Chấp nhận hiện tại hay Sống u sầu phần đời còn lại?
Nếu cuộc sống không màu hồng, thì hãy tô nó thành màu xanh của bầu trời, nhẹ nhàng, lạc quan hay là màu đỏ của năng lượng, của sức sống tràn đầy và cũng có thể là màu vàng, màu của ánh nắng mặt trời, của sự ấm áp và tươi mới
Năm 8 tuổi, tức là năm mình học lớp 2, nhà mình vẫn còn theo nghề đại lý vé số trước khi chuyển sang nghề đại lý bia nước ngọt. Ở tuổi thứ 8, mình đã nghĩ nghề đại lý vé số nghe thật oách vì nó không là cái tên nào nằm trong danh sách nghề nghiệp được học trong sách giáo khoa. Và còn bởi vì mỗi lần học dở, người lớn hay hù doạ “Không lo học, mai mốt lớn lên đi bán vé số nha con”, nghĩa là nghề bán vé số rất cực nhưng lại kiếm được ít tiền, thành thử mỗi ngày có nhiều cô chú bác tìm tới nhà lãnh vé số đi bán là họ đang tìm tới điểm tựa thu nhập từ nhà mình. Chẳng phải rất là oách sao?
Ba mẹ mình là đầu mối vé số, mỗi ngày ghé xuống chỗ xổ số kiến thiết để lãnh vé số, sau đó chia lại cho các cô chú bạn hàng đi bán. Tuỳ khả năng mỗi người mà họ đăng kí số lượng, ít thì 100 tờ, có người nhiều thì tầm 300-350 tờ, hồi đó giá vé số là 2 ngàn một tờ, cô chú sẽ nhận hoa hồng 7%, ba mẹ mình lãnh tiền trách nhiệm 1% trên tổng số tờ được bán ra. Mỗi ngày đều đặn như vậy, cô chú lấy và đi bán đến tầm 4 giờ chiều sau đó trả lại chỗ vé số chưa bán hết.
Có nhiều người trở thành bạn hàng lâu năm, cũng có người đến rồi đi. Trong số đó, có nhiều người mình rất quý như là ông bác Minh và ông chú Thiện bị cụt một bên tay.
Ông bác Minh là một ông bác già da ngâm đen, hơi đậm người, ông sống cùng vợ và là người đàn ông từ tốn, hiền lành nhất trong mắt mình lúc đó. Nhưng mình luôn có cảm giác ông có một nỗi buồn khó nói nào đó tận sâu trong đáy mắt mỗi khi ông cười với mình, tới giờ mình vẫn còn nhớ sâu sắc hình ảnh của một ông bác già mặc chiếc áo sơ mi tối màu đã sờn dắt chiếc xe đạp cũ, đeo một cái táb đựng vé số bước đi trong lầm lũi. Sau này, nghe ba mẹ nói chuyện mình mới biết hai vợ chồng không có con, nên có lẽ vì thế tuổi già cũng vắng tiếng cười nói của đám cháu. Ông vẫn rất thương vợ, vợ ông có bệnh nên không làm lụng được nhiều, thành ra một tay ông chăm sóc bà và lo toan cho gia đình. Dẫu cuộc sống có khó khăn, nhưng ông vẫn cực kì uy tín, đúng giờ, không than vãn và không bao giờ khất nợ ba mẹ mình.
Nếu ông bác Minh thật làm mình cảm thấy ấm áp thì ông chú Thiện bị cụt một bên tay đã từng là nhân vật làm mình khiếp đảm. Lúc còn nhỏ xíu, nhỏ hơn hồi học lớp 2, hình ảnh một người có cơ thể không được trọn vẹn làm mình sợ, vì trong những bộ phim hoạt hình, nhân vật ác lúc nào cũng khác người thường ở một đặc điểm nào đó. Mình rất hãi khi gặp chú Thiện, sợ phải vô tình dán mắt vào bên tay bị mất của chú, với đầy những hình ảnh tưởng tượng như là hàng trăm con rắn được mọc ra từ đó hay là một cánh tay bằng sắt được mọc mới nếu mình léng phéng đến gần. Cũng may nỗi sợ đó chỉ kéo dài tới năm lớp 2, lúc đó mình nghĩ mình lớn rồi, sự sợ hãi chỉ dành cho bọn con nít nên mình mạnh dạn hỏi ba mẹ về cánh tay của chú Thiện, thì mới biết chú Thiện hồi xưa đi bộ đội ở Campuchia, bị địch bắn bị thương và mất luôn cái cánh tay đó, bây giờ người ta chỉ thuê lao động khoẻ mạnh nhanh nhẹn, như chú thì đâu có ai thuê, nên phải đi bán vé số để sống qua ngày, mà như bù đắp cho sự mất mát, trời phú cho chú cái tính hài hước, gặp ai cũng chọc cho cười ha hả. Bất giác mình thấy nỗi sợ cũ nhảm nhí vô cùng, nên kể từ hôm sau đó mình quyết định xán lại gần, cười với chú Thiện nhiều hơn trong ánh mắt đầy dấu chấm hỏi của chú. Thôi chú cháu mình làm bạn nhe, con đã thấy cánh tay kia của chú nở ra cả một vườn hoa rực rỡ trong buổi chiều ban mai đó.
Kể ra thì thu nhập từ việc bán vé số ít thiệt, ít cho cả người bán và đại lý vé số xịn như ba mẹ mình. Ai bán vé số cũng đều nghèo, đi bán dầm mưa dãi nắng rất cực nhưng kiếm lại chẳng bao nhiêu, có cơ hội bán là bán liền dù cho khách hàng có nợ mấy tờ đi nữa. Thành ra có mấy cô chú đi bán bị nợ, thì cũng khất nợ lại với ba mẹ mình, có ngày nợ lại 10 ngàn, ngày nợ 30 ngàn, tuỳ bữa. Cái quyển sổ ghi nợ của mẹ chi chít những thông tin, số tờ, cùng những dấu gạch xoá. Ngày đó, nhìn vô quyển sổ mình tức lắm, tại nợ vậy rồi ba mẹ mình là người chịu thiệt, lời đâu có bao nhiêu. Mình thắc mắc sao ba mẹ không đòi hay làm gắt, ba mẹ chỉ cười rồi kêu, mình nghèo nhưng mà người ta nghèo hơn mình, chứ ai đâu mà muốn mang nợ, nên khi nào có họ trả…
Thật ra, những câu chuyện lan man kể trên không có nhân vật hay tình tiết cao trào nào, đó là những kí ức vụn vặt năm lớp 2, nhưng theo mình tới tận bây giờ.
Mình nhận ra mỗi người đều bỏ vào chiếc túi hy vọng của riêng mình một sự khát khao, ông bác Minh khát khao có con và đám cháu nhỏ ríu rít cạnh mình tuổi già, ông chú Thiện thì khát khao có được cánh tay lành lặn để làm những công việc của người trẻ hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, hay mấy cô chú hay khất nợ thì khát khao mỗi ngày bán được nhiều vé số mà không bị nợ, thậm chí ba mẹ mình chắc chắn cũng có khát khao quyển sổ nợ sẽ được gạch sạch.
Ai cũng khát khao thay đổi một chi tiết nào đó làm cho cuộc sống trở nên tốt hơn, đầy đặn hơn. Nhưng điều mình nhận ra là, dẫu có những khát khao không thể thành hiện thực, thì tất cả đều lựa chọn sống tiếp với những khiếm khuyết không trọn vẹn đó, như một phần tất yếu của cuộc sống, và họ đều lựa chọn thái độ sống tích cực và nuôi dưỡng sự tử tế mỗi ngày.
Nếu cuộc sống không màu hồng, thì hãy tô nó thành màu xanh của bầu trời, nhẹ nhàng, lạc quan hay là màu đỏ của năng lượng, của sức sống tràn đầy và cũng có thể là màu vàng, màu của ánh nắng mặt trời, của sự ấm áp và tươi mới. Nên là, hãy sống một cuộc đời thật sắc màu nhen.
Cheers,
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất