Chấn thương tâm lý và những vết sẹo vô hình
Khi người viết lần đầu biết đến câu nói nổi tiếng trên của nhà triết học lẫy lừng Nietzsche, ấn tượng đầu tiên của người viết là Nietzsche...
"Bất kì ai đang chiến đấu với quái vật phải thật cẩn thận không để chính bản thân trở thành thứ mà họ đang cố gắng hủy diệt. Khi ta nhìn về phía vực thẳm, vực thẳm cũng sẽ nhìn thẳng vào chúng ta" Friedrich Nietzsche
Khi người viết lần đầu biết đến câu nói nổi tiếng trên của nhà triết học lẫy lừng Nietzsche, ấn tượng đầu tiên của người viết là Nietzsche quả thật xứng đáng với mọi lời ca tụng mà ông đã nhận được trong giới triết học hàn lâm. Có một điều gì đó sâu sắc bí ẩn nhưng mang đầy sự nguy hiểm và chết chóc về câu nói trên, cứ như thể Nietzsche vừa mời gọi chúng ta bước về phía vực thẳm nhưng cũng đồng thời ra sức ngăn cản hành động ngu dốt đó. Nietzsche vốn dĩ là một nhân vật phức tạp với một cuộc đời bi kịch đầy đau thương, ông có nhiều triệu chứng không ổn định về mặt tâm lý và đã phải làm quen với sự cô độc, cả về cảm xúc lẫn tâm trí, trong phần lớn cuộc đời của mình. Có lẽ ông đã luôn phải chiến đấu với con quái vật của chính mình trong sự cô đơn tột độ, và vực thẳm là nơi mà ông đã đánh mất bản thân khi đang cố gắng thoát khỏi nỗi ám ảnh bất tận mà bất kì ai đang chiến đấu với con quái vật bên trong đều phải trải qua.
Bất kì ai trong chúng ta đều luôn mang theo những con quái vật xấu xí mà chúng ta luôn cố gắng chối bỏ, chúng ta có thể không hề hay biết một cách có ý thức rằng những con quái vật này đang tồn tại sâu thẳm bên trong nhưng bộ não tiềm thức lại luôn dễ dàng nhận biết được sự xuất hiện của chúng và luôn nỗ lực che giấu thông tin này khỏi sự chú ý của chúng ta. Kết quả là một đống tạp nham không ai muốn lau dọn, tích tụ qua thời gian thành một đống tạp nham lớn hơn và từ từ giết chết tâm trí và linh hồn chúng ta, một cách chậm rãi nhưng đầy đau đớn.
Nietzsche biết rõ về sự nguy hiểm của chiếc hộp Pandora mà ông đang giới thiệu với chúng ta. Đối với người viết, có lẽ ông đã luôn phải đấu tranh nội tâm rất nhiều để có thể sẵn sàng chia sẻ với thế giới về một trong những ý tưởng xuất sắc nhất của bản thân. Ông vừa muốn mọi người nhận ra sự tồn tại của những con quỷ đáng sợ đang bị giam cầm bên trong mỗi người vừa cảm giác lo sợ những hậu quả mà tri thức này có thể mang lại. Chiến đấu với quái vật quá lâu và cho tới khi ta kịp nhận ra, ta đã trở thành một phần của vực thẳm tăm tối. Cho đến cuối cùng, trong cơn say của điên cuồng và giận dữ, ta dần trở thành thứ mà ta căm ghét nhất.
