Anh thanh niên cầm tờ giấy kết quả trên tay, ngồi đối diện với vị bác sỹ. Mẹ anh được chuẩn đoán mắc ung thư giai đoạn bốn và di căn. Ruột gan quặn thắt, nhịp tim dồn dập, nét mặt chuyển sang màu trắng, anh khom vai cố gắng hít từng miếng . Trong giây phút kỳ lạ , nếu có ai hỏi anh 2 nhân 9 bằng mấy, chắc rằng anh cũng sẽ ngây ra mà chẳng thể trả lời, hệ thần kinh của anh bị hung tin này làm cho tê liệt hoàn toàn.
Thế có nghĩa là sao thưa ông ?- Anh hỏi vị bác sỹ.
Một câu hỏi ngu ngốc nhưng là điều duy nhất anh có thể thốt lên, tất nhiên sau đó vài phút, anh hiểu điều này nghĩa là sao. Là án tử hình chứ còn gì nữa, nghĩa là mẹ anh sẽ chết. Làm sao bà có thể chết được , mẹ là một người phụ nữ mạnh mẽ, từ trước tới nay bà vẫn là người gồng gánh cả gia đình, một mình bà nuôi vừa 3 đứa con, , vừa quản lý gia đình, vừa chăm con, vừa làm kinh tế, bà có một cửa hiệu bán chăn đệm to nhất huyện, bà nhanh nhẹn và sáng suốt, lời bà nói có đanh có thép, lý lẽ sắc sảo khiến người khác chỉ có phục tùng mà không có phản bác. Ấy vậy mà người đàn bà này sắp chết ư? Thế thì làm sao được, thế thì con cái bà biết bấu víu vào đâu, cuộc sống này mà thiếu bà thì sẽ ra sao?
Bác sỹ không trả lời câu hỏi của anh, ông đủ kinh nghiệm để đưa đến cho người nhà bệnh nhân một nỗi sợ vô hình, im lặng là câu trả lời tàn bạo nhất, nó không khẳng định điều gì, nhưng nó ẩn chứa trong đo sự bất lực. Một kẻ khi đang sợ hãi sẽ luôn nghĩ ra những điều tệ hại, càng cho anh ta khoảng lặng sẽ càng làm không qian tưởng tượng của người đó rộng thêm ra, từ một nỗi đau anh ta sẽ nghĩ đến tận thế, từ một điều ngẫu nhiên phải đến anh ta sẽ cho rằng là sự trừng phạt có chủ đích của số phận. Ông bác sỹ để cho anh chằng tự mình bình tâm, vì ông biết đến một lúc, khi định hình được nỗi thống khổ, con người ta sẽ phản kháng, họ nổi dậy không phải vì điều gì cụ thể, họ muốn nổi dậy để hi vọng vào điều mà bản thân họ cho rằng là tốt đẹp hơn hiện tại, họ muốn hi vọng nhưng lại không thể tự mình thay đổi, và tất yếu họ cần một sự chỉ dẫn, một kẻ hứa về sự đổi mới. Tôn giáo ư? ông nghĩ, không phải là tôn giáo, nó còn cổ xưa hơn nữa, nó có từ khi con vượn biết đứng thẳng, từ khi con thú nhìn lên bầu trời và cố lý giải các vì tinh tú. Loài người vẫn luôn ngây ngô, bài học lịch sử là không học về lịch sử.
"Mẹ anh tiên lượng là nặng và tôi muốn thẳng thắn với anh về cách điều trị cho bà, anh bình tĩnh nghe tôi nói nhé. Bây giờ, tôi sẽ cho bà hóa trị để chặn các tế bào K lây lan, đó là điều cấp thiết. Đây chỉ là cầm cự mà thôi, nếu cơ thể bà phù hợp thì có thể duy trì trong một thời gian, có thể 1 năm, cũng có thể là 10 năm, điều này tôi không thể đảm bảo. Tuy nhiên tác dụng phụ của thuốc sẽ làm cụ mệt mỏi, chán ăn, khó thở thì gia đình cần xác định trước. Có trường hợp, dù rất ít, tôi vẫn phải đề cập đến, đó là tác dụng phụ quá mạnh, khiên cơ thể không chịu nổi... ấy, anh đừng lo, trường hợp này ít lắm... thì lúc đó sẽ phải cho dừng việc hóa trị lại.
Anh thanh niên tập trung nghe bác sỹ nói, anh cố nhớ từng chữ, vì trong mỗi chữ mà con người kia phát ra sẽ là một manh mối giúp anh cứu được mẹ . Nỗi sợ hãi trong anh đang lớn dần, nó thúc dục anh ra quyết định, thật quyết đoán, một nhát dao sắc lịm chặt phăng đầu con quái thú, một lần cho tất cả, vì chỉ có như vậy anh mới thoát ra được cảm xúc này, và mẹ sẽ lại là mẹ như trước đây.
Vị bác sĩ nhìn anh:
"Có thể anh đã biết, bệnh này không chữa được, mà chỉ có thể duy trì việc chưa lâu dài... ý tôi là, gia đình và bệnh nhân sẽ phải sống chung với nó rất lâu đấy"
Đốm lửa vừa nhen nhóm đã bị dập tắt, mắt anh chàng lại trùng xuống, hai con ngươi rung động ngước nhìn, nếu bạn nuôi một con chó, và bạn để miếng thịt nướng thơm phức trước mắt nó, thì hẳn bạn sẽ hiểu điệu bộ của anh ta.
" Nhưng tôi có một phương án khác muốn nói cho anh, một cách chân tình. Ở bệnh viện khác mà tôi biết, có một loại thuốc nhập, đang được thử nghiệm để điều trị ung thư, thuốc này rất ít tác dụng phụ và với một vài bệnh nhân đã dùng thử , nó cho kết quả khả quan ngoài sức tưởng tượng. Nếu gia đình anh có điều kiện về tài chính, vì thuốc không được bảo hiểm đâu, có thể cân nhắc."
"Tôi biết nhà anh có tiền"- ông thầm nghĩ, điều này nhìn bề ngoài của mẹ con anh là biết. Bà ta lúc chọn giường bệnh còn to mồm nói muốn chuyển phòng riêng, anh thì hơi một tý là nhét tờ polime vào tay y tá. Kẻ đã quen với ưu thế mà tiền mang đến sẽ luôn lựa chọn, họ muốn vượt trội hơn đồng loại, dù cho bàn tay họ cũng chỉ có 5 ngón như bao người, nhưng mỗi ngón phải đẹp đẽ bóng bẩy, làn da phải trắng và mềm mại... dùng từ gì cho đúng nhỉ...à... phù phiếm, phù phiếm chính là tiền, kẻ phù phiếm chính là con mồi. Người nghèo thì khác, họ chấp nhận sự túng thiếu, họ chung giường với 6 người khác, họ chui dưới gầm giường, và họ run lên vì sợ mỗi khi y tá xuất hiện. Ông bác sỹ liếm môi, nghề bác sỹ quả là hợp với ông, một mặt nó cao quý, không phải vì bản chất nó hơn các nghề khác mà bởi sự thần thánh hóa của đám dân đen, đối diện với cái chết, tiền bạc là vô nghĩa, bác sỹ là kẻ duy nhất ra quyết định. Mặt khác ông cho phép mình được sống theo lý tưởng, trừng phạt kẻ giàu, phổ độ người nghèo, quả thực có bệnh nhân đã được ông bảo trợ toàn bộ việc chữa trị. Ai đó vẫn dạy bạn rằng, người ta giàu là vì họ chăm chỉ và cầu tiến ? Người ta gán cho kẻ thành công mọi phẩm chất tốt đẹp nhất ? Nếu bạn được chứng kiến sự ngạo mạn của lũ có của bạn sẽ hiểu, chúng nó muốn mua sự sống, chúng hút máu nhân loại, đút lót thần chết và muốn lên thiên đàng. Có lẽ, chúng sẽ được lên đó, còn ở đây, ngay phút này, ông bác sỹ nguyện sẽ trở thành quỷ sứ, nhúng cơ thể béo núc ròi bọ qua vạc dầu đến khi khô quắt đi thì thôi. Tất nhiên, ông làm điều này với sự xảo trá cao nhất mà con người từng định nghĩa :" sự chân thành".
