Có đứa nhỏ rất giỏi chạy. Thằng bé chạy nhanh lắm, là quán quân trong xóm lận. Mỗi lần đi chung với cha về nhà, nó sẽ lao lên thật nhanh, chạy vù về phía trước. Nó muốn cha thấy nó giỏi thế nào. Nhưng xui rủi sao mà lần đó có chiếc xe bất ngờ đâm ra từ hẻm nhỏ kế nhà, thằng bé mém nữa là bị tông trúng, hên là chiếc xe đó thắng kịp. Cha nó la ghê lắm, cấm thằng bé mai mốt không có chạy nhanh trên đường nữa. “Trời ơi, con với cái". Thằng bé sợ lắm mà cũng buồn. “Con chỉ muốn chạy nhanh cho cha thấy thôi mà". 
“Anh ba kẹt lại Sài Gòn rồi”, mẹ tôi trầm giọng. 
“Đã khuyên nó rồi mà không nghe, cứ muốn đi làm gì”, cha tôi cau mày.
Anh trai tôi kẹt lại Sài Gòn rồi.
Như bao người ở lại thành phố vì giãn cách, anh tôi sống bằng lương thực cứu trợ. Số tiền còn dư anh đã dồn hết vào trả tiền trọ. Nhưng mất công việc, anh tôi cũng không thể cầm cự được bao lâu. Đến tháng thứ 3, khi không thể trả được tiền nhà anh tôi đã gọi về. Cha tôi nhất quyết không muốn ảnh ở mãi trên SG trong lúc dịch bất ổn.
“Nếu con về cha sẽ trả phần tiền nhà, chứ con ở mãi trên đó mà lại không có việc làm thì cha không thể chi tiền nổi được”, cha tôi hạ câu cuối. 
“Nhưng về dưới quê cũng không có công việc để làm. Con sẽ kiếm được công việc trên đây. Con chỉ cần hỗ trợ tiền nhà thôi, tiền ăn con lo được mà cha”.
Không biết từ bao giờ, mỗi lần nghe mọi người nói “hôm bữa anh ba gọi về” là tôi lại dự cảm sắp có cái gì đó nặng nề, bồn chồn và lo lắng. Và trong mỗi cuộc nói chuyện như vậy, tôi sẽ ngồi im lặng một bên và nghe. Chắc tháng thứ 3 đó là khoảng thời gian mà anh tôi gọi về nhà nhiều như vậy. Cứ cách 2-3 ngày khoảng 8-9 giờ tối là điện thoại mẹ tôi lại đổ chuông. 
Truớc đây anh rất ít khi gọi về nhà, mẹ tôi mới là người chủ động hỏi thăm. Anh sẽ luôn bận bịu chuyện CLB, chuyện đi làm, đi chơi xa với bạn bè. Anh sẽ luôn như vậy. Và tất nhiên trong những mớ bận tâm của anh thì chuyện học nằm ở một góc nào đó bị bám bụi. Anh không thích mài quần trên ghế nhà trường và điều này luôn làm gia đình tôi lo lắng. Tôi vẫn luôn tự hỏi anh đang tìm kiếm gì ở những hoạt động bên ngoài.
Rồi một ngày khi anh đã có được một công việc yêu thích, một thu nhập khá khẩm so với một sinh viên năm 3 trường phát thanh truyền hình thì anh tôi bỏ học. Và gia đình tôi là những người nhận tin sau cùng, sau khi mọi việc đã rồi. Lúc đó đứa em gái như tôi nghĩ rằng “Ừ thì thôi, ảnh cũng có hợp học hành đó giờ đâu, ảnh hợp với bên ngoài mà”. Tôi tin rằng thành công có nhiều con đường, anh tôi đã tìm được lối đi phù hợp cho bản thân thì đây là một điều tốt. Nhưng cha mẹ tôi không nghĩ thế. Dù không thể hiện ra nhưng tôi có thể thấy được nét muộn phiền trong đôi mắt của hai người. “Mai mốt nó không có bằng cấp, rồi không biết ai nhận đây".
6 tháng cuối năm 2021 là một sự kiện mà không ai ngờ tới. Giãn cách, thất nghiệp. Và anh tôi nằm trong nhóm người tội nghiệp đó. Lần nào cũng như lần nấy cha tôi vẫn khăng khăng muốn anh tôi về. Cha tôi sợ, sợ cái viễn cảnh ở dưới quê giãn cách không buôn bán được, không có đồng ra đồng vào rồi cũng không được đi ngân hàng chuyển tiền mà con trai ở xa thì cần tiền mỗi tháng. Anh tôi vẫn quyết tâm ở lại, anh sợ khi vài tháng nữa mọi thứ bình thường thì anh sẽ bỏ lỡ cơ hội. Nỗi sợ và hi vọng của anh đã nói ra thành lời. Nhưng cha tôi vẫn giữ những nỗi lòng của ông trong im lặng. Hai người mãi giằng co như vậy đến 1 tuần, khi đó anh tôi không gọi về nữa. “Con hiểu tại sao cha làm vậy mà, con không trách gì hết". Anh tôi hiểu gì ư? Anh hiểu rằng cha đang muốn anh “tự lập”. Cha tôi luôn nhắc cụm từ này trong mỗi bữa ăn. “Học xong thì ráng tự lập tài chính, không dựa vào gia đình nữa”.
Sau này ngồi ngẫm lại tôi nghĩ hai người đã hiểu lầm nhau lúc đó. Mỗi ngày tôi vẫn luôn gặp những câu chuyện trớ trêu và tôi nhận ra rằng mình làm cái A mang tính chất A nhưng người khác không thấy như mình mà lại thành B,C,D gì đó. Có lẽ trong mắt anh tôi, cha đang muốn để anh “tự bơi” và từ chối đưa tay giúp dù thế nào đi nữa. Nhưng với cha tôi thì ông chỉ đang muốn anh về vì sợ anh tôi không trụ được. Cũng như việc anh tôi nhất quyết ở lại, trong đôi mắt của người cha lúc đó lại thành sự cứng đầu, nông nổi vì ông thấy con mình không thể tự lập được. Mà ông đâu biết rằng anh cố chấp là để chứng tỏ bản lĩnh của mình, anh tin mình sẽ vượt qua khó khăn.
Mà những sự hiểu lầm này không phải hai người cùng nói ra là có thể hiểu được nhau. Vì trong quá khứ, cha tôi cũng không thực sự tin tưởng vào anh tôi, cha tôi vẫn luôn lo sợ nhiều nhất cho anh. Còn anh tôi thì luôn sống trong sự nghiêm khắc của cha mà chưa một lần được công nhận hay có một lời khen về những gì anh đã làm được. Một người thì sợ nên luôn tạo nhiều ranh giới, không cho người kia vượt qua vì sợ người đó ngã. Còn người kia thì cảm giác mình không được tin tưởng, thấy mình thật yếu kém nên phải lao vào những vùng cấm, chứng tỏ mình sẽ thành công quay về. Đâu cần đi xa mới thấy cuộc đời phức tạp, nhiều khi mớ hỗn độn đó lại nằm trong chính nơi mình sinh ra.