“Chênh vênh 25”
Một trang tâm sự của một người cũng sắp bước sang ngưỡng cửa Hai-lăm.
Cách đây vài năm, trên Facebook có một tác giả đã dành cả một trang viết để giãi bày về tuổi 25. Xin mượn lại tiêu đề rất hợp tình của bạn, để giãi bày cảm nhận rất đồng cảm.
25 là một độ tuổi lưng chừng. Bạn vẫn còn là một người trẻ tuổi trong tầm đôi mươi cộng, nhưng bạn cũng kịp nhận ra rằng mình đã “qua bên kia con dốc”, và rằng mình sẽ sớm đếm ngược đến 30. Với một số người trong chúng ta, 25 là lúc phải bắt đầu nhìn về phía “thời hạn” của tuổi trẻ. “Hạn chót” để ổn định lại, bình tâm hơn, và thực sự trở thành người lớn.
Có ai đó từng viết, trở thành người lớn không phải là khi bạn già tuổi hơn, hay có nhiều tiền hơn. Trở thành người lớn là khi bạn có trách nhiệm với cuộc đời của mình. Đó là khi bạn tự trả tiền điện, nước, là khi bạn tự tính toán thuê nhà mỗi tháng, khi bạn mua được chiếc xe đầu tiên, hay khi bạn bắt đầu trở thành trụ cột cho gia đình mình. Trở thành người lớn không có tuổi – bạn có thể đã là người lớn từ năm lên 10, hoặc chỉ đang tập tành làm người lớn khi đã quá 70.
Nhưng, có thể tạm cho rằng tuổi 30 là thời hạn mà phần lớn chúng ta tự dành cho mình, để trở thành người lớn. Có cái gì đó thần kì trong con số 30 ấy làm ta giật mình. “30 mà vẫn còn độc thân”, “30 mà còn ăn bám với bố mẹ”, “30 mà chưa ổn định sự nghiệp”. Dường như xã hội có một định kiến bất thành văn cho cái tầm tuổi 30. Có lẽ bởi vì “Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời”.
Cũng tại vì 30 là ranh giới tinh thần của việc “trở thành người lớn”, nên ta thường giật mình vào lúc 25. Ôi, chỉ còn 5 năm nữa để làm người trẻ tuổi, quên hết trách nhiệm và quên hết nỗi lo.
25, là lúc ta nhận ra ta không còn trốn mãi trong lớp vỏ “trẻ con”, vốn đã quá khổ nữa.Là lúc ta tiếc nuối gần chục năm thanh niên phía trước – có lẽ là đã vui chơi quá ít, hay quá nhiều.Là lúc ta bắt đầu thiếu vắng một người bảo vệ trong những sóng gió cuộc đời.
25, ta nhận ra cuộc đời có nhiều thử thách hơn “màn khó” trong trò chơi. Không như “màn khó”, thứ có khi ta sẽ kiếm được hướng dẫn “qua màn” trên Google – cuộc đời không để lại bí kíp cho ai.
25, ta phát hiện ra mình đang sợ hãi. Những gì ta đang có hôm nay, phóng chiếu tới 5 năm nữa, liệu có đủ sức để gánh gồng cuộc đời của chính ta, và cuộc đời của những “người phụ thuộc”?
25, ta hiểu rẳng mỗi ‘quyết định’ của ta có sức nặng. Không còn là thứ người khác dễ dàng gạt bỏ qua bên, mà sẽ là lời được đưa lên bàn cân nhắc. Bao nhiêu nặng, hẳn là tùy vào chính ta, nhưng chắc chắn không phải là một ý tưởng ngớ ngẩn, vớ vẩn, dớ dẩn như hồi khi ta còn “nhỏ” nữa.
Bạn sẽ đổi thay thế nào khi bước vào 25 tuổi?
Có lẽ, ta sẽ trở nên gai lì hơn, mỏng manh hơn, hoặc sợ hãi hơn. Đứng trước một giai đoạn mà ta bắt đầu phải sẻ chia cuộc sống với những người khác – những người ta yêu thương, những người ta mang nợ. Sẽ thật bình thường nếu bạn thức dậy, thấy hoang mang, mỏi mệt, nản lòng. Trường lớp đã dạy ta tất cả những “kiến thức” của nhân loại, nhưng lại không dạy cho ta biết làm sao vượt qua nỗi bất an trước những thứ mơ hồ kia.
Chẳng có câu trả lời chính xác nào cho muôn vàn câu hỏi ta phải tự vấn.
Làm thế nào để đối mặt với thất bại?
Làm sao có thể từ chối một người?
Làm sao đủ tiền đi học và nuôi gia đình?
Làm sao có thể nói với người thân rằng ta chưa sẵn sàng cho sự ổn định?
Làm sao …
Tương tự như học cách chơi một trò chơi mới, ta phải học cách tự tìm ra công thức của chính cuộc đời ta. Chẳng có con đường nào là dễ dàng, và cũng chẳng có ai có khả năng thay ta đưa ra một câu trả lời “đúng”. Và ta sẽ phải là người tự đặt những lựa chọn lên bàn cân, và tự làm phép “đánh đổi” giữa những gì ta cần, những gì ta có, và những gì ta muốn.
Và cũng sẽ phải hiểu rằng, những gì đang xảy ra – tại tuổi 25, ấy chỉ mới là điểm bắt đầu. Nhưng nếu, tại tầm 25 này, ta không tìm ra “công thức” cho chính mình, ta sẽ mãi mắc kẹt tại thời điểm “chênh vênh” ấy.
01.11.2021
LW
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất