“ Mày ngu như thằng bố mày”
“ Mày ăn gì ngu thế hả con”
Đó là một số ít câu nói của ba mẹ của một số gia đình với đứa con của họ. Thoạt nhìn qua, có thể chúng không có gì nặng nề, nhưng sự thực thì kể cả những câu nói như vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của một đứa trẻ khi chúng lớn lên.
Tôi có một người anh, anh là chủ của một doanh nghiệp, có lần được ngồi cà phê với anh, anh nói một câu làm tôi ấn tượng mãi: Anh chưa bao giờ nghĩ anh sinh ra đã có thể làm bố, mà anh phải học. Và có vẻ đúng như vậy, anh rất quan tâm đến việc nuôi dạy con thông qua những cuốn sách và những người bạn, đó là do tôi quan sát thấy. Dù bạn tin hay không thì đây là một câu chuyện có thật chứ không phải là một cái ví dụ cho có lệ từ quyển sách nào đấy, dù có thể bạn thấy nó quen, hoặc là anh ấy cũng đọc sách và áp dụng nó lên con mình. Có lần tôi đến nhà anh chơi, đứa con gái của anh trong lúc chơi đùa thì bị ngã và nó ngồi đấy khóc. Thứ mà anh làm sau đó khiến tôi gật gù mãi, anh không chửi, không mắng, anh bảo người con của mình: Ôi con gái của bố, con bố giỏi lắm, tuyệt vời lắm, đứng lên nào con. Bạn biết gì không, con bé nó nín và đứng lên thật.
Nuôi dạy trẻ chưa bao giờ là một chuyện dễ dàng và bài viết này cũng không có ý định dạy bạn phải chăm con như thế nào, nhưng hy vọng nó có thể đóng góp cho bạn vài góc nhìn bổ ích.
Động viên, khích lệ có lẽ là thứ tôi sẽ rất ủng hộ. Một đứa trẻ mà luôn được động viên, ủng hộ, đặc biệt là từ cha mẹ chúng, người mà chúng tin tưởng nhất và đặt trọn vẹn tình cảm từ khi lọt lòng, thì đứa trẻ đó sẽ rất tự tin và yêu bản thân chúng rất nhiều. Ở phía ngược lại, một đứa trẻ mà lúc nào cũng bị chê bai, chửi rủa thì chúng rất hay sợ sai, luôn cảm thấy thiếu sót và không còn tin vào việc mình làm nữa. Hãy quay lại câu chuyện ở trên, ở một gia đình nào đó khác, câu nói của người bố có thể là: Sao mày ngu thế hả con, đứng lên đi còn ở đấy mà khóc cái gì. Nặng hơn có thể là ông bố bà mẹ chạy ra quất vào đít cho vài phát và bảo: Nín đi, khóc cái gì mà khóc. Ở đâu đó mình biết sẽ còn có dạng, bố mẹ ra dỗ và vỗ vào cái bàn cái ghế, cái sàn nhà như thể chúng là lý do cho cái sự vấp té của con họ, và đứa trẻ học được cách đổ thừa.
Ở phía cha mẹ, tất nhiên có thể họ không cố ý cho những lời này, mà họ cũng chỉ học được từ xã hội hoặc từ chính cha mẹ họ, vốn có thể cũng không thành công lắm trong việc giáo dục con cái. Tôi nói như vậy, vì tôi muốn bạn cảm thông chứ không phải để chỉ trích. Vậy thì họ có thể bảo bạn rằng: Bố mẹ đang rèn cho con thôi, vì ngoài kia xã hội khắc nghiệt hơn nhiều.
Tôi cho rằng việc nuôi dạy con cái cũng như việc chăm bón một cái cây vậy. Để một cái cây lớn lên và bám rễ chắc vào đất, thì chúng ta phải bón phân tốt, tưới nước, cắt tỉa lá sâu đều đặn trong một thời gian dài, đến khi mưa gió đến chúng có đủ sức mạnh bám trụ. Bạn không thể hằng ngày ra nhổ nước bọt vào nó, lắc nó, lấy nước dội ào ào vào hoặc lấy chổi ra quất vào nó và bảo rằng đang luyện cho nó vững chãi để chống lại giông bão. Bạn hiểu ý tôi chứ? Con người cũng vậy, khi chúng ta còn quá bé để chịu đựng sự khắc nghiệt và hiểu được điều gì đang diễn ra. Khả năng nhận thức còn đang trong quá trình hình thành qua từng ngày thì lời động viên khích lệ sẽ là thứ nuôi dưỡng tâm hồn một đứa trẻ. Bởi vì chúng còn đang khám phá bản thân, mà ta ném thẳng một câu chắc nịch “Mày ngu thế” thì cẩn thận là chúng sẽ tin rằng chúng ngu thật. Thẳng thắn là chúng ta thích được khen ngợi và động viên hơn là những lời chỉ trích đúng không nào. Một đứa trẻ hạnh phúc sẽ có lòng tự trọng và sự tự tin, bởi vì chúng được dạy như thế từ bé mà, với bất kỳ điều gì chúng làm tốt, chúng sẽ thấy ba mẹ ủng hộ chúng, hoặc ít nhất khi làm sai, ba mẹ sẽ động viên chúng làm lại. Sau này, những đứa trẻ đó sẽ hiểu rằng, khi ra ngoài kia, dù có gặp thất bại, thì chúng còn một nơi còn đầy sự yêu thương đó là nhà.
Bạn cũng có thể tự suy ra với đứa trẻ ở hoàn cảnh ngược lại, làm sai cũng bị nói mà làm đúng cũng không được ủng hộ, sau này chúng sẽ trở thành những con người sợ hãi và nhút nhát, đồng thời khi không nhận được lời yêu thương, sự tự trọng của chúng sẽ bị hủy hoại, chúng cũng sẽ nghĩ rằng, ngay cả ba mẹ còn không tin mình, ở nhà mình cũng chẳng thấy vui vẻ gì, thì hãy cẩn thận, những điều vô tình đó có thể khiến đứa trẻ trở nên bất hạnh. Hệ lụy sẽ còn lớn hơn khi không học được cách nói và cử chỉ yêu thương, chúng sẽ gặp rắc rối  trong các mối quan hệ sau này.
Vì vậy, hãy học cách nói lời yêu thương bạn nhé.