"Chém gió" về Giá trị cá nhân
Xin chào mọi người, gần đây mình có cơ hội tìm hiểu về chủ đề Giá Trị Cá Nhân nên mình cũng muốn “chém gió” về những suy nghĩ của mình...
Xin chào mọi người, gần đây mình có cơ hội tìm hiểu về chủ đề Giá Trị Cá Nhân nên mình cũng muốn “chém gió” về những suy nghĩ của mình và chia sẻ thông tin mình tìm hiểu được qua bài viết này.
Lưu ý: bài viết sẽ dài, được tổng hợp từ nhiều nguồn, hơi mang tính chủ quan và có nhiều lý thuyết tâm lý liên hệ qua lại nên nếu bạn không thích thể loại này thì có thể bỏ qua bài viết, còn nếu bạn hứng thú thì xin mời đội nón bảo hiểm vào.
I – Định nghĩa Giá trị cá nhân
Thông thường, chúng ta gặp khá nhiều người nói về Giá trị cá nhân trong trong cuộc sống, đặc biệt là khi apply cho một vị trí nào đó luôn có những câu hỏi đại loại như: “Giá trị cá nhân của bạn là gì?”, “Giá trị cá nhân ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hàng ngày và công việc của bạn?”, “Giá trị cá nhân của bạn phù hợp như thế nào đến vị trí bạn đang ứng tuyển?”,… (mình cũng chưa apply công việc bên ngoài quá nhiều nên chủ yếu trải nghiệm này đến từ tổ chức AIESEC, các bạn đã phỏng vấn nhiều xác nhận giúp mình nhé).
Tuy nhiên, khi mình trao đổi với một số bạn thì mình nhận thấy có một nhìn nhận phổ biến về Giá trị cá nhân đó là một tính cách hoặc thái độ đối với một việc gì đó. Ví dụ như “giá trị cá nhân của tôi là kỷ luật, tôi không chấp nhận được việc người khác vô trách nhiệm với công việc của mình”. Định nghĩa này không sai nhưng không phải là cái mình đang nói đến.
Theo bài nghiên cứu “Personal Values in Human Life” (2017) của Shalom H. Schwartz – nhà tâm lý học xã hội người Mỹ, “giá trị” được định nghĩa là những thứ “tốt và xứng đáng”, “thể hiện đặc điểm của một cá nhân hoặc tổ chức”; “giá trị cá nhân” được định nghĩa là những “mục tiêu mà mỗi người muốn đạt đến” “thúc đẩy hành động và tạo ra các quy tắc định hướng trong cuộc sống của mỗi người”. Hay nói cách khác dễ hiểu hơn, “Giá trị cá nhân chính là những điều mà mỗi người chúng ta cho rằng là quan trọng, là ưu tiên cao nhất của chúng ta trong cuộc sống”.
Vậy điểm khác nhau giữa định nghĩa phổ biến như ví dụ trên và định nghĩa trong bài của Schwartz là đối tượng hướng đến. Định nghĩa phổ biến hướng đến một đối tượng bên ngoài (công việc, gia đình, bạn bè,…) khi mà bản thân có giá trị đối với đối tượng đó, ví dụ như giá trị thông cảm đối với gia đình, bạn bè, hay giá trị trách nhiệm đối với công việc. Còn định nghĩa còn lại hướng đến đối tượng là bản thân - Điều gì thật sự quan trọng và xứng đáng để cố gắng trong cuộc sống của bản thân.
Bạn cũng có thể thử tự hỏi câu hỏi đó để xem mình có thật sự hiểu giá trị cá nhân của mình chưa?
II – Sự hình thành của Giá trị cá nhân
Theo như nhà xã hội học Morris Massey, Giá Trị Cá Nhân được hình thành đồng thời với tính cách ở ba giai đoạn sau:
Giai đoạn In Dấu (imprint period) xảy ra từ lúc ta sinh ra đến lúc ta 7 tuổi. Chúng ta sẽ hấp thụ hết tất cả mọi thông tin diễn ra xung quanh mình và chấp nhận hầu hết chúng như sự thật, đặc biệt là từ cha mẹ của chúng ta.
Giai đoạn Bắt Chước (modeling period) được hình thành từ năm 8 tuổi đến 13 tuổi. Ở giai đoạn này, chúng ta sẽ bắt chước mọi người, thường là cha mẹ chúng ta, và những người khác nữa. Thay vì chấp nhận mọi thứ một cách mù quáng, ở giai đoạn này chúng ta thử nghiệm mọi thứ và xác định cảm nhận của chúng ta về những điều này như thế nào.
Giai đoạn Xã Hội Hóa (socialization period) từ 14 tuổi đến 21 tuổi. Ở giai đoạn này chúng ta bị ảnh hưởng rất lớn bởi những các mối quan hệ trong xã hội, đặc biệt là bạn bè. Trong quá trình phát triển, chúng ta sẽ tìm kiếm những cách để giúp chúng ta thoát khỏi những niềm tin, giá trị mà chúng ta được lập trình từ nhỏ. Vì vậy, một cách tự nhiên chúng ta sẽ tìm đến những người có vẻ giống chúng ta. Các ảnh hưởng khác trong giai đoạn này còn bao gồm truyền thông, sách vở, công nghệ, thần tượng, thời đại chúng ta sống…
Chốt lại ý nghĩa của phần này là: gần như giá trị cá nhân của chúng ta đã được hoàn thiện ở thời điểm hiện tại (sinh viên trở lên) và cách để tìm ra nó không phải là hướng ra ngoài các đối tượng khác mà là hướng vào bên trong của bản thân (như ở phần định nghĩa).
III – Giá trị cá nhân là một mô thức?
Bạn có biết yếu tố tâm lý nào chi phối tất cả hành động thường ngày của bạn không?
Theo nhà phân tâm học Sigmund Freud, con người có 3 cấp độ nhận thức: Ý thức, tiềm thức và vô thức.
Trong đó, ý thức (conscious) là vùng chi phối những hoạt động có tổ chức của bộ não. Ý thức chứa đựng những suy nghĩ hàng ngày của chúng ta. Với ý thức, bạn có thể chấp nhận hay phản kháng lại bất kỳ ý tưởng nào do bạn nhận thức được suy nghĩ của mình.
Khác với ý thức, tiềm thức (subconscious) là vùng chi phối những hoạt động theo thói quen của bộ não và chúng ta thường không nhận thức được nó. Tiềm thức tạo ra trí nhớ dài hạn và có khả năng xử lý hàng nghìn sự việc cùng một lúc. Tiềm thức tiếp nhận toàn bộ ý tưởng và sự việc một cách không phê phán.
Vô thức (unconscious) là vùng kiểm soát những hoạt động theo bản năng của bộ não (não bò sát), là tầng sâu nhất của tâm lý. Hình ảnh trong vô thức có thể có cả quá khứ, hiện tại và tương lai nhưng chúng liên kết với nhau không theo quy luật hiện thực nào cả. Vô thức là nhân tố tạo ra các giấc mơ của chúng ta.
Bên trong tiềm thức của mỗi người có một khái niệm gọi là mô thức (paradigm). Từ mô thức (nếp nghĩ/ quan niệm/ não trạng) có nguồn gốc từ tiếp Hy Lạp. Nó nguyên thủy là một thuật ngữ khoa học, và ngày nay được sử dụng rộng rãi với các nghĩa là “hình mẫu”, “lý thuyết”, “góc nhìn”, “giả định”, hoặc “khung tham chiếu”. Hiểu một các tổng quát, mô thức là cách chúng ta nhìn nhận sự việc – không phải theo chức năng thị giác, mà liên quan đến nhận thức, sự thấu hiểu và diễn giải sự thấu hiểu đó.
Ví dụ như việc bạn nhìn nhận một người nào đó là rất đẹp nhưng người khác thì lại không thấy vậy. Đó là do sự khác nhau giữa mô thức, được hình thành từ những trải nghiệm trong quá khứ.
Tác dụng của mô thức là dẫn dắt và tạo ra tất cả các hành động và cảm xúc của mỗi người. Và bằng một cách suy luận logic, chúng ta sẽ thấy rằng các giá trị cá nhân (thứ quan trọng với chúng ta) cũng đến từ cách chúng ta nhìn nhận mọi thứ xung quanh và được tạo nên theo quá trình phát triển của mỗi người. Vì vậy, mình tạm thời kết luận giá trị cá nhân được hình thành từ các mô thức của chúng ta.
Như bạn thấy, giá trị cá nhân hay mô thức sẽ dẫn dắt hành động của chúng ta, và mỗi hành động sẽ tạo nên cuộc đời của chúng ta hiện tại. Vậy tầm quan trọng của giá trị cá nhân là nó tạo nên cuộc sống của mỗi người.
IV – Giá trị cá nhân được sắp xếp thành một hệ
Thông thường, nhiều người (hoặc ít nhất là có mình) sẽ nghĩ rằng khi nhắc đến giá trị cá nhân thì mỗi người sẽ chỉ có 1 giá trị duy cốt lõi duy nhất. Tuy nhiên, cũng theo bài nghiên cứu của Schwartz, giá trị cá nhân của mỗi người sẽ bao gồm nhiều giá trị được xếp thành một hệ theo thứ tự ưu tiên hay tầm quan trọng giảm dần từ trên xuống.
Và vì vậy, mỗi người sẽ có nhiều giá trị cá nhân khác nhau, được sắp xếp khác nhau từ đó hình thành một hệ giá trị độc lập cho bản thân, tạo nên sự độc nhất trong cách nghĩ và dẫn dắt các quyết định trong cuộc sống.
IV – Đặc điểm của Giá trị cá nhân
Từ tất cả những lý luận trên, mình sẽ kết luận lại một số đặc điểm tạo nên tầm quan trọng và sự ảnh hưởng của giá trị cá nhân lên cuộc sống của chúng ta.
1. Động cơ nhất quán
Giá trị cá nhân là một mục tiêu mà chúng ta muốn hướng tới, đống vai trò như một động cơ cốt lõi thúc đẩy mọi hành động của chúng ta trong cuộc sống, và vì vậy nó nhất quán trong tất cả các trường hợp. Bạn không thể chỉ có giá trị gia đình khi ở nhà mà không có giá trị đó khi đi làm. Nếu bạn nhận ra giá trị của mình thay đổi trong các tình huống thì bạn nên nhìn nhận lại xem nó có thật sự là giá trị cá nhân của mình không.
Tuy các giá trị cá nhân sẽ không thay đổi nhưng thứ tự của các giá trị đó trong hệ giá trị có thể sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của cuộc đời. Sự kiện lớn trong đời làm thay đổi thứ tự hệ giá trị dễ dàng nhận thấy nhất đó là khi một người kết hôn và có gia đình. Lúc này, mức độ ưu tiên của giá trị gia đình sẽ tự nhiên tăng lên trong thang giá trị.
2. Định nghĩa thành công
Mình từng có một cuộc trò chuyện với cậu mình như thế này:
- Cậu nghĩ điều quan trọng nhất đối với cậu trong cuộc sống là gì?
- Là gia đình.
- Cậu nghĩ mình có đang thành công không?
- Theo định nghĩa của riêng cậu thì cậu nghĩ mình đang thành công.
- Cậu cảm thấy mình bắt đầu thành công từ lúc nào?
- Ngày cậu nhận được tháng lương đầu tiên và cầm tất cả mang về đưa cho bà ngoại. Kể từ ngày đó cậu cảm thấy mình thành công.
Bạn có nhìn thấy được điều gì đặc biệt trong câu chuyện này không? Từ cuộc trò chuyện này mình đã nghiệm ra được một thức đó là: giá trị cá nhân mới là thứ định nghĩa nên sự thành công trong cuộc sống
của mỗi người thay vì tiền bạc hay địa vị như tiêu chuẩn của xã hội.
Ở đây mình nghĩ các bạn sẽ thấy xuất hiện một vài vấn đề. Do định nghĩa về thành công thông thường sẽ cần thành tựu để chứng minh, vì thế một số giá trị cá nhân trù tượng như sự tri thức, sự tự do, sự chân thành,… sẽ khó mà xác định được khi nào chúng ta thành công.