Sinh tồn là ưu tiên hàng đầu
Không quá khó để thuyết phục đọc giả về sự tồn tại của những con quái vật xấu xí cũng như vực thẳm tăm tối đang tồn tại sâu thẳm bên trong mỗi người chúng ta. Nếu bạn đã là con người thì ít nhiều cũng đã từng phải trải qua cảm giác phải đối diện với những điều mà bạn đang cố gắng chối bỏ về bản thân, cho dù là bạn đang làm điều này một cách ý thức hay là vô thức. Vực thẳm là một cái lồng được tạo ra bởi tâm trí được dùng để giam cầm những điều mà chúng ta thật sự sợ hãi khi phải đối mặt một cách trực diện, và để bảo đảm sự an toàn cho chính bản thân chúng ta (một chức năng quan trọng đã được tôi luyện thuần thục qua quá trình tiến hóa), vùng não có ý thức tạo ra một bước tường vô hình ngăn cấm mọi sự xâm nhập của những thông tin có thể làm cho bản thân của chúng ta cảm thấy bị đe dọa hoặc sợ hãi. Kết quả là những thông tin này chỉ tồn tại trong vùng vô thức của mỗi người nhưng lại không được ghi nhận trong vùng ý thức, và do đó thường dẫn đến những hành động tưởng chừng như không thể lý giải bằng logic thông thường nhưng thực chất lại là một cơ chế tự vệ vô thức được kích hoạt tự động nhằm bảo đảm an toàn cho cá nhân chủ thể.
Nếu phải đưa ra một nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến sự ra đời của những con quỷ bên trong mỗi người chúng ta, câu trả lời sẽ luôn là những chấn thương tâm lý trong quá khứ. Theo lẽ thông thường thì hiếm khi có một khu nấu ăn tồi tàn nào chỉ có một con gián, và vì thế ít khi nào những con quái vật xấu xí lại chỉ là kết quả của duy nhất một chấn thương tâm lý. Những cú sốc tâm lý mang tính bước ngoặt đến từ nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống sẽ luôn tổng hợp lại để tạo ra quãng thời gian tăm tối nhất mà một con người có thể trải qua. Đối với những ai đã từng trải qua giai đoạn khắc nghiệt này, ưu tiên hàng đầu của họ chưa bao giờ là được sống như một con người mà đơn giản chỉ là sinh tồn. Và cũng chính vì lí do này mà họ dần đánh mất đi những nhu cầu tâm lý cơ bản khác mà bất kì ai cũng xứng đáng có, tất cả chỉ để phục vụ cho mục đích sống sốt qua ngày mai.
Nhiệm vụ quan trọng nhất của bộ não sau hàng trăm ngàn năm tiến hóa là bảo đảm sinh tồn cho chủ thể, tất cả những nhu cầu khác đều phải đến sau. Nếu như bản thân chúng ta đang gặp nguy hiểm hoặc bị đe dọa, cả về mặt vật lý hay tâm lý, bộ não chúng ta sẽ ưu tiên sử dụng tài nguyên để bảo đảm rằng chúng ta sẽ sinh tồn trước tiên cho dù điều này có nghĩa là những nhu cầu khác sẽ phải hy sinh. Có vẻ như bộ não chúng ta hoạt động với một tôn chỉ duy nhất "Để làm người, trước tiên phải sống sót đã". Nếu như một người gặp những tổn thương tâm lý hoặc những trải nghiệm mang tính bước ngoặt trong quá khứ, cách mà họ vượt qua phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố môi trường xung quanh. Nếu như môi trường mà họ sống tràn đầy tình thương và sự quan tâm, những khó khăn đầu đời sẽ là bài học quan trọng để họ học cách vượt qua nghịch cảnh. Nhưng nếu như môi trường độc hại, không cảm thông và mang tính khủng bố tinh thần, không quá khó hiểu tại sao đây cũng là lúc những con quái vật xấu xí bắt đầu được sinh ra bên trong chúng ta. Bộ não chúng ta phản ứng để thích nghi với môi trường xung quanh mà nó đang hoạt động, nếu như ta cảm thấy được yêu thương và quan tâm, bộ não sẽ khích lệ quá trình tìm tòi, khám phá thế giới cũng như hợp tác với mọi người xung quanh để giải quyết vấn đề, nếu như ta luôn cảm thấy sợ hãi trong chính ngôi nhà của mình, bộ não sẽ học cách quản lý cảm xúc tiêu cực cũng như tiết chế bản thân tới mức tối đa. Hãy luôn nhớ là đối với bộ não, sinh tồn là trên hết, và mọi nhu cầu khác đều phải hy sinh để phục vụ cho mục đích này.
Tuy nhiên, khi những nhu cầu cực kì cơ bản như nhu cầu được yêu thương hoặc nhu cầu được lắng nghe bị bỏ qua trong một khoảng thời gian dài, nó sẽ dần tạo ra những khoảng trống to lớn trong tâm hồn, và nếu như tình hình thực sự rất tồi tệ, sự xuất hiện của những sinh vật kỳ dị là điều không thể tránh khỏi. Những con quái vật mà Nietzsche nói đến chính là hiện thân của các nhu cầu tâm lý cơ bản nhưng lại không được đáp ứng. Chúng sẽ lớn dần qua thời gian và vô thức ảnh hưởng đến cách mà ta sẽ tương tác với mọi người xung quanh cũng như triết lí sống mà ta sẽ chọn trong tương lai. Nếu một đứa trẻ bị bỏ rơi và không được quan tâm khi còn nhỏ, chúng sẽ lớn lên với bài học là bộc lộ cảm xúc là vô nghĩa và cách tốt nhất để sinh tồn là kìm nén tất cả những cảm xúc này và ném chúng và một góc xó xỉnh nào đó, kết quả là đứa trẻ này lớn lên và trở thành một người vô tâm như chính ba mẹ của chúng. Tương tự như thế, nếu một đứa trẻ liên tục bị đánh đập và tra tấn tinh thần khi còn nhỏ, chúng hoặc sẽ lớn lên trở thành đối tượng chuyên bị bắt nạt bởi người khác hoặc sẽ trở thành những kẻ chuyên đi đánh đập người khác như cách mà người lớn đã đánh đập chúng khi còn nhỏ vì bài học mà chúng đã học được trong quãng thời gian kinh hoàng đó là vũ lực có thể giải quyết mọi vấn đề. Một vòng lặp tàn nhẫn mà nếu chịu khó quan sát ta có thể thấy sự xuất hiện của nó ở khắp mọi nơi. Trong nỗ lực chiến đấu để cứu lấy bản thân, chúng ta dần trở thành một phiên bản tương tự như những người đã từng gây ra tổn thương cho chúng ta trong quá khứ.
Khi tất cả sức lực trí não đều phải dồn vào những suy nghĩ bảo vệ bản thân, bộ não trở nên rất hiệu quả trong việc thiết kế ra những chiến lược tồn tại để thích ứng với một môi trường sinh sống nguy hiểm, nhưng cái giá phải trả là bộ não chúng ta không có đủ thời gian để phát triển những kỹ năng xã hội quan trọng khác. Sự cô độc cũng vì thế mà lớn dần qua năm tháng cho tới khi mọi chuyện trở nên quá trễ để có thể thay đổi. Sự bất hạnh sẽ luôn là khởi nguồn của các nỗi bất hạnh khác, trừ khi chúng ta thực sự cố gắng thay đổi việc đó một cách thông minh.
Bất lực trong việc tìm thấy lối thoát
Khi bộ não đã quá quen với việc bản thân có thể bị tấn công hoặc đe dọa bất kỳ lúc nào, nó trở nên cực kì hiệu quả trong việc phát hiện các mối hiểm nguy tiềm tàng. Đây cũng chính là cái giá phải trả cho việc sinh tồn trong một môi trường quá khắc nghiệt, bộ não trở nên quá hiệu quả trong việc suy nghĩ ra những cách đối phó với các mối hiểm họa tiềm năng, mặc dù mối nguy đó có là thật hay không. Nếu một sinh vật bị mắc kẹt trong chế độ sinh tồn toàn thời gian, toàn bộ năng lượng của trí não sẽ tập trung vào việc chống lại những kẻ thù xung quanh, cho dù kẻ thù đó có là thật hay chỉ là sự tưởng tượng của tâm trí. Chừng nào chúng ta còn phải toàn lực đối phó với những mối nguy hiểm bất kể ngày đêm, những nhu cầu bản thân khác sẽ bị ảnh hưởng nặng nề như kĩ năng gìn giữ mối quan hệ xã hội hoặc sự tự tin trong việc học tập, khám phá thế giới, cũng như khả năng tưởng tượng về một tương lai tươi sáng phía trước.
Những người đã từng trải qua chấn thương tâm lý thường rất dễ kích động với những sự thay đổi nhỏ trong môi trường họ sinh sống. Họ có thể trở nên cực kì giận dữ với những lí do tưởng chừng như rất nhỏ nhặt đối với người khác. Nguyên nhân là vì bộ não đã phải thường xuyên kích hoạt trạng thái "chiến đấu hay bỏ chạy" trong quá khứ (trạng thái này được kích hoạt tự động mỗi khi cá nhân phải đối mặt với một tình huống được bộ não nhìn nhận là một mối nguy hiểm tiềm tàng), và do đó cơ thể nạn nhân đã quá quen với việc phản ứng một cách quyết liệt đối với những sự việc có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống bản thân, đôi lúc có thể là những phản ứng thái quá không có cơ sở rõ ràng. Nói một cách khác, những người có vết sẹo tâm lý chưa được chữa lành sống như thể cuộc đời của họ có thể bị người khác tước đoạt bất cứ lúc nào, và trách nhiệm của bộ não là bảo đảm rằng không ai trên thế giới này có thể làm điều đó. Dĩ nhiên, tất cả chỉ là sự diễn dịch của một tinh thần đầy tổn thương đã phải trải qua quá nhiều biến cố trong cuộc sống, tuy nhiên, khi mục tiêu duy nhất là tồn tại, bộ não không hề quan tâm rằng liệu nó có phản ứng thái quá hay không.
Trong tâm lý học có một thuật ngữ với tên gọi là "cú sốc không thể trốn tránh" (inescapable shock) được dùng để chỉ ra một tình huống tâm lý mà khi đó mặc dù nạn nhân rất muốn trốn thoát khỏi tình huống nguy hiểm mà họ đang phải đối mặt nhưng cơ thể lại bị đóng băng không hề có phản ứng. Đây có thể xem là một trạng thái tâm lý luôn đi kèm với trầm cảm khi mà nạn nhân đã từ bỏ mọi hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn, mặc dù tận sâu trong tim họ muốn mình có thể thoát khỏi nghịch cảnh này nhưng họ lại cho rằng cho dù họ có làm điều gì đi chăng nữa thì kết quả cuối cùng cũng không có gì thay đổi cả. Nếu như nạn nhân đã từng cố gắng rất nhiều trong quá khứ với hy vọng rằng có thể thay đổi nghịch cảnh mà họ đang phải chịu đựng nhưng không có giải pháp nào phát huy tác dụng, họ sẽ dần học được bài học rằng "Cố gắng đến mấy cũng vô vọng, vậy thì cố gắng để làm gì?". Tuy nhiên, tận sâu thẳm trong linh hồn kia sẽ luôn có tiếng gào thét đầy đau đớn với mong mỏi được trốn thoát, nhưng mong muốn này lại bị chặn đi bởi sự chấp nhận về một thực tế tàn nhẫn là họ sẽ không bao giờ có thể có được cuộc sống bình yên mà mình mong muốn. Bất lực trong việc tìm được lối thoát sẽ dẫn đến trạng thái tê liệt tinh thần, và khiến cho nạn nhân từ bỏ tất cả hy vọng cũng như mọi sự cố gắng để thay đổi thực tại, và từ từ chấp nhận một cuộc sống đau khổ không lối thoát mà họ tin rằng đó chính là số phận của họ.
Điều tồi tệ hơn tất cả những bi kịch trên chính là sự chấp nhận của nạn nhân rằng những việc như thế này có lẽ là một sự bình thường của thế giới. Khi đã quá quen với một việc gì đó, cho dù việc đó có kinh khủng như thế nào, chúng ta thường sẽ cho rằng điều đó là một quy luật tự nhiên của cuộc sống. Một đứa trẻ thường xuyên bị đánh đập sẽ luôn nghĩ rằng chỉ cần mạnh hơn người khác thì sẽ không ai đánh đập được mình, và lúc đó nó sẽ là người chuyên đi sử dụng vũ lực người khác. Một đứa trẻ bị bỏ rơi thiếu thốn tình thương sẽ luôn nghĩ rằng cách tốt nhất để sống trong thế giới này là vứt bỏ mọi cảm xúc vì sự tồn tại của cảm xúc là điều dư thừa trong cuộc sống, và thế là chúng sẽ sống một cách vô tâm với những người xung quanh và không biết cách để đáp ứng được nhu cầu cảm xúc từ các mối quan hệ thân mật. Một đứa trẻ liên tục bị la mắng và nhu cầu cảm xúc không được quan tâm sẽ luôn cảm thấy tự ti về bản thân, lúc nào cũng sống trong cảm giác lo âu và luôn sợ hãi tột độ khi phải đưa ra những quyết định mang tính rủi ro nhưng hoàn toàn cần thiết trong cuộc sống.
Chấp nhận hiện thực đầy đau đớn cũng có nghĩa là từ bỏ hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, và nếu như thực tại có quá tàn nhẫn thì có lẽ bản thân ta hoàn toàn xứng đáng với sự tàn nhẫn đó. Một suy nghĩ không hề hiếm đối với những ai đã từng trải qua những trải nghiệm tâm lý đau thương trong quá khứ.
Sự tin tưởng là điều xa xỉ
Có khả năng cảm nhận được sự an toàn và tin tưởng từ người khác là một trong những dấu hiệu đáng tin cậy nhất trong việc xác định sức khỏe tâm lý của mỗi người; những mối quan hệ xã hội an toàn và lành mạnh là điều kiện tiên quyết cho một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa. Tuy nhiên, khả năng cảm nhận được sự tin tưởng của những người đã từng trải qua chấn thương tâm lý thường bị ảnh hưởng một cách nghiệm trọng do niềm tin của họ đã liên tục bị thử thách trong quá khứ dẫn đến một hiện thực là họ thà sống một cách đau khổ còn hơn tin tưởng vào một điều không thể chắc chắn, ít ra đau khổ này có thể dự đoán được trong khi hạnh phúc kia thì lại nằm trong lòng bàn tay của người khác. Như một câu ngạn ngữ nổi tiếng trên thế giới "Thà chọn con quỷ mà bạn biết còn hơn tin tưởng vào thiên thần chưa từng gặp mặt", nỗi đau bạn đã quá quen thuộc luôn dễ dàng đối phó hơn rất nhiều so với niềm hạnh phúc phải phụ thuộc vào người khác, và do đó sự tin tưởng luôn là điều xa xỉ nhất trong các mối quan hệ của những nạn nhân có tiền sử chấn thương tâm lý.
Tuy nhiên, bất kì ai cũng mong muốn yêu thương và được yêu thương từ những người mà mình yêu mến, đây sẽ luôn là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Suy cho cùng, bộ não của chúng ta được thiết kế để sinh sống cùng với đồng loại, và vì thế nếu như sự kết nối với mọi người xung quanh bị đánh mất trong một khoảng thời gian dài trong cuộc sống, chúng ta sẽ dần phát điên theo đúng nghĩa đen. Madame Louise Monnier là một người phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc sống tại Paris vào những năm cuối thế kỷ 18, vì đem lòng yêu một người đàn ông không có địa vị ngang hàng với quyền thế của gia đình mình mà cô gái này đã bị mẹ của mình nhốt trong phòng trong suốt 25 năm. Bi kịch của cô gái này chỉ đến hồi chấm dứt khi cảnh sát, lần theo manh mối của một lá thư tố cáo nặc danh, tiến hành điều tra ngôi nhà và giải cứu nạn nhân. Cảnh sát đã hoàn toàn bị sốc tâm lý khi chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của Louise Minnier khi phá cánh cửa phòng đã nhốt cô tronng suốt 25 năm trời ròng rã. Trải qua một khoảng thời gian quá dài bị cô lập với thế giới bên ngoài, cô đã mất đi mọi kỹ năng xã hội cơ bản, không thể nói và hành xử như một con người bình thường và không thể hồi phục sức khỏe tâm lý hoàn toàn cho đến khi cô mất vào 13 năm sau. Dù muốn hay không, con người không được sinh ra để sống như một hòn đảo duy nhất giữa đại dương, bạn có thể nghĩ mình đủ mạnh mẽ để sống độc lập tự do một mình không phiền ai hết nhưng rồi số phận sẽ đuổi kịp bạn thôi, cho dù bạn có chạy nhanh như thế nào đi chăng nữa. Không có điều gì trên thế giới này có thể gây ra cái chết đau đớn hơn sự cô độc.
Mặc dù các mối quan hệ xã hội lành mạnh là rất quan trọng để có một trạng thái tinh thần ổn định, đối với những nạn nhân có tiền sử chấn thương tâm lý, đây lại là một liều thuốc đắng mà họ không thể chấp nhận nổi. Không phóng đại khi nói rằng sự mất kết nối với những người xung quanh là một chuyện hoàn toàn bình thường diễn ra hằng ngày trong cuộc sống của họ, sự tin tưởng là thứ vô nghĩa khi họ luôn sẵn sàng cho những trường hợp tệ nhất có thể xảy ra trong các mối quan hệ mà họ cho là không cần thiết cho cuộc sống. Điều này dần tạo ra một sự mâu thuẫn to lớn trong cách mà những người này sống cuộc đời của mình, họ liên tục tìm cách đẩy người khác ra xa nhưng luôn hy vọng một cách vô thức rằng một ai đó, mặc dù có bị họ đối xử tệ bạc như thế nào, vẫn luôn cố gắng tiến lại gần thêm. Một mặt, bộ não với tôn chỉ "sinh tồn là trên hết" đã liên tục phát tín hiệu cảnh báo nhằm bảo đảm rằng không ai có thể tiến lại quá gần để có thể gây ra nguy hiểm cho cá nhân. Mặt khác, nhu cầu cần được kết nối trong mỗi người lại luôn hy vọng rằng họ có thể tìm được một ai đó mà họ có thể tin tưởng và chia sẻ mọi thứ, một người mà khi biết về sự tồn tại của những con quái vật xấu xí vẫn quyết định ở lại bên họ và là chỗ dựa tinh thần mỗi khi cần thiết. Sự đối lập trong nhận thức này hiếm khi được nhận ra bởi những người đã từng trải qua chấn thương tâm lý, và thậm chí trong một số trường hợp hiếm hoi khi nạn nhân có đủ khả năng để nhận ra điều này, họ cũng không có phương pháp hiệu quả nào để giải quyết vấn đề, kết quả là họ cứ để mặc kệ cho vết thương ngày càng mưng mủ và lớn dần qua thời gian, và cứ thế con quái vật trong họ cũng ngày càng lớn dần theo qua năm tháng.
Con quái vật sống bên trong mỗi người chúng ta không tự nhiên sinh ra và lớn lên không vì lí do gì cả, nó là kết quả không thể tránh khỏi của những nhu cầu cơ bản không được đáp ứng trong một thời gian dài, là tiếng gào thét vô vọng trong nỗ lực tìm kiếm lối thoát khỏi thực tại tàn nhẫn, là những đứa trẻ bị bỏ rơi chưa kịp trải nghiệm đủ cuộc sống vô tư hồn nhiên mà chúng đáng được hưởng nhưng đã bị ép buộc phải trở thành người lớn quá nhanh. Trong suốt quá trình đó, chiến đấu không ngừng nghỉ là một điều đã quá quen thuộc với họ, những con người đầy bất hạnh. Chiến đấu với xã hội và với cả con quỷ đang lớn dần trong tim nhưng lối thoát để chấm dứt mọi chuyện lại là một điều luôn nằm xa tầm với. Như Nietzsche đã từng cảnh báo "Khi ta nhìn về phía vực thẳm, vực thẳm cũng sẽ nhìn thẳng vào ta", trong cơn say điên cuồng chiến đấu để bảo vệ bản thân, những người này dần trở thành những điều mà họ đang cố gắng thoát khỏi. Một đứa trẻ bị bạo hành từ nhỏ sẽ lớn lên và trở thành một phiên bản bạo hành khác, một đứa trẻ bị bỏ rơi sẽ lớn lên và trở thành ví dụ tiêu biểu của một kẻ vô tâm, một người từng tổn thương nghiêm trọng trong chuyện tình cảm sẽ trở thành người chuyên đi trap love người khác. Một vòng lặp luẩn quẩn không hồi kết. Dĩ nhiên, không phải ai cũng chọn con đường trên và quyết định trở thành những điều đã từng gây ra tổn thương cho họ, nhưng chung quy lại thì vòng lặp trên không phải là hiếm trong xã hội nếu như đọc giả chịu khó quan sát. Một cách tàn nhẫn, chúng ta dần trở thành điều mà chúng ta căm ghét nhất, và ta thậm chí còn không thể nhận ra điều đó.
Đôi lúc cuộc sống sẽ rất khó khăn, và trong rất nhiều hoàn cảnh đáng thương áp lực đó sẽ đẩy một con người tới mép vực của sự điên loạn. Sự bất lực trong việc tìm ra lối thoát cũng như sự cô đơn kéo dài sẽ luôn tạo ra những con quái vật được giam cầm dưới cái lồng mang tên "vực thẳm" sâu bên trong mỗi người chúng ta. Đừng kì thị chúng, đừng chỉ trích chúng, hãy quan tâm và chấp nhận những con quái vật này như cách mà bạn đã từng mong muốn người khác làm với bạn, và người viết chắc chắn rằng nỗi đau mà bạn đang phải chịu đựng một mình sẽ vơi đi, cho dù chỉ là một chút thôi. Nếu như bạn còn không thể thông cảm và chấp nhận một phần bản thân của chính bạn, làm thế nào mà người khác có thể làm điều đó cho bạn? Hãy chấp nhận một sự thật rằng bạn không bao giờ hoàn hảo, mãi mãi và sẽ luôn là như thế, và điều đó không sao cả.
Học cách chấp nhận những con quỷ đang tồn tại bên trong cũng là học cách chấp nhận toàn bộ bản thân chúng ta, kể cả những bộ mặt bạn cho là đáng kinh tởm nhất. Chừng nào ta còn chạy trốn khỏi những điều ta không dám đối mặt, ta sẽ không bao giờ có được sự tình yên trong tâm trí cũng như sẵn sàng để người khác hoàn toàn bước vào cuộc đời chúng ta. Miễn là ta vẫn còn liên tiếp chối bỏ một phần của chính bản thân chúng ta, ta sẽ dần đánh mất bản thân và trở thành một phần của vực thẳm tăm tối, những điều mà ta đang cố gắng trốn thoát. Tuy nhiên, nếu như ta học cách chấp nhận và chung sống với những mặt đen tối nhất của bản thân, vực thẳm vẫn sẽ là vực thẳm, nhưng nó sẽ không còn tăm tối nữa. Để hiểu bản thân hơn, đôi lúc ta có thể ghé thăm và trò chuyện với lũ quái vật bên dưới, và ta chợt nhận ra rằng tiếng gào thét của chúng không còn ai oán như trước, vì lúc này có người đã nhìn thấy và chấp nhận sự tồn tại của chúng. Bình yên chỉ có thể tìm được đường đến với chúng ta chỉ khi nào những điều bị chôn giấu và chối bỏ cuối cùng cũng được nhận ra và chấp nhận. Để được mọi người yêu thương, chúng ta phải là người đầu tiên làm được việc đó, và để được mọi người chấp nhận, không ai khác mà chính ta phải là người làm việc đó trước tiên.
GÓC QUẢNG CÁO
ezCareMe là một dự án khởi nghiệp được ra đời với mục tiêu giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm lý đang ngày càng phổ biến trong xã hội Việt Nam, vốn dĩ là một thực tế đáng buồn cho rất nhiều công dân trẻ đang phải vật lộn với những căng thẳng trong cuộc sống, áp lực công việc, lo âu và những vấn đề liên quan đến sức khoẻ tinh thần. EzCareMe tin rằng mọi người Việt đều xứng đáng được hưởng một hệ thống chăm sóc sức khoẻ tinh thần chất lượng cao, dễ tiếp cận mà không phải đối mặt với sự kỳ thị. Mặc dù mới chỉ đang là phiên bản thử nghiệm nhưng người viết rất tin tưởng vào sứ mệnh của dự án, và cũng hy vọng là những ai đang có vấn đề về sức khỏe tâm lý đều có thể liên hệ với đội ngũ nhà tham vấn tâm lý bên ezCareMe để nhận được sự hỗ trợ cần thiết và kịp thời mà bạn xứng đáng có được.
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất