Nó đến từ đâu, nó nghĩa là gì, tại sao nó vẫn quan trọng.
Lời người dịch: Mình dịch bài này không phải vì đây là một bài hay về crypto, mình dịch bài này vì đây là một câu chuyện hay về crypto. Hi vọng các bạn cũng sẽ thích thú với những kiến thức bổ ích, tư duy sáng rõ, ví dụ dễ thương cùng câu từ đỏm dáng của tác giả trong 60 nghìn từ chuyển ngữ phía dưới (bài gốc 40 nghìn từ).

A. Cuộc sống dưới dạng cơ sở dữ liệu

Nếu bạn có tiền, cái bạn có là một mục dữ liệu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng thể hiện tổng số tiền bạn đang có. Nếu bạn có một cổ phiếu, cái bạn có đại khái là một mục dữ liệu trên một danh sách – được giữ bởi công ty hoặc, nhiều khả năng là, một số đơn vị trung gian – có tên của những người sở hữu cổ phiếu.
Nếu bạn sở hữu một ngôi nhà, chuyện sẽ khác đi chút chút. Giờ có một ngôi nhà mà. Nhưng quyền sở hữu của bạn với ngôi nhà có lẽ được ghi lại trong một cơ sở dữ liệu nào đó; ở Mỹ thì thường điều này nghĩa là có một bản ghi sổ sách ghi lại việc bạn mua nhà – tức quyền sở hữu hợp pháp của bạn – trong một tủ hồ sơ ở một tầng hầm của văn phòng thư ký hạt nào đó (Đây không phải là một cơ sở dữ liệu tốt cho lắm). Xét nhiều mặt thì điều quan trọng ở đây là ngôi nhà: Bạn có chìa khóa cửa trước; đồ đạc của bạn ở trong đó; hàng xóm của bạn sẽ chẳng ngạc nhiên khi thấy bạn rời nhà lúc sáng và sẽ lấy làm lạ nếu có ai đó khác trở về vào buổi tối. Nhưng theo nhiều mặt khác thì điều quan trọng là mục dữ liệu trong cơ sở dữ liệu. Ngân hàng sẽ muốn biết chắc rằng bạn có quyền sở hữu hợp pháp trước khi cho bạn vay thế chấp tài sản; người mua nhà sẽ muốn làm các thủ tục hợp lệ với bản ghi sổ trước khi trả tiền cho bạn. Có chìa khóa là không đủ.
Rất nhiều thứ khác nữa. Phần nhiều cuộc sống hiện đại diễn ra online. Nói rằng cuộc sống xã hội, nghề nghiệp và danh tiếng của bạn cấu thành bởi các mục dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu của Meta Flatforms, Google và Microsoft thì không hẳn là đúng, nhưng cũng chưa hẳn là sai.
Một vài thứ trong số đó có liên quan tới máy tính. Sẽ thuận tiện hơn rất rất nhiều nếu tiền là những dữ liệu máy tính, so với mấy túi vàng hay ngay cả xấp giấy hình chữ nhật nhỏ. Nhưng một vài thứ khác thì sâu sắc hơn. Như thế nào thì có thể được gọi là sở hữu một ngôi nhà? Một câu trả lời khả dĩ là trạng thái tự nhiên: Sở hữu một ngôi nhà nghĩa là 1) bạn ở trong ngôi nhà, và 2) nếu ai đó cố gắng vào đó ở, bạn có quyền lớn hơn họ, và vì vậy có thể tống cổ họ ra khỏi cửa. Nhưng nếu họ có quyền to hơn bạn, thì họ sẽ sở hữu ngôi nhà.
Khu dân cư, nơi mọi người đều biết tên bạn.
Khu dân cư, nơi mọi người đều biết tên bạn.
Một khả năng khác, có thể hình dung như việc bạn sống ở một ngôi làng. Sở hữu một căn nhà nghĩa là bạn sống ở đó và hàng xóm xung quanh ai cũng biết bạn sống ở đó, và nếu ai đó cố vào nhà bạn ở thì bạn và hàng xóm kết hợp lại sẽ có quyền lớn hơn những người đó. Quyền sở hữu nhà được trung gian một cách có tính xã hội bởi một mạng lưới cộng đồng có độ tín nhiệm cao.
Một khả năng thứ ba là chính phủ. Sở hữu một ngôi nhà nghĩa là chính phủ nghĩ rằng bạn sở hữu ngôi nhà đó, và nếu ai đó cố gắng vào đó ở thì chính phủ sẽ tống cổ họ ra ngoài. Quyền sở hữu nhà được trung gian một cách có tính xã hội bởi chính phủ. Cơ sở dữ liệu là một cách để chính phủ theo dõi việc đó. Bạn không cần phải tin bất cứ cá nhân nào; bạn chỉ cần tin vào quy định của pháp luật.
Tiền cũng giống giống vậy. Mấy túi vàng là một hình thức dễ hình dung của tiền, nhưng chúng nặng và vướng. Một hệ thống trong đó bạn tin nhân viên ngân hàng sẽ giữ vàng cho bạn và viết cho bạn những lá thư tín dụng, và bạn có thể dùng những lá thư đó để rút vàng từ các chi nhánh ngân hàng được điều hành bởi anh em họ của người nhân viên đó – thế khá hay, mặc dù nó phụ thuộc vào lòng tin giữa bạn và nhân viên ngân hàng, cũng như giữa người nhân viên đó và người anh em họ kia. Một hệ thống ngân hàng trong đó các giao dịch viên là những người lạ, và có lẽ đàng nào bạn cũng thích dùng ATM hơn, đòi hỏi sự tin tưởng vào hệ thống đó, sự tin tưởng rằng ngân hàng bị hạn chế bởi chính phủ, hoặc danh tiếng, hoặc các tác nhân thị trường, và vì vậy sẽ cư xử đúng mực.
Nói rằng cuộc sống hiện đại được sống trong các cơ sở dữ liệu nghĩa là, trên hết, cuộc sống hiện đại bao gồm rất nhiều sự tin tưởng.
Đôi khi điều này là bởi chúng ta biết người khác và cho rằng họ đáng tin. Nhiều khi việc này nghĩa là chúng ta có một cảm giác tin tưởng đầy trừu tượng vào hệ thống nói chung, vào hệ thống pháp luật, vào cơ sở dữ liệu và cả chính sự tin tưởng. Ta giả định rằng ta có thể tin tưởng vào hệ thống mà bản thân sử dụng, bởi làm vậy khiến cuộc sống dễ dàng hơn nhiều so với việc không tin, và bởi giả định đó hầu hết là có hiệu quả. Một thành tựu cao chót vót và bị đánh giá thấp của đời sống hiện đại là việc chúng ta về phần lớn là tin tưởng vào những người lưu giữ cơ sở dữ liệu,
và việc phần lớn họ đều đáng tin.

B. Thế nếu tôi không thích thế thì sao?

i. Bất tin

Tuy vậy, chúng ta không phải lúc nào cũng tin tưởng những người đó, và họ không phải lúc nào cũng đáng tin.
Đôi khi họ hoàn toàn không đáng tin. Có những ngân hàng bạn không thể tin để trao gửi tiền và có những nơi bạn không thể tin quy định pháp luật sẽ có thể điều tiết, quản lý. Có những chính phủ bạn không thể tin là sẽ không cuỗm tiền của bạn trong ngân hàng, hoặc không làm sai lệch kết quả bầu cử, hoặc không thay đổi sổ đăng ký đất đai và lấy nhà của bạn. Có những công ty truyền thông xã hội bạn không thể tin là sẽ không đóng băng tài khoản của bạn một các tùy tiện. Hầu hết người Mỹ, trong phần lớn thời gian, sống trong một xã hội tín nhiệm cao, nơi mà thật dễ dàng và hợp lý để tin tưởng rằng những người trung gian điều hành cơ sở dữ liệu định hình cuộc sống của họ sẽ hành xử đúng đắn. Nhưng không phải tất cả mọi người ở những nơi khác đều sống như vậy.
Thậm chí ở Mỹ, lòng tin cũng có thể là một thứ mỏng manh. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã gây ra những thiệt hại to lớn và lâu dài tới niềm tin vào hệ thống ngân hàng của rất nhiều cá nhân. Mọi người tin ngân hàng sẽ làm những việc tốt đẹp, an toàn, có hiệu quả xã hội, và hóa ra họ đã làm những việc điên rồ, đầy rủi ro, dẫn đến hệ quả là cuộc khủng hoảng kinh tế. Sau sự kiện đó, người ta ngày càng thấy khó để tin tưởng ngân hàng sẽ trông coi tiền tiết kiệm của họ hơn.
Ngoài ra, dù vậy, bạn có thể có một phản đối mang tính triết học với sự tin tưởng. Ngay cả khi ngân hàng có một lịch sử hoàn hảo không tỳ vết trong việc theo dõi tiền của bạn, với bạn thế vẫn chưa đủ tốt. Ngân hàng, đối với bạn, là một chiếc hộp đen. “Làm sao tôi biết anh sẽ đưa lại tiền cho tôi?” có thể bạn sẽ hỏi ngân hàng. Và họ sẽ trả lời kiểu “Đây là báo cáo tài chính đã được kiểm toán của chúng tôi” và “Chúng tôi được quản lý bởi Cục Dự trữ liên bang (Fed) và được bảo hiểm bởi Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên Bang (FDIC)” và “Chúng tôi chưa bao giờ không đưa lại tiền cho bất kỳ ai”. Và bạn sẽ nói, “Rồi, rồi, mấy cái đấy ok, nhưng làm sao tôi biết được?” Bạn không biết được. Lòng tin được gắn chặt vào hệ thống, như một điều kiện tiên quyết. Có thể bạn sẽ muốn xem bằng chứng.
Bạn biết tên ngân hàng này không? Cũng không quan trọng, nó vẫn là một chiếc hộp đen.
Bạn biết tên ngân hàng này không? Cũng không quan trọng, nó vẫn là một chiếc hộp đen.

ii. Khả năng kết hợp

Ngay cả khi bạn thấy ổn với việc tin tưởng những người lưu giữ các cơ sở dữ liệu hiện đại, bạn vẫn có thể phản đối theo hướng thiên về kỹ thuật. Các cơ sở dữ liệu này không phải lúc nào cũng tốt. Rất nhiều hệ thống ngân hàng được viết bởi một ngôn ngữ máy tính rất cũ gọi là Cobol; ở Mỹ người ta vẫn thường xuyên thực hiện các khoản thanh toán – việc chuyển tiền điện tử giữa các cơ sở dữ liệu điện tử về tiền – bằng cách viết séc giấy và gửi chúng qua đường bưu điện. Giao dịch chứng khoán Mỹ cần hai ngày làm việc để hoàn tất: Nếu tôi mua cổ phiếu của bạn vào Thứ Hai, bạn sẽ chuyển cổ phiếu (và tôi sẽ trả bạn tiền) vào Thứ Tư. Việc này không phải là bởi người môi giới của bạn phải bỏ chứng chỉ cổ phiếu vào một cái túi rồi mang nó đến trao tay cho người môi giới của tôi, rồi người môi giới của tôi bỏ xấp đô la vào một cái túi rồi trao tay cho người môi giới của bạn, mà vì quá trình thực tế là một bản sao của việc đó. Nó chậm chạp và thủ công, và đôi khi bị làm lộn xộn; rất nhiều giao dịch chứng khoán “thất bại”.
Đừng để tôi phải nói đến việc đăng ký đất đai. Nếu bạn mua nhà, bạn phải đến một buổi lễ – gọi là “closing” (tạm dịch: đóng cửa) – nơi mà một đống người làm những nghề kiểu “luật sư quyền sở hữu hợp pháp công ty” lầm bầm niệm câu thần chú gì đó để cho phép bạn sở hữu ngôi nhà. Nó có thể kéo dài nhiều tiếng đồng hồ.
Nếu hình dung của bạn về cách thức hoạt động của cơ sở dữ liệu là thứ gì đó trên các máy tính hiện đại, phải tốn hàng tiếng đồng hồ niệm thần chú như vậy thật là điên rồ. “Cần phải có API,” có thể bạn sẽ nghĩ: Nên có một giao diện lập trình ứng dụng (application programming interface) cho phép những cơ sở dữ liệu này tương tác với nhau. Nếu ngân hàng đang cân nhắc về việc cho bạn vay một khoản vay thế chấp tài sản, họ nên có khả năng truy vấn cơ sở dữ liệu tài sản một cách tự động và tìm thấy thông tin rằng bạn đang sở hữu căn nhà, thay vì cử luật sư đến văn phòng thư ký hạt. Và họ cũng nên có khả năng truy vấn dữ liệu đăng ký của cơ quan đăng ký xe cơ giới và cấp phép lái xe (DMV) và lấy thông tin giấy phép lái xe của bạn cho mục đích xác nhận, và truy vấn tài khoản công ty môi giới của bạn một cách tự động để kiểm tra tài sản.
Sẽ thế nào nếu chúng ta viết lại từ đầu tất cả các cơ sở dữ liệu, bằng các ngôn ngữ máy tính hiện đại sử dụng các nguyên tắc công nghệ phần mềm hiện đại, với mục tiêu là để các cơ sở dữ liệu này tương tác với nhau một cách mượt mà?
Nếu làm được thế, nó sẽ gần giống như có được một cơ sở dữ liệu duy nhất, cơ sở dữ liệu cuộc sống: Tôi có thể gửi bạn tiền để mua nhà của bạn, hoặc bạn có thể “gửi” cho tôi uy tín xã hội để đổi lại sự tham gia của tôi vào một lớp học online, hay bất cứ thứ gì, tất cả trên cùng một hệ thống máy tính.
Như vậy sẽ rất thuận tiện và hiệu quả, nhưng cũng đáng sợ. Nó sẽ gia tăng thêm nhiều áp lực lên lòng tin hơn. Theo một nghĩa nào đó, bất kỳ ai điều hành cơ sở dữ liệu duy nhất này cũng là đang điều hành thế giới. Bạn có thể tin tưởng việc đó cho ai được?

C. Tiền kỹ thuật số

Năm 2008, Satoshi Nakamoto cho ra mắt một phương pháp điều hành cơ sở dữ liệu dành cho tất cả mọi người, do đó đã phát minh ra “crypto”.
Chà, tôi không chắc crypto vốn là cái mà Satoshi Nakamoto chủ đích làm lúc đó. Gần như ngay lập tức anh ta đã phát minh ra Bitcoin: Hệ thống tiền điện tử ngang hàng, đây cũng là tiêu đề của cuốn sách trắng (white paper) nổi tiếng của anh.
Sách trắng của Satoshi
Sách trắng của Satoshi
Cái mà Satoshi nói mình đã phát minh ra là một dạng tiền dành cho việc giao dịch trên internet, “một hệ thống thanh toán điện tử dựa trên bằng chứng mã hóa thay vì sự tin tưởng, cho phép hai bên tự nguyện bất kỳ giao dịch trực tiếp với nhau mà không cần tới một bên thứ ba được tín nhiệm”. Nếu tôi muốn mua gì đó từ bạn bằng tiền kỹ thuật số – Bitcoin – tôi chỉ cần gửi bạn số Bitcoin và bạn gửi tôi món đồ; không có “bên thứ ba được tín nhiệm” nào kiểu như ngân hàng xuất hiện trong giao dịch.
Khi tôi diễn giải như vậy, nghe có vẻ như Satoshi đã phát minh ra một hệ thống trong đó tôi có thể gửi bạn Bitcoin và không liên quan thêm đến bất cứ ai khác. Cái mà anh ta thực sự đã phát minh ra là một hệ thống mà trong đó có liên quan đến rất nhiều người.

i. Ngoài lề số 1: Bạn đang đọc cái quái gì? Tại sao bạn lại đang đọc nó? Tại sao tôi viết nó?

Hi! Tôi là Matt. Tôi từng là một luật sư và nhân viên ngân hàng đầu tư. Giờ tôi là cây bút chuyên mục ở Bloomberg Opinion. Trong công việc của mình, tôi viết về tài chính. Tôi thích tài chính. Viết về nó rất vui. Nó là một cách kỳ là kỳ lạ để nhìn thế giới, một chuỗi những câu đố, một tập hợp những cấu trúc mà người ta dùng để áp vào nền kinh tế trong hiện thực. Thường thì những cấu trúc này rất phức tạp khó hiểu và gây khó chịu, và hiểu được chúng mang đến cảm giác rất thỏa mãn. Mọi thứ trong tài chính đều được bồi đắp trên nền của rất nhiều những thứ khác cũng trong lĩnh vực tài chính. Mọi thứ đều kỳ quặc và phản trực giác, và bạn phải có một sự hiểu nhất định về lịch sử tài chính và tập quán thị trường để hiểu tại sao người ta đang làm những thứ người ta đang làm.
Trong vài năm trở lại đây thì thứ gây phân cực nhất trong tài chính là crypto. Crypto là một tập hợp các ý tưởng, sản phẩm và công nghệ đã phát triển lên từ cuốn sách trắng của Bitcoin. Nhưng cũng cần phải làm cho rõ, nó còn là một tập hợp những đường kẻ trên biểu đồ cứ hướng đầu đi lên. Khi Satoshi phát minh ra Bitcoin, một Bitcoin có giá 0$: Nó chỉ là một ý tưởng anh ta tự bịa rồi chế ra. Ở đỉnh của mình vào tháng 11 năm ngoái, một Bitcoin có giá hơn 67.000$, và tổng giá trị của tất cả các crypto đang lưu hành là đâu đó khoảng 3 nghìn tỷ đô la. Rất nhiều người tham gia vào thị trường crypto sớm đã trở nên giàu có một cách cực kỳ nhanh chóng và cảm thấy rất khó chịu vì việc đó. Họ mua Lamborghini và các hòn đảo. Họ thấy hài lòng với chính mình: Họ nghĩ rằng crypto là tương lai, và họ đang xây dựng tương lai và được tưởng thưởng xứng đáng và đủ đầy cho việc đó. Họ nói những thứ kiểu “Chúc nghèo vui vẻ nhé” và “SCNCCG” (“sẽ chẳng nên cơm cháo gì”) với những người không sở hữu crypto. Họ thấy mình đúng, họ giàu có, và họ muốn mọi người biết điều đó.
Rất nhiều người khác không có hứng thú với crypto. Họ có ấn tượng không hoàn toàn phi lý rằng nó gần như chỉ hữu dụng cho tội phạm hoặc cho các mô hình Ponzi. Họ hỏi những câu kiểu “Nó để làm gì?” hoặc “Tất cả mấy cái số tiền này là ở đâu ra thế?”, hay “Nếu các anh đang xây dựng tương lai, thì chính xác cái các anh đang làm là gì?”, hoặc “Nếu các anh đang xây dựng tương lai, sao nó trông mờ mịt và thảm hại vậy?” Và các thần dân crypto (thường) trả lời: “Chúc nghèo vui vẻ nhé”.
Và rồi, năm nay, những đường kẻ trên biểu đồ ấy chúc đầu lao xuống. Giá một Bitcoin giảm xuống dưới 20.000$; tổng giá trị của tất cả crypto giảm từ 3 nghìn tỷ xuống còn 1 nghìn tỷ đô la; vài công ty crypto lớn phá sản. Nếu bạn là một người hoài nghi về crypto, điều này nghe thật sướng, không chỉ bởi do cảm giác vui sướng trên nỗi đau của người khác (schadenfreude) mà còn vì có thể giờ đây người ta sẽ câm mồm không nói về crypto nữa và bạn có thể quay lại thời không bận tâm gì đến cái của nợ ấy. Với các tông đồ của crypto, đây chỉ là một lý do để cày cuốc gấp đôi: Pha lao đáy của thị trường sẽ giúp lọc bỏ những fan phong trào và chỉ để lại những tín đồ chân chính cùng nhau xây dựng tương lai.
Theo một nghĩa nào đó thì đây là thời điểm ngớ ngẩn để nói về crypto, bởi vì các chỉ số đang lao dốc. Nhưng thực tế đây lại là thời điểm tốt để nói về crypto. Có một khoảng ngừng; có tiếng sột soạt ngồi xuống nghỉ ngơi. Thứ còn lại ở lĩnh vực crypto không chỉ là những kế hoạch đầu cơ và làm giàu nhanh. Ta có thể suy nghĩ về việc crypto thực sự có ý nghĩa gì – tách rời, một chút chút, khỏi những đường kẻ hướng lên.
Tôi cũng không có cảm giác quá mạnh về giá trị của crypto. Tôi thích tài chính. Tôi nghĩ nó thú vị. Và nếu bạn thích tài chính – nếu bạn thích việc hiểu được các cấu trúc mà người ta tạo lên để tổ chức kinh tế thực tiễn – crypto thật tuyệt vời. Nó là một phòng thí nghiệm cho các tổ chức tài chính. Trong 14 năm qua, crypto đã dựng lên cả một hệ thống tài chính từ con số không. Crypto liên tục tái phát minh và tái phát hiện những điều mà lĩnh vực tài chính đã đang làm hàng thế kỷ nay. Đôi khi nó tìm ra những cách mới hơn và tốt hơn để làm những điều đó.
Thường thì nó tìm ra những cách tệ hơn, đâm đầu vào cùng những ngõ cụt mà lĩnh vực tài chính truyền thống đã thử cách đây hàng thập kỷ, với những kết quả rất khôi hài.
Thường thì nó tìm những giải pháp mà về cơ bản cũng không khác gì nhiều so với những giải pháp mà tài chính truyền thống đã tìm ra, nhưng với những cái tên mới và cách giải thích mới. Bạn có thể nhìn kỹ một số thứ của crypto và nhận ra chúng phỏng theo thứ gì đã có trong lĩnh vực tài chính truyền thống. Nếu bạn làm thế, bạn có thể học được điều gì đó về hệ thống tài chính crypto – bạn có thể, ví dụ, đưa ra một phỏng đoán có cơ sở về việc crypto có thể trở nên bất ổn thế nào – nhưng bạn cũng có thể học được điều gì đó về hệ thống tài chính truyền thống: Sự sao chép của crypto cung cấp cho bạn một cái nhìn sâu sắc mới về tài chính nguyên bản.
Ngoài ra, tôi phải nói rằng, là một người viết về tài chính, tôi có sự say mê với những câu chuyện về lừa đảo, thao túng thị trường, và những người thông minh lừa gạt những người kém thông minh hơn chút chút. Thường những câu chuyện này thú vị và có tính khai sáng và, đặc biệt là, buồn cười. Crypto là một khu vườn mọc dày dằng dặc những câu chuyện như thế.
Vì vậy, hiện tại, tôi viết rất nhiều về crypto. Bao gồm cả những gì trong bài này.
Tôi cần phải cảnh báo vài thứ. Đầu tiên, tôi không viết về crypto với tư cách là một chuyên gia đã dấn sâu vào nó. Tôi không phải là một tín đồ chân chính. Tôi không sở hữu bất kỳ crypto nào cho đến khi tôi bắt tay thực hiện bài này; hiện tại tôi đang sở hữu một lượng có giá trị cỡ 100$. Tôi viết về crypto như một cá nhân thích sự tháo vát và cả sự ngờ nghệch của con người, và tôi nhìn thấy rất nhiều hai thứ đó trong lĩnh vực crypto.
Ngược lại, tôi không cứ thế ngồi viết 40.000 từ để nói với bạn rằng crypto thật ngớ ngẩn, vô giá trị và sắp biến mất không dấu vết. Như thế đúng là một cách tiêu dùng thời gian kỳ quặc. Mục tiêu của tôi ở đây không phải là thuyết phục bạn rằng crypto đang xây lên tương lai và rằng nếu bạn không nhảy lên thuyền thì bạn sẽ mãi nghèo. Mục tiêu của tôi là thuyết phục bạn rằng crypto rất thú vị, rằng nó đã tìm ra vài thứ mới mẻ về vài vấn đề cũ, và rằng dù cho những thứ nó tìm ra đó là sai, chúng cũng sai theo cách giúp khai sáng thêm điều gì đó.
Ngoài ra, tôi là một người yêu thích tài chính. Dường như với tôi, crypto, sau 14 năm kể từ lúc nó ra đời, có một hệ thống tài chính được phát triển khá tốt, và tôi sẽ nói kha khá về nó, bởi nó được phát triển khá tốt và bởi tôi thích tài chính.
Đám đông tại một hội thảo Bitcoin ở Miami, tháng 4 năm 2022.
Đám đông tại một hội thảo Bitcoin ở Miami, tháng 4 năm 2022.
Một hệ thống tài chính là, chà, một chuỗi các cơ sở dữ liệu. Nó là một cách để đá qua đá lại các xác nhận về những thứ có thể thấy rõ; nó là một thứ phụ trợ cho thế giới thực. Một hệ thống tài chính sẽ là tốt nếu nó khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn cho những người nông dân để trồng trọt, cho những gia đình để sở hữu nhà, và cho những doanh nghiệp để làm ra những trò chơi máy tính tuyệt đỉnh, nếu nó giúp tạo ra và phân phối sự dồi dào trong cuộc sống thực. Một hệ thống tài chính sẽ là tệ nếu nó trao đổi các xác nhận trừu tượng theo những cách làm giàu cho người thực hiện trao đổi nhưng chẳng giúp gì cho tất cả những người khác.
Tôi…ờ…ừm. Trong 14 năm qua có một câu hỏi nổi bật về crypto là: Nó tốt cho việc gì? Nếu bạn hỏi về một ví dụ về một doanh nghiệp thực sự có sử dụng crypto, câu trả lời bạn nhận được hầu hết sẽ là các doanh nghiệp tài chính: “Chà, chúng tôi đã xây dựng một sàn giao dịch rất tuyệt để giao dịch crypto”. Ok, hay đấy. Đôi khi những câu trả lời này nghe có vẻ hợp lý cho việc tạo ra hoặc phân phối sự dồi dào: “Crypto giúp những người di trú gửi kiều hối một cách rẻ và nhanh”. Thế tốt đấy. Thường thì chúng là về việc đánh bạc một cách hiệu quả. Cờ bạc rất vui, cái đó không phủ nhận. Nhưng một hệ thống tài chính chỉ thuần túy về cờ bạc thì sẽ khá là bị giới hạn.
Trong khi đó, những người ủng hộ nhiệt thành nhất của crypto nói rằng nó là để tạo ra những thứ có thực và hữu ích. Crypto sẽ tái định nghĩa các mối quan hệ xã hội, và việc chơi game, và máy tính. Nó sẽ tạo ra metaverse (tạm dịch: vũ trụ ảo). Crypto là một thành phần thiết yếu của cú nhảy vọt tiếp theo của internet; crypto sẽ tạo ra “web3” để thay thế “web2” hiện tại. Có lẽ? Nếu bạn hỏi về một ví dụ về một doanh nghiệp thực sự có sử dụng crypto, bạn sẽ được nghe cả đống tên những doanh nghiệp tài chính có thực, béo bở, và rồi đến những suy tư lý thuyết mơ hồ như “Chà, có lẽ chúng ta có thể xây dựng một mạng xã hội trên web3 chăng?”
Vẫn còn sớm. Có lẽ ai đó sẽ xây dựng được một mạng xã hội thực sự tốt trên web3. Có lẽ là trong 10 năm nữa, crypto và blockchain và token sẽ là trung tâm của mọi thứ được thực hiện trên internet, và internet sẽ (thậm chí còn hơn cả bây giờ) là trung tâm của mọi thứ được thực hiện trong cuộc sống con người, và những người đón nhận crypto sớm sẽ đúng và giàu có trong khi những người còn lại chúng ta sẽ nghèo vui vẻ, và lũ trẻ sẽ bàn tán với nhau ở trường rằng, “Tớ không thể tin được là người ta đã từng nghi ngờ sự quan trọng của Dogecoin á”.
Tôi không muốn bỏ ngỏ khả năng đó, và tôi muốn suy đoán về nó một chút chút, có lẽ là phác họa một bức tranh xem đại khái nó nghĩa là gì. Tôi sẽ không chỉ cho bạn cách thức cụ thể về việc làm thế nào chúng ta đến được đó. Tôi không phải là một người yêu thích công nghệ, và tôi không phải là một tín đồ đích thực. Nhưng nó đáng để cố gắng hiểu crypto có thể có ý nghĩa gì với tương lai của internet, bởi các ngụ ý đôi khi là vẽ ra một thiên đường và đôi khi lại cho thấy viễn cảnh thảm họa và đôi khi chỉ là sự gia tăng tính hiệu quả hơn một chút cho những thứ bạn vẫn làm. Thêm nữa là tài chính rất hay ho, và hiện tại nó đang rất hay ho.

ii. Ngoài lề số 2: Những cái tên và những người

Trước khi đi tiếp, để tôi nói bạn nghe vài điều về vài cái tên. Thứ nhất, “crypto (tiền mã hóa)”. Thứ mà tôi đang viết về ở bài này: Không có một cái tên hay nào cho nó. Cái tên tiêu chuẩn, cũng là cái tôi sẽ dùng rất nhiều, là crypto, mà tôi đoán là viết tắt của “cryptocurrency (tiền tệ được mã hóa)”. Đây không phải là một cái tên tốt, bởi vì 1) nó nhấn mạnh vào tiền tệ (currency), và rất nhiều crypto không đặc biệt là về tiền tệ, và 2) nó nhấn mạnh vào mật mã học (cryptography), và dù theo một nghĩa sâu sắc crypto là về mật mã học, hầu hết mọi người trong giới crypto không làm cả đống thứ liên quan đến mật mã học. Bạn có thể là một chuyên gia hoặc một tỷ phú crypto hoặc một tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực crypto mà không cần biết nhiều về mật mã học, và những người chuyên gia mật mã học đôi khi khá hậm hà hậm hực về việc dân crypto cuỗm lấy cái tên đuôi đó của họ.
Có những cái tên khác dành cho nhiều chủ đề khác trong crypto –
– và đôi khi chúng được sử dụng rộng rãi để gọi rất nhiều thứ đang diễn ra trong lĩnh vực crypto, nhưng chúng cũng không phải là những cái tên hay gì cho cam. Vậy nên tôi sẽ hầu như dùng “crypto” như một thuật ngữ bao quát.
Thứ hai, “Satoshi Nakamoto”. Đây là một cái tên giả, và dù đó là ai đi nữa thì họ cũng đã làm tốt trong việc giữ kín danh tính của mình suốt thời gian qua. (Có rất nhiều suy đoán về việc người này có thể là ai. Vài dự đoán vui nhộn có cả Elon Musk và một kỹ sư máy tính nào đó tên, ây dà, Satoshi Nakamoto. Tôi sẽ gọi Satoshi Nakamoto là “Satoshi” và dùng danh xưng “anh”, bởi hầu hết mọi người đều gọi như thế).
Một điều liên quan. (Có lẽ?) Ngoài Satoshi, về cơ bản tất cả mọi người tham gia vào giới crypto đều có một cá tính ngoại cỡ một cách hài hước. Nếu bạn đọc một bài bất kỳ nào đó về crypto, cá là kiểu gì cũng sẽ có những nhân vật điên rồ. (Một câu chuyện trên Bloomberg Businessweek  năm ngoái có nhắc đến “việc gửi hàng tỷ đô la Mỹ tươi sạch roi rói đến tài khoản ngân hàng ở Bahamas của người đồng sáng tạo ra loạt phim hoạt hình Thám tử Gadget để đổi lấy các token kỹ thuật số được phù phép bởi anh chàng diễn viên chính trong Mighty Ducks và được điều hành bởi những giám đốc kinh doanh đang là mục tiêu của một điều tra tội phạm ở Mỹ”). Ngoại trừ bài này! Sẽ không có dù chỉ một nhân vật thú vị nào xuất hiện trong toàn bộ câu chuyện. Mục tiêu của tôi ở đây là để giải thích về crypto, để khi bạn đọc về một gã kỳ lạ nào đó làm gì đó với crypto thì bạn có thể hiểu cái anh ta đang làm là gì.

iii. Ngoài lề số 3: “Mã” trong tiền mã hóa

Mật mã học là là ngành nghiên cứu các thông điệp bí mật, của việc tạo mã và giải mã. Hầu hết những điều tôi nói trong bài này sẽ không là về mật mã học; nó sẽ là về, ây chà, Ponzi. Nhưng nền tảng căn bản của crypto thực sự là về mật mã học, vậy nên biết một chút về nó thì sẽ có ích.
Điều cơ bản xảy ra trong việc mã hóa là bạn nhập dữ kiện đầu vào (một con số, một từ, một chuỗi văn bản), và bạn chạy vài hàm gì đó, và nó sẽ cho ra một con số khác hoặc một từ khác hoặc gì gì đó như là dữ kiện đầu ra. Hàm ở đây có thể là Mật mã Caesar (chuyển từng ký tự của một từ thành các ký tự đứng ngay sau theo thứ trên bảng chữ cái, ví dụ “Caesar” sẽ trở thành “Dbftbs”, hoặc pig Latin (chuyển phụ âm đầu tiên của từ xuống cuối cùng và thêm “-ay” vào, ví dụ “Caesar” sẽ thành “Aesar-say”), hoặc thứ gì đó phức tạp hơn.
Một tính chất hữu ích trong hàm mã hóa là nó mang tính “một chiều” [4]. Điều này có nghĩa là rất dễ để chuyển dữ kiện đầu vào thành dữ kiện đầu ra, nhưng rất khó để làm ngược lại; việc tính toán hàm theo một hướng thì dễ nhưng theo hướng ngược lại thì bất khả thi. (Ví dụ kinh điển là về việc nhân hai số nguyên lớn với nhau thì dễ, nhưng phân tích một số cực lớn thành hai số nguyên số lớn thì khó). Mật mã Caesar thì tạo mã dễ và đảo ngược mã cũng dễ, nhưng một số dạng mã hóa thì dễ tạo mã nhưng để đảo ngược thì khó hơn rất rất nhiều. Điều này giúp chúng trở thành những mã bí mật tốt hơn.
[4]: Thực tế thì điều này mang tính kỹ thuật hơn những gì tôi đang viết ở đây. Cái mà tôi gọi là hàm có tính một chiều ở trên là, nói một cách chính xác hơn, hàm mà chúng ta hy vọng là một chiều, dựa trên hiểu biết hiện tại về công nghệ máy tính, toán học và mật mã học.
Một ví dụ của một số dạng khó hơn này là “hashing function (hàm băm)”, thứ mà sẽ nhận một văn bản đầu vào và chuyển nó thành một số dài có kích thước cố định. Vì vậy tôi có thể chạy một hàm băm cho bài viết này – một hàm phổ biến tên là SHA-256, được phát minh bởi Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) – và tạo ra một số dài, khó hiểu. (Để khiến nó khó hiểu hơn nữa, theo thông lệ thì số này được viết dưới dạng hệ thập lục phân, sao cho sẽ không chỉ có các số từ 0 đến 9 mà còn các ký tự từ “a” đến “f”.) Tôi có thể gửi bạn số này và nói, “Tôi đã viết một bài báo và chạy nó qua thuật toán băm SHA-256, và số này là kết quả.” Bạn sẽ có số đó, nhưng bạn sẽ không thể hiểu đầu cua tai nheo nó là cái của gì. Cụ thể, bạn sẽ không thể quẳng nó vào một chương trình máy tính và giải mã được nó, để chuyển kết quả băm thành bài viết này.
Hàm băm mang tính một chiều; kết quả băm không tiết lộ cho bạn biết bất cứ điều gì về bài viết này, ngay cả khi bạn có biết về hàm băm. Hàm này cơ bản là sẽ xáo xào dữ liệu trong bài viết: Nó sẽ lấy từng ký tự trong bài, biểu diễn chúng dưới dạng số nhị phân (một chuỗi các bit, các số 0 và 1), và sau đó đảo các số 0 và 1 này cực nhiều lần, trộn chúng lại cho đến khi chúng lẫn với nhau và không thể nhận ra. Hàm băm cung cấp các hướng dẫn từng bước rõ ràng để trộn các bit lại với nhau, nhưng chúng không hoạt động theo chiều ngược lại. Nó giống như trộn sữa vào cà phê vậy: dễ làm (khuấy tan sữa vào cà phê), khó đảo ngược (tách sữa khỏi cà phê).
Sử dụng thuật toán SHA-256 sẽ tạo ra một số 64-chữ-số cho dữ liệu có bất kỳ kích thước nào. Đây là số băm của toàn bộ văn bản có trong tiểu thuyết Ulysses dài 730 trang của James Joyce:
3f120ea0d42bb6af2c3b858a08be9f737dd422f5e92c04f82cb9c40f06865d0e
Nó cũng chiếm cùng diện tích như số băm của “Hi! Tôi là Matt”:
86d5e02e7e3d0a012df389f727373b1f0b1828e07eb757a2269fe73870bbd044
Nhưng nếu tôi viết thành “Hi, tôi là Matt” thì sao? Kết quả:
9f53386fc98a51b78135ff88d19f1ced2aa153846aa492851db84dc6946f558b
Không có mối tương quan rõ ràng nào giữa hai số kết quả của “Hi! Tôi là Matt” và “Hi, tôi là Matt.” Hai dữ liệu đầu vào ban đầu gần như giống hệt nhau; kết quả sau khi băm hoàn toàn khác nhau. Đây là một đặc tính quan trọng của tính một chiều của hàm băm: Nếu dữ kiện đầu vào tương tự nhau cho ra dữ kiện đầu ra tương tự nhau, thì sẽ quá dễ để đảo ngược hàm và giải mã thông điệp. Nhưng vì mục đích thực tế, mỗi dữ kiện đầu vào sẽ cho ra một dữ kiện đầu ra ngẫu nhiên.
Một mã bí mật mà không thể giải mã thì dùng để gì? Để cho một việc, đó là dùng như một cách để xác minh. Nếu tôi gửi bạn số băm của bài viết này, nó sẽ chẳng cung cấp cho bạn thông tin cần thiết để tạo lại bài viết. Nhưng nếu tôi gửi cho bạn chính bài viết, bạn có thể quẳng vào một chương trình máy tính (thuật toán SHA-256) và tạo ra một số băm. Và số băm của bạn sẽ trùng khớp hoàn toàn với số mà tôi đã gửi cho bạn. Và bạn sẽ nói, “À há, đúng luôn, bạn chính là người đã băm bài viết này.” Sẽ là bất khả thi với bạn để giải mã số băm, nhưng sẽ rất dễ để bạn kiểm tra xem tôi đã mã hóa nó đúng cách chưa.
Trong thực tế, đó là một việc ngớ ngẩn để làm với bài viết này, nhưng nó có đất dụng võ của nó. Một thứ đơn giản, dùng hàng ngày là mật khẩu. Nếu tôi có hệ thống máy tính và bạn có mật khẩu, tôi sẽ cần cách để có thể xác nhận xem mật khẩu của bạn có đúng không. Một cách để làm việc này là để cho hệ thống của tôi lưu giữ mật khẩu của bạn và đối chiếu cái mà bạn gõ ra với cái mà tôi đang lưu giữ đó: Tôi có một file (tệp) văn bản nhỏ ghi tất cả các mật khẩu, trong đó có ghi “Matkhau123” ở dòng tương ứng với tên người dùng của bạn, rồi bạn gõ “Matkhau123” vào màn hình đăng nhập, và hệ thống của tôi sẽ đối chiếu cái bạn vừa gõ với mật khẩu trong file lưu giữ và thấy rằng chúng khớp nhau và để bạn đăng nhập. Nhưng đây là một hệ thống nguy hiểm: Nếu ai đó trộm mất file này, họ sẽ biết mật khẩu của tất cả mọi người. Việc tốt hơn tôi nên làm là băm (hash) hết mật khẩu. Bạn gõ “Matkhau123” để chọn làm mật khẩu khi tạo tài khoản, và tôi chạy nó qua một hàm băm và thu được
008c70392e3abfbd0fa47bbc2ed96aa99bd49e159727fcba0f2e6abeb3a9d601
và tôi sẽ lưu giữ số đó trong danh sách của mình. Khi bạn đăng nhập, bạn gõ mật khẩu, và tôi băm cái bạn vừa gõ lần nữa, và nếu số băm này khớp với số tôi đã lưu trong danh sách, tôi sẽ để bạn đăng nhập. Nếu ai đó trộm mất danh sách, họ không thể giải mã ra mật khẩu của bạn từ số băm, vì vậy họ không thể đăng nhập được vào hệ thống.
Có những cách dùng hàm băm khác, mọt-crypto hơn. Một cách là một kiểu ghi nhận mốc thời gian. Giả dụ, bạn dự đoán một sự kiện tương lai nào đó, và bạn muốn được ghi nhận nếu sự kiện đó thực sự xảy ra. Nhưng bạn không muốn cứ thế lên luôn Twitter và nói, “Tôi dự đoán đội (New York) Jets sẽ thắng Super Bowl vào năm 2024,” để tránh bị xấu hổ hoặc gây ảnh hưởng đến kết quả hoặc gì gì đó. Một cách bạn có thể làm là viết “đội Jets sẽ thắng Super Bowl vào năm 2024” lên một mẩu giấy, bỏ nó vào phong bì, dán kín phong bì, và nhờ tôi giữ nó cho đến khi giải Super Bowl 2024 kết thúc, sau đó bạn sẽ nói với tôi là hãy mở phong bì ra (hoặc là đốt nó đi). Nhưng cách này đòi hỏi bạn và tất cả mọi người tin tưởng tôi.
Một cách khác, không cần sự tin cậy là bạn gõ “đội Jets sẽ thắng Super Bowl vào năm 2024” vào một trình tạo hàm băm mã hóa, và nó sẽ cho ra:
64b70b0494580b278d7f1f551d482a3fb952a4b018b43090ffeb87b662d34847
và rồi bạn có thể tweet,
Không phải tweet thật đâu, nhưng các bạn có thể theo dõi tôi tại <a href="https://twitter.com/matt_levine" target="_blank">@matt_levine</a>.
Không phải tweet thật đâu, nhưng các bạn có thể theo dõi tôi tại @matt_levine.
Mọi người sẽ nói, “Ê bạn ơi bạn phiền quá vậy,” nhưng họ sẽ không thể giải mã dự đoán của bạn. Và rồi sau một khoảng thời gian, lúc đội Jets thắng giải Super Bowl, bạn có thể khoe, “Đấy, tau đã bẩu mà!” Bạn retweet (đăng lại) dòng tweet chứa số băm và dự đoán của bạn. Nếu ai đó thích, họ có thể dùng một trình tính toán số băm và đối chiếu xem số băm bạn tweet có khớp với dự đoán của bạn không. Và rồi bạn sẽ đứng trên đỉnh vinh quang.
Bên cạnh hàm băm, một hàm một chiều quan trọng khác là mã hóa chìa khóa công khai. Tôi có hai số, gọi là “chìa khóa công khai” và “chìa khóa riêng tư”. Các số này dài và nhìn ngẫu nhiên, nhưng chúng có liên quan đến nhau: Sử dụng một thuật toán có sẵn công khai, một số có thể được dùng để khóa thông điệp, số còn lại có thể mở khóa thông điệp. Hệ thống hai chìa khóa này giải quyết được một vấn đề kinh điển của mã hóa: Nếu chìa khóa mà tôi sử dụng để mã hóa một thông điệp giống với chìa mà bạn sẽ cần đề giải mã, sẽ có thời điểm tôi sẽ phải gửi cho bạn chìa khóa đó. Bất kỳ ai trộm lấy chìa khóa trong quá trình vận chuyển đều sẽ có thể đọc được thông điệp của chúng ta.
Với mã hóa khóa công khai, chúng ta không cần phải chia sẻ chìa khóa bí mật. Chìa khóa công khai thì mang tính công khai: Tôi có thể gửi nó cho tất cả mọi người, đăng nó lên Twitter cá nhân, hay gì gì đó. Chìa khóa riêng tư thì mang tính riêng tư, và tôi không đưa nó cho bất kỳ ai. Ví dụ, bạn muốn gửi cho tôi một thông điệp bí mật. Bạn viết thông điệp và chạy nó ra một thuật toán mã hóa, thuật toán này sử dụng 1) thông điệp và 2) khóa công khai của tôi (thứ mà bạn có) để tạo ra một thông điệp được mã hóa; sau đó bạn gửi nó cho tôi. Tôi sẽ chạy nó qua một chương trình giải mã mà sẽ sử dụng 1) thông điệp đã được mã hóa đó và 2) khóa riêng tư của tôi (thứ mà chỉ tôi có) để tạo ra thông điệp gốc để tôi có thể đọc. Bạn có thể sử dụng khóa công khai của tôi để mã hóa thông điệp, nhưng không ai có thể dùng khóa công khai của tôi để giải mã thông điệp đã được mã hóa đó. Chỉ duy nhất mình tôi có thể giải mã thông điệp đó bằng cách sử dụng khóa riêng tư của tôi. (Hàm này mang tính một chiều với tất cả mọi người, và chỉ mình tôi có thể đảo ngược nó bằng khóa riêng tư của tôi).
Một ý tưởng có liên quan là “chữ ký kỹ thuật số”. Tương tự, tôi có một khóa công khai và một khóa riêng tư. Khóa công khai của tôi được đăng trên phần tiểu sử ở Twitter. Tôi muốn gửi cho bạn một thông điệp, và tôi muốn bạn biết là tôi là người đã viết nó. Tôi chạy thông điệp qua một chương trình mã hóa có sử dụng 1) thông điệp và 2) khóa riêng tư của tôi. Sau đó tôi gửi cho bạn 1) thông điệp gốc và 2) thông điệp đã được mã hóa.
Bạn dùng một chương trình giải mã mà có sử dụng 1) thông điệp đã được mã hóa và 2) khóa công khai của tôi để giải mã thông điệp. Thông điệp đã được giải mã sẽ khớp với thông điệp gốc tôi đã gửi. Điều này chứng minh cho bạn thấy tôi đã mã hóa thông điệp đó. Vì vậy bạn biết tôi đã viết nó. Dù, thay vào đó, tôi có thể chỉ đơn giản là inbox bạn trên Twitter, nhưng làm theo cách trên mang tính bí mật hơn.
Tưởng tượng một hệ thống ngân hàng đơn giản mà trong đó các tài khoản ngân hàng được công khai: Có một danh sách công khai chứa các tài khoản, và mỗi tài khoản có một số dư (công khai) và một khóa công khai. Tôi nói với bạn: “Tôi quản lý tài khoản Số 00123456789, trong đó có 250$, và tôi sẽ chuyển cho bạn 50$”. Tôi gửi cho bạn một thông điệp được ký kỹ thuật số ghi “đây là 50$”, và bạn giải mã thông điệp đó bằng cách sử dụng khóa công khai của tài khoản của tôi, và bạn sẽ biết là đúng thực tôi quản lý tài khoản đó và mọi thứ đều khớp. Đó là ý tưởng căn bản cốt lõi nhất của Bitcoin, dù còn có các ý tưởng phức tạp hơn.

iv. Bitcoin hoạt động thế nào

Hình thái đơn giản của Bitcoin sẽ như thế này. Có một danh sách công khai lớn gồm những địa chỉ, mỗi địa chỉ có một nhãn riêng biệt mà trông như một những số và ký tự ngẫu nhiên, và có một ít số dư Bitcoin trong đó. Một địa chỉ có thể có nhãn “1A1zP1eP5QGefi2DMPTfTL5SLmv7DivfNa” [10] và có số dư 68,6 Bitcoin. Địa chỉ này hoạt đóng vai trò như một khóa công khai [11]. Khi tôi nói tôi “sở hữu” số Bitcoin này, điều đó có nghĩa là tôi sở hữu khóa riêng tư tương ứng với địa chỉ đó, và như vậy tức là cả mật khẩu để truy cập tài khoản.
[10]: Địa chỉ này là một huyền thoại trứ danh trong giới crypto, chính là địa chỉ nhận được Bitcoin đầu tiên. Được giả định là thuộc về Satoshi Nakamoto.
[11]: Địa chỉ Bitcoin thực ra là một hàm băm của khóa công khai. Nhưng “trên thực tế, nó là một thuật ngữ mã hóa hoàn toàn hợp lệ để coi mã băm của khóa công khai như là khóa công khai,” Vitalik Buterin, người tạo ra Ethereum, một blockchain lớn khác, đã viết trong cuốn sách trắng năm 2014 của anh ta khi giải thích về dự án. Nếu Vitalik thấy ok thì tôi cũng thấy ok thôi.
Vì tôi có khóa riêng tư, tôi có thể gửi bạn Bitcoin bằng cách ký một thông điệp cho bạn bằng khóa riêng tư của tôi. Bạn có thể đối chiếu chứ ký với khóa công khai của tôi và danh sách các địa chỉ và số dư Bitcoin. Chừng đó thông tin là đủ để bạn xác nhận rằng tôi quản lý số Bitcoin mà tôi đang gửi cho bạn, nhưng chưa đủ để bạn biết được khóa riêng tư của tôi và cuỗm hết số Bitcoin mà tôi có.
Như vậy nghĩa là tôi có thể gửi bạn một Bitcoin mà không cần bạn tin tôi, hoặc tôi tin bạn, hoặc một trong hai người tin một ngân hàng nào đó để họ xác nhận xem tôi có tiền không. “Chúng tôi định nghĩa một coin (đồng xu) điện tử là một chuỗi các chữ ký kỹ thuật số,” Satoshi viết. Sự kết hợp của địa chỉ công khai và khóa riêng tư là đủ để định nghĩa một coin. Tiền tệ được mã hóa được gọi như vậy là bởi nó là một loại tiền tệ có nguồn gốc từ việc mã hóa.
Satoshi nói Bitcoin về bản chất là một chuỗi các chữ ký.
Satoshi nói Bitcoin về bản chất là một chuỗi các chữ ký.
Các bạn sẽ nhận thấy rằng tất cả những gì chúng bàn từ đầu đến giờ là về trao đổi thông điệp, và bằng cách nào đó gọi kết quả của việc đó là một loại tiền tệ. Hệ thống tài chính truyền thống cũng không mấy khác biệt: Các ngân hàng không chuyển mấy túi vàng hay thậm chí mấy xấp giấy hình chữ nhật nhỏ đi khắp nơi. Họ là những người lưu giữ các cơ sở dữ liệu. Về cơ bản, điều xảy ra khi tôi thực hiện một thanh toán 100$ cho bạn là ngân hàng của tôi gửi một thông điệp cho ngân hàng của bạn để bảo họ cập nhật sổ cái (ledger).
Tương tự, trong mạng lưới Bitcoin thì các thông điệp sẽ thay đổi một cuốn sổ cái (công khai) trong đó ghi ai đang giữ cái gì. Nhưng ai là người duy trì việc đó? Câu trả lời đơn giản là mạng Bitcoin – hàng nghìn người sử dụng Bitcoin và chạy phần mềm của nó trên máy tính của họ – giữ sổ cái, một cách vừa mang tính cộng tác vừa mang tính dự phòng. Có hàng nghìn bản sao của sổ cái; mỗi nút mạng (node) trên mạng lưới đều có một danh sách về việc có bao nhiêu Bitcoin đang ở trong mỗi địa chỉ.
Sau đó, khi chúng ta thực hiện một giao dịch – khi tôi gửi bạn một Bitcoin – chúng ta không chỉ làm việc đó một cách riêng tư mà phát thông tin đó lên toàn bộ mạng lưới để tất cả mọi người có thể cập nhật danh sách của họ. Nếu tôi gửi bạn một Bitcoin từ địa chỉ của tôi, và chữ ký của tôi trên giao dịch là hợp lệ, tất cả mọi người sẽ cập nhật sổ cái của họ để cộng một Bitcoin vào địa chỉ của bạn và trừ một Bitcoin từ địa chỉ của tôi.
Sổ cái không thực sự chỉ là một danh sách các địa chỉ và số dư có trong các địa chỉ đó; thực tế nó là một bản ghi ghi lại toàn bộ các giao dịch [12]. Sổ cái được duy trì bởi tất cả mọi người trên mạng lưới bằng việc tự mình theo dõi từng giao dịch một.
[12]: Trên thực tế, sổ cái chỉ là có vậy chứ không phải là danh sách địa chỉ và số dư gì cả. Tôi mô tả nó theo cách đó để thuận tiện, và bạn có thể tái dựng danh sách địa chỉ và số dư từ bản ghi của tất cả các giao dịch, và mọi người cũng vậy, nhưng về mặt kỹ thuật, danh sách tái dựng đó không phải là sổ cái của Bitcoin.
Chà, việc không tệ đến vậy. Mỗi giao dịch đều có thể được chứng minh là đúng: Nếu tôi gửi một Bitcoin từ địa chỉ của mình đến địa chỉ của bạn và ký nó bằng khóa riêng tư của tôi, mạng lưới sẽ gộp giao dịch đó vào; nếu tôi cố gửi một Bitcoin từ địa chỉ người khác đến địa chỉ của bạn mà không có khóa riêng tư của địa chỉ đó, mọi người trên mạng lưới có thể thấy giao dịch đó là giả và sẽ không gộp giao dịch đó vào. Tất cả mọi người đều chạy một phần mềm mã nguồn mở để cập nhật sổ cái cho các giao dịch có thể xác minh được. Tất cả mọi người đều giữ riêng một sổ cái, nhưng bạn có thể chứng minh được rằng từng giao dịch trong từng sổ cái là hợp lệ, vì vậy bạn không cần phải tin họ quá nhiều.
Nhân tiện, tôi đang nói rằng “tất cả mọi người” đều giữ riêng một sổ cái, và điều đó có lẽ cơ bản là đúng vào thời Bitcoin mới khai sinh, nhưng giờ thì không còn như vậy nữa. Có hàng nghìn người đang chạy “full nodes (tạm dịch: đầy đủ nút)”, cái mà tự mình tải xuống và duy trì và xác minh toàn bộ sổ cái Bitcoin, bằng cách sử dụng phần mềm Bitcoin mã nguồn mờ chính thức. Nhưng có hàng triệu người không làm vậy, họ có Bitcoin và chỉ cứ thế tin những người khác sẽ duy trì hệ thống một cách chính xác. Tuy nhiên, cơ sở cho sự tin tưởng này của họ hơi khác so với cơ sở cho sự tin tưởng của bạn với ngân hàng. Về nguyên tắc, họ có thể xác minh xem mọi người có đang xác minh giao dịch một cách chính xác không.
Cũng hãy để ý là có lợi ích tài chính cho tất cả mọi người nếu họ trung thực: Nếu mọi người đều trung thực thì đây là một hệ thống thanh toán có thể có giá trị. Nếu rất nhiều người không trung thực và đưa những giao dịch giả vào sổ cái của họ, thì không ai sẽ tin tưởng Bitcoin và nó sẽ trở thành vô giá trị. Ăn trộm Bitcoin để làm gì nếu trị giá của nó bằng không?
Đây là một cách tiếp cận cơ bản trong lĩnh vực crypto: Các hệ thống crypto cố gắng dùng các lợi ích kinh tế để khiến người ta cư xử trung thực, hơn là tin rằng họ sẽ cư xử trung thực.
Phần nhiều câu chuyện là thế, nhưng nó vẫn bỏ ngỏ một số vấn đề nhỏ. Toàn bộ số Bitcoin này đến từ đâu? Sẽ không vấn đề gì nếu nói tất cả mọi người trên mạng lưới đều giữ một cuốn sổ cái ghi toàn bộ các giao dịch Bitcoin đã từng được thực hiện, và số Bitcoin của bạn có thể được truy ngược qua một chuỗi những giao dịch trước đó. Nhưng truy ngược về cái gì? Bạn lập lên sổ cái như thế nào?
Một vấn đề khác là thứ tự của các giao dịch cũng quan trọng: Nếu tôi có một Bitcoin trong tài khoản và tôi gửi nó cho bạn, và sau đó tôi gửi nó cho ai đó khác, vậy ai sẽ là người thực sự nhận được Bitcoin đó? Điều này nghe có vẻ vụn vặt, nhưng nó rất khó nhằn. Bitcoin là một mạng phi tập trung hoạt động bởi việc truyền phát thông tin các giao dịch tới hàng nghìn nút mạng, và không có gì đảm bảo các giao dịch sẽ được truyền đi theo cùng thứ tự khi tới chỗ mọi người. Và nếu tất cả mọi người không đồng ý về thứ tự đó, những việc tệ – việc “lặp chi (double spending)”, tức là khi người ta gửi cùng một Bitcoin đến hai địa chỉ khác nhau – có thể xảy ra. “Các giao dịch phải được thông báo công khai,” Satoshi viết, “và chúng ta cần một hệ thống để những người tham gia nhất trí về một lịch sử thứ tự duy nhất mà họ đã nhận được”.
Hệ thống đó, xin lỗi phải nói, là blockchain.

v. À, cái blockchain ấy hả

Từng giao dịch Bitcoin đều được truyền phát lên mạng lưới. Một vài máy tính trên mạng lưới – được gọi là “thợ đào (miner)” – biên soạn các giao dịch khi chúng đi vào trong một nhóm gọi là “khối (block)”. Đến một thời điểm nào đó, theo một cách nào đó, một phiên bản của khối trở thành chính thức: Danh sách các giao dịch trong khối đó, theo thứ tự mà chúng được liệt kê, được chấp nhận là đúng (chuẩn), trở thành một phần của bản ghi chép Bitcoin chính thức. Ta nói khối đó đã “được đào (mined)” [14]. Trong mạng Bitcoin, một khối mới được đào trong khoảng xấp xỉ mỗi 10 phút [15].
[14]: Trên thực tế, một khối thực sự trở thành chuẩn khi nó có “năm xác nhận”: khi nó đã được đào, và sau đó một khối khác được đào và chỉ ngược lại nó, và sau đó một khối khác khác được đào và chỉ ngược lại khối khác đó, v.v., cứ thế năm lần.
[15]: Bạn có thể tìm thấy một khối đã được hoàn thành trên bất kỳ trang web "khám phá khối" nào. Ví dụ: khối 755965, được khai thác vào ngày 27 tháng 9, về cơ bản là danh sách 2.466 giao dịch giữa các địa chỉ khác nhau. Một địa chỉ bắt đầu từ bc1qns đã gửi 0,0052 Bitcoin đến một địa chỉ bắt đầu bằng 16qZC7; 39VgGL chia đôi 0,012 Bitcoin cho 14NrDK và 37o1E3; và cứ thế.
Sau đó những thợ đào bắt đầu biên soạn một khối mới, cái mà rồi cũng sẽ được đào và trở thành chính thức. Đây là chỗ mà hàm băm đóng vai trò quan trọng. Khối mới (A) sẽ chỉ về khối trước nó (B) bằng cách chứa một số băm của khối B đó – việc này xác nhận rằng khối B 1) là đúng và được chấp nhận bởi mạng lưới và 2) xuất hiện trước khối A. Mỗi khối sẽ chỉ về khối trước nó trong một chuỗi – à à, đúng rồi, chuỗi khối (blockchain). Chuỗi khối tạo ra một bản ghi chính thức về những giao dịch nào mà mạng lưới đã đồng ý theo thứ tự nào. Các số băm là các dấu chỉ mốc thời gian; chúng tạo ra một thứ tự các giao dịch đã được tất cả mọi người nhất trí.
Bạn có thể hình dung một hệ thống đơn giản để làm việc này. Mỗi 10 phút một thợ đào đưa ra một danh sách các giao dịch, và tất cả các máy tính trong mạng Bitcoin sẽ bỏ phiếu (vote) cho danh sách đó. Nếu nó đạt đa số, nó sẽ trở thành chính thức và được đưa vào chuỗi khối.
Thật không may điều này có hơi quá đơn giản. Không có quy định nào về việc ai có thể tham gia vào mạng Bitcoin: Bất kỳ ai kết nối một máy tính và chạy phần mềm Bitcoin mã nguồn mở đều có thể tham gia. Bạn không phải chứng minh bạn là một người tốt, hay thậm chí là một người. Bạn có thể kết nối cả nghìn chiếc máy tính nếu bạn muốn.
Việc đào coin trông như thế này, ảnh từ Nadvoitsy, Nga.
Việc đào coin trông như thế này, ảnh từ Nadvoitsy, Nga.
Việc này tạo ra một rủi ro mà đôi khi được gọi là “tấn công mạo nhận (Sybil attack),” được đặt tên không phải theo các nhà tiên tri Ai Cập cổ đại mà là một cuốn sách năm 1973 nói về một người phụ nữ tuyên bố rằng mình có đa nhân cách. Ý tưởng về một vụ tấn công mạo nhận là, trong một hệ thống nơi sổ cái được duy trì chung bởi một nhóm và bất kỳ ai cũng có thể tham gia nhóm mà không cần sự cho phép, bạn có thể khởi chạy một loạt các nút mạng máy tính và đóng vai cả nghìn người. Sau đó bạn tự xác minh các giao dịch xấu cho bản thân, và mọi người kiểu, “Ồ, mấy người này đang xác minh giao dịch đây mà,” và họ chấp nhận các giao dịch của bạn, dẫn đến một sự đồng thuận đa số, và hoặc là bạn sẽ xoay sở khoắng được chút tiền hoặc là ít nhất cũng sẽ khiến toàn bộ hệ thống chìm vào hỗn loạn.
<i>                                                                                                                      Sybil</i> (1973)
Sybil (1973)
Giải pháp cho điều này là khiến việc xác nhận các giao dịch thật đắt đỏ.
Để đào một khối, các thợ đào Bitcoin phải làm một điều nhọc nhằn và tốn kém. Vì, nói lại lần nữa, nó bao gồm hàm băm. Mỗi thợ đào lấy một bản tóm tắt của danh sách các giao dịch trong khối, cùng với một số băm của khối trước đó. Sau đó thợ đào đính thêm một số khác bất kỳ – được gọi là “số dùng một lần (nonce)” – vào phía cuối của danh sách. Thợ đào chạy toàn bộ chỗ đó (danh sách + số dùng một lần) qua một thuật toán băm SHA-256. Thuật toán này sẽ tạo ra một số hệ thập lục phân 64-chữ-số. Nếu số đó đủ nhỏ thì thợ đào đã đào được khối. Nếu không, thợ đào thử lại lần nữa với một số dùng một lần khác.
Như thế nào là “đủ nhỏ” được quy định bởi phần mềm Bitcoin và có thể được điều chỉnh để việc đào khối trở nên dễ hoặc khó hơn. (Mục tiêu là trung bình một khối mỗi 10 phút; càng có nhiều thợ đào và máy tính của họ càng nhanh thì việc đào càng khó). Ngay lúc này, “đủ nhỏ” nghĩa là số băm phải bắt đầu với 19 số 0. Một cái được hoàn thành gần đây trông sẽ như thế này:
Nó giống như một trò chơi gồm 20 câu hỏi mà trong đó bạn liên tục đoán từng số xem số nào sẽ đúng. Ngoài trừ việc bạn không có manh mối gì cả, và cần hơn rất rất rất nhiều lần đoán so với con số 20. Gần như là không tồn tại một dữ liệu đầu vào cụ thể nào – danh sách các giao dịch + một số dùng một lần (nonce) bất kỳ – có thể được dùng để băm ra thành một số bắt đầu với 19 số 0. Tỉ lệ là khoảng 1/75 tỷ tỷ. Vậy nên các thợ đào chạy thuật toán băm lặp đi lặp lại liên tục, hàng nghìn tỷ lần, mỗi lần đoán với một số dùng một lần khác nhau, cho đến khi họ có một số băm với đúng số lượng số 0 [16]. Tổng tỉ lệ băm (hash rate) của mạng Bitcoin là ở mức đâu đó hơn 200 triệu terahashes/giây – tức 200 triệu tỷ phép tính băm mỗi giây, con số này 1) rất lớn nhưng 2) ít hơn rất rất nhiều so với 75 tỷ tỷ. Cần rất nhiều giây – trung bình là 600 – với tốc độ 200 triệu tỷ phép tính băm để đoán ra số nonce đúng và đào được một khối.
[16]: Vitalik (lại) nói: “Bởi vì SHA256 được thiết kế để trở thành một hàm giả-ngẫu nhiên hoàn toàn không thể đoán trước, nên cách duy nhất để tạo ra một khối hợp lệ chỉ đơn giản là thử-sai, liên tục tăng số nonce và xem liệu số băm mới có khớp hay không.”
Đây là một cuộc đua. Chỉ có một thợ đào đào được một khối, và thợ đào đó sẽ được thưởng bằng Bitcoin. Đào một khối cũng có nghĩa là “đào” các khối mới – cạy chúng ra khỏi hệ thống sau rất nhiều công việc tính toán, giống đãi cát tìm vàng vậy. Vì vậy nên mới có từ ẩn dụ này.
Một người thợ đào vàng thời xưa, khoảng năm 1860.
Một người thợ đào vàng thời xưa, khoảng năm 1860.
Khi các thợ đào tìm được đúng số lượng số 0, họ công bố khối và số băm của nó lên mạng Bitcoin. Tất cả những người khác duyệt lại khối đó và quyết định xem nó có hợp lệ không. (“Hợp lệ” nghĩa là tất cả các giao dịch trong danh sách là hợp lệ, số băm đúng, số lượng số 0 đúng, v.v.) Nếu đạt, họ tiếp tục làm việc với khối tiếp theo: Họ lấy số băm của khối trước đó, cộng thêm các giao dịch vừa xong, cộng thêm một số nonce mới, và thử tìm ra số băm mới. Mỗi khối được tạo lên dựa vào khối trước đó.

vi. Đào

Tất cả những việc trên đều rất tốn kém: Các thợ đào cần những phần cứng đặc biệt để thực hiện những phép tính băm đó lặp đi lặp lại liên tục, và ngày nay vận hành những xưởng khổng lồ gồm những chiếc máy tính luôn-luôn-bật. Việc đào Bitcoin ngốn số lượng điện tương đương với mức tiêu thụ của các nước cỡ vừa. Điều này không tốt cho môi trường. Mô tả về Bitcoin nổi tiếng nhất, được cho là của một bài đăng trên Twitter, có lẽ là:
Và theo một nghĩa nào đó thì nó không là gì khác ngoài sự lãng phí. Người ta đôi khi nói các thợ đào Bitcoin kiểu như là, giải các bài toán khó để thực hiện việc đào, nhưng thực tế không phải vậy. Họ đang đoán bừa hàng triệu tỷ con số mỗi giây để cố gắng tìm được số băm đúng. Chẳng có bài toán nào nào được giải, và chẳng có gì được thêm vào kho tri thức nhân loại.
Nhưng các thợ đào đang giải quyết một vấn đề quan trọng cho Bitcoin, đó là vấn đề về việc giữ mạng lưới và sổ cái các giao dịch của nó được bảo đảm. Việc xác nhận các giao dịch Bitcoin cho thấy rõ ràng là rất tốn kém, vì vậy rất khó để làm giả, khó để thực hiện một cuộc tấn công mạo nhận. Đó là lý do tại sao Satoshi, và tất cả những người khác, gọi phương pháp xác nhận giao dịch này là “proof of work (tạm dịch: bằng chứng công việc)”. Nếu bạn cho ra đúng số băm cho một khối, việc đó chứng minh bạn đã làm rất nhiều công việc máy tính tốn kém. Đó không phải là điều bạn làm qua loa.
Việc đào theo proof of work là một cơ chế để tạo ra sự đồng thuận giữa những người có cổ phần kinh tế trong hệ thống mà không cần biết bất cứ điều gì khác về nhau. Bạn sẽ không bao giờ đào Bitcoin nếu bạn không muốn Bitcoin có giá trị. Nếu bạn là một thợ đào Bitcoin, bạn đã và đang đầu tư vào Bitcoin theo cách nào đó; bạn đã mua máy tính và chi trả tiền điện và đặt một ván cược đắt đỏ, lao lực vào Bitcoin. Bạn đã chứng minh rằng bạn quan tâm, vì vậy bạn có một tiếng nói trong việc xác minh sổ cái Bitcoin. Và bạn được trả công. Bạn được trả bằng Bitcoin, khiến bạn càng có thêm cổ phần trong hệ thống.
Những Bitcoin này không biết từ đâu đến; chúng được tạo ra bởi việc đào này, bởi phần mềm Bitcoin cốt lõi. Thực tế, tất cả Bitcoin đều được tạo ra bởi việc đào; không hề có một lượng Bitcoin khởi đầu nào dành cho Satoshi hay những nhà đầu sớm hay bất kỳ ai khác. Đây là câu trả lời cho câu hỏi Bitcoin đến từ đâu: Tất cả đều được đào.
Phần thưởng gốc của việc đào, được thiết đặt bởi phần mềm, trước đây là 50 Bitcoin cho mỗi khối; hiện tại con số đó là 6,25 Bitcoin. Một điểm quan trọng về các phần thưởng đào này là chúng tốn tiền của những người dùng Bitcoin. Với mỗi khối – tương ứng mỗi 10 phút – 6,25 Bitcoin mới được tạo ra chẳng biết từ đâu và được trả cho các thợ đào vì đã cung cấp sự bảo đảm cho mạng lưới. Việc này mang đến hơn 6 tỷ đô la mỗi năm. Chi phí này là gián tiếp: Đây là một dạng lạm phát, và khi nguồn cung Bitcoin tăng, theo lý thuyết thì giá trị của mỗi đồng sẽ giảm một chút, và đều bằng nhau. Ngay lúc này, mạng Bitcoin đang trả xấp xỉ 1,5% giá trị hàng năm của nó cho các thợ đào.
Con số đó thấp hơn tỉ lệ lạm phát của đồng đô la Mỹ. Nhưng nó vẫn đáng để nhắc đến. Mỗi năm, các thợ đào đã gìn giữ tính bảo đảm cho hệ thống Bitcoin sẽ thu về một mẩu nhỏ nhưng đầy ý nghĩ từ cái bánh tổng giá trị của Bitcoin. Những người dùng Bitcoin đã góp phần tạo lên con số 6 tỷ đô thì có một thứ khác [19]:
[19]: Năm 2021, Vitalik đã viết một bài về điều này, bắt đầu như sau: “Cả hai hệ sinh thái chuỗi khối Bitcoin và Ethereum đều chi nhiều cho vấn đề bảo đảm mạng lưới – cũng là mục tiêu của việc đào coin theo proof of work – hơn là chi cho mọi thứ khác cộng lại. Chuỗi khối Bitcoin đã trả trung bình khoảng 38 triệu đô la mỗi ngày dưới dạng phần thưởng khối cho những thợ đào kể từ đầu năm, cộng với khoảng 5 triệu đô la/ngày phí giao dịch. Chuỗi khối Ethereum đứng ở vị trí thứ hai, ở mức 19,5 triệu đô la/ngày phần thưởng khối cộng với 18 triệu đô la/ngày phí giao dịch.”
Nếu bạn có thể kiếm rất nhiều tiền bằng việc đào Bitcoin, rất nhiều người sẽ muốn đào Bitcoin. Điều này sẽ khiến một cá nhân khó tích lũy tối đa sức mạnh đào coin trong mạng Bitcoin. Nếu một ai đó hoặc một nhóm nào đó chiếm phần lớn quyền chi phối việc đào coin, họ có thể làm những chuyện xấu: Họ có thể đào những khối xấu – gian lận lặp chi, đảo ngược các giao dịch gần đây, v.v. (Đây được gọi là “51% attack (tạm dịch: tấn công 51%)”). Khi có hàng tỷ đô la để vơ vào túi, mọi người sẽ đầu tư rất nhiều tiền vào việc khai thác và sẽ rất tốn kém để cạnh tranh với họ. Và nếu bạn đã đầu tư hàng tỷ đô la để tích lũy một phần lớn sức mạnh đào coin trong mạng Bitcoin, thì có lẽ bạn sẽ quan tâm rất nhiều đến việc duy trì giá trị của Bitcoin và do đó, bạn sẽ khó có thể sử dụng sức mạnh của mình cho mục đích xấu.
Phần 2