Để trả lời câu hỏi này thì cần lý giải thêm một điều nữa đó là cảm giác thành công. Mình định nghĩa cảm giác thành công tương đương với cảm giác hạnh phúc (vì nó không chỉ nói về công việc mà là cả cuộc sống).
Cảm giác hạnh phúc suy cho cùng cũng sẽ là một cảm xúc nhất thời tại một thời điểm nhất định, như khi bạn đạt được một thành tựu, hay khi bạn ngẫm nghĩ về cuộc đời ý nghĩa của mình, hay khi bạn cảm nhận sự yêu thương của gia đình,… các chất dẫn truyền thần kinh tạo sự vui vẻ (như dopamine, endorphins, serotonin, oxytocin,...) sẽ tăng cao tạo ra cảm giác hạnh phúc. Và vì vậy, để đạt được cảm giác hạnh phúc liên tục và bền vững, chúng ta cũng sẽ phải hướng đến một thành công liên tục và bền vững. Cái mình đang nói đến là cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Nếu mình hy sinh các giá trị cá nhân ở hiện tại và cố gắng rất nhiều năm để đạt được một thành tựu nào đó thì thật ra mình đã không thành công vì chặn đường đó không được xây dựng trên những giá trị cá nhân của bản thân (mình không cổ súy mọi người luôn làm theo những gì mình thích, mà chỉ nói về việc quá trình đó không nên đi ngược lại với giá trị cá nhân của bản thân).
Kết luận lại luận điểm này: Các giá trị trong hệ giá trị cá nhân sẽ định nghĩa được sự thành công của mỗi chúng ta là gì.
3. Sự độc nhất
Như đã đề cập ở phần III, giá trị cá nhân sẽ được sắp xếp thành một hệ và khác nhau ở mỗi người, từ đó tạo nên sự độc nhất trong tính cách và cảm xúc của mỗi cá nhân. Vì vậy, đừng bị lệ thuộc vào suy nghĩ, mục tiêu hay chạy theo định nghĩa thành công của người khác vì mỗi người sẽ có những thứ quan trọng của riêng mình.
V – Làm thế nào để tìm được giá trị cá nhân?
Mình đoán đây sẽ là phần các bạn tò mò nhất sau một loạt các lý thuyết dài loằn ngoằn ở trên. Đầu tiên, mình sẽ giới thiệu ngắn gọn về cơ chế nhận thức bản thân như sau:
Tất cả mọi hành động và cảm xúc hàng ngày của chúng ta sẽ đến từ các mô thức của bản thân. Thông qua các trải nghiệm thường ngày, các hành động và cảm xúc này sẽ có xu hướng lặp đi lặp lại tạo thành một khuôn mẫu (pattern). Sau đó, thông qua sự quan sát, nhìn nhận, lắng nghe, và thấu hiểu các pattern đó, chúng ta sẽ rút ra được những nhận thức mới về bản thân mình.
Và cũng vì vậy, điểm cốt lõi của con đường tìm ra bản thân mình nằm ở việc Trải nghiệm nhiều hơn để tạo ra những pattern rõ ràng hơn, và Lắng nghe bản thân (self-reflection) nhiều hơn để nhìn ra được ý nghĩa của những pattern đó nhanh hơn.
Cuối cùng, cái mà các bạn cần nhìn nhận và trả lời đó là: “Điều gì là quan trọng nhất đối với bạn trong cuộc sống?”
VI – Vì sao chúng ta không hành động theo giá trị cá nhân?
Có một nghịch lý khá phổ biến luôn xảy ra, đó là chúng ta đôi khi sẽ không thực hiện tốt những thứ chúng ta cho là giá trị cá nhân. Vì sao những thứ quan trọng nhất đối với mình nhưng mình lại không thực hiện tốt nó? Vì sao giá trị cá nhân của bạn là gia đình nhưng bạn thường cãi nhau với họ và làm họ buồn? Vì sao giá trị cá nhân của bạn là bản sắc (authenticity) nhưng bạn lại phán xét người khác?... Ở đây mình có 2 luận điểm:
1. Tiêu chuẩn của bạn được tạo ra từ điều gì?
Trên thực tế, nếu mình đặt giá trị cá nhân của bản thân là tri thức (khá trừu tượng) thì mình không thể nào xác định được mình đã tri thức hay chưa mà vấn đề sẽ nằm ở cảm nhận chủ quan của bản thân và người khác. Mình đang viết những thứ này có thể được cho là có tri thức hoặc “chưa tới” tùy theo tiêu chuẩn của mỗi người. Vì vậy việc hành động đúng theo giá trị cá nhân của bản thân hay không là do mỗi người tự cảm nhận về mức độ và sự hài lòng của bản thân đối với chính mình.
2. Bản năng, bản ngã, và siêu ngã
Ở luận điểm thứ 2, mình sẽ dùng đến một lý thuyết phân tâm học. Cũng theo nhà phân tâm học Sigmund Freud, tính cách con người sẽ được chia thành 3 yếu tố: bản năng (Id), bản ngã (ego) và siêu ngã (superego).
Bản năng (Id) là thành tố duy nhất của tính cách xuất hiện từ lúc mới sinh ra. Khía cạnh này của tính cách hoàn toàn là vô thức, gồm nhiều hành vi thuộc về bản năng nguyên thủy. Bản năng bị điều khiến bởi nguyên lý thỏa mãn, tức luôn đi tìm kiếm sự dễ chịu, thoải mái ngay tức khắc, đáp ứng lại mọi khao khát, ham muốn và nhu cầu. Nếu những nhu cầu này không được ngay lập tức đáp ứng, chủ thể sẽ rơi vào trạng thái lo âu hoặc căng thẳng. Ví dụ, cơn đói hay cơn khát tăng lên sẽ làm xuất hiện nỗ lực tìm kiếm cái ăn hay đồ uống ngay lập tức.
Bản ngã (Ego) là cấu phần của tính cách chịu trách nhiệm giúp ta xoay xở với đời sống thực. Bản ngã phát triển nên từ bản năng, và nhiệm vụ của nó là đảm bảo những thôi thúc của bản năng được thể hiện ra một cách dễ chấp nhận trong thế giới thực.
Cấu phần xuất hiện cuối cùng của tính cách là siêu ngã (Superego). Siêu ngã là một phần trong tính cách nắm giữ tất cả những tiêu chuẩn đạo đức và lý tưởng mà bạn tiếp nhận từ cả cha mẹ và xã hội – nó chính là cảm nhận của chúng ta về cái đúng cái sai trong cuộc sống. Siêu ngã chỉ dẫn giúp ta đưa ra phán xét.
Để dễ hình dung thì siêu ngã giống như thiên thần, bản năng là ác quỷ, còn bản ngã chính là bạn.
Quay lại với câu hỏi trên: “Vì sao chúng ta không thực hiện theo giá trị cá nhân của mình?”. Ở đây mình sẽ cho rằng giá trị cá nhân của mỗi người được tạo ra bởi siêu ngã. Vì nó được cấu thành từ những điều tốt đẹp và chuẩn mực (mình chưa bao giờ nghe ai nói giá trị cá nhân của bản thân là lười biếng). Cũng vì thế, chúng ta có thể dựa trên lý thuyết phân tâm để đưa ra luận điểm rằng việc chúng ta không làm theo được những giá trị cá nhân của bản thân là do chúng ta không đủ kỷ luật để kiềm hãm và chi phối bản năng mà bị kiểm soát ngược lại. Dẫn đến việc các hành động của chúng ta điều hướng đến sự thõa mãn nhất thời và đi ngược lại với những giá trị được đề ra bởi siêu ngã. Tuy vậy, những giá trị đó vẫn rất quan trọng đối với chúng ta, và vì vậy chúng ta sẽ liên tục dằn vặt và đau khổ trong cuộc sống.
VII – Kết luận
Và đó là tất cả những suy nghĩ của mình về chủ đề Giá trị cá nhân này. Đương nhiên mình vẫn chưa đọc và liên kết được tất cả những thứ liên quan nên mong rằng các bạn quan tâm sẽ cùng trao đổi thêm về chủ đề này. Hy vọng những điều trên sẽ giúp bạn nhận thức được điều gì đó về bản thân. Xin chào!
Nguồn tham khảo:
Personal values in human life - Shalom H. Schwartz
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất