Câu trả lời ở trong, dữ liệu ở bên ngoài
Thật kì lạ khi cuộc đời nhỏ bé của mỗi chúng ta có vô vàn câu hỏi cần tìm kiếm câu trả lời, từ việc hôm nay ăn gì, bao giờ mình có...
Thật kì lạ khi cuộc đời nhỏ bé của mỗi chúng ta có vô vàn câu hỏi cần tìm kiếm câu trả lời, từ việc hôm nay ăn gì, bao giờ mình có người yêu cho đến tôi-là-ai. Một vài câu nhìn ngay thấy đáp án, một vài thì không.
Cảm giác khó chịu nhất là khi vướng trong một câu hỏi khó nhưng không thể tìm được đáp án. Với một vài người, câu hỏi mình là ai, mình muốn gì trở thành một nỗi ám ảnh. Vài người khác, việc không biết crush có thích mình không trở thành một nỗi băn khoăn âm ỉ.
Chúng ta đều khao khát những câu trả lời theo những cách khác nhau. Nhưng đa phần cảm thấy bất lực khi không cách nào tìm thấy được chúng. Hướng đi nào cho công việc? Hướng đi nào cho tình yêu? Hướng đi nào cho cuộc sống? Và ta càng bất lực hơn khi cuộc sống không giống như một bài toán, cứ mở cuối sách ra là thấy lời giải. Không, ta phải tự tìm lời giải.
Nhưng tìm ở đâu?
Trong một lần không thể tìm được giải pháp cho công việc, tôi có hỏi một người anh khá giỏi trong nghề: “Khi đang bí, em nên ngồi nghĩ đến khi ra, hay tìm thêm thông tin?”. Anh nhắn lại dứt khoát: “Thông tin.”
Điều này vô tình mở ra chìa khóa cho tôi, không chỉ công việc mà còn các vấn đề khác trong cuộc sống. Một điều mà tôi đã áp dụng và mọi việc trở nên suôn sẻ hơn rất nhiều:
Câu trả lời ở bên trong. Dữ liệu ở bên ngoài.
Nếu không có dữ liệu. Không có câu trả lời.
Không thể tìm câu trả lời của người khác. Câu trả lời là của bản thân.
Nếu bạn đang viết một thứ gì đó mà mãi không thể viết được. Điều đầu tiên là… không viết nữa. Bạn cần đọc, bạn cần ra ngoài. Bạn cần nhìn và tìm thấy thứ mình có thể viết. Đó là tìm dữ liệu ở bên ngoài.
Để khi trở về viết, bạn ngắt mọi sao nhãng. Bạn hội tụ sự tập trung lại. Bạn nhặt ra trong những dữ liệu những thành phần và hội tụ chúng thành câu trả lời. Đó là tìm câu trả lời ở bên trong.
Vậy nên trong những quyển sách self-help dành cho học sinh cấp 3 hay khuyên rằng nếu em không biết gì, em nên đọc sách, nên ra ngoài trải nghiệm. Điều này nghe có vẻ nhàm, nhưng rất đúng, không sai. Trải nghiệm để nghe, để nhìn, để trải, lấy dữ liệu, để thấy cuộc sống này đang diễn ra như thế nào.
Rồi khi ta quay về trả lời câu hỏi, ta lắng nghe bản thân và tìm ở bên trong. Để thấy ta ra sao.
Tôi đã từng hoang mang và chán chường. Giờ tôi vẫn hoang mang, nhưng không còn chán chường như trước. Mỗi ngày tỉnh dậy, khi thấy ánh sáng chiếu qua khung cửa sổ, tôi hiểu rằng một ngày mới lại đến. Tôi hiểu rằng tôi lại có thêm một ngày nữa để thu nhận thêm những dữ liệu về cuộc sống này, để trả lời câu hỏi về vai trò của tôi trong thế giới này, và làm thế nào để hạnh phúc.
Tôi vẫn chưa tìm thấy câu trả lời, nhưng giờ tôi không còn cảm thấy bất lực khi không tìm ra đáp án ngay.
Vì tôi hiểu rằng khi tôi tiếp tục thu thập dữ liệu, tôi đang trong hành trình tiến gần đến câu trả lời.
“Ngồi nghĩ không ra. Đi tìm sẽ thấy.”
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất