Lưu ý: Đây sẽ là review mang quan điểm cá nhân và sẽ tiết lộ một số nội dung phim, các bạn cân nhắc trước khi đọc nha
Xin chào, lại là mình đây =)). Các bạn có công nhận với mình là đôi khi có những cuốn sách/bộ phim mà mình xem khi còn là tấm chiếu mởi khi xem lại sẽ có cảm giác hoàn toàn khác không? Bộ phim vẫn thế, tình tiết vẫn thế. Chỉ có bạn là khác đi, trưởng thành hơn. Kéo theo đó là góc nhìn và cảm nhận về bộ phim hoàn toàn khác với trải nghiệm ban đầu. Với mình The Blind Side là một bộ phim như thế.
The Blind Side là bộ phim dựa trên cuốn sách: “The Blind Side: Evolution of a Game” của Michael Lewis. Là câu chuyện ghi lại những năm tháng trung học của cầu thủ chơi bóng bầu dục cho đội tuyển quốc gia Michael Oher. Và cách mà gia đình nuôi của anh đã “cứu rỗi” anh và đưa anh đến con đường thể thao chuyên nghiệp. Gòao, nghe qua thì có vẻ là một hành trình nỗ lực vươn tới thành công, một câu chuyện về lòng tử tế và trắc ẩn đấy, healing đấy. Nhưng sự thật đằng sau có phải là thế hay không?
1. Một bộ phim với những người da trắng thượng đẳng chuyên đóng vai là “kẻ cứu tinh”
Bài review về phim The Intouchables trước đó, mình có đề cập đến công thức “White Savior” . Khi mà trong đó, những người da trắng luôn đóng vai là vị cứu tinh, đi giải cứu kẻ-mà -ai- cũng- biết -là – ai -đấy. Nhìn vào The Blind Side mà xem. Chúng ta có một Sandra Bullock thủ vai một bà mẹ nuôi không-thể-tuyệt- vời-hơn. Người mà mỗi khi Michael gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ, cần “cứu giúp” là BÙM, xuất hiện như một vị thần và giải quyết mọi vấn đề một cách xuất sắc.
– Michael đi bộ trong cơn mưa lạnh? – Dừng xe, cho Michael lên xe, cho một chỗ trú qua đêm. Rồi cho ở lại ăn tối, rồi ăn lễ Tạ Ơn, rồi trở thành người một nhà. Hành trình nghe hợp lý đấy
– Michael không biết cách chơi bóng bầu dục? Cô thay mặt huẩn luyện viên chỉ cách chơi. Thậm chí còn dạy cho HLV cách chỉ dạy học trò của mình? Rìa lý? Cô ấy chỉ là một nhà thiết kế nội thất. Làm sao có thể so với một HLV có kinh nghiệm và được đào tạo bài bản được? Nhưng thôi, ta cứ tạm mắt nhắm mắt mở bỏ qua đi. Cứ coi như cô ấy hiểu Michael nên làm được điều đó đi
– Michael học tệ nên có nguy cơ sẽ không thể tốt nghiệp được để chơi bóng bầu dục? Ok, cô chi tiền thuê giáo viên về dạy kèm. Rồi nhờ đó mà nâng cao điểm số, thuận lợi tốt nghiệp. Rồi thuận lợi trở thành cầu thủ bóng chày xuất sắc. Nghe cứ như mọi nỗ lực cố gắng của anh ấy là bằng không và con đường tới thành công là do cô trải ấy nhỉ =))
Ngay cả đến việc Michael được các huấn luyện viên để ý cũng là do S.J- cậu con trai của cô quay video rồi gửi đi =)). Trùng hợp thế nhò.

2. Hạ bệ Michael Oher một cách trắng trợn

Thứ nhất là về tính cách. Michael Oher nguyên mẫu có thể trầm lắng và ít giao tiếp, nhưng không rụt rè và thảm hại một cách lố bịch như những gì mà phim miêu tả. Tại sao cứ phải hạ bệ một nhân vật người da màu dù cho đó là nhân vật chính chỉ để nâng tầm hình ảnh của người da trắng lên?Thứ hai, trong thời ấu thơ của mình, anh đã bắt đầu chơi thể thao trước cả khi được nhận nuôi. Chứ không phải là cục than rơi vãi lề đường, được người ta nhận về rồi mài bóng và trở thành viên kim cương. Ngoài ra, anh cũng có nhiều bạn bè đồng trang lứa chứ không phải là đứa trẻ cô độc không ai thèm chơi cho đến khi SJ chơi cùng.
Thứ ba, anh là người biết chơi thể thao và tự mình nắm rõ luật chơi chứ không phải là gã khờ ngu ngốc đợi đến khi bà mẹ nuôi thượng đẳng của mình dạy cho biết thế nào là tấn công, thế nào là phòng thủ. Ngoài đời, anh cũng là người thân thiết với HLV đầu đời của mình chứ không phải hời hợt và xa cách như trong phim.
3. Người Da Màu luôn đóng vai phản diện, tệ hại và bạo lực
Nếu để ý kĩ thì bạn có thể thấy một sự phân biệt chủng tộc đáng kinh tởm nhưng núp dưới một cái vỏ đầy ngọt ngào ở The Blind Side. Tất cả những kẻ mang xu hướng bạo lực, tệ hại đều là người da màu. Những người hàng xóm sẵn sàng lôi kéo Michael vào con đường nghiện ngập, đe dạo bạo lực, sử dụng chất cấm. Người mẹ thiếu tình thương, người từng nuôi Michael nhưng lại muốn bỏ rơi cậu. Thậm chí đến cả nhân viên NCAA, người điều tra Michael lại tình cờ thay là người da màu. Trong khi đó những người da trắng thì ngược lại. Nếu có xấu thì cũng được khắc họa vô cùng mờ nhạt và sẵn sàng bỏ qua định kiến một cách dễ dàng. Ngao ngán làm sao =))
4. Một nửa bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật thì đã không còn là sự thật.Điều mình ghét nhất ở bộ phim đó chính là việc bẻ cong sự thật. Những gì Michael Oher làm được bây giờ là cố gắng luyện tập và nỗ lực hết mình. Việc được nhận nuôi và hỗ trợ chỉ là một phần đóng góp nên thành công của anh ấy. Chứ chưa bao giờ là tất cả. Phủ nhận một cách trơ tráo và trắng trợn nỗ lực của một người chỉ để nâng người khác lên. Điều này thực sự Thật sự đáng khinh.
Bạn có thể nói việc đây chỉ là bộ phim, những tình tiết hư cấu và đẩy mọi sự quá lố lên để phù hợp thị hiểu khán giả. Mình hoàn toàn chấp nhận điều đó. Nhưng việc đẩy theo chiều hướng kỳ thị, mang đầy định kiến về chủng tộc và bác bỏ mọi nỗ lực của người khác như The Blind Side thì mình không thể chấp nhận được.
Bạn biết đấy, những viên kẹo bọc đường thì luôn ngọt ngào và hấp dẫn. Nhưng ăn nhiều và ăn nhanh thì dễ sâu răng và tiểu đường lắm đó. Có bộ phim nào khiến bạn phải quay ngắt 180 độ khi xem lại như The Blind Side không? Cmt bên dưới cho mình biết với nhé. Cảm ơn các bạn đã đọc tới những dòng này.
Đọc thêm nhiều bài review của mình ở đây nha