Anh thanh niên do dự. Điều này rất hợp lý, vì từ trước tới nay anh ta chưa bao giờ là người ra quyết định. Mọi việc trong nhà đều là bà mẹ quyết, bà là kẻ độc tài, một bạo chúa. Bà chon trường, xin việc, tuyển vợ cho anh, bà mua nhà, mua xe, bà nói say sưa về một thanh niên tham vọng nào đó với hàng xóm mà mãi anh mới nhận ra đó là mình. Anh không quyen chịu trách nhiệm, anh muốn đứng lên và chạy ngay đến bên mẹ... Anh sẽ ôm lấy bà và khóc, không anh sẽ không khóc, mà sẽ chỉ chảy một chút nước mắt thôi... anh sẽ thuyết phục bà dùng loại thuốc mới, tiền bạc không có một tý ý nghĩa gì cả... tất nhiên bà sẽ bác bỏ, dù lòng bà cũng muốn thế, thậm chí tự hào về anh... nhưng bà sẽ kiên quyết từ chối, bà sẽ bảo rằng, ung thư rồi thì trước sau cũng chết... bà sẽ nghi ngờ bác sỹ bào tiền của bà, là lợi dụng sự tốt đẹp của con trai bà trong lúc yếu lòng. Khuôn mặt anh sẽ đanh lại, anh gắt lên như một người đàn ông chân chính, anh phỉ nhổ vào tiền, anh muốn bà làm theo lời anh, anh sẽ chứng minh cho bà thấy rằng bà hiểu sai vị bác sỹ và đánh giá thấp nhận định của anh... và...và...
"Để dùng loại thuốc đó, anh phải chuyển sang viện khác, viện quốc tế. Ấy...anh yên tâm, bên đó cũng có nhiều bác sỹ giỏi lắm, tôi sẽ giới thiệu anh với một ông này là bác sỹ chuyên ung thư top đầu nước ta, nói không ngoa thì trên anh ta chắc chỉ có 1,2 vị lão thành thôi, học bên Canađa 12 năm mới về... chuyên môn chắc, kỹ năng tuyệt đỉnh. Nếu anh qua đó, tôi sẽ nhờ anh giám đốc viện giới thiệu cho... là tôi tự nguyện giúp , anh không cần quà cáp cảm ơn đâu."
"Anh sẽ cảm ơn "- bác sỹ nghĩ- "Và tôi sẽ được chia phần trăm, ngon ơ mà lại không chịu trách nhiệm, quả thật số tiền là nhỏ hơn khi đem so với số tiền mà viện quốc tế sẽ thu được, nhưng lại to hơn nhiều so với số lương mà tôi nhận được ở đây. Và trước sau gì, lũ phù phiếm các anh cũng cần có thị trường riêng của mình, tôi chỉ giúp anh hoàn thành giai đoạn đưa tiền trở lại thị trường nhanh hơn thôi. Có lẽ tôi nên học thêm chuyên ngành kinh tế ... và học cả nhảy tăng gô nữa chứ...ha ha."
----------------------------------------------------------------------------------------------
Đã 8 tháng sống trong bệnh viện, trải qua 6 đợt hóa trị, sức khỏe bà mẹ đã khá hơn, những tế bào dị dạng bị cô lập và tạm dừng việc hành hạ cơ thể vật chủ bằng những cơn đau thấu ruột gan. Sự tích cực này một phần đến từ phác đồ điều trị, nhưng phần lớn đến từ đời sống của bệnh nhân. Khi khỏe mạnh chúng ta thường ít khi nghĩ về sự hủy hoại và cái chết, nó là một sự phải diễn ra nhưng chỉ đến vào một ngày trong tương lai xa xôi, cái chết là chân lý tất yếu dành cho tất cả và lý trí của bạn biết điều đó có nghĩa là cộng dồn nó lại và chia đều cho 8 tỷ cá thể, thì mối bận tâm về sự chết chỉ bé tí ti mà thôi. Cái cá thể đó có bản ngã, bản ngã này thích nghi tuyệt vời với xã hội, nó được thỏa mãn bằng tiền bạc và danh vọng, đến một thời điểm, nó cho rằng mình đặc biệt và mạnh mẽ, nó duy trì sự tồn tại theo hướng bất tử và thờ ở với những biến đổi nhỏ nhất trong cỗ máy sinh học mà nó gắn bó. Bản ngã đó theo đuổi dục vọng, và dục vọng càng viển vông nó càng rời xa chân lý, đến ngày cơn đau ruột kéo cái thứ đang ngất ngưởng trên tầng mây thứ 18 đó xuống mặt đất, kéo đầu nó xuống, dí mặt nó vào bồn cầu nôn thốc dòng chất lỏng pha trộn máu và đồ ăn, lúc này cá thể người đó mới nhận ra một sự thật phũ phàng, mình yếu ớt và dễ bị tổn thương đến mức nào.
Bà mẹ khá hơn, vì bà học cách lắng nghe cơ thể mình, khi đau bà cố gắng hít thở và nắn bóp các phần cơ thể, ban đầu bà làm trong vô vọng, rồi bà nhận ra thở thế nào thì đỡ, và bóp chỗ nào thì thoải mái. Bà nhận biết được thời gian, chúa ơi, thời gian tồn tại mà không ai quan tâm đấy, bà tập đếm số giây trong một phút khi nằm trên giường bệnh, bà đếm số phút bị cơn đau hành hạ, bà nhẩm tính số giờ không đau, bà gần như nắm chắc lúc nào con sóng dữ dội đó tới tra tấn cơ thể mình, bà bình tĩnh lẩm nhẩm và chờ đúng 17 phút 15 giây đến khi niềm hoan lạc dịu êm sau cơn bệnh vỗ về và ôm lấy bà. Bà quan tâm đến không gian, ban đêm bà không thể ngủ, bà thấy bóng tối là một khối chết chóc đặc quánh đè lên cơ thể, trói chặt cơ thể vào giường bệnh, bà cô đơn quá, sợ hãi quá nhưng chẳng thể làm gì,tay chân co dúm, run rẩy, bà sợ chết, không... đúng ra thì bà sợ thấy mình thối rữa và bị bỏ rơi, tuyệt vọng rơi vào hố đen thăm thẳm của quên lãng. Rồi bình minh đến mang theo hi vọng, tia sáng của sớm mai chém xuyên qua căn phòng tối khiến cơn loạn trí nguôi ngoai, bà mẹ khao khát sống và tin tưởng vào sự hồi sinh , bà muốn yêu và được yêu thương, bà nhìn về phía cửa, chờ đợi ai đó bước vào, là con trai,con dâu, con gái... không... không phải như thế, dù ai bước qua cánh cửa kia đến với bà cũng sẽ là thiên thần, sứ giả cuả chúa dưới hình hài một cô y tá, hay một người lau dọn... bà sẽ biết ơn họ, sẽ cười và ôm tràm lấy họ, bà cảm nhận ra tình yêu nhân loại đang chảy trong huyết khí, bà lại tràn trề sức sống.
"Con đã quyết định rồi thì còn hỏi mẹ làm gì!!!"
" Con chưa chắc chắn, con chỉ muốn báo trước để mẹ biết thôi"- Anh trả lời
Nhìn bộ dạng của anh con trai, đầu tóc bù dù, lốm đốm bạc, mặt bơ phờ, hốc mắt sâu vì thiếu ngủ, quần áo bạc màu, giày dính đất, làn da xạm đi vì khô. Một người đàn ông không được chăm sóc, bà thầm nghĩ.
Bà mẹ nhìn vào mắt con trai và nói
" Mẹ xin lỗi con, vì tất cả những điều mẹ đã gây ra"
Anh con trai sửng sốt
"Mẹ nói gì thế... mẹ lại cả nghĩ rồi"
" Mẹ xin lỗi và mong con tha thứ"- bà khóc, những giọt nước mắt rơi thấm vào tấm chăn màu trắng tạo thành những đốm xám ly ty.
"Mẹ đã nuôi dạy con từ nhỏ với hi vọng con trở thành một người đàn ông lý tưởng. Nhưng cái lý tưởng đó là của mẹ, cái hình mẫu đàn ông đó là mẹ muốn có, mẹ muốn con trở thành người mà mẹ thần tượng. Mẹ bắt con học cái thứ mẹ cho là tốt, mẹ mua cho con quần áo xứng đáng , mẹ xin cho con làm một công việc mà những bạn đồng lứa với con phải ao ước, cái việc này sẽ mở cho con một tương lai triển vọng hơn hầu hết những công chức quèn có thể với tới. Mẹ cũng cưới cho con một cô vợ có của hồi môn, bên thông gia chỉ có con gái nên sau này con sẽ là trụ cột, mẹ mua đất, xây một cơ ngơi đẹp, không khoa trương quá, vì khoa trương là danh cho cái lũ mới nổi, ngôi nhà của con trang nhã hơn như thế, nó sẽ khiến những vị khách con mời đến nhà phải trầmtrồ và thán phục gia chủ. Mẹ giết chết chính con, kể từ ngày mẹ cầm roi bắt con học toán, chính là mẹ... chính mẹ đã đâm nát tái tim con vào cái ngày mẹ chê bai cô gái đó. Mẹ dùng chính đôi tay này để đào mồ chôn đứa con trai mình đẻ ra, rồi chính đôi tay này...cái đôi tay chết tiệt... đã nhào nặn thành một con búp bê vô hồn, không có khả năng suy sét, không có mảy may linh hồn nào. Mẹ đã dạy con săn mồi, chải lông, mài móng cho con sư tử bé bỏng của mẹ, mà giờ đây, mẹ mới chợt nhận ra, cái thứ tạo ra chúa sơn lâm thực sự,chính là cái thứ mẹ không thể, và mãi mãi không còn cơ hội để cho con nữa... bản năng hoang dã.
Nước mắt dàn dụa, bà hít những hơi ngắn, rồi tiếp tục bài thuyết giáo
"Mẹ đã tạo ra một người đàn ông có mọi phẩm chất mà mẹ khinh thường. Con giận mẹ ư... đúng là mẹ là kẻ có tội... con cứ giận mẹ đi, nhưng hãy nghe mẹ nói nốt... có thể đây là cơ hội cuối để mẹ nói ra. Mẹ đã không biết, là mẹ coi thường con đến mức nào. Mẹ coi khinh một thằng đàn ông nghe lời kẻ khác, mà kẻ khác ở đây, là chính mẹ, chỉ là một con đàn bà ngu dốt. Mẹ khinh con, vì nhà con ở là nhà của mẹ mua, con không bao giờ có khả năng mua được, xe con đi là xe mẹ mua, con không giữ gìn cái xe đó, vì sâu thẳm bên trong con biết nó là tài sản của mẹ, con muốn trả thù mẹ bằng cách hành hạ cái xe đó. Việc con làm là do mẹ xin, mẹ dùng tiền của mẹ để mua cho con cái vị trí đó, con trả thù mẹ bằng cách làm việc hời hợt, con chán nản và bỏ bê công việc, con gây rắc rối nơi công sở để làm mẹ xấu hổ. Vợ của con là do mẹ chọn, con sống thế nào thì con hiểu rõ, vợ con lấy con là vì mẹ, nó coi thường con là vì con là con của mẹ, nó ghét mẹ vì nó biết mẹ thấu tâm gan nó nhưng nó ra mặt nịnh bợ mẹ chồng vì nó cũng biết mẹ mạnh mẽ và quyền uy với con hơn nó... nhưng giờ đây, khi mẹ sắp chết, mẹ sẽ giao lại cho người đàn bà khác sản phẩm mà mẹ tạo ra. Mẹ khinh thường con, vì mẹ biết, con sẽ đối xử với vợ con như một người mẹ thứ hai.
Mẹ biết, mẹ bệnh hoạn thế này, con là người vất vả nhất. Con xuất hiện trước mặt mẹ đầy mệt mỏi, mẹ chỉ ước có thể khỏe lại để vỗ về và chăm sóc cho con. Nhưng bệnh tật khiến mẹ bất lực, mẹ không thể lo cho con được, vì mẹ bất lực con ạ. Nhìn con tiều tụy thế này... mẹ cảm thấy đau đơn lắm. Mẹ đau vì mẹ biết, vì mẹ mà con ra nông nỗi, con thức đêm vì mẹ, con khóc vì mẹ, con bỏ ăn vì mẹ. Chính mẹ đã làm con tả tơi, trước đây khi mẹ khỏe, con có bao giờ lo âu và buồn râu như vậy đâu, con còn chẳng bận tâm đến mẹ ăn uống ra sao cơ mà. Con ở đây để gửi một thông điệp, mẹ bắt con phải diễn cái vai mà con không muốn, con bạo hành bản thân , con ngược đãi con trai của mẹ, để hành hạ mẹ, để đâm nát tim mẹ, bóp cổ mẹ. Con xuất hiện trước mọi người, trong cái bộ dạng này là để khiến người ta nghĩ rằng con hiếu thảo, con đức hạnh, con cao quý, con tiêu đến đồng tiền cuối cùng để cứu chữa cho mẹ. Còn mẹ, một con bệnh, một kẻ trước sau gì cũng chết thì lại phá hết tiền đồ và tài sản của chàng trai trẻ.
Con nói... con muốn nghỉ việc để chăm mẹ phải không? Cái việc đó là của con, con muốn làm thế nào mẹ không thể quản. Mẹ chấp nhận rồi, làm kẻ có tội, làm kẻ hủy diệt sự sống của các con các cháu. Mẹ xin trời cho mẹ sớm chết đi... con đừng hiểu lầm mẹ... mẹ không oán trách con... là lỗi của mẹ, mẹ chỉ muốn chết để không phải nhìn thấy con hủy hoại con trai mẹ. Lần này, mẹ sẽ để con được là con sư tử... con mãi mãi là ước mơ của mẹ."
Bà thả mình xuống gối, quay mặt về của sổ sau khi nói xong bài diễn thuyết. Anh con trai vẫn đứng đó, mặt anh đỏ dựng, tức tối vì bị bắt nạt rồi bỏ lại trong sự yên lặng. Anh muốn đập tan cái bình nước trên bàn, cái bình nước khốn kiếp đựng thứ chất lỏng trong suốt, không màu, không mùi , trống rỗng. Anh chạy ra bãi để xe và khóc nức nở.
-------------------------------------------
Bức hình anh gục đầu vào vô lăng và khóc được hàng trăm tim, người đọc đồng cảm với đoạn tậm sự dài mà anh để lại dưới bức hình. Những người thân quen để lại dưới phần bình luận những lời động viên có cánh, họ gặm nhấm nỗi buồn của anh và thỏa mãn bằng cách đóngvaibaodung. Anh đọc không thiếu bình luận nào, nhưng không trả lời. Bỗng anh thấy một người lạ viết một dòng: "Xe đẹp đấy bạn ơi, đời bao nhiêu thế". Anh tức điên lên, và chặn tài khoản đó ngay lập tức. Thằng khốn đó sỉ nhục anh, nó đề cao chiếc Jimny 5 cửa đời 2024 đó hơn phẩm chất của một người đànông.Anhthay ngay cái ảnh bên vô lăng đó bằng tấm hình anh ngồi một mình uống trà trong phòng khách, trong hình anh thả mình trên chiếc ghế xa lông dài màu nâu có bọc nhung, phía sau anh là bức tranh lớn hải Thượng Lãn Ông đọc sách, phía trước là một chiếc ti vi 96 inch khổng lồ , bên trái là bình mẫu đơn hồng phấn , bên phải là chồng sách trang trí làm bệ đỡ cho cây nến lớn rất tây phương. Khi nhìn bức hình, ta sẽ vừa thán phục, vừa ngộp thở, thán phục cái sự giàu có và học thức, ngộp thở bởi mọi đồ vật đềukhiến taphân tâm, không cái nào liên kết với cái nào, đông tây kim cổ có đủ, nhưng lại không phải một thể thống nhất.
Anh táp xe vào bên lề đường, anh thay đổi bức hình phòng khách đó bằng chân dung của bà mẹ, thế mới là hợp lý nhất, anh đưa bà lên sóng như đưa sản phẩm ra thị trường, để khách hàng tha hồ mà xâu xé. Họ nói xấu xe, bóc giá nhà nhưng không thể thô tục với hình ảnh một bà già bệnh tật được.
Thế rồi anh lại đọc được một bình luận: "Nhìn bà phúc hậu quá" . Đây là một câu khen nhưng anh cảm thấy khó chịu, mẹ anh là người phụ nữ tốt nhất, nhưng không phải theo cách đó. Bà ấy sẵn sàng làm những điều bỉ ổi vì lợi ích của con cái. Bà ta làm sao mà phúc hậu được, bà chỉ ra cái vẻ đó thôi. Bà không xứng đáng được nhận lấy cái đức hạnh đó, nếu có chăng, chỉ mình anh được khen bà thôi, vì anh là kẻ duy nhất chịu trận... không phải chịu trận... mà là được hưởng, được ưu ái tận hưởng quyền lợi mà bà ban cho. Người ngoài nhìn bà cười mà đâu biết đằng sau nụ cười đó là súc tu quấn chặt lấy tâm hồn anh, không cho nó được sai đến nửa ly. Họ không có quyền nhận định về bà, vì họ không hiểu người đàn bà nham hiểm đó... không phải...sắc sảo chứ, là sắc sảo và thông minh. Anh đăng hình bà, vì muốn người khác thấy anh cao cả, chứ không phải để họ phán xét về mẹ anh.
Rồi anh lại xóa bức hình bà mẹ, anh thay vào đó là tấm hình đại ggia đình, họ cùng nhau chụp ảnh vào dịp tết , đứng trước ngôi nhà, bên cạnh là chiếc xe.
------------------------------------------------------------------------------------------
Ngồi trên máy bay cô đã chọn được một căn hộ ưng ý với 2 phòng ngủ ở tầng 11 có view nhìn thẳng sang bệnh viện quôc tế, cô đặt cọc thuê trong 3 tháng với mức gia cao hơn bình thường nhưng được thanh toán từng tháng. Ngồi trên xe taxi , cô đã tuyển được một trợ lý giúp việc cho mình, một bạn sinh viên chăm chỉ và trung thực mà cô biết thông qua hội sinh viên mà cô làm chủ tịch nhiều năm về trước. Vừa đặt chân xuống thành phố, cô đưa lịch trình và đồ đạc cho người trợ lý năng nổ đó, rồi cô lao thẳng đến bệnh viện.
Thang máy ỳ ạch còn nhịp tim thì rộn ràng. "Con đã về rồi đây" - cô nghĩ , " Con về để cùng mẹ chiến đấu, con về để giải cứu mẹ khỏi cái chết.". Cô biết ung thư giai đoạn bốn là thế nào, cô đã nghiên cứu về bệnh trạng của bà, cô tìm hiểu về tất cả các bệnh viện và bác sỹ trên thế giới. Tình trạng cuả mẹ là rất nặng, 99% là chết, chỉ có 1% sống sót. Và cô chính là cái phần trăm bé xíu đó. Cô có thể tưởng tượng ra cách mà mẹ cô đối diện với việc này, bà chấp nhận bình thản và buông xuôi. Còn anh trai, kẻ được bà nuông chiều đến mụ mị, anh ta hẳn đang loạn trí. Anh ta sẽ tự đày đọa bản thân, cốt chỉ để vơi đi niềm đau ích kỷ của mình. Anh ta post đủ thứ vô nghĩa lên mạng để xin sự bố thí lòng thương và ngưỡng mộ của những tên vô lại. Anh trai cô, một kẻ kém cỏi đúng nghĩa. Trong cái lúc cần mạnh mẽ làm chỗ dựa cho người khác... lại là kẻ yếu ớt nhất cần vỗ về , an ủi. Cô biết bà mẹ bệnh hoạn sẽ tỏ ra can trường ra sao, bà sẽ bảo vệ con trai mình đến tận lúc chết, có lẽ vào một phút giây mềm yếu nào đó, bà sẽ buông lời cay độc làm tổn thương, nhưng khi hoàng hôn cuối ngày phủ bóng tối lên ánh sáng, bà sẽ lại diễn vai bao dung và tha thứ hết.
Cô đã về đây rồi, chỉ còn cách vài bước chân nữa thôi. Mẹ cô sẽ được giải cứu khỏi đám xác sống đang vây lấy thân thể bà. Cô về để đưa bà tới bệnh viện tốt hơn, để chặt đi xiếng xích đang quấn lấy từng thớ thịt, để cắt bỏ những con ký sinh đang miệt mài hút máu. Cô, người con giỏi dang nhất trong gia đình, sẽ là trụ đá để bà dựa dẫm, sẽ trả lời những câu hỏi, sẽ chịu trách nhiệm thay bà. Dù rằng, bà sẽ luôn yêu quý thằng con trai bất tài đó hơn cô, cả tuổi trẻ của mình, cô vẫn luôn trong một cuộc chiến riêng biệt và cô độc. Từ nhỏ cô đã tỏ ra chín chắn hơn lứa tuổi, cô vâng lời và làm việc nhà, cô đỗ trường chuyên, có học bổng, đi làm công ty lớn, định cư nước ngoài. Cô hạnh phúc khi mẹ cười và tự hào về con gái. Thế nhưng trong những phút giây riêng tư mà bà dành cho cô, cô để ý thấy có những khoảng cách thầm kín giữa họ, một tiếng thở dài hoặc một ánh nhìn xa vắng, cô cảm thấy mọi thành tựu mà mình đạt được không thể thỏa lấp được ưu tư mà đà đang giữ kín trong lòng. Câu chuyện của cô với mẹ luôn cô tình cắt ngang qua người anh trai, cái tên của anh luôn xuất hiện đâu đó khi họ gần gũi nhau, anh ta như con ma phía sau cánh cửa luôn rình mà và trực nhảy ra làm tim cô quặn thắt, anh ta ám ảnh tâm trí mẹ như một niềm hạnh phúc vô điều kiện, còn cô là một bức tranh đẹp để trang trí mà thôi. Cả cuộc sống này cô yêu mẹ tha thiết, cô thần tượng người phụ nữ đó, cô những dâng hiến mọi kết quả để nhận lại sự yêu thương của bà...Nhưng cái gật đầu từ xa, hay cái ôm ngắn ngửi ở sân bay không khiếncô thỏa mãn... Ở cái lứa tuổi 20 khi đối diện với những cảm xúc thất thường của tình yêu hay lạc lối giữa những lẽ sống trong cuộc đời này, cô chỉ muốn gọi diện nghe giọng bà, cô muốn bà khuyên nhủ cô điều gì thì cô chỉ nhận lại những lời nói lạnh lùng và khô khốc qua điện thoại : "Con biết phải làm gì mà, con luôn biết mà".
Phải, cô biết chứ, cô luôn ra quyết định trước khi con tim kịp lên tiếng, cái cô muốn là ai đó ngăn cô lại, ai đó nói rằng cô không biết phải làm gì và hãy chấp nhận, hãy yêu thương và mềm yếu, hãy đẹp đẽ như một bông hoa và dễ tổn thương như những cánh hoa. Nhưng không, cô không được mỏng manh dễ vỡ... vì cô là con gái bà , cô luôn biết , cô hành động chứ không đa cảm. Cô vùi lấp trái tim mình vào tuyết lạnh của nước Anh, cô không màng đến hạnh phúc của linh hồn mình nữa. Cô sẽ sống vì mẹ, sống vì cái lý tưởng mà mẹ áp lên anh trai cô, kẻ kém cỏi đó... cô tức giận... cô hận ... cô ngưỡng mộ. Linh hồn cô giằng co giữa hai chiều đen trắng trước mọi quyết định trong đời. Con tim luôn thua, lý trí biết cách bấy víu vào những hình tượng đầy thuyết phục nên nó thắng, điểm số cao của môn toán đánh bại bức vẽ con mèo, học bổng 10 ngằn euro đánh bại tình yêu tuổi học trò, mức lương 2000 euro đánh bại michelangelo, đời chỉ là những con số nối tiếp nhau.
Cánh cửa phòng mở ra, vị thiên sứ xuất hiện dưới hình hài một cô gái 35 tuổi. Hai mẹ con vỡ òa ôm lấy nhau. Con yêu của mẹ đây rồi, con gái tuyệt diệu của mẹ đã về, cái cục bé bỏng và đáng yêu mà mẹ từng ẵm bế... vẫn là con , vẫn dáng vẻ hậu đậu, vẫn mùi hương này. Hai mắt bà nhòa đi vì hạnh phúc, bà thấy như mình được hồi sinh, được tiếp thêm năng lượng để chiến đấu. Phải, bà không cô đơn, bà còn có cô, người con gái mà bà tự hào và ngưỡng mộ. Từ nhỏ, bà luôn thấy nó là đứa ngay ngô nhất trong 3 người con. Nó là đứa ít dùng đến lý trí nhất, nghĩa là bản năng tự nhiên trong nó vô cùng dồi dào. Cái bản năng này, khiến nó co những hành động ly kỳ làm người mẹ vừa phấn khích vừa lo lắng. Bà nhớ lại hồi con bé mới 6 tuổi nó có sở thích nhất thời với loài mèo, nó say mê quan sắt loài vật bé nhỏ đó, đến mức nó tập bò giống con mèo, cử chỉ điệu bộ và phát ra những tiếng meo meo, việc này không to tát gì, nhưng sự ám ảnh mãi sau đó một thời gian bà mới hiểu, cô con gái bà sợ chuột , nên nó muốn trở thành mèo để bắt những con chuột đó và vượt qua nỗi sợ hãi. Bà cho rằng điều này là rất đỗi ngây thơ, dù rằng bên trong đó có một sự cao thượng đáng thán phục, nhưng hành vi và cách tư duy lập dị này khiến con bà trở nên khó hòa nhập. Cái khác biệt này dẫn đến hệ quả là nó bị bạn bè trêu trọc và thành tích học tập thì thậm tệ. Bà bắt cô bé đối mặt với sự thật rằng nó không phải là con mèo, bà dạy nó cách ứng xử chuẩn mực, từ lời ăn tiếng nói, bà nhét con quái vật tý hon này vào một khuôn khổ, nơi lúc đầu sẽ đau đớn đấy, nhưng mai này sẽ bảo vệ con khỏi những tổn thương mà kẻ khác gây ra. Một buổi tối, bà thấy cô bé ngủ gục trên bàn học, dưới quyển vở chi chít chữ, bà tìm thấy bức bình một con mèo mướp nằm hấp hối giữa sân gạch, xung quanh là hình người vẽ nghệch ngoạc đơn giản, tất cả đều tươi cười... con mèo nằm đó, nó có 3 mắt và người đầy gai nhọn.
Bà còn nhớ rõ chàng trai 17 tuổi đó, nó cao gày, tóc dài phủ xuống quá lông mày, mắt to đen bị cho lấp bỏi cặp kính vuông phông phù hợp. Cậu ta ngày ngày đạp chiếc xe mini nhật đến đón con bé, con gái bé tỏ ra lén lút chạy ra cổng, cái hành vi lạ lùng và bí hiểm đó là bằng chứng hùng hồn và rõ ràng đến nỗi mọi người trong gia đình đều biết nó đang đắm chìm trong thứ tình cảm linh thiêng tuổi học trò. Bà nhìn con gái mà ghen tị... bà ghen với tuổi trẻ của cô... bà ghen với cảm xúc mãnh liệt và trong sáng đó... nó đang sống mãnh liệt, cuộc sống này ôm lấy nó, ngấu nghiến tâm hồn nó... nó hạnh phúc quá đỗi... bà cũng từng ở cái tuổi đấy, cũng từng nếm trải cái cảm giác say sưa ngất ngây. Trưởng thành là từ đồng nghĩa với khổ đau, thời gian phủ lên ta mớ bùi nhùi dính đầy rắc rối và lo âu, được mất là chò chơi Roulette mà kẻ mạnh luôn dành chiết thắng sau cùng. Bà ghét thằng bé... vì nó không có điểm nào đáng ghét cả, nó hiền lành và dễ mến, nó cũng ngốc như con bé và nó thật lòng. Sự thật lòng này, sẽ hủy loại cả hai đứa, chính cái tình cảm vô điều kiện này mới là quả bom hủy diệt kinh hoàng nhất, con người yêu nhau vì yêu, không có động cơ nào lớn hơn tình yêu, không có điểm đến nào khác ngoài tình yêu, mục đích là yêu, và sẵn sàng chết vì cái danh từ yêu. Chúa ơi... bà lẩm nhẩm... thằng bé khơi dậy con quái thú mà bà đã cất công bao năm giam cầm, con bà còn quá non nớt để làm chủ được nguồn sức mạnh đó, nó cần thêm thời gian. Là phụ nữ sống trong thời đại này, nó cần đủ nhận thức ra mình là ai và mình có thể làm gì, và để nhận thức ra thì bà phải kiểm sóat tính dục ,phải bắt nó chuyên tâm học hành. Làm sao mà khác được, lập gia đình và sinh sản là một trò may rủi, cuộc sống hôn nhân cần lý trí, sống làm người cần trí tuệ.
"Mẹ muốn con học ngành lịch sử mỹ thuật chứ?"- Cô gái 22 tuổi nói trước laptop
"Ôi , con gái , đương nhiên là mẹ không muốn rồi, con hiểu mẹ mà... mẹ chẳng hiểu cái ngành đó là gì, và cái ông michelangelo là ai... mẹ là loại chỉ biết đến tiền, nhà và xe thôi"- Bà cười ha hả qua màn hình
Cô gái cũng cười, dù cô vẫn chưa hiểu vì sao họ lại cười
"Học ngành này ra làm nghiên cứu, làm nghệ thuật hoặc phê bình nghệ thuật mẹ ạ"
"Thế còn lấy chồng, đẻ con, phụng sự nhà chồng và nội chợ thì sao con?"
"Mẹ đừng có nói đến mấy cái đó, phụ nữ bây giờ không quá coi trọng những định kiến về thân phận như ngày xưa nữa đâu"- Cô cười cợt đáp trả
"Thế thì cái nghành con học sẽ dẫn con thẳng đến những điều đó đấy"
"Mẹ nói gì cơ? Đến điều gì?"
"Đến lấy chồng giàu, ăn bám chồng, đẻ con, phụng sự gia đình... và nghiên cứu về nghệ thuật"
" Mẹ không cần phải châm trích con như thế, con biết mình đang làm gì"
" Thật sao?"- bà tỏ vẻ ngạc nhiên -" Mẹ không châm trích con, mẹ đang thẳng thắn với con như một người trưởng thành. Đất nước chúng ta còn nghèo, cần lao động cao cấp trong những lĩnh vực thiên về sản xuất, công nghệ v..v.. Chúng ta chưa đạt đến thặng dư như nước Anh để nghiên cứu về nghệ thuật. Con phải biết mình là ai, con là người Việt Nam, con mang ngoại tệ ra nước ngoài là làm nghèo đi cả dân tộc, nếu con biết suy nghĩ, con sẽ thấy mình có trách nhiệm trả lại cho đất nước số tiền đầu tư đó cả vốn và lãi. Nghệ thuật cũng tốt thôi, nhưng hiện tại chúng ta không cần. Cá tính và tài năng của con không lớn hơn bất cứ người An Nam nào khác đâu, con chỉ là người may mắn được chọn. Con bò lên miệng giếng và được nhìn thấy ánh sáng, con muốn ở đó mãi mãi ư? Không con gái ạ, sẽ đến lúc con phải quay lại với đồng bào, những kẻ như mẹ đang sống trong bóng tối mà thèm thuồng cái bóng mờ của chân lý lấp lánh đó. "
Hai tháng sau đó cô bặt vô âm tín, sau chuyến du ngoạn châu âu cô đăng ký chuyên ngành phân tích dữ liệu.
---------------------------------------------------------------------
Cô con gái mở toang cửa sổ, cô mua hoa tươi và chuẩn bị đồ ăn cho mẹ. Cô nhìn người anh trai, hết đầu về phía cửa.
"Anh về thay quần áo, nhuộm lại tóc, cạo râu và bỏ kiểu ủ rũ đó đi... mẹ chưa chết đâu. Tôi sẽ đưa bà sang Sing, anh muốn đi theo hay không thì tùy, đừng có dắt vợ anh đến... anh biết vì sao. Suy nghĩ tích cực lên và bỏ cái kiểu giả tạo trên mạng đi, mẹ sẽ khỏe lại và sống được 10 năm nữa."
" Con này vừa về đã vênh váo, nếu mày ở đây mấy tháng trước mày sẽ hiểu là cụ đã khỏe lên nhiều rồi, tao không cần cái mặt mày phải dạy " - Anh nói
"Bây giờ không phải lúc tôi đôi co với anh... Tốt hơn à? Anh nhìn bà tiều tụy mà vẫn phải cố tỏ ra ổn. Anh thì chỉ quan tâm đến bản thân mình và tiền của người khác. Cái lũ bác sỹ ấy gặp được anh đúng là phước bảy đời nhà chúng nó. Cái thằng đang điều trị cho bà chỉ là thằng công tử bột, bố nó làm viện trưởng, nó không chịu được khổ sở ở mấy viện công nên chuyển sang đây, cái thuốc mà bà dùng viện nào chả có, có tiền là mua được hết. Nó nói chuyện dễ nghe cốt để an ủi và dụ dỗ anh, vì nó muốn bào tiền anh thôi, và nó cũng bộc lộ bản chất một thằng bán hàng tầm thường. Đúng đấy, một thằng bán hàng chứ không phải bác sỹ, anh có hiểu không? "
" Mày nói cứ như bà già ấy nhỉ. Bệnh cuả bà là không thể chữa... mày có hiểu không. Bà vào đây là tao muốn bà hi vọng, tao quan tâm gì đến lũ bác sỹ. Tao không để bà ở viện thường vì tao muốn ra quyết định, tao làm chỗ dựa vào lúc nguy cấp. Bà mới đầu không đồng ý, nhưng bà hiểu tao nên làm theo. Và bà vui vì điều đó, mày có hiểu được không... bà không hi vọng sống... bà vui vì thấy thằng con nhu nược cảu bà còn có hi vọng thay đổi..."- mắt anh lại sưng đỏ, giọng nói lại nghẹt ngào.
Cô em nhíu mày khinh bỉ:
"Anh loạn trí thật rồi, mẹ sẽ khỏe lên... anh thôi trò sướt mướt và đa cảm đó đi. Thôi anh về nhà nghỉ đi, tôi ở đây, cần gì tôi sẽ gọi."
Ánh sáng xuyên qua hai cử sổ chiếu thẳng vào giường bệnh làm bà mẹ chói mắt, nó rọi thẳng vào làm xa mỏng dính và xanh xao, bà thấy mình giống linh hồn đứng trứo chúa trời, bà nhận lời phán xử sau cùng mà không thể chốn chạy, bà gượng ngồi dậy, với tay để éo bớt rèm nhưng hông bà gai buốt, các tế bào háu đói đang gậm nhấm xương tủy, bà cố thêm một chút, vươn ra, vươn nữa... bà tuột tay ngã xuống giường, trấn động làm cả cơ thể rung lên, con sóng đau đớn ồ ạt ập tới trừng phạt vì bà dám ngạo mạn chống lại số phận... phải rồi... bà đã quen với sự vượt qua số phận... bà gọi nó là kiên cường... lúc này đây, bà không thể tự kéo được rèm cửa, bà chưa bao giờ vượt qua được số phận. Bà cắn lấy bàn tay , bà muốn cái đau của da thịt làm vơi đi cái đau trong xương tủy, nước mắt bà tuôn ra.
Cô con gái gọi bác sỹ, họ tiêm cho bà một liều giảm đau... và để bệnh nhân từ từ chìm vào giấc ngủ. Khi tỉnh lại, thấy con gái đang ngồi cuối phòng, bà chỉ vào bình hoa tươi. Nó tỏa hương quá mức làm bà thấy muốn nôn, bà muốn để nó ra xa khỏi không gian. Rồi bà chỉ vào bình nước, bên trong có thứ chất lỏng không màu, không mùi vô vị, thứ là con trai bà luôn làm đầy và để đúng chỗ. Cô gái hiểu ý, cô rót nước và đỡ bà ngồi dậy, cái nhẫn ở ngón tay chạm vào lưng làm bà khó chịu nhưng bà không biểu hiện, đôi tay mảnh khảnh của cô vụng về sốc lấy tay bà và kéo lên giống như các người ta kéo một kẻ say rượu ra khỏi bàn nhậu, khác rất nhiều với đôi tay khỏe mạnh và vạm vỡ của đàn ông, mỗi khi anh con trai nâng bà lên, bà cảm thấy sức mạnh phi thường của nó, bà thấy mình bé nhỏ và được chở che, bà thấy cái hơi ấm của nó làm bà dễ chịu. Được con trai dìu dậy uống nước là điều hiếm hoi bà thích thú trong ngày nằm viện... giờ cuộc sống lại cướp nốt cái niềm vui nhỏ nhặt đó khỏi bà mất rồi.
Bữa trưa được dọn lên , một tô cháo được đun trong niêu bằng gốm, bên trong có tôm cua xay nhuyễn, sợi tổ yến lổn nhổn trong thứ dung dịch màu trắng. Bà nhìn cô con gái trìu mến, bà ăn hết nửa tô. Rồi bà nôn hết ra, rồi bà cố gắng ăn hết nửa còn lại, dạ dày bà đẩy cháo lên ngang họng như muốn phun ra ngoài, bà nhắm mắt cầm nguyện nuốt nó lại bên trong.
Bà nói với con gái rằng muốn xuống sân gặp gỡ những người khác. Cô phản đối, vì bà còn yếu , nếu bà buồn, cô sẽ gọi bạn bè của bà đến để gặp. Bà mẹ phá lên cười, nước mắt bà chảy ra, nhưng quả thực bà đang cười. Ngày xưa bà hủy hoại con gái, bắt nó vào khuôn khổ. Giờ đây con gái bà trở lại để hành hạ bà, giam cầm bà trong căn phòng này. Ngày xưa, bà không hiểu nổi cái cảm xúc thầm kín của con bé, giờ đây nó cũng mất đi hoàn toàn sự tinh tế để hiểu được điều đang diễn ra trong tâm hồn mẹ. Ngày xưa bà dập tắt đi bản năng tự nhiên của nó bằng lý do, mục đích và kết quả, giờ đây nó đối xử với bà cũng chính bằng những điều đó. Vòng lặp của số phận thật khôi hài, người ta đi cả một đời để vẫn thấy mình của ngày xưa cũ.
"Con với chồng thế nào?"- bà hỏi dịu dàng
"Bọn con rất ổn, anh ấy mới lên chức, lương giờ tốt lắm, gần 80 ngàn, không bằng con được, nhưng thế cũng ổn"
" Bọn con sống hòa thuận chứ?"
"Vâng , bọn con mới mua một căn nhà hơn 200 ngàn, dự định đi Châu phi một chuyến, nhưng biết tin mẹ nên bỏ. Mẹ đừng nghĩ gì nhé, mẹ quan trọng với con hơn tất cả, còn Châu phi thì vẫn sẽ ở đó thôi."
"Con có hạnh phúc không?"
"Mẹ làm con ngượng đây này... trên 8 điểm mẹ ạ... nếu tính trên thang 10, mẹ biết con khó tính thế nào rồi đấy"
" Thế còn michelangelo, con còn muốn làm nghệ thuật không"
" Mẹ ơi, con theo chủ nghĩa tối giản, cái chủ nghĩ kiểu cách đó chỉ hợp với các cô gái 20 thôi ạ. Nghệ thuật nên được hiểu rộng hơn, không chỉ là tác phẩm mà còn là một lối sống. Con biết cuộc sống của con thành nghệ thuật, sạch sẽ, chỉn chu và tươi sáng."
" Hay là ánh trăng dối lừa nưuã phải không?"
"Mẹ lại bắt đầu rồi đấy. Con sâu ở trong đám lá vì nó có lý do, con người không cần phải vạch nó ra làm gì cả."
"Con chắc chắn con sâu vẫn ở dưới đám lá chứ?"
"Con không biết, không ai quan tâm cả, có những con sâu khi được nuôi dưỡng sẽ thành bướm, dù lúc đầu trông nó chỉ là con sâu tầm thường. Có những con sâu chỉ là sâu, mãi mãi là sâu, sống và chết đều làm sâu. Con không biết. Nhưng đã quá trễ rồi."
Bà mẹ gật đầu
"Ừ, đúng là đã trễ mất rồi."
--------------------------------------------------------------------------------------------------
Đi theo dòng người đeo khăn tang vào nghĩa trang, chẳng mấy chốc cô đã thấy đám đông đang đứng tụ họp tại một khoảnh đất trống. Đám đàm ông xúm lại đưa chiếc quan tài gỗ từ từ xuống xuyệt mộ, phía sau mô đất tầm 3 mét, phụ nữ, người già và trẻ nhỏ đứng thành hàng, chắp tay trước ngực chờ đợi. Họ mang trong mình tâm trạng u buồn, khuôn mặt trang nghiêm , trừ những đứa bé thì hiếu kỳ cứ chạy tới lui quan sát cách người lớn tổ chức nghi thức kỳ lạ này.
“Kia rồi!” Cô nhìn thấy người đàn ông đang quỳ dưới đống đất , anh ta khóc nức nở , mặt vùi xuống và tay thì vò lấy từng nắm đất nâu xì.
“Quá lố lăng!” Cô thầm nghĩ. - “Mẹ anh ta bệnh nặng được cả năm rồi, anh ta hẳn đã chuẩn bị kỹ cho sự ra đi củabà,cái chết là sự chắc chắn phải đến… vậy thì có gì mà phải tỏ ra mãnh liệt như vậy chứ. À há! Mình ngốc quá! Thì đúng là anh ta đã chuẩn bị, nhưng là chuẩn bị cho cái vai diễn“ ngườicon hiếu thảo” này. Lại còn cố tình đi cái đôi dép tổ ong nữachứ,mấy đôi giày hiệu anh cất đi đâu rồi nhỉ? Quần âu thì bạc phếch, áo sơ mỳ đen sờn vai,chiều nay khi mọi việc xong xuôi ,anh ta sẽ rất vừa lòng nếu vợ nhét hết đống đạo cụ dơ bẩn này vào thùng rác.”
"Chị gái của tôi đây ư! Cô gái tóc ngắn ngang vai được làm rối tự nhiên, chị ta mướn đâu được thợ tóc khéo quá. Móng tay được làm sạch sẽ và to màu trung tính, make up look nhẹ tang cùng son môi màu nâu đất. Chị ta mướn cả make up cho ngày mẹ chết đấy! Chị mặc chiếc áo lụa sơ vin vào quần bó sát, liên kết với nhau bằng thắt lưng bản nhỏ, cả bộ đồ được nâng đỡ bằng đôi boot cao 9 phân, tất cả đều màu đen. Kính mắt hiệu Hermes có viền cam là điểm nhấn cho cả ourfit, nó làm người phụ nữ này trở nên thú vị, không bị sắc đen u ám nuốt chửng, nó khiến chị trở thành tâm điểm của buổi lễ thay cho cái kẻ nằm dưới huyệt mộ lạnh lẽo kia. Chị ta vẫn vậy, vẫn cứ muốn gây thật nhiều sự chú ý nhất , chị đứng sát vào đám đàn ông và chỉ đạo họ làm việc. Chị ta bị ám ảnh bởi bản thân ,cho rằng mình cao hơn tất cả , chỉ tiếc rằng không bao giờ thỏa mãn.
Cô tiến sát vào huyệt mộ, đám đàn ông đang xúc từng xẻng đất hết lên chiếc quan tài làm bằng gỗ Ngọc Am. Cô có một suy nghĩ rất đỗi ngây thơ rằng có thể nhìn thấy khuôn mặt người mẹ, cố biết rằng quan tài sẽ đóng kín, nhưng tình cảm sâu thẳm bên trong tâm hồn hối thúc cô tiến lên…gần hơn nữa… sát tới mép mộ…. Chẳng ai nhận ra cô, anh trai thì mải khóc, chị gái thì đang lo chỉ đạo. Một bàn tay chạm vai và kéo cô lùi lại phía sau.
“Đã lâu rồi ta không gặp nhau”
“Vâng 8 năm rồi”- Cô nhìn người đàn ông 70 tuổi, tóc gần tạc trắng, chỉ còn điểm vài sợ màu đen.
“Làm sao con biết”
“Con vô tình đi ngang qua, thấy cáo phó… nên con tới đây, con cũng không định ở lại lâu”
“Con muốn về gặp mẹ à?”
Cô gái nhìn ông già .
Mẹ sinh cô ra khi bà đã ngoài 40 tuổi, khoảng cách về tuổi tác khiến cô chưa bao giờ thực sự có mối liên kết về tình cảm với bà. Tuổi thơ của cô luôn núp sau hai cái bóng của anh chị, một kẻ luôn gây rắc rối nhưng được bà hết mực chiều chuộng và bao bọc, kẻ còn lại thì lập dị và kiêu ngạo đến khó ưa, nhưng lại được mẹ tôn vinh như thiên tài trong gia đình. Còn cô, một đứa trẻ yếu ớt và nhút nhát, cô không có vẻ ngoài nổi trội giống anh và sự thông minh của chị, cô là một kẻ bị bỏ lại trong gia đình, người luôn ở đó, nhưng không thực sự tồn tại. Cô có thể tự mình đi chơi, không ai quản lý vì họ biết với thể trọng yếu ớt, cô cũng chẳng thể đi quá được cái biên giới an toàn mà họ đã đặt ra, cô tự làm mọi việc theo sở thích, cô không phải chịu trách nhiệm về thành quả giống anh chị của mình, và họ cũng tin rằng, cái thứ mà cô làm cũng chả đem lại lợi ích gì cụ thể và khiến mẹ cô tự hào.
Khi 8 tuổi, cô bắt đầu vùi mình đọc tiểu thuyết… việc mà mẹ đồng tình, dù rằng bà không hề coi trọng , nó giúp cô bé gái giết thời gian và mẹ thì rảnh tay. Anh trai hoàn toàn khinh thường , còn chị gái nói rằng những cuốn sách không khiến tâm trí con người trở nên đơn giản và mạch lạc hơn , mà chỉ khiến nó rối rắm và mơ hồ… thì chỉ là rác rưởi. Người duy nhất coi trọng cũng là người mang những quyển kinh điển này đến với thế giới nhỏ của cô gái chính là bố. Người đàn ông cao lớn như đấu sỹ nhưng lại mang tâm hồn của một thi sỹ, người khác luôn cảm thấy ở ông này sự ngây thơ của trẻ con, ông có thể nói chuyện với cô bé nhiều giờ, kể cho cô nghe về cuộc sống và những suy nghĩ thầm kín. Ông vô ý reo rắc vào tâm hồn cô lý tưởng thanh cao , cái mà , không chấp nhận chia sẻ không gian cho những thành công tầm thường của số đống .
Ông chưa bao giờ đi nước ngoài, ấy thế mà ông kể về ánh hoàng hôn đỏ thắm của Tara chi tiết như thực sự ông đã ở đó, ông miêu tả vùng tây bắc nước úc, trang trại Drogheda với những đàn chuột túi chạy đua, hàng triệu con cừu gặm cỏ đã sống qua trận hạn hán kỷ lục ra sao. Ông hỏi cô thích ai hơn, Rhett hay Ashley? Darcy hay Collins?,ông nói người ôngthần tượng là chàng Bolkonsky nhưng không nên lấy làm chồng, nếu là con gái, con nên lấy người như Pierre Bezoukhov . Có những đêm, cô thấy ông khóc, hai mắt ông rớm nước và ông thút thít không thành tiếng,ông tự biến mình thành nhân vật, đa cảm, gần như loạn thần, ông cho rằng mình hiểu được sự cao thượng của Sonia , dù ở trong hoàn cảnh nhơ nhớp vẫn tin Chúa và cứu rỗi tâm hồn méo mó vị kỷ, ông tin rằng học thức chỉ là lớp trang điểm loài người tự tạo ra để hợp thức hóa hành vi, còn tình yêu là tự do, là thứ con người không thể tự quyết định, tồn tại bất chấp lý trí, nó mang sức mạnh hóa giải của Chúa, liều thuốc duy nhất cứu rỗi linh hồn kẻ khác.
“Con không nghĩ mình muốn gặp mẹ… con đã nói lời chia tay với bà rồi”- Cô gái trả lời
Ông già nhìn cô, ông im lặng để cô tiếp tục nói
“ Ngày con ra đi mẹ ngồi dưới phòng khách từ rất sớm. Con không hiểu vì sao bà biết trước… nhưng con cá rằng bà biết. Mẹ đã cản, bà không muốn con đi … tất nhiên bà làm vì nghĩa vụ của một người mẹ. Ở bà vẫn có nét của một nghệ sỹ đại tài, diễn mà như không diễn, bà làm nó chân thành và trung thực … đến độ … đúng khoảnh khắc đó con nghĩ bà không thể sống được nếu thiếu con… ấy thế mà khi bước chân ra cửa, con lại thấy đó chỉ là vai tuồng. Bố biết vì sao con nhận ra không… vì như bố từng nói… ta biết điều gì là thực khi nhìn rõ lòng mình… con ra đi và tâm hồn con vui vẻ, nhẹ nhõm… vì con thực sự muốn thoát ra, muốn cắt khỏi xiềng xích mà mẹ đã trói buộc. Con biết ra đi là đúng đắn, vì con tha thứ và hết oán hận.
Con vẫn nhớ buổi sáng đó. Bà bảo con ngồi xuống ghế, muốn đi cũng được nhưng phải ăn sáng đã…”
Ông bố nhìn cô lém lỉnh
Cô gái cười khúc khích
“Đó cũng là điều bố đã dạy con… bản năng của người mẹ là nuôi dưỡng, việc đầu tiên là cho con bú, cái sự cho bú đấy chính là xiềng xích đầu tiên , cũng là cái trói buộc lớn nhất. Một người mẹ vĩ đại, là người hiểu rõ con mình muốn ăn món gì, có hành hay không, ăn nóng hay lạnh, mặn hay nhạt v…v… Đứa trẻ được yêu chiều sẽ cho rằng khẩu vị của nó là như vậy, và mẹ nó hiểu nó, sau này tất cả những người phụ nữ khác chỉ là phản chiếu cuả mẹ mà thôi. Mẹ chính là kẻ đầu tiên vẽ lên tâm hồn con , và là con boss cuối cùng mà đứa trẻ phải vượt qua để trưởng thành. Bố hình dung được không, bà ấy đun nước xương từ tối hôm trước, quấn thịt chân giò, trần mỳ … bà tạo ra một bữa sáng thịnh soạn cho khoảnh khắc đó. Cái bát mỳ ... đến bây giờ vẫn khiến con sợ hãi. “
“Và?”
“Và con đã không ăn, con đẩy nó về phía mẹ”
“Con quá tàn nhẫn”
“Bà cũng nói câu đó… nhưng con không có lựa chọn... để bảo vệ bản thân mình mà thôi.”
Cô nói tiếp:
“Bà nói rằng bà yêu những tư tưởng của bố, nhưng bà không thể ủng hộ chúng. Vì cuộc sống này khác với tử tưởng, nó là máu thịt thực sự, tiền bạc và quyền lực, là phũ phàng. Bà yêu bố và để bố trong một góc đời mình, vì bà biết nó cao quý, bà không muốn bố bị vấy bẩn… còn bà thì gồng gánh mọi chuyện, chịu mang tiếng xấu, chịu làm kẻ ác… Bà biết con khác biệt, con không thể chỉnh sửa. Bà biết ngày con ra đi sẽ đến, bà không ngờ nó đến sớm như vậy. Mẹ cũng nói rằng , đó sẽ là lần cuối, và rằng con hãy bao dung với mình.”
“ Bà ấy là người phụ nữ tuyệt vời“- người đàn ông thốt lên
“Bao nhiêu năm qua con đã đi nhiều nơi, làm nhiều việc, nhưng cái ám ảnh của mẹ vẫn còn đó. Con luôn ghét những kẻ giống bà, ghét cả những kẻ như anh và chị, vì họ là sản phẩm của mẹ. Con càng ghét, con lại càng bị ám ảnh, lại càng cô lập bản thân với xã hội, con tự tạo những đường ranh giới để bao bọc lấy mình… không phải… bao bọc lấy cái lý tưởng của mình. Con phân loại người khác, những người cao thượng và những người mang bóng hình của mẹ. Thế giới rộng lớn, càng bỏ chạy con lại càng bị quá khứ bám riết, khoảng cách giữa hai người có thể là 1 vạn km, nhưng khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại lại không thể phân định. Quá khứ tạo ra con của hiện tại, nhưng con của hiện tại lại muốn thoát khỏi quá khứ, con muốn kéo đứtdây ,nhưng dây lại trói chặt vào chân , càng kéo lại càng đau.
Con trở về để gặp bố, để đối diện với con boss cuối cùng.”
Ông bố nhìn con gái đăm chiêu
“Cái chết chính là sự trừng phạt mà mẹ gửi đến con… nó lời nguyền , bà ấy đã chuẩn bị từ ngày con ra đi, là sự trả thù nham hiểm vì con từ chối bát mỳ đó"
“Anh con là một đứa đáng thương, nó luôn đi bên lề cuộc sống chứ chưa bao giờ sống giữa cuộc sống, nó là thằng quan sát người khác sống, rồi ba hoa, bản thân nó chưa được trải nghiệm sự tuyệt diệu của sự sống. Chị gái con còn thảm hơn, nó cho rằng mình làm được mọi việc, nó để cái tôi lên cao quá… khi bất lực… nó nếm trải sự tổn thương khủng khiếp hơn người khác. Càng đau, nó lại càng sợ hãi, nó lại càng sợ người khác thấy nó sợ hãi, chính nó sợ thấy bản thân mình sợ hãi… nên nó tỏ ra mạnh mẽ và giỏi dang, cuộc sống với nó là một chặng trốn chạy khỏi chính mình. Đến khi bệnh tật hoặc tuổi già khiến nó dừng lại… có thể… chỉ là 1% thôi… nó sẽ nhận ra đời mình đã bị hoài phì khi theo đuổi những thứ phù phiếm.”
“Con hãy tha thứ cho ta. Ta bỏ mặc gia đình và thu mình vào góc tối ích kỉ, ta ve vãn bản thân bằng những ảo tưởng thanh cao. Ta đã trả thù bằng cách để mặc bà nhồi nhét lối sống thực dụng cực đoan vào đầu anh chị của con, ta biết điều đó không đúng, nhưng ta không cản ,ta muốn bà ấy tự nghiệm ra, rằng tô vẽ những nét phù phiếm bên ngoài không khiến bức tranh trở nên vỹ đại, chính cái lý tưởng ngầm ẩn bên trong mới tạo ra sự khác biệt, ta muốn mẹ con phải giả tạo, phải gắng sức mà đóng kịch, phải thấy rằng ta đã đúng, phải thấy cái việc đề cao vật chất đó nó không khiến bà ưng ý mà chỉ đem lại rắc rồi. Ta khao khát muốn thấy chúng bị hủy hoại, để ta đúng, ta muốn thấy mẹ con tuyệt vọng, để ta đúng, ta phải đúng . Còn con, con là sản phẩm của ta, một con người tự do thực sự … người hiểu rõ sự gian dối và xảo quyệt của nhân loại. Gia đình con là một vở kịch, mọi người đều là diễn viên, họ đang diễn màn cuộc sống thường ngày. Ta dạy cho con cách phân biệt thật giả. Ta muốn con đi trên lề của sự sống, một chân đứng vào bên trong, một chân bước bên ngoài. Ta reo rắc vào con sự chống đối, ám chỉ hình ảnh của mẹ méo mó, anh chị con chỉ là lũ ngốc, còn con là khác biệt. Ta đã ngạo mạn như thế đấy… ta thích thú với ý nghĩ của mình mà quên rằng… trên đời còn có Chúa, và ông ta cũng quan sát ta như một con bọ trong lọ, ông ta cũng coi ta như công cụ, ta… chính ta… cũng chỉ là công cụ của Chúa mà thôi.”
“Con thấy đấy, ta giờ là một ông già tóc bạc, một con zombie lê bước. Ta là tuyệt vọng, là chấm hết. Mỗi ngày ta đều nếm trả sự bất lực và cô đơn. Nếu ngày mai ta chết , ta sẽ chỉ đau đớn thêm 1 ngày, nếu 20 năm nữa ta chết, ta sẽ chịu khổ ải thêm 7300 ngày. Họ sẽ thấy ông già 90 tuổi xấu xí, họ sẽ khen đẹp lão, họ nói ta có phúc đức mà không biết ta đã gây ra những gì. Tâm hồn ta bị giam cầm trong nhà tù sinh học này, và họ bảo ta an vui cơ đấy. Mỗi ngày, mỗi đêm ta đều cầu Chúa tha thứ. Ta xám hối, ta cầu nguyện xin sự xá tội... Ta chấp nhận sự trừng phạt, ta chấp nhận sự sống không phải ở khía cạnh tuổi trẻ, mà là ở mặt tối tăm và mục nát. Đó là thứ ở tuổi của ta,rồi con sẽ hiểu. Ta đang sống lại những khoảnh khắc trong quá khứ, ta bị phán xử và chịu tội, bất chấp việc ta có nhận thức được hay không. Con ơi, ta đang gánh chịu tội lỗi của mình. Con hãy tha thứ cho ta , và hãy tha thứ cho các con của ta, và tha thứ cho các con của con. Ta cầu xin con, không phải với tư cách một người bố, mà với tư cách một con người, ta cầu xin ở con không phải sự cao thượng nhân tạo, mà là sự yêu thương bản năng mà Chúa để lại trong nhân loại. Con hãy ở lại với ta… và hãy bao dung“ – Ánh mắt ông sáng long lanh

Đám đông đang tan ra, cô gái trẻ nhìn về phía mộ. Chị gái nhìn thấy người em, chị gỡ cặp kính đen, đôi mắt đỏ hoe, chị mỉm cười gật đầu với cô. Anh trai cô ngỡ ngàng khi nhìn thấy em út biệt tăm 8 năm, anh vứt bỏ đạo cụ , chạy về phía cô.

Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất