Bà ơi, bà có mái tóc trắng như mây, từ lúc cháu còn nhớ được là tóc bà đã trắng thế rồi. 
Cháu chỉ thích ngủ được với bà thôi bà ạ, mỗi khi cháu không được ngủ với bà cháu thấy bất an lắm. Bố biết được nên toàn doạ cháu là "cho nghỉ ngủ" mỗi khi cháu mắc tội gì đó.
Hơn 4 tuổi cháu biết đọc, bà hay đưa cháu đến nhà hàng xóm. Họ đưa cháu tờ báo và thế là cháu đọc, cháu chẳng biết cháu đọc gì, chỉ biết đọc được niềm vui của bà.
Bà mua bánh chuối cho cháu mỗi khi cháu đi học về, bố bảo cứ thế này thì cháu nghiện bánh chuối mất thôi.
Bà dẫn cháu xuống nhà họ hàng. Có một chị tên là Nụ, nhưng không hiểu vì lý do gì mà cháu luôn gọi chị ấy là chị Mỹ, từ ấy chị ấy lấy luôn cái tên đó. Hôm trước cháu vừa phải nói chuyện qua điện thoại với chị ấy vì tự nhiên mẹ cháu khoe cháu rồi bắt nói chuyện, hoá ra con chị ấy đã lớn và học cấp 3 bên Đức rồi, bà ạ.
Cháu nhớ ông hay ngồi đọc báo bên cửa sổ, bà đi lại dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn. Cả năm lớp 1 ông đưa cháu đi học bằng cái xe đạp cũ, cháu toàn bắt ông dắt xe mà không được ngồi lên đạp.
Bà ơi hồi đó nhà mình có con mèo mướp rất to, cháu yêu nó lắm nhưng cháu còn nhỏ nên toàn trêu nó bằng mấy trò nghịch ngợm quái đản. Cháu hay đẩy bạn ý trượt trên sàn nhà, tưởng tượng mình đang chơi khúc côn cầu trên băng.
Bà dạy cháu chơi tam cúc, bà thường chơi tam cúc với bà Mị và một bà nữa cháu không nhớ tên. Bà Mị hay ăn gian nhưng bà vẫn luôn thắng, thế là cháu lại có bánh chuối ăn.
Nhà mình có truyền thống chơi tam cúc bà nhỉ? Mỗi dịp Tết đến là nhà luôn có 3 sòng tam cúc, một của người lớn, một của người già, một của trẻ con. Cháu toàn thua thôi, có ván thắng thì anh Dũng lại chơi ăn gian lấy trộm đũa của cháu.
Cháu lên cấp 2. Ông bà dọn ra ở nhà khác, buổi chiều nào cháu cũng qua nhà thăm ông bà, thực ra là vì được xem tivi thoải mái và chơi với anh Minh.
Bà nấu ăn cho ông và làm việc nội trợ. Món ông thích ăn nhất là đậu rán, nên chiều chiều qua chơi là cháu lại mót vài miếng đậu rán chấm với xì dầu. Bà thương ông lắm, khéo bà còn thương ông hơn cả cháu.
Cháu lên lớp 9. Mẹ phát hiện cháu có bạn gái, mẹ mắng cháu ghê lắm, mà cháu cũng cãi lại chẳng kém phần. Cháu chuẩn bị ăn đòn thì bà sang tận nhà để bênh, lúc nào bà cũng bênh khi bố mẹ mắng. Bênh từ nhỏ đến lớn, bênh cả sai lẫn đúng, bênh cả lúc khóc hay cười.
Cháu dạy bà dùng điện thoại di động. Mỗi khi bà đi chợ là cháu lại thử gọi điện để bà tập bấm nút nghe, bà kể người ta nói bà già như vậy rồi mà dùng điện thoại nên oách lắm, nhưng hình như dùng một đợt điện thoại hỏng nên bà cũng thôi dùng.
Cháu lên lớp 10. Cháu nằng nặc đòi ông bà nấu bánh chưng đợt Tết, từ trước đến nay bánh chưng của nhà mình đều được mua về, khu nhà mình cũng chẳng có ai nấu bánh cả. Mọi người bảo cháu bắt tội ông bà, ông bà cũng bảo thế; nhưng nói chẳng mấy chỉ thấy bà cặm cụi nấu đỗ và mua gạo, thịt. Cháu đèo ông ra chợ Đồng Xa mua lá dong, mua lạt, mua củi. Cháu và ông hì hụi cả buổi chiều 27 Tết để đóng cái khuôn gói bánh, trông xấu ơi là xấu nhưng hai ông cháu trân trọng lắm. Hôm sau mẹ cháu ra chợ Mỹ Đình mua 2 cái với giá 30 nghìn đẹp quá hai ông cháu vứt cái xấu kia đi luôn.
Cháu lên lớp 11. Buổi trưa đi học về, cháu để xe ở nhà ông bà. Cháu lấy cớ không muốn về nhà ăn cơm để đi học cho tiện, mặc dù nhà cháu cách có 50 mét; để ở lại ăn cơm trưa với ông bà. Cơm bà nấu, nó chẳng ngon gì cả bà ạ; nhưng cháu thích, cháu thích lắm.
Cháu lên lớp 12. Buổi chiều đi học cuối cùng, lúc về không thấy mấy mẹ con nhà mèo đâu, bà kể chúng nó bị bệnh, lúc phát hiện ra thì mấy mẹ con đã chết hết rồi. Cháu lặng người đi, mang lũ mèo ra vườn trước sân để chôn, ông bà ngồi ở hiên nhìn cháu xúc từng khoải đất. Trời đổ mưa phùn, bà lấy cái nón ra đội cho cháu, nước mắt hoà lẫn nước mưa.
Cháu lên Đại học. Ông bà dạo đó hay ốm, lúc nào cháu cũng là người đưa ông bà đi viện. Đưa ông đi viện buồn cười lắm bà ạ, ông là bệnh nhân mà ông đi còn khoẻ hơn cả cháu.
Cháu lôi huân chương của ông ra nghịch.
Cháu lôi huân chương của ông ra nghịch.
Sinh nhật năm 21 tuổi, cháu chạy vào viện khi nhận tin bà được cấp cứu. Bác sĩ bảo bà cần được phẫu thuật gấp, tỉ lệ qua khỏi là rất thấp. Chị Trang bảo cháu: "lúc nào mình cũng tưởng ông bà luôn ở đó, nhưng chợt nhận ra không phải vậy". Cháu lấy hết dũng khí để vào cười đùa và bảo bà đây chỉ là cuộc tiểu phẫu đơn giản thôi, bà ngủ một giấc là dậy, cháu ở đây đợi. Nhưng thực ra cháu sợ lắm bà ạ.
Bà ơi bà đã rất kiên cường để vượt qua cuộc phẫu thuật đó. Phẫu thuật đã (một cách thần kì) thành công, nhưng cơ thể bà lại chuyển biến xấu. Bà còn nhớ phòng hồi sức đặc biệt khoa Phổi không ạ? Có mấy người ở giường bên cạnh cũng mắc bệnh rất nặng. Trời đêm gần sáng, cháu ngồi quạt phe phẩy cho bà; tiếng bíp của máy móc và không khí khô héo của bệnh tật không khỏi làm cháu rùng mình. Đột nhiên cháu nghe thấy tiếng kêu không thành tiếng của giường bên cạnh, hoá ra có một ông bị chảy dãi vì đeo ống thở nhưng không cử động được. Cháu ra lấy khăn để lau cho ông, chỉnh lại tư thế cho ông dễ chịu hơn. Ông có hỏi cháu là ai, cháu chỉ bảo có cháu ở đây giúp ông rồi, ông yên tâm ông nhé. Cứ thế thi thoảng cháu lại chăm giúp cả phòng bà ạ. Mẹ cháu ra thay ca chăm bà, về hỏi con làm gì mà mọi người khen với quý thế, cháu đáp vì mẹ không biết trân trọng con đấy thôi *cười*. Nhưng cháu biết là nếu bà tỉnh bà cũng sẽ muốn cháu làm như vậy đúng không bà nhỉ?
Sau đó bà đã dần hồi phục và sức khoẻ ổn định. Ông bà chuyển ra nhà bác ở, cháu vẫn thường đến thăm ông bà vào cuối tuần. Lúc nào ông cũng hỏi "mày đi đâu thế?" trong khi cháu biết đến thăm ông rõ là vui.
Cháu nhận ra ông bà cũng không còn minh mẫn như trước nữa. Ông rất hay quên và có khi hỏi lại cháu 1 câu hỏi đến tận chục lần, sức khoẻ của bà đi xuống rất nhiều do tuổi cao, bà phải uống rất nhiều thuốc. 
Nhưng đó là lần đầu cháu thấy ông chăm sóc bà. Cháu thấy ông bón cho bà ăn, chải tóc cho bà, đi tất cho bà, dắt bà đi xuống phố. Hoá ra tình yêu có nhiều ngôn ngữ, lúc trước cháu không hiểu được, chỉ đến khi người mà ta yêu thương trở nên mong manh thì ta mới thực sự thể hiện ra sự quan tâm và chăm sóc. Hay là cả ông cũng vừa mới nhận ra, đúng không bà?
Ông dắt bà sang nhà cháu chơi.
Ông dắt bà sang nhà cháu chơi.
Mọi người quyết định chuyển ông sang ở nhà bác khác để ông có thể ngủ được và tiện chăm nom. Buổi tối nọ ông bỏ nhà đi, cháu và mọi người hoảng hốt đi tìm. Được một lúc ông được hàng xóm dẫn về, nói rằng ông đi tìm bà nhưng cứ loay hoay không nhớ đường. Ông bảo hình như bà đi lạc mất, phải đi để đón bà về thôi.
Cháu hỏi bà về quá khứ, về những kỉ niệm vui buồn trong cuộc sống, bà bảo lấy chồng rồi là hết vui, vì nghèo quá, chỉ lo kiếm ăn chứ thời gian đâu mà vui. Cháu hỏi đùa rõ ràng bà có cháu mà, sao bà lại không vui? Cháu hiểu rằng niềm vui của bà đôi khi được diễn dịch thành việc bớt khổ đi, thành việc kìm nén cảm xúc vui sướng của mình lại để dành điều đó cho chồng, cho con cho cháu.
Cháu chuyển ra ở riêng. Mỗi lần về nhà cháu lại đến thăm bà, có hôm bà tỉnh táo, nhưng có hôm bà không nhớ cháu là ai. Bà nhớ ông lắm, khi tỉnh bà đều hỏi ông đâu rồi, ông có ăn được không.
Buổi chiều cháu qua chào bà trước khi bay, cháu hỏi bà có yêu cháu không, bà bảo có. Cháu nói rằng cháu cũng yêu bà lắm; cháu phải đi học bây giờ. Bà ơi, cháu có dám nói là cháu sẽ đi rất xa, và rất lâu đâu.
Đây là bầu trời nơi cháu sống.
Đây là bầu trời nơi cháu sống.
Hôm trước mẹ gọi điện hình ảnh cho cháu, ồn ào lắm bà ạ. Cháu thấy ảnh bà mặc áo đỏ, một người nói trên loa "cháu Đức là cháu nội của bà, ở nước ngoài xa xôi, không về viếng bà được". Cháu chẳng nghe hay nhìn rõ nữa, cháu thấy mọi thứ cứ nhoà đi theo từng hồi thổn thức, bà ơi.
Thi thoảng cháu vẫn dừng lại vài giây nhớ về hình ảnh thoáng qua của bà, những kí ức là một mảnh tâm hồn của cháu. Cháu sẽ luôn giữ bà ở trong tim, và cố gắng sống một cuộc đời trọn vẹn.
Bà ơi, ông ở bên nhà cháu, ông vẫn ăn cháo và cơm mỗi bữa, bố cháu lắp tivi có cả cải lương để ông xem hàng ngày. Bà yên tâm, bà nhé!