Báo chí năm nào cũng thấy nhan nhản câu “được giá mất mùa, được mùa mất giá”, nhất là nông sản.  Câu trên có nghĩa là khi trúng nông sản thì giá lại thấp, còn khi giá cao thì không có nông sản để bán. Năm nay là dưa hấu. Tình trạng khốn khó này năm nào cũng có, nhưng dường như vẫn không có giải pháp nào giải quyết được căn nguyên vấn đề. Ta chỉ thấy những phong trào giải cứu dưa hấu, nông sản…. của các tổ chức đoàn thể, nhà nước, và các phong trào này mang tính từ thiện và cộng đồng nhiều hơn, không thể trở thành một giải pháp mang tính kinh tế trong lâu dài được. Tình cảnh người nông dân cứ quanh đi quẩn lại trong vòng xoáy như thế thì chắc chắn mục tiêu xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế đất nước không bao giờ thực hiện một các vẹn toàn được.
Nỗi cực khổ của người nông dân thì tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng đã biết rõ rồi. Quê nhà tôi cũng có trồng dưa hấu, dù không phải trên một quy mô rộng lớn hàng ngàn hecta, tuy vậy hàng năm tôi vẫn chứng kiến những đoàn xe tải chạy qua nhà mình, hướng tới những ruộng dưa để đưa sản phẩm từ nơi sản xuất về nơi tiêu thụ. Tôi cũng từng chứng kiến niềm hạnh phúc của họ khi bán được dưa với giá cao, tuy vậy những khoảnh khắc đó cũng rất hiếm khi so với những nỗi buồn mà họ phải gánh chịu khi bị thương nhân ép giá. Những người nông dân trồng dưa phần nhiều không tìm hiểu những quy luật thị trường, về cung cầu hoặc những kiến thức về xây dựng hệ thống bán lẻ, tìm đầu ra cho sản phẩm, nhưng không lẽ trong chúng ta, những tri thức trẻ, những người được tiếp xúc với internet, với tri thức của nhân loại lại không biết những kiến thức trên? Và nếu chúng ta biết mà không giúp họ thoát khỏi vòng luẩn quẩn trên, liệu có xứng đáng với tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết dân tộc của đất nước ta từ trước tới giờ không ?
Ở trên kia tôi có nói về việc người nông dân bị thương lái ép giá. Ta không cào bằng rằng thương lái nào cũng ép giá, tuy nhiên để tối ưu hoá lợi nhuận (mục tiêu của bất kỳ ai khi làm kinh tế), họ phải sử dụng những chiêu thức, thủ doạn để giảm chi phí, tăn giá bán. Thủ đoạn thì có nhiều, nhưng có một số thủ đoạn chính được các thương lái sử dụng thường xuyên. Họ có hàng ngàn lý do để ép giá dưa xuống thấp. Thủ đoạn cơ bản nhất là đồng loạt ép giá xuống, thu mua với giá thấp lè tè với những lý do như chi phí vận chuyển cao vì giá xăng tăng, giá cả dưa hấu trên thị trường cũng giảm….. Bên cạnh đó, họ cũng tung tin đồn giả, đẩy giá dưa lên cao làm cho người dân gom hàng chờ giá cao lấy lãi, nhưng sau đó lại hạ giá xuống phá giá làm cho người nông dân khốn đốn, phải bán tháo với giá rẻ bèo.
Như đã nói ở trên, thương lái có thể đến từ nhiều nơi khác nhau. Một bộ phận lớn đến từ Trung Quốc. Nói sơ qua về Trung Quốc, Trung Quốc có thể coi là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất và gần nhất nước ta. Hàng ngày tại các cửa khẩu qua Trung Quốc, lượng xe đông mút mùa. Nhưng do một vài đặc điểm về chính trị, cũng như những quan điểm của Trung Quốc về ngoại giao đối với nước ta và của nước ta với Trung Quốc có những mâu thuẫn, nên đôi lúc họ dùng những biện pháp kinh tế để đánh ta. Như vụ dàn khoan HD 981, hàng đoàn xe tải đứng ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh, nông sản hư vứt đầy đường, thiệt hại cả đống tiền của. Từ đó đòi hỏi ta phải làm sao để vừa giữ vững chủ quyền quốc gia và hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể gây ra cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc hiện tại cũng đang siết chặt các tiêu chuẩn về dưa hấu khi xuất khẩu qua bên nước họ. Theo tiêu chuẩn mới thì dưa hấu phải đóng bao bì, đóng thùng có dấu kiểm định. Tuy vậy, người dân trồng dưa hầu hết là chỉ ở quy mô thủ công, nếu làm thêm các công đoạn trên trước hết sẽ không đủ nhân công, tăng chi phí, thậm chí một số vùng không có khả năng thực hiện được. Việc thay đổi từ quy mô nhỏ, làm thủ công sang quy mô lớn, làm chuyên môn hóa từ công đoạn không phải dễ dàng thực hiện được trong một sớm một chiều và phải cần một nguồn vốn rất lớn.
Thương lái Trung Quốc cũng rất thâm hiểm, các thủ đoạn của họ biến hoá rất gian hiểm, gây ra nhiều khó khăn cho nước ta. Thậm chí, nhiều lái buôn Việt Nam vì thiếu hiểu biết, cũng như có lòng tham nên đã chấp nhận hợp tác với Trung Quốc làm trung gian thu mua, sau đó dính quả đắng. Thủ đoạn của TQ là tới đặt cọc một lượng hàng, đợi gom hàng xong rồi biến mất, làm dân ta bối rối không biết phải xử lý đống hàng đã mua như thế nào. Thậm chí sau đó có người trở lại mua ép giá, làm những thương lái tội nghiệp kia phải bán giá rẻ nếu như không muốn mất giá. Thủ đoạn thứ hai là yêu cầu người dân pha trộn tạp chất vào các nông sản, sau đó đem đi bán, làm giảm uy tín của nông sản Việt trên thị trường.
Còn về thị trường trong nước, ta dễ dàng tìm thấy được tiềm năng trong việc bán nông sản Việt cho chính người Việt. Như hiện tại, một trái dưa mua ở ngoài quê tôi giá khoảng 3000 – 4000đ. Tuy vậy khi tới những thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, một trái dưa sẽ nằm ở mức giá khác. Thậm chí có một sự chênh lệch lớn nằm ở dưa hấu được sản xuất ở các vùng khác nhau. Sự cồng kềnh, phức tạp trong khâu tiêu thụ làm cho người tiêu dùng phải trả một cái giá khá cao trong khi họ có thể mua rẻ hơn rất nhiều. Yêu cầu đặt ra là phải tạo một kênh tiêu thụ trực tiếp cho người mua và người bán, giảm bớt các khâu trung gian, từ đó mới có thể đảm bảo được hợp lý giá cả.
Để có thể chống lại được âm mưu của thương lái, đặc biệt là thương lái nước ngoài, giải cứu người nông dân một cách toàn diện và lâu dài, ta cần có một chiến lược hợp lý và dài hơi.
Về các phong trào giải cứu nông sản nói chung và dưa hấu nói riêng, các phong trào này mới xuất hiện trong khoản thời gian gần đây, mục đích ban đầu của nó là tốt đẹp, cứu giúp người nông dân khỏi cảnh phải khóc ròng chịu lỗ sau mấy tháng trời bỏ công sức. Tuy nhiên nếu xét một cách tổng quát và đầy đủ thì có lẽ ta cần nhìn nhận lại về phong trào này với một góc nhìn khác.
Đầu tiên là về mặt tốt. Phong trào giải cứu dưa hấu cho thấy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của người dân Việt Nam. Trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ, chúng ta đã đoàn kết lại, cùng chung tay góp sức giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn vất vả. Đây là truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời xưa của người dân Việt Nam.
Thứ hai, phong trào này xóa bỏ sự lũng đoạn thị trường hay làm giá từ các lái buôn, giảm đi sự cực khổ cho người nông dân. Cũng chính những phong trào này sẽ làm định lại giá thị trường, tạo cơ sở cho người nông dân đàm phán ngược lại về giá cả với các thương lái.
Thứ ba là tạo thêm niềm tin cho người dân. Các phong trào này thường được các cơ quan tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, hội phụ nữ,... thực hiện. Điều này làm tốt đẹp hình ảnh của những cơ quan ấy trước dư luận, làm cho người dân càng có lòng tin vào hệ thống cơ quan công quyền.
Bên cạnh những điều tốt đẹp, theo quan điểm cá nhân của tác giả, các phong trào trên vẫn ẩn trong mình nhiều tác hại mà bề ngoài chúng ta không thể nhìn thấy được.
Đầu tiên, việc này thực sự "không hợp lý" trong thực tế. Nước ta đang xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước. Nếu như đúng ra thì trong nền kinh tế này, người sản xuất phải tự làm hết mọi công đoạn trong sản xuất và tiêu thụ, nhà nước chỉ thu thuế, và đặt ra luật để làm hàng rào pháp lý tránh tranh chấp hoặc giải quyết những tranh chấp phát sinh ( trường hợp nhà nước can thiệp vào nền kinh tế thì chỉ thuộc trường hợp đó là những ngành có liên quan tới an ninh quốc gia, hoặc khi có khủng hoảng hoặc nguy cơ khủng hoảng đang lộ rõ) . Còn như ở đây thì người nông dân lại đi cầu cứu người khác "giải cứu" dưa hấu của mình, chủ yếu là các cơ quan tổ chức nhà nước như đoàn thanh niên, hội phụ nữ,.... Không thể nào tồn tại tình trạng bán được thì im im, không bán được thì đi kêu cứu. Tình trạng đó chỉ có thể tồn tại trong nền kinh tế bao cấp, còn ở nền kinh tế theo cơ chế thị trường, việc đó đồng nghĩa với tự sát. Vì khi tiến dần vào quá trình hội nhập, khi những tập đoàn lớn tiến vào Việt Nam, sẽ có những quy định mới hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào thị trường để phù hợp với các hiệp định, hiệp ước quốc tế, lúc này người nông dân sẽ không thể nào chịu nổi, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà của mình.
Bên cạnh Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ thì cũng có những cá nhân đứng ra giải cứu dưa hấu. Tuy vậy các phong trào giải cứu dưa hấu từ các cá nhân trên hầu như chỉ mang tính tự phát nhỏ lẻ, không thể nào đảm bảo đầu ra cho một ngành kinh tế được.
Thứ hai, các phong trào giải cứu dưa hấu tạo tư tưởng ỷ lại cho người nông dân. Họ sẽ suy nghĩ rằng hãy cứ sản xuất đi, đầu ra sẽ có người lo. Thực sự để có thể đạt được thành công trong một vụ mùa, người nông dân cần phải tính toán trồng sao cho lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường, không thể nào có tư tưởng rằng cứ trồng đi rồi cuối mùa sẽ có người mua. Còn tư tưởng ở trên thì không bao giờ phát triển được.
Như đã nói nêu trên thì rõ ràng các phong trào giải cứu dưa hấu không thể nào là giải pháp giải quyết vấn đề lâu dài được. Như vậy giải pháp là gì ?
Đầu tiên phải xuất phát từ chính những người nông dân. Người nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất của chính mình. Trước khi bước vào vụ mùa, người nông dân phải dự liệu được rằng nhu cầu thị trường là bao nhiêu để có kế hoạch trồng hợp lý. Thậm chí nếu nhu cầu quá ít thì có thể chuyển đổi qua trồng các loại cây khác có năng suất sinh lời cao hơn.
Thứ hai nhà khoa học. Nhà khoa học cần đến với những người nông dân, đem những thành tựu khoa học kỹ thuật vào thực tế, làm tăng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất. Sự tham gia của nhà khoa học giúp cho người nông dân nâng cao vị thế của mình khi đàm phán với thương lái, vì đơn giản chất lượng sản phẩm cao thì sẽ có quyền hét giá cao, đó là tất yếu.
Thứ ba nhà nước cần có những quy định cụ thể để cho những thương lái không thể phá hoại được. Đây là một quá trình dài, cần phải có thời gian, tổng hợp kinh nghiệm thực tế vào lý luận nên cần phải làm ngay bây giờ.
Nhà nước cần hướng dẫn người nông dân thông qua các chương trình cụ thể, hướng dẫn người nông dân chuyển qua trồng các cây khác phù hợp với nhu cầu TT vì đa số người nông dân vẫn còn tư duy ngại thay đổi.
Như vậy thì việc giải quyết câu chuyện dưa hấu mới thoát khỏi vòng luẩn quẩn được.