không. Bằng cách luyện tập, ngay cả một đứa trẻ cũng có thể cho bạn thấy chỉ số AQ cao là như thế nào đấy (nhưng đừng vì ý đồ “thử lửa AQ” tụi nhỏ mà “tạo tình huống” cho chúng nha, tội nghiệp).

Ngành nghề khác nhau ưu tiên kiểu hình thông minh khác nhau

Giải thích sơ qua về ba loại chỉ số rồi, giờ vào vấn đề chính nè: chỉ số thông minh IQ không còn là điều kiện độc nhất để đánh giá khả năng bẩm sinh của ứng viên nữa.
Các lãnh đạo uy tín với tập thể, có kỹ năng quản lý tốt hầu hết đều bẩm sinh có chỉ số cảm xúc EQ vượt trội (hoặc có thể được rèn luyện liên tục qua năm tháng).
Nếu kỹ năng mềm là miếng ăn trong lĩnh vực của bạn thì sự thành thạo các kỹ năng mềm có mối liên hệ chặt chẽ đến EQ nhiều hơn là IQ. Kỹ năng thuyết trình, kỹ năng nghe hay kỹ năng giao tiếp nói chung đều dựa trên nền tảng của chỉ số cảm xúc cả.
<i>Nghe cũng là một dạng kỹ năng không nên đánh giá thấp nhé.</i>
Nghe cũng là một dạng kỹ năng không nên đánh giá thấp nhé.
Mặt khác, không ít doanh nghiệp và tổ chức lớn ưu ái các ứng viên có chỉ số AQ cao (xử lý vấn đề khéo léo và chịu áp lực tốt). Khá là khó phủ nhận sự thành công của các nhân viên nổi trội về AQ. Nói chẳng đâu xa, chuyện Gen Z nhảy việc thì ai cũng lắc đầu cho là không tốt, nhưng chỉ có những Gen Z lấy lại sự tập trung nhanh bất kể môi trường làm việc, xử lý tốt các biến số thì mới được “miễn dịch” với mặt tối của việc đổi chỗ làm liên tục.

Vậy các chỉ số trên có cải thiện được không?

Tin vui là chỉ số nào cũng cải thiện được, miễn là mọi người thành tâm nha. Cho dù lên một điểm thôi cũng gọi là có cải thiện rồi đó.
Có khá là nhiều cách để nâng cao các chỉ số trên, các bạn có thể tham khảo thêm ở bài viết này nha, nhiều thông tin bổ ích và chi tiết hơn cho các bạn đó. Tóm gọn, chỉ cần đối xử tốt với bản thân là được!
Mình không nói điêu nhé. Giả sử bạn muốn cải thiện IQ, bạn cần làm một số điều trong bài viết đề cập như ăn uống đủ chất, tập thể dục thể thao, ngủ đủ giấc. Chỉ bấy nhiêu thôi đó. Mình thì cũng muốn cải thiện IQ, nhưng rồi mình lười tập thể dục thể thao và ngủ nghỉ như cú…

Kết bài nha

Chúng ta sở hữu nhiều loại chỉ số khác nhau chứ không chỉ có IQ, và mình tin là còn có nhiều chỉ số khác đang chờ các bạn khám phá.
Chỉ cần xác định được lĩnh vực mình quan tâm đang cần yếu tố gì nhất và tập trung phát triển, mình tin rằng ai trong chúng ta cũng sẽ thành công.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi. Nếu các bạn thích thì nhớ đọc mã “viết tiếp” ở phần comment nhé. Bạn thích đọc chủ đề gì thì cũng comment nốt. Hẹn gặp lại các bạn ở câu chiện chia sẻ tiếp theo nha.