Câu chuyện dạy học online mùa dịch của một giáo viên trẻ
Ra Tết, vừa học được ba ngày thì dịch Covid "tổng tiến công" Việt Nam, toàn bộ học sinh được nghỉ học. Là một giáo viên mới ra trường...
Ra Tết, vừa học được ba ngày thì dịch Covid "tổng tiến công" Việt Nam, toàn bộ học sinh được nghỉ học. Là một giáo viên mới ra trường năm 2018, mình cũng buộc phải nghỉ ở nhà trong khi trái tim say mê và lòng yêu nghề vẫn còn tràn đầy trong ngực trẻ.
Nghỉ được mấy tuần thì trường cấp ba của mình tiến hành tập huấn, sau đó là công cuộc dạy và học online. Mình bò ra để soạn powerpoint, rồi gửi bài để sếp duyệt, cũng rất háo hức vì mấy tuần ở nhà nhớ các cháu khủng khiếp nên hăng say chuẩn bị bài chu đáo lắm.
Tuần học đầu tiên mới vui vẻ làm sao, cô trò ríu rít trò chuyện sôi nổi như chưa hề có "cuộc cách ly". Các cháu có thể ở nhà mà vẫn được học bài (dù thực sự trong tâm trí không hề muốn), đây còn là môi trường để các cháu hình thành khả năng tự học, tự thích ứng với sự biến động của hoàn cảnh. Dạy và học trực tuyến có nhiều cái lợi nhưng cũng có vô số điểm bất cập. Với vai trò là giáo viên bộ môn dạy khá nhiều lớp, mình đã trải qua những tình huống sau:
- Đang giảng say sưa, văn chương cao trào thì có cháu