Chắc hẳn ta đã trải qua một cảm giác vô định, mơ hồ về lý do tại sao ta lại học miệt mài bất kể ngày đêm và sẽ có lúc ta tự hỏi bản thân liệu học như vậy có xứng đáng ? Và khi biết được thái độ tưởng chừng rất tự nhiên ấy, các bậc cha mẹ các bậc thầy cô lại vội đánh giá rằng em lười nhác thay vì suy xét đến những kiến thức mình đã dạy.
Họ kể về cái hay cái đẹp mà văn học mang lại, cái logic cái lập luận cặn kẽ mà toán học mang lại. Liệu ta có bao giờ tự huyễn hoặc bản thân khi cố gắng vì một mục tiêu không rõ ràng rằng nó sẽ có lợi về sau. Đây là tư duy rất độc hại, việc bước vào con đường học tập rèn luyện mà không có cho mình cái đích để hướng tới sẽ khiến ta dễ đi lệch mục tiêu ban đầu. Thay vì rèn luyện để thành thạo tiếng anh, ta học đủ mọi loại tips, mọi giải pháp "mì ăn liền" để mong sao có được con điểm tốt. Thay vì suy luận để giải từng câu toán, ta vội tìm kiếm đáp án có sẵn trên mạng để chép vô. Chính việc này biến sự học trở nên vô nghĩa bởi ta chỉ đang học để đối phó, học để đáp ứng nguyên vọng của ai đó mà không phải của chính ta. Ngay cả khi thi đến các cấp quốc gia, học sinh vẫn hoang mang về mục tiêu như thế. Để rồi khi chúng kiệt quệ, thầy cô khẽ tiêm vào trong tiềm thức chúng về những vinh quang, niềm tự hào sẽ nhận được. Ta phút chốc biến thành những chú chó đua trong trường đua Đại Nam. Nỗ lực để chạy nhưng lại vô nghĩa.
Việc học không có mục tiêu hay không có nhu cầu để áp dụng vào chính cuộc sống của mình sẽ dẫn đến FOMO trong việc học. Ta học bởi sự lo sợ rằng bản thân sẽ lạc hầu trước bạn bè cùng trang lứa. Khi thấy người bạn bắt đầu đăng kí thi IELTS, ta cũng làm theo dù chưa biết sẽ làm gì với tấm bằng đây. Và chẳng có quyết định từ FOMO nào là có lợi cả. Người hưởng lợi duy nhất là tất cả các trung tâm IELTS với học phí đắt đỏ. Dù rằng hiện nay chỉ có gần 20% học sinh chọn con đường du học nhưng gần như không ai ở cấp ba là không IELTS. Liệu đây có phải sự nghịch lý.
Việc có những hoang mang hoặc trăn trở về mục đích của việc học là điều rất đỗi tự nhiên, là lời nhắc nhở của cơ thể rằng ta đang ép nó học một thứ mà bản thân nó không tin là hiệu quả. Bằng cách tự lừa gạt bản thân, ta tự thúc ép ta đi trên con đường mà trong lòng ta không muốn.
Nói về IELTS, phần lớn người học quyết định chọn thi tấm bằng này vì FOMO như đã nói trên và PEER PRESSURE thay vì có khát khao đi du học. Một đất nước phát triển không phải là một đất nước mà ai cũng có bằng IELTS cao mà là khi người ta không cảm thấy sức nặng từ tấm bằng ấy. IELTS trong con mắt của người việc không còn là chứng chỉ chứng mình khả năng Tiếng Anh mà nó đóng vai như một tấm bằng đại học để người ta khoe với nhau và để con người ta từ đó mà đánh giá năng lực của nhau. Có khi chỉ vì IELTS chưa cao, người ta có thể đánh đồng bạn với những kẻ lạc hậu, thiếu năng lực chuyên môn.
Nên nhớ rằng, tiếng Anh chỉ là một loại ngôn ngữ, một phương thức để liên lạc vậy liệu ta có tôn sùng tiếng Việt như cách ta làm với tiếng Anh ? Chắc chắn là không. Vậy mà còn bao nhiêu bạn trẻ ám ảnh với việc phải được 8.0 IELTS. Với những người đã đi học chia sẻ lại, bằng IELTS chỉ là đánh giá bước đầu, dù là 6.5 hay 7.5 cũng không khác biệt nhiều. Việc du học hay rộng ra là việc học của mỗi người được đánh giá rộng hơn thay vì qua tấm bằng về khả năng ngôn ngữ.
Phải chăng ta cũng đang học IElTS và cứ lừa gạt bản thân rằng " cứ học đi rồi sau này sẽ cần" ? Kiến thức là thứ phải áp dụng hằng ngày, hằng giờ để rồi não bộ ta tự tổng hợp, gói ghém chúng thành tri thức của riêng ta. Với kiểu học mơ hồ về định hướng, ta chỉ học được cái bề nỗi và những phần lý thuyết mà bỏ lỡ mất cơ hội để thể nghiệm. IELTS nên chỉ dừng lại ở một chứng chỉ quốc tế như bao chứng chỉ khác. Nó không nên được tôn sùng hay tạo cho mọi người áp lực rằng phải có nó. Một khi ta đã quyết tâm chọn đi du học hay muốn nộp đơn vào một công ty quốc tế, IELTS sẽ thích hợp dành cho bạn. Còn nếu chỉ vì "Sau này sẽ cần" thì xin bạn đừng.