Tại Syria, chế độ Assad đã chính thức sụp đổ. Hafez al-Assad lên nắm quyền từ năm 1971, xây dựng một chế độ độc tài hà khắc kéo dài hàng thập kỷ. Sau đó, Bashar al-Assad kế vị và duy trì quyền lực bằng việc sử dụng khí độc và bom thùng, khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng trong cuộc nội chiến đẫm máu.
Chỉ cách đây vài ngày, Bashar al-Assad vẫn còn kiểm soát một phần lãnh thổ Syria. Nhưng tình thế đã thay đổi chóng mặt khi quân nổi dậy bất ngờ phát động một cuộc tấn công vào Aleppo. Tiếp sau đó, họ lần lượt chiếm được Hama, rồi Homs. Đến cuối ngày thứ Bảy, khi lực lượng nổi dậy áp sát thủ đô Damascus, Assad buộc phải tháo chạy, đánh dấu hồi kết cho một chế độ đã thống trị Syria suốt hơn nửa thế kỷ
Đây là một thời khắc lịch sử. Người dân Syria đã chịu đựng hàng thập kỷ áp bức dưới chế độ Assad. Hàng triệu người đã phải sống lưu vong trong cảnh nghèo khổ. Nhưng Syria vẫn đang đối mặt với nguy cơ bất ổn. Vậy tại sao chế độ Assad lại sụp đổ nhanh chóng như vậy, và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Nội chiến

Nội chiến Syria đã kéo dài kể từ khi các cuộc biểu tình chống lại chính quyền Assad nổ ra vào năm 2011. Đến năm 2020, tình hình chiến sự dần trở nên bế tắc. Năm nhóm quân sự chính đã được hình thành, nhưng các cuộc giao tranh giữa họ gần như đã lắng xuống. Một liên minh các lực lượng nổi dậy chống chính quyền kiểm soát một phần lãnh thổ ở phía bắc và một số khu vực phía nam. Phía bắc là các lực lượng phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Trong khi ở phía đông nam là các lực lượng phiến quân do người Kurd lãnh đạo. Ở đó cũng còn sót lại tàn dư của tổ chức khủng bố ISIS. Phần còn lại, ít nhất là trên danh nghĩa, vẫn thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Assad.
Thực tế, quyền lực của Assad hoàn toàn phụ thuộc vào hai đồng minh lớn. Trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc nội chiến, Iran đã chỉ đạo nhiều lực lượng phiến quân chiến đấu bảo vệ Assad, trong đó Hezbollah – lực lượng mạnh nhất – vẫn hiện diện tại Syria. Nga cũng hỗ trợ bằng cách thực hiện các cuộc không kích vào phe nổi dậy và duy trì nhiều căn cứ quân sự tại Syria. Assad có một đội quân, nhưng ông ta để nó rơi vào tình trạng tham nhũng và yếu kém. Không có sự hậu thuẫn của Iran và Nga, Assad gần như không có khả năng để duy trì quyền lực.

Sự sụp đổ

Vào năm 2023, một sự kiện đã dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Assad. Ngày 7 tháng 10, lực lượng phiến quân được Iran hậu thuẫn, Hamas, đã tấn công Israel. Không chỉ đáp trả Hamas mà Israel còn tấn công cả các lực lượng do Iran hậu thuẫn tại Syria, Hezbollah, và thậm chí là cả Iran, làm suy yếu toàn bộ mạng lưới này. Các lực lượng này không còn khả năng bảo vệ Assad.
Cùng lúc đó, Nga cũng bị phân tâm, do đã huy động phần lớn lực lượng quân sự cho cuộc chiến tại Ukraine. Điều này tạo cơ hội cho các lực lượng nổi dậy tại Syria tấn công Aleppo, khởi đầu cho sự trượt dài của chế độ.
Khi các lực lượng nổi dậy tiến nhanh về thủ đô Damascus, cả Nga lẫn Iran đều không mặn mà can thiệp. Assad hoàn toàn bị cô lập, và binh lính của ông ta cũng biết rõ điều đó. Nhiều báo cáo cho thấy một số binh sĩ đã vứt bỏ quân phục và chạy trốn. Khi quân đội tan rã, Assad cùng gia đình lên máy bay chạy sang Moscow, chấm dứt một trong những chế độ áp bức nhất trên thế giới. Hiện tại, nhiều nhóm khác nhau đang tranh giành để thay thế vị trí của ông.

Hay'at Tahrir al-Sham

Abu Mohammad al-Jolani là thủ lĩnh của Hay'at Tahrir al-Sham (HTS), nhóm nổi dậy dẫn đầu cuộc khởi nghĩa và hiện đang ở vị trí thuận lợi nhất để nắm quyền. Khi nội chiến Syria bùng nổ, Jolani đã góp phần thành lập nhóm Jabhat al-Nusra, một tổ chức Hồi giáo cực đoan với mục tiêu biến Syria thành một nhà nước Hồi giáo. Ban đầu, Jolani liên minh với các nhóm cực đoan khác, bao gồm Al-Qaeda và ISIS. Tuy nhiên, vào năm 2016, ông thành lập một nhóm mới và tuyên bố rằng nhóm này không còn liên hệ với Al-Qaeda. Một năm sau, Jolani sát nhập với các nhóm được cho là ôn hòa hơn để thành lập HTS.
Hiên nay, Hay'at Tahrir al-Sham tự nhận là một thực thể độc lập, không liên kết với bất kỳ tổ chức hay đảng phái nào, bao gồm cả Al-Qaeda. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn coi HTS là một tổ chức khủng bố, với cáo buộc rằng nhóm này vẫn duy trì liên lạc với các lãnh đạo của Al-Qaeda. Tổ chức này vẫn gây tranh cãi, với các báo cáo chỉ ra rằng họ tiếp tục duy trì tư tưởng Hồi giáo cực đoan, bất chấp nỗ lực xây dựng hình ảnh ôn hòa hơn trong những năm gần đây.
Abu Mohammad al-Jolani tuyên bố công khai rằng ông muốn bảo vệ các nhóm thiểu số ở Syria, bao gồm người Thiên Chúa giáo và người Kurd. Tuy nhiên, ngay cả khi Jolani đã chiếm được thủ đô, việc kiểm soát toàn bộ đất nước sẽ là một thách thức lớn.

Chia rẽ bên trong

Ở phía bắc, một liên minh các nhóm nổi dậy có tên Quân đội Quốc gia Syria (SNA) bao gồm nhiều hệ tư tưởng khác nhau. Một số nhóm liên kết chặt chẽ với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi một số khác vẫn muốn thành lập một nhà nước Hồi giáo được cai trị theo luật Sharia. Thêm vào đó, các nhóm do người Kurd lãnh đạo ở phía bắc sẽ không sẵn sàng từ bỏ quyền tự trị của họ. Người Kurd, một nhóm sắc tộc đã chịu sự đàn áp suốt hàng thập kỷ dưới chính quyền Syria, coi vùng lãnh thổ của họ là nơi trú ẩn quan trọng.
Ngoài ra, nhiều người Alawite, một giáo phái thiểu số từng ủng hộ Assad, có thể sẽ không chấp nhận sự cai trị của phe nổi dậy. Trong khi đó, tổ chức khủng bố ISIS có thể tận dụng tình trạng hỗn loạn để phục hồi và gia tăng sức mạnh một lần nữa. Một số thành phần của chế độ Assad vẫn còn tồn tại, nhưng dường như một số đã tỏ ra cởi mở hơn. Cựu Thủ tướng Mohammed Ghazi al-Jalali tuyên bố sẵn sàng chuyển giao chính quyền cho phe nổi dậy và hợp tác với họ để thành lập một chính phủ mới. Trong khi các nhóm này đang tranh giành quyền lực, họ cũng sẽ phải đối mặt với sự can thiệp từ các lực lượng bên ngoài. Tất cả những yếu tố này khiến tương lai của Syria tiếp tục đầy bất ổn và chia rẽ.

Áp lực bên ngoài

Thổ Nhĩ Kỳ là bên hưởng lợi nhiều nhất từ sự sụp đổ của Assad. Nước này hiện đang tiếp nhận hơn 3 triệu người tị nạn Syria, và một Syria thân thiện hơn sẽ mở ra cơ hội để người dân được hồi hương. Hơn nữa, các lực lượng phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn sẽ mang lại ảnh hưởng đáng kể cho Ankara, đồng thời tạo điều kiện để họ tự do hơn trong việc tấn công các nhóm người Kurd – lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố. Ngay khi chính quyền Assad sụp đổ, đã có báo cáo về việc các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tấn công vào các thị trấn của người Kurd.
Trong khi đó, Iran là bên chịu thiệt hại lớn nhất. Mất Assad, Iran không thể trông cậy vào Syria như một vùng đệm giữa họ và Israel, đồng thời bị cắt đứt liên kết với đồng minh quan trọng nhất của mình là Hezbollah. Các quốc gia khác vẫn giữ thái độ thận trọng, chờ đợi để xem tình hình diễn biến ra sao trước khi đưa ra các động thái cụ thể.
Israel đã triển khai quân đội tại miền nam Syria và tuyên bố sẽ không kích để tấn công các cơ sở vũ khí. Mặc dù đối đấu với Assad trong quá khứ, Israel không hề muốn một chế độ Hồi giáo cực đoan mới thù địch hơn thay thế ông ta. Các quốc gia Ả Rập cũng lo ngại rằng chiến thắng của phe nổi dậy Syria có thể truyền cảm hứng cho các cuộc nổi dậy ở chính quốc gia của họ. Tuy nhiên, tất cả đều không muốn Syria rơi vào một cuộc nội chiến đẫm máu khác.
Nga đã mất đi một đồng minh quan trọng tại Trung Đông và có thể sẽ mất các căn cứ quân sự tại Syria. Hoa Kỳ cũng có một căn cứ quân sự tại Syria để chiến đấu chống lại ISIS. Vào Chủ nhật, Tổng thống Joe Biden đã trình bày một kế hoạch hỗ trợ cho Syria. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố rằng Hoa Kỳ "không nên có bất kỳ sự can thiệp nào vào Syria" và rằng nên để Syria tự biên tự diễn.
Syria mới chỉ bắt đầu tái thiết lại. Việc phối hợp hòa bình giữa các nhóm quân sự trong nước và các cường quốc nước ngoài sẽ là một thử thách khổng lồ. Nhưng hiện tại, người dân Syria trên khắp cả nước đang đổ ra đường ăn mừng một hiện thực đơn giản, họ có cơ hội để thay đổi, dù con đường phía trước còn vô vàn khó khăn.