Đó là một buổi chiều oi bức khi cha con họ Ngô ngồi trước ngõ hóng gió . Ngõ nhà ngoại xếp kè đá rất ngay ngắn thẳng hàng. Trước ngõ còn có một cây sưa cổ thụ chắn gió chắn mưa. Cây sưa trông về đồng ruộng mênh mông, xa hơn nữa là núi sông trải rộng xanh ngắt.
Thanh niên họ Ngô cảm thấy điều đẹp đẽ nhất là dù bao nhiêu năm qua đi, quê hương vẫn vẹn nguyên như vậy, Bước xuống xe, nhìn quanh quất vẫn là quang cảnh quen thuộc. Đối với những con người quay cuồng trong phố thị, quê hương thực sự có khả năng chữa lành.
Quê hương hắn
Quê hương hắn
Lúc nắng nhạt, Hai cha con tản bộ dọc con đường đất qua ngõ nhà ông Công. Buổi chiều đi trên đường đất sẽ nghe rất rõ tiếng ve rỉ rả trên những tầng cây. Tiếp sau đó, từng nhịp trống múa lân "tùng tùng" văng vẳng khắp núi đồi.
Thanh niên họ Ngô sực nhớ tới một chuyện, vui vẻ nói : "không biết sao nhắc tới nhạc trung thu, con không nhớ ra được bài hát nào đặc trưng mà trong đầu toàn là mấy câu Nào bạn ơi đến đây chúng ta vui đêm nay, Ngồi bên nhau chốn đây, giữa trăng đêm mê say... Chắc hồi nhỏ bị mấy cái lồng đèn nhựa Trung Quốc ám ảnh quá nhiều. haha"
Ba hắn chậm rãi đi trước, mái đầu bạc hơi quay lại, tủm tỉm cười.
Hắn hỏi ba ngày xưa chơi trung thu thế nào.
Ba hắn kể : "Hồi trước giải phóng, cứ trung thu là Cậu Tư lái xe máy cày chở mấy anh em xuống Đức Trọng coi rước đèn. Nhớ có một năm - sau giải phóng, ông nội làm cái lồng đèn con rồng. Mấy cha con xúm lại hì hục gần cả tháng mới xong."
Họ Ngô liền nhớ tới cái lồng đèn rồng to gần bằng thân người, đến giờ vẫn treo ở phòng khách nhà nội.
Thanh niên trán rộng từng xem người khác làm lồng đèn thủ công một lần hồi bé xíu. Lần đó cậu Hương vót tre làm lồng đèn bánh Ú. Lúc đó, thằng bé họ Ngô còn ngồi trong lòng mẹ. Mẹ nó chỉ trỏ :
“đó kìa Tí, ngó nè Tí, cái này là thanh tre, cái này là giấy màu, cái này là nến nè.”
Hắn nhớ mãi gương mặt gầy guộc và cặp mắt sáng trưng của cậu. Cậu Hương hóm hỉnh, bình thản và làm gì cũng khéo. Ngày đó, nhà nào trong xóm có đám tiệc đều băng ruộng tới gặp cậu nhờ vả. Buổi chiều, lo xong việc đồng áng, cậu sẽ lách cách đạp xe ghé qua.
Lúc chiều Dượng Lợi kể : "ngày xưa mà có đám giỗ đám tiệc là phải chuẩn bị trước cả tuần. Lo đi mượn bàn mượn ghế về rồi còn xúm nhau dựng rạp, trang trí, nấu đám. Mà bàn ghế hồi nớ đâu có dễ xếp, bàn nhà ông A thì cao hơn bàn ông B, ghế nhà bà C thì thấp hơn ghế nhà bà D. Đủ thứ chuyện!"
Họ Ngô chặc lưỡi. Vừa rồi đám giỗ Dì Khâng trúng dịp cao điểm nắng nóng. Hắn phờ phạc ngồi trên hành lang nhìn bà con ra vô. Chị bé hai chạy lên chạy xuống, trông thấy hắn liền hỏi : "nóng quá hả tí?"
Hắn đờ đẫn đáp "em đang nghĩ tới nhà ngoại hồi xưa, hồi nớ mà nóng cỡ ri là chết hết."
Chị cười phà đưa cho hắn lon nước lạnh. mồ hôi lấm tấm trên má chị.
Vậy nên buổi chiều hai cha con dạo quanh xóm , hắn liền đem thắc mắc ra hỏi ba : "Quê mình nóng cỡ này thì ngày xưa ông bà mặc áo tứ thân chịu sao thấu?"
Ba hắn cười : "vậy chớ hồi đó dễ chịu hơn giờ. Giờ ở đâu cũng nóng lên. Cây cối thì bị chặt hết. Đà Lạt mình đó kìa. Hồi xưa làm gì có chuyện mặc áo thun đi phà phà như bây giờ. Năm ba học cấp 3, trời mùa đông đánh răng còn không nổi."
Thoáng chốc, hai cha con đã đi được vài trăm mét , qua hết ngõ nhà cậu Hương, đến cái giếng cổ phủ đầy rêu mà đến giờ vẫn còn vài hộ dân duy trì thói quen múc nước.
Họ Ngô ngập ngừng, rồi dừng lại bên giếng cổ.
Ba hắn đang chầm chậm tỉ mỉ xem xét gì đó dưới miệng giếng. Giếng không sâu lắm, xuống chừng 3 mét là mặt nước. Đáy giếng tối om, nhìn vào chỉ thấy một tia ánh sáng loang lổ. Nhờ chút ánh sáng này có thể trông rõ vài loài thực vật như dương xỉ mọc chìa ra từ kẽ đá. Chẳng hiểu tại sao, họ Ngô rất thích những loài cây này. Theo lời của ba hắn thì mạch nước ở đây lạnh lắm. Khi trời oi bức mà gánh một gàu nước xối lên người thì không gì sướng bằng. Đó là mùa hè của những năm 70, 80.
"nhưng mà cái giếng này cũng nổi tiếng lắm. Hồi xưa anh Linh chồng ả Ni đi chơi khuya về, chuyên gia bị ma nhát ở chỗ này." -Ba hắn trỏ vào bụi chuối áng giữa ngõ nhà Cậu và ngõ nhà ông Tuân.
Chuyện ma ở ngõ nhà Cậu và ông Tuân thì quá nổi tiếng ở đất Tiên Phước rồi. Cứ nghĩ tới mấy mẫu chuyện "tầm phào" này là tâm tình họ Ngô tốt hơn nhiều. Nhớ ngày đó, mùa hè thường mất điện. Nhằm đúng hôm mất điện vào bữa tối thì cả nhà được dịp thắp đèn kể chuyện ma.
Dì , Dượng , chị bé Lơ, chị Út, chị Mơ và hắn kéo nhau ra ngõ, xếp đôi dép lại ngồi xổm xuống. "Mấy bà con" xích lại gần nhau, rủ rỉ rù rì đủ thứ chuyện trên đời.
Ngày đó, người trong xóm đi về khuya thường trông thấy đôi trai gái "trắng bóc" đứng tâm sự ở bụi chuối gần giếng cổ. Có người kể ông X bà Y bị ma giấu trong bụi tre , khi trở về thì phát điên, một thời gian sau đầu óc trở lại bình thường bèn kể, trong thời gian "khùng khùng" kia ngày nào cũng nhìn thấy ông già và bảy đứa trẻ quây xung quanh chơi đùa.
Dì Trà kể thêm , năm dì học cấp 3 ông ngoại đi nhóm họ về cảnh báo buổi tối chớ có đi qua ngõ cây Đẻng. Đã mấy lần ông ngoại thấy một bà già leo tường ở chỗ đó. Hôm nay bà già kì dị còn lại gần hỏi "ông đi mô đó?" nhưng biết không phải người nên ông Ngoại cầm đèn đi thẳng.
Lũ trẻ nghe xong, đứa nào đứa nấy mặt xanh như đít nhái. Bụng bảo dạ "không được uống nước, không được uống nước". Lỡ mà mắc tiểu giữa đêm thì bánh xác!
Dượng Lợi châm một điếu thuốc, ngồi gác chân chữ ngũ. Dượng cũng góp vui bằng câu chuyện kì lạ thời bao cấp. Chuyện là , một đêm nọ thời tiết có sương mù, sau tiết dạy Dượng đạp xe trở về nhà, tận mắt trông thấy cả bầy chó mấy chục con đua nhau từ trên ngõ tràn ngập xuống đường rồi ào ào băng qua ruộng, làm cho đám lúa nằm rạp xuống. Lúc đó cảm giác như chó của cả huyện đã tập trung về trước mặt Dượng vậy. Nhưng sáng hôm sau dòm lại thì đám ruộng vẫn tốt tươi như thường. Đó là tuyến đường mà Dượng đã đạp xe qua mấy chục năm trời, Dượng thuộc lòng từng góc nhỏ, từng con chó nhà bà A, bà B và chắc chắn không bao giờ có chuyện xuất hiện lũ lượt chó cùng chạy rông như đêm hôm đó.
Buổi chiều ngồi bên thành giếng, họ Ngô chậm rãi thuật lại cho ba hắn nghe những kỉ niệm rất tầm phào đó. Dưới góc độ hài hước và nhiều hoài niệm.
Ba hắn nghe xong không bình luận gì nhiều, chỉ cười phà phà. Đấm đấm xoa bóp bắp chân.
Những chuyện kì lạ ở vùng quê nghèo thì nhiều vô số kể. Về sau này, chính bản thân họ Ngô cũng chứng kiến nhiều sự lạ trong đời. Đơn cử, một lần năm lớp 8 cũng trên mảnh đất Tiên phước. 8 giờ tối ngày cuối tuần, dì Trà chở chị em hắn đi may đồng phục chuẩn bị cho năm học mới. Lúc xe bon bon trên đường cái , họ Ngô dõi mắt ngắm thửa ruộng tốt tươi. Thình lình, có một quầng sáng trắng lớn như thân người, di chuyển từ đầu bờ bên kia, cắt ngang qua ruộng. Quầng trắng tỏa sáng như sao trên trời làm thằng bé ngây người hết mấy ngày liền.
Đó là những kỉ niệm tuổi thơ khắc sâu trong trí nhớ. Chỉ là ở độ tuổi hiện tại, đối với họ Ngô mà nói chuyện ma và chuyện tiếu lâm không khác gì nhau. Với những người sáng tối bận rộn, quay cuồng trong bánh xe của phố thị thì những chuyện giật gân không đáng nhắc đến. Kiếm tiền mới quan trọng.
Trên bầu trời bóng đã đổ đỏ lòm, bất chợt có cơn gió thổi ào qua. Tán cây xum xuê đung đưa. Lá cây rơi lãng đãng trong không trung.
Cha con họ Ngô ngẩng mặt nhìn lên, phát hiện khuất trong đám lá um tùm cũng có một cây sưa. Cây sưa già cành lá chìa ra, vững vàng trong gió. Hàng năm cứ đến đầu hè, hoa sưa nở thành chùm màu vàng. Lúc gặp gió, cánh hoa phân chia phủ kín mặt đường, chờ đợi vệt bánh xe của thiếu nữ áo dài.
Đó là đại ý trong bài thơ về hoa sưa mà thằng nhóc họ Ngô lén đọc được từ một quyển lưu bút.
Thời gian không chờ đợi một ai. Dù cây sưa của những năm tuổi thơ vẫn đứng vững qua phong ba thời tiết nhưng cây thường xuân trong lòng mỗi người đều đã nở hoa kết quả mấy chục xuân. Bây giờ nhìn lại, bóng lưng ba hắn đã còng hơn, bước chân cũng chậm hơn, mái tóc thì muối nhiều hơn tiêu.
Trời sập tối, cả Vũ từ thị trấn Tiên kỳ trở về, mang theo dây điện và bóng đèn . Theo lời cả Vũ thì "dễ chi tụ họp đông đủ như bữa ni". Rứa cho nên không thể tiết kiệm được. Phải khoa trương!
Theo chỉ đạo của cả Vũ, họ Ngô lăng xăng kéo một dàn đèn từ nhà ngang qua sân , kéo tới tận thân cây sưa. Cả Vũ thoăn thoắt leo lên leo xuống thang sắt, miệng ngậm kềm bấm, thao tác không một động tác thừa. Thấy họ Ngô trầm trồ, chị Ngọc bế thằng cu ngang qua, khoe : "anh Vũ mi là thợ đụng mà. Đụng cái chi cũng làm được. Xây nhà, lắp bình năng lượng, sửa máy lạnh. Kính thưa các loại!"
Đèn bật sáng trưng. Ánh đèn điện soi xuống ao cá trước ngõ lóng lánh sáng màu. Thêm cơn gió lành nhẹ nhàng thổi qua. Vậy là chẳng khác chi đêm 30.
Cha con họ Ngô kê bàn, kê ghế ra trước sân. Sau khi sắp xếp đâu ra đó, thanh niên trán rộng ngồi xuống, ngửa đầu nhìn lên. Trời đêm lấm tấm sao xa.
Ở phía bên kia của sân gạch, các chị các cô xúm lại bên bếp than. Dì trà hì hục quạt than. Mẹ hắn háo hức ôm nồi thịt ướp. Vỉ nướng bắt lên bếp chín vàng ươm , mỡ thịt nhỏ giọt kêu xèo xèo thơm nức. Chị bé Hai đã hoàn thành công đoạn rửa rau. Hội phụ nữ nhỏ to gì đó, thi thoảng bật cười khúc khích. Làn khói trắng len lõi giữa tiếng nói cười.
Cây sưa trước ngõ lúc chạng vạng
Cây sưa trước ngõ lúc chạng vạng
Thình lình có chiếc xe loá đèn cập vào ngõ. Xe đậu dưới gốc sưa già. Ra là anh Sáu cả Lãnh tới chơi. Ánh đèn trên cây soi rõ tướng người to bè của anh.
Anh Sáu vốn là người sôi nổi. Vậy nên sự xuất hiện của anh làm cả nhà xôm tụ hẳn. Anh Sáu đặt hộp giấy lên bàn, nói cười sang sảng : "Con đem theo đặc sản đây nha Dì. Hỏi mua mấy chỗ mới có đó. Bữa ni 400k / 1 kg"
Dì Trà mở nắp hộp, bên trong xếp gọn những con cá nướng nhỏ. Mái tóc cắt ngắn của dì lúi húi trên bàn ăn đầy ắp chén dĩa.
"Chừ đố thằng Tí nói được cá ni cá chi? có thưởng liền nè."
Họ Ngô cầm đũa lật qua lật lại con cá nhỏ, cảm thấy nó rất giống cá Diếc, nhưng đề bài chắc chắn không đơn giản vậy. Hắn đành lắc đầu.
"Cá ni là cá Niên đặc sản quê mình , bắt dưới sông Tiên đó." - Dì với tay đổ muối ớt giã nhuyễn ra chén - "ăn thử đi con. Mấy năm nữa chắc không còn mà ăn mô."
Dượng Lợi từ nhà tắm bước ra , trên cổ còn vắt một chiếc khăn xanh. Dượng trông thấy cá niên nướng thì nổi hứng ngâm nga mấy câu, sau đó pha chuyện phím :
"Đố thằng Sáu, cá niên ni làm món chi ngon nhất?"
Anh Sáu đáp : "Bộ lòng đó dượng. lấy bộ lòng trụng nước sôi, đem trộn gỏi với mấy lát khế, rau ngò húng quế, đậu phộng rang, .. Thêm chén nước mắm ớt nữa là đúng bài!"
Dượng Lợi nghe xong gật gù, nhưng cũng bổ sung thêm : "Dượng thì lại thích ruột cá ni đem chưng với trứng. Rắc thêm chút tiêu Tiên Phước lên. Ăn hắn béo béo, thơm lắm."
Cá niên là đặc sản Quảng Nam, sinh trưởng ở những đoạn thác ghềnh sông Tiên. Sông Tiên nước chảy hiền hòa đã chảy qua tuổi thơ mấy thế hệ gia đình họ Ngô. Những năm 80, Ba mẹ hắn thường hẹn hò tâm sự trên bờ đá đoạn đi qua thôn 2 xã Tiên Châu. Có một đêm đang rôm rả thì nghe tiếng quẫy nước rõ to, đôi trẻ chạy mất dép. Sông Tiên xanh ngắt rì rào còn là địa điểm để thiếu niên 12 tuổi họ Ngô liệng đá nhảy. Những hòn đá sỏi nhẵn nhụi lao ra khỏi bàn tay rồi nhảy chách chách trên bề mặt nước, cho đến khi dư lực giảm dần rồi chìm nghỉm xuống đáy.
Về sau này người ta cho xây cầu mới, chân cầu cao 4m, địa điểm lí tưởng cho đám trẻ muốn thử cảm giác mạnh. Mỗi buổi chiều hè gió thổi rì rào họ Ngô lại mang tập vẽ ra đó . Giữa một bên là cầu đá sông xanh, lũy tre ngà, một bên là hoạt cảnh tắm gội nô đùa, thiếu niên hài lòng cầm bút chì hí hoáy.
Thú thật là họ Ngô khoái mấy món dân dã như cá nướng chấm muối ớt . Nhưng đó là cá ít xương. Cá niên thơm nhưng xương hom nhiều, làm chùn bước loại người lười biếng như hắn. Hắn xẻ một miếng ăn thử. Ừm, thịt cá vừa vào miệng có cảm giác đắng, nhưng cái hậu thì ngọt. Rất hợp nhậu!
Bởi vậy chỉ ít phút sau trên bàn đã bày ra thùng bia huda cùng đầy ắp thịt nướng, cá niên, salad Đà Lạt, gỏi gà xé và mì quảng..
Tiếng dì trà, dượng lợi vang lên "Thôi tổng mời hết hỉ"
"Vô bàn hết, bớ mấy bà con!!!"
Cứ như vậy, dưới ánh đèn sáng trưng , cả nhà sà vào mâm cơm gắp lia lịa. Trong bữa ăn, ngẫu nhiên vài mẫu chuyện bá xàm bá láp vang lên làm căn nhà rộn rã tiếng người.
Họ Ngô cùng người nhà cụng li bia trăm phần trăm. Men bia đắng làm mặt hắn nhăn như khỉ. Bia vào thì mềm môi, thế là không khí thêm phần náo nhiệt.
Những mẫu chuyện trong cuộc nhậu nhỏ nhặt lắm. Nhỏ như tảng đá ven đường, hàng ngày đều nhìn thấy, nhưng chẳng nhớ nổi tròn méo ra sao. Dân Quảng Nôm lúc nhậu thích kể chuyện tiếu lâm, thích chơi chữ, thích bàn luận triết học. Những người như anh Sáu, Cả Vũ có bia rượu vào, rất thích thể hiện cái tôi hơn người. Người như Dượng Lợi lại thích khề khà đánh đố chữ nghĩa. Còn riêng cha con họ Ngô, im thin thít.
Bình thường cha con hắn chẳng bao giờ uống rượu bia cho nên "đô " yếu. Mà cũng bởi vì rất "yếu" cho nên chẳng bao giờ nhậu nhẹt. Mỗi khi ra ngoài tiếp khách, họ Ngô vẫn thường thở than, phải chi mình là "đô trưởng" như thằng Vịt - bạn thân hắn thì tốt. Có lẽ sự nghiệp sẽ suôn sẻ hơn?
Như đêm nay, vào một đêm sum họp diệu kỳ, hắn chỉ có thể tự nhủ bản thân uống nhiều thêm một chút, đại khái được 2 lon thì mắt díu lại, ai hỏi gì cũng lắc đầu.
Giữa chừng cuộc vui, anh Sáu vỗ vai thanh niên trán rộng, ca bài ca kinh điển : "Rứa chừng nào mi cưới vợ Tí? Ta thấy mi ta lờn đó. Con Trinh khùng khùng mà hắn còn có chồng kìa."
Không biết là do bia hay do nghĩ tới chuyện gì mà hai má họ Ngô đỏ lựng. Hắn lắc đầu, cười hê hê cho qua chuyện.
Cả Vũ khoát tay nói “thôi rứa để từ từ cũng được. Trễ thì giống anh.”
Cả Vũ 38 tuổi mới cưới vợ. Số phận cả Hương dường như vận vào cả Vũ. Những năm tuổi đôi mươi, cả Vũ đa tài và được nhiều cô thầm thương. Ngày đó Cả biết chơi nhạc cụ, biết hát, biết vẽ, biết làm thơ lại còn tháo vát. Báo Mực Tím có dạo đăng nhiều thơ của Cả. Có một lần họ Ngô và chị Mơ tìm thấy trong phòng Cả một quyển lưu bút đẹp tuyệt vời . Nét vẽ và chữ viết bên trong vô cùng phong cách. Cả Vũ thường nằm dài dưới tán cây sau vườn, hếch mũi kiêu ngạo : “gái trường Huỳnh Thúc Kháng thấy ta là rụng hết.”
Theo lời bà ngoại thì Cả Vũ “Sáng học” lắm. Nhưng về sau vì gia đình khó khăn, cậu Hương thì bệnh, thế là mỗi một ước mơ của gã thanh niên đều dang dở. 
Bà ngoại nói đến đây buồn thăm thẳm. Bà không bao giờ quên cái năm 1972. Năm đó, Cách Mạng đánh tới Tiên Phước. Cả làng đổ xô chạy nạn. Rứa mà khi trở về, chỉ có nhà ngoại xui xẻo cháy thành than. Ông ngoại và các dì ra sức mót lúa từ cái Bồ sắt đen thùi lùi trong góc nhà, khi tách vỏ ra, những hạt thóc nát mịn theo gió bay đi. Năm đó, Cậu Hương bị bắt đi lính ở Tam Kỳ rồi cụt một chân vì bom mìn. Từ dạo đó về sau ông ngoại lâm bệnh, cả nhà lớn nhỏ sống chật vật.
Cả Tiên Phước đều biết, trước năm 1972 , nhà của bà Hương khang trang rộng rãi, cột nhà bằng gỗ mít to một vòng tay người ôm, đỏ au thơm lừng. Nhưng sau trận pháo kích đó, bao nhiêu của cải công sức của ông bà đổ sông đổ biển. Về sau này ông ngoại mất, căn nhà nhỏ trải qua nhiều lần tu sửa. Đến khi bà ngoại nhắm mắt xuôi tay thì nó thuộc thừa kế của cháu đích tôn. Sau đợt dịch 2021, cả Vũ xây mới lại ngôi nhà để gia đình nhỏ yên tâm sinh hoạt.
Bởi vậy hôm nay trở về thăm quê. Mẹ hắn và Dì Trà bùi ngùi xúc động. Trong bữa ăn đàm luận rôm rả, Dì Trà nói : “Về Việt Nam, thấy nhà mới đẹp đẽ khang trang, dì cũng mừng cho tụi con lắm.”
Anh Sáu khoác vai cả Vũ nói lớn : "nhà ni rứa là quá đẹp rồi. Ta thấy mi sửa lại làm homestay đi. Kết hợp với ta chạy xe du lịch là đẹp."
Cả Vũ nghe xong cười xuề " tây tây cái chi!"
Trong men say, họ Ngô ngẫm nghĩ. Bản thân hắn từ lâu đã muốn giới thiệu cảnh đẹp quê mình đến bạn bè. Hắn từng lên kế hoạch cho"tour hướng nội" trên trục đường từ Tam Kỳ - Tiên phước. Nhưng hễ nghĩ tới cái nóng gay gắt của mùa hè thì chùn bước. Thế là Hắn tếu táo nói :
“nhà mình mà làm homestay thì lụm tiền. Nhưng mà lụm sáng tối thôi nha. Buổi trưa thối lại cho người ta.”
Cả nhà nghe thế, cười vang.
Khi trời mát mẻ, kê cái ghế ngồi đây thì còn gì bằng
Khi trời mát mẻ, kê cái ghế ngồi đây thì còn gì bằng
Và cứ thế, một ngày vui vẻ ồn ào cứ thế trôi qua. 
Trời về khuya, khi chúng nhân đã say giấc nồng, ông trời mới nổi trận gió to. Một ít vỏ lon bia còn sót lại trước sân bị gió cuốn đi lông lốc. Ít phút sau, cơn mưa rào ập tới. Cây sưa già trước ngõ vững vàng chống đỡ, chỉ có chao đèn đung đưa qua lại.
Trong gian nhà mới tươm tất của cụ bà Hương, thanh niên trán rộng mới tỉnh bia nên vẫn còn thao thức. Hắn nằm ngó lên trần nhà, nghe tiếng mưa,  nhớ bà ngoại, cậu Hương, cả dì Khâng nữa.   
Như hôm qua cùng me lên vườn thăm mộ , lúc cúi đầu nhổ cỏ, hắn thấy hai mắt me ửng đỏ. Hơn 2 năm rồi vì tình hình dịch nên mẹ hắn không thể về thăm quê. Đến hôm nay về và chứng kiến cảnh xưa kỉ niệm đã thay thế bằng căn nhà mới lạ lẫm khang trang. Tự nhiên nước mắt ứa ra.
Buổi chiều hai mẹ con ngồi nghỉ mệt. Mẹ hắn với tay chỉ : "chỗ kia là giếng nước cũ kìa tí, chỗ có bụi tre đó . Ngày xưa một tay dì Khâng gánh một ngày mười mấy đôi nước lên tưới vườn tiêu, phụ tiền cho me đi học sư phạm. Hàng cau cũng là dì Khâng trồng cái năm chị Mơ đi thi đại học đó."
Bây giờ vườn tiêu đã không còn, chỉ còn hàng cau cao cao đứng sừng sững giữ đất trên đồi. Ban ngày là bóng mát cho sân, ban đêm dòm lên, thấy sao trời nhấp nhánh trên ngọn cau có cảm giác rất thoải mái. Cho nên, mỗi khi ăn tối xong, họ Ngô đều sẽ đi dạo vòng quanh sân gạch, ngửa đầu ngửa cổ. Lúc này, trong đầu hắn sẽ nhớ tới mấy câu thoại sến sẩm, rằng khi một người thân ra đi, họ sẽ hóa thành một vì sao trên bầu trời.
Hắn cứ có cảm giác, sao trời tuy cao xa vời vợi, nhưng tàu lá cau thực sự có thể vươn lên tới đó.
hắn chỉ có tấm hình vườn cau chụp từ cửa sổ lầu trên thôi
hắn chỉ có tấm hình vườn cau chụp từ cửa sổ lầu trên thôi