Hôm trước nói về kế hoạch b, lại nói về thái độ làm kế hoạch b.
Không phải vì mình muốn nó chắc chắn phải đúng hoặc gần đúng như ý mình, mà là mình cố gắng để nó bớt sai. Bớt sai thì bớt phát sinh những điều không mong muốn về chi phí, thời gian, bớt những cú lừa tâm lý mà chính bản thân là một người yếu ớt trong tâm lý biết rằng mình sẽ khó tránh khỏi. Đó là những điều nằm trong thái độ kế hoạch b.
Thế nếu nó chệch ra khỏi kế hoạch b thì sao?
Thì cũng phải xoay sở với đống bùi nhùi đó, cũng phải tìm cách trét vữa, chà nhám cho sản phẩm chưa ra gì đó thôi.
Nhưng thái độ kế hoạch b vẫn chưa kết thúc ở đó. Lần trước mình có nói đến kế hoạch b là còn về dự trù tinh thần nữa, đó là hãy chuẩn bị cho việc không có kế hoạch nào kể cả a-b-c-d hoàn thành. Và mình phải làm lại từ đầu. Nó chả bõ bèn gì cho cuộc sống 60 năm ròng rã để trải qua hết cõi đời cũng không mấy khi vui vẻ này.
Mình không dám nói mình học chậm so với người khác, cũng không nói mình học nhanh hơn người khác. Mình viết cho câu dài ra chứ làm gì có ma nào quan tâm mình học thế nào. Tự cao là đồ bỏ rồi, vậy khiêm tốn bằng 4 lần tự cao thì càng chết.
Mình chỉ mới nhận ra việc chuyển đổi tâm tính của mình khủng khiếp như thế nào khi mình nhìn lại, rằng mình từ một đứa cực kỳ cộc cằn, thô lỗ, lì lợm, bảo thủ cực đoan,...đến một đứa e sợ những điều đó như bây giờ, mặc dù mình không thể phủi hết những điều còn cặn lại trong mình nhưng cái nết bản tính đó đã được dạy lại một số khía cạnh để điều tiết tốt hơn và có những thứ mình hi vọng có khả năng sẽ không quay lại.
Mình đã từng cứ cắm đầu đi tìm sự thật, tui muốn sự thật này, tui muốn biết rõ ràng cái kia, tui muốn biết chắc cái đó, phải có kết quả từ cái gì đó của cái gì đó thì tui mới chịu,... Sau này mới biết là không phải người ta giấu gì mình mà căn bản người ta cũng không biết và có thể là không ai biết cả. Lúc đó mình lại hỏi, ủa sao không biết mà không chịu tìm kiếm? Uầy! Ra là người ta không tìm kiếm như mình, người ta đi đúng tốc độ, vừa phải ham muốn tìm kiếm, và vui vẻ với cái mình chưa biết cho đến khi biết.
Mình từng nghĩ rằng mọi định hướng đều phải đúng, còn không thì là không có định hướng và là đồ bỏ đi??. Trời ơi! Áp lực gì dữ cho bản thân vậy? Có lẽ tuổi đời còn nhỏ, bây giờ cũng chưa lớn lắm, nên mới nghĩ rằng có những con đường 1 bước ăn ngay. Ngu dễ sợ, với cái ý muốn 1 ngày đổi trăm lần của một người cũng thấy là có những điều mình không thể đinh ninh chắc chắn được. Vậy thì cứ làm cho đến khi giỏi hơn, kinh nghiệm hơn, hiểu hơn rồi thay đổi và sửa dần thôi, miễn còn sống và chưa phá hoại năng lực hành vi là được.
Vậy là từ một đứa chắc chắn đến cực đoan với mọi thứ, mình đã vô tình hoài nghi nhiều thứ, và nhận thấy rằng có thể điều chắc chắn duy nhất là không có gì chắc chắn cả- và câu này cũng là có thể thôi. Rồi vấn đề còn lại là mình không cần phải biết chắc chắn hay không, cái gì cần làm thì phải làm thôi, với năng lực và kiến thức hiện tại thấy đúng thì cứ làm thôi.
Mình thích khoa học, có thể trí não không tốt để tiếp nhận kiến thức, nhưng mình thích khoa học.
Các lý thuyết và bằng chứng khoa học đều cố gắng làm chắc chắn các hệ thống nguyên nhân/diễn biến sự vật và sự việc, nhưng bản thân khoa học vẫn có hoài nghi, vì có hoài nghi thì trái đất phẳng mới “biến thành” tròn rồi “biến thành” cầu, có hoài nghi thì từ mặt trời quay quanh trái đất thành trái đất quay quanh mặt trời, mới có khám phá về tiến hóa,...
Và vì khoa học trung thực với cái nó nhìn thấy, diễn giải nhưng không dấu giếm sự hoài nghi đó, càng ngày mình càng thích nó, thích không có nghĩa là biết nhiều và giỏi. Và mình biết ơn sự không chắc chắn, vì nếu mình biết chắc chắn nhiều thứ, có thể mình và một phần lớn mọi người đã phải tìm đến cái chết vì cái kết không mong muốn và chả còn điều gì để mong đợi mà sống.