Chế định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc trong pháp luật dân sự Việt Nam - kẽ hở của hợp đồng tặng cho.
Chế định thừa kế và di chúc là một trong những chế định lớn của pháp luật dân sự Việt Nam (bên cạnh chế định về tài sản và hợp đồng). Bài viết này nêu lên một vài điểm đáng chú ý liên quan đến di chúc và hợp đồng tặng cho tài sản.
Sinh – lão – bệnh – tử, vòng tuần hoàn kín của một con người. Chúng ta sinh ra và tồn tại trên cõi đời này, dù ngắn dù dài cũng phần nào tác động đến xã hội và cộng đồng xung quanh. Một cá nhân khi chết đi, cho dù là chết về mặt sinh học hay chết về mặt pháp lý (có tuyên bố chết của Tòa án theo đúng quy định tại Điều 71 BLDS 2015) cũng sẽ để lại những hậu quả pháp lý nhất định, và một trong những vấn đề cần giải quyết sau khi cá nhân chết là việc chia thừa kế.
Di sản của người quá cố có thể được chia theo hai hướng: theo di chúc và theo pháp luật. Nếu trước khi cá nhân chết có để lại di chúc, ý chí của người quá cố sẽ được tuân thủ tuyệt đối, và toàn bộ phần di sản được ghi nhận trong di chúc sẽ được định đoạt theo đúng nội dung của di chúc. Trong trường hợp không có di chúc, di chúc bị hư hại hoặc thất lạc hay di chúc không định đoạt toàn bộ phần di sản của người quá cố, di sản sẽ được chia theo pháp luật với các hàng thừa kế theo quy định tại Điều 651 BLDS 2015.
Xét một trường hợp như sau: ông A và bà B là vợ chồng hợp pháp, có một người con là C sinh năm 2000. Năm 2015, ông A lập di chúc để lại toàn bộ di sản của mình cho bà M là hàng xóm, và trong di chúc không để lại gì cho vợ và con của ông. Năm 2017, ông A qua đời vì bệnh. Trong thời kỳ hôn nhân, ông A và bà B tạo lập được một khối tài sản là 1 tỷ đồng, cả hai đều đóng góp công sức như nhau nên khi chết đi, phần di sản của ông A sẽ là phần tài sản của ông trong khối tài sản chung, là 500 triệu đồng. Bà M theo di chúc được hưởng toàn bộ di sản của ông A để lại.
Như vậy, xét theo lẽ thường, quyền và lợi ích của bà B và con của ông A sẽ không được bảo đảm một cách hợp lý. Pháp luật dân sự Việt Nam đã có điều luật nhằm khống chế lại trường hợp tương tự như trường hợp của ông A, được quy định tại Điều 644 BLDS 2015.
Điều 644: Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc 1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó: a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; b) Con thành niên mà không có khả năng lao động. 2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.
Ở đây, chúng ta có thể hiểu đơn giản như sau: chia di sản thừa kế theo pháp luật sẽ là chia đều cho những người thừa kế trên cùng một hàng thừa kế, và do là chia đều cho nên phần di sản của những người thừa kế trên cùng một hàng thừa kế là bằng nhau, được xác định là một suất thừa kế. Ở ví dụ trên, bà B và con ông A thuộc nhóm đối tượng được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 644 BLDS 2015, như vậy cả hai người sẽ được hưởng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật. Để nắm rõ được cách tính được con số cụ thể, chúng ta phải hiểu được cách chia di sản thừa kế theo pháp luật nhưng trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ không đi sâu vào vấn đề này và quy định tại Điều 644 đã phần nào bảo vệ quyền và lợi ích của những người mà tôi cho là "đáng lẽ ra được hưởng thừa kế".
Tuy nhiên, nếu xét một góc độ khác của tình huống trên, giả sử ông A không lập di chúc mà trước khi chết, ông A lập hợp đồng tặng cho toàn bộ phần tài sản của mình cho bà M thì tình huống sẽ khác đi như thế nào? Chúng ta phải thừa nhận rằng. người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc chỉ xuất hiện khi "tồn tại di chúc", và hơn nữa là di chúc đó phải có hiệu lực (vào thời điểm mở thừa kế, cũng là thời điểm người để lại di chúc chết). Vậy nên, nếu không có di chúc thì người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc không đương nhiên xuất hiện. Đối với chế định hợp đồng tặng cho, chúng ta có định nghĩa trong BLDS như sau:
Điều 457: Hợp đồng tặng cho tài sản Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
Khi ông A lập hợp đồng tặng cho tài sản, chỉ cần bà M đồng ý nhận thì hợp đồng của ông A và bà M sẽ có hiệu lực (trừ trường hợp tài sản là động sản cần đăng ký hoặc bất động sản thì hợp đồng sẽ có hiệu lực vào thời điểm hoàn tất các thủ tục đăng ký có liên quan). Từ đó, Điều 644 đã vô tình bị "lách" bằng cách sử dụng hợp đồng tặng cho.
Về kẽ hở này, BLDS Cộng hòa Pháp (Luật Napoléon) đã có quy định về vấn đề tặng cho này. Ở đây, tôi trích Điều 913, Điều 914-1 và Điều 916 BLDS Cộng hòa Pháp để làm một ví dụ cho trường hợp tương ứng.
Điều 913: Phần tài sản dùng để tặng cho hoặc di tặng không được vượt quá một nửa số tài sản của người tặng cho hoặc di tặng nếu tại thời điểm người này chết để lại một người con; không được vượt quá một phần ba nếu người này để lại hai người con; không vượt quá một phần tư nếu người này để lại từ ba người con trở lên. Người con dtừ bỏ quyền thừa kế chỉ được tính vào số con còn lại của người đã chết nếu người đó được thế vị hoặc người đó phải liên quan đến một khoản cho tặng hay di tặng theo các quy định của Điều 845. Điều 914-1: Phần tài sản dùng để tặng cho hoặc di tặng không được vượt quá ba phần tư số tài sản của người tặng cho hoặc di tặng nếu người này khi chết không để lại ti thuộc nhưng có vợ hoặc chồng còn sống, chưa ly hôn. Điều 916: Trong trường hợp không có ti thuộc, và vợ hoặc chồng còn sống chưa ly hôn, việc tặng cho hoặc di tặng có thể thực hiện đối với toàn bộ khối tài sản.
Như vậy, pháp luật dân sự Pháp đã theo hướng người để lại di sản không phải lúc nào cũng có thể tặng cho toàn bộ tài sản của mình như trường hợp của ông A và bà B như trên, mà còn phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân và gia đình của người đó. Hiện tại, pháp luật dân sự Việt Nam và kể cả hệ thống án lệ cũng chưa có quy định hay hướng xét xử nào cụ thể nhằm "vá" lỗ hổng về di chúc này. Thiết nghĩ trong tương lai, chúng ta có thể đi theo hướng của BLDS Pháp và giới hạn lại phần tài sản được tặng cho nhằm khống chế kẽ hở pháp luật này.
Với những phân tích trên, tôi mong mọi người có góc nhìn mới về di chúc và thừa kế theo pháp luật Việt Nam. Tôi cũng phải khẳng định rằng vấn đề này đang còn nhiều tranh cãi và ý kiến trái chiều, và ở đây tôi chỉ nêu lên một vài suy nghĩ trong tầm hiểu biết của mình. Vậy nên, mong mọi người xem xét dưới góc nhìn đa chiều và tham khảo thêm nhiều quan điểm khácnhằm hiểu rõ vấn đề một cách thấu đáo. Peace!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất