Trên thế giới, tàu hỏa chiếm phần quan trọng trong ngành vận tải. Từ tuyến đường sắt Sibir dài 9.289km đâm xuyên qua lục địa Á Âu tới những chuyến tàu nhỏ hơn nối liền các thành phố,  trung tâm công nghiệp ở các nước nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ công nghiệp nặng, cũng như vận chuyển hành khách trong cuộc sống bình thường, tàu hỏa đã cho thấy vai trò của mình trong việc đáp ứng nhu cầu của con người trong bất kỳ thời đại nào, kể cả thời đại công nghiệp nặng máy hơi nước hay thời đại 4.0.
Ở Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử, hệ thống đường sắt được hình thành trong quá trình thực dân Pháp thực hiện công cuộc khai thác thuộc địa. Trải qua chiều dài lịch sử, đường sắt đã hòa mình vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Chuyến tàu Thống Nhất Bắc Nam là một hình ảnh tượng trưng cho sự thống nhất, đoàn kết của đất nước ta.
Tuy vậy, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, đường sắt Việt Nam dường như chưa xứng đáng với vai trò của nó.
Số lượng người sử dụng tàu hỏa như một phương tiện đi lại thường xuyên rất ít. Các chuyến tàu chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu đi lại của người dân, một bộ phận khách du lịch và những người già cả, đau ốm không thể sử dụng các hình thức khác như ô tô hay máy bay.
Về cơ sở vật chất, trong khi đường sắt trên thế giới có khổ đường ray tiêu chuẩn 1.4355mm, Việt Nam ta vẫn nằm ở khổ 1.000mm và chưa có dấu hiệu gì về việc sẽ nâng cấp khổ đường ray lên. Hay một ga lớn như thành  phố Hồ Chí Minh mà không gian, hệ thống cơ sở vật chất có lẽ còn thua một Vincom bình thường trong thành phố. Còn những toa xe của Việt Nam cũng đã thuộc hàng cao niên nếu như được đặt bên cạnh các toa xe của các nước khác.  Số lượng của lượng khách đi trong ngày bình thường ở các ga có lẽ chỉ là một con số nhỏ so với lượng khách ở bến xe miền Đông hay là sân bay Tân Sơn Nhất. Ta có thể dễ dàng tìm thấy những bài báo nói về kẹt xe lên sân bay vào ngày lễ, tết chứ rất hiếm bài báo bảo kẹt xe đường lên ga tàu.
Tình trạng thê thảm của ngành đường sắt của Việt Nam hiện tại ra sao trên báo đài có lẽ đã nhắc nhiều.
Việc tìm ra nguyên nhân cũng không khó lắm.
Đầu tiên, về vận chuyển hành khách, hiện tại ở Việt Nam có nhiều hình thức đi lại thuận tiện hơn và rẻ hơn so với tàu hỏa. Phần lớn người Việt lựa chọn xe khách và máy bay để đi lại. Một số tuyến du lịch ở Việt Nam chúng ta không thấy có sự xuất hiện của tàu hỏa, ví dụ như các chuyến du lịch lên Tây Nguyên, đặc biệt là Đà Lạt làm cho du khách chỉ còn những sự lựa chọn bao gồm tự đi xe máy, xe khách và máy bay. Hội An và Đà Nẵng cũng nằm trong vấn đề tương tự. Ta thấy đơn giản rằng các trang web du lịch khi đề xuất cách đi từ Hà Nội hay tp Hồ Chí Minh tới Hội An hay Đà Nẵng đều không có hướng dẫn cho việc đi tới đó bằng tàu hỏa. Và nhiều khu du lịch lớn của cả nước cũng nằm trong tình trạng trên. Điều này gây ra mất nguồn thu cho ngành đường sắt.
Thứ hai, vì chỉ phục vụ lượng khách đường dài đi về quê hoặc đi công tác xa, nên số lượng khách của ngành đường sắt thường chỉ rải rác, không nằm ở mức cao. Một phần khách hàng sử dụng tàu hỏa như để trải nghiệm cảm giác mới. Một phần khác vì say xe hoặc say máy bay. Một phần muốn an toàn sau khi ngày nào cũng thấy nhan nhản các vụ tai nạn xe khách trên đường, hoặc tự mình trải nghiệm cảm giác "phiêu lưu" bởi các bác tài "max ga max số",  hoặc sau khi thấy các vụ mất tích của MH 370 hoặc rơi máy bay MH17 (mặc dù tỉ lệ xảy ra các vụ việc trên khá ít). Nhưng một ngành vận tải hành khách nếu như chỉ phụ thuộc vào lượng hành khách như vậy thì không thể nào phát triển nổi.
Thứ ba là về chất lượng sử dụng dịch vụ trên tàu. Chúng ta không thể phủ nhận rằng chất lượng phục vụ của ngành đường sắt ngày càng tăng lên, nhưng vẫn có một số điều còn tồn tại vì vài lý do chủ quan và khách quan. Trên tàu hiện tại vẫn bán vé ghế ngồi cứng, buổi tối muốn ngủ nếu như muốn nằm thì phải thuê chiếu nằm, trước hết là sẽ tốn thêm khoản phí cho người sử dụng (khi bạn sử dụng xe khách hoặc máy bay sẽ không có tình trạng này), và sẽ gây cảnh lộn xộn, mất mỹ quan trên đoàn tàu. Ngoài ra, vé tàu không bao gồm dịch vụ ăn uống. Người mua sẽ chọn mua các món ăn trên tàu hoặc ăn đồ ăn do mình tự mang đi. Tình trạng buôn bán hàng rong trên tàu làm giảm đi tính chuyên nghiệp của ngành đường sắt, mất thiện cảm cho hành khách. Đó là còn chưa kể tới sự đa dạng trong văn hóa ẩm thực ở Việt Nam làm cho hành khách khó có được trải nghiệm tốt nhất khi đi tàu.
Thứ ba là về giá vé. Tại thời điểm viết bài viết này, giá vé xe khách Hoàng Long đi từ tp HCM ra Hà Nội là 620.000đ, giá vé máy bay nằm trong khoảng từ 600.000đ tới 3.000.000(nếu thêm thuế sẽ lên 900.000 tới 3.300.000, có sự chênh lệch lớn là do có thể bạn mua trúng vé khuyến mãi cũng có thể bạn mua vé hạng nhất, tất nhiên cách phục vụ trên máy bay cũng sẽ thể hiện giá vé bạn mua), còn tàu hỏa là 600.000 tới 1.500.000. Yếu tố giá ảnh hưởng lớn tới sự lựa chọn của khách hàng. Giá vé máy bay nếu mua hợp lý cũng chỉ ngang với giá vé tàu, trong khi thời gian di chuyển lại bị rút ngắn đi từ 2 ngày còn 2 tiếng. Người tiêu dùng sẽ lựa chọn giải pháp tối ưu nhất cho chính họ.
Với những khó khăn nêu trên, để có thể cạnh tranh với các loại hình vận tải khác, đường sắt còn rất nhiều việc phải làm.
Còn về vận tải hàng hóa, có lẽ ngành đường sắt rất khó cạnh tranh với đường thủy. Bản thân vận tải bằng đường thủy, đặt biệt là đường biển trên thế giới đã là một ngành mang tính cạnh tranh quá cao vì giá nó quá rẻ, an toàn, không bị giới hạn về kích thước và không cần xây dựng đường sá để đi lại. Ở Việt Nam các trung tâm công nghiệp lớn đều có thể nối được với nhau bằng đường biển, nên vận tải đường sắt gần như "không có cửa". Bên cạnh đó, việc xây dựng một tuyến đường để vận tải đường bộ sẽ dễ dàng hơn rất rất nhiều so với việc xây dựng một tuyến đường sắt. Vì vậy triển vọng trong vận tải hàng hóa của đường sắt có lẽ phải đợi khi nền công nghiệp nước ta phát triển mạnh mẽ, lúc đó việc vận chuyển hàng hóa bằng các tuyến tàu cố định giữa các vùng công nghiệp trong một khu vực xuất hiện, mà từ giờ tới lúc đó chắc hẵng còn lâu lắm.
Như vậy, chỉ với các lý do khách quan như trên đã cho thấy được tình cảnh trong tương lai của ngành đường sắt Việt Nam. Vậy bây giờ câu hỏi đặt ra, liệu chúng ta có cần đường sắt không ??????