Bài văn lớp 4, cô dạy về chân trời. Đó là một nơi rất xa và chúng ta có thể đến. Hôm sau theo bố ra đồng, bố bảo, nay sẽ mưa to, chân trời xám thế kia. Con lơ ngơ hỏi thế chân trời xám thế ta có đến được không. Bố nói, lo làm đã, rồi sau này con muốn đến đâu sẽ đến được...
Cái nghèo đi liền với ước mơ, nhưng cũng có thể dập bỏ ước mơ đưa con người ta về với hiện thực.
Nói thế thôi, chứ khi con đỗ trường tỉnh, bố mẹ lại ra trường thăm con mỗi tuần. Bố chở con đến chân trời, mà phải rất nhiều năm con mới nhận ra đó là chân trời.
Người đàn ông cả đời làm lụng nuôi cả đàn con, thương yêu vợ thì bầu trời là cả gia đình, còn chân trời giới hạn trong những hạn hữu mình thấy, đủ bao bọc cho con cho vợ khoẻ. Đời một người đàn ông tự biết những chân trời nhỏ của riêng mình và sống hết mình trong cái vòm trời ấy, chẳng phải là người đàn ông tuyệt nhất thế gian sao? Bố con là vậy thôi, chẳng ông to bà lớn, cũng chẳng đưa con ước mơ hão huyền một chân trời xa lắc nào đó, sống yên và trách nhiệm với chân trời trong giới hạn của mình, và thầm lặng đưa con đến chân trời của con.
Ước mơ một đời người gói lại chỉ vỏn vẹn là con cái đến được chân trời của nó, khác cái chân trời của đời mình.
Con đi và chạm tới điều mình muốn, tới được nơi mình đến. Chỉ khi một mình nhìn lại, thấy mênh mông và cô độc. Con lại thèm cái chân trời nhỏ của bố thôi. Ở nơi ấy, về nhà nhìn thấy ông già đạp xe đạp mặc cái áo dạ dài trong mưa phùn mùa Đông lất phất và cười rất ấm khi nhìn thấy con. Ôi bố, cái chân trời nhỏ ấy, có phải trong đời cứ con muốn là con có được đâu. Hạnh phúc không cần sự rộng lớn, hẹp hẹp thôi nhưng gần gũi chan hoà, mưa bão để lại bên ngoài, chẳng phải cũng đã đủ cho một đời người sao.
Con của hôm nay không phải là một đứa trẻ mất mát, cũng không phải là một đứa trẻ không hạnh phúc. Chỉ là, lại học ở bố, tìm cho mình một giới hạn chân trời, để không có mất mát, để hạnh phúc hơn.
Chúng ta sống cuộc đời này, là để hạnh phúc mà, bố nhỉ?
Bố cạnh chiều tà
Bố cạnh chiều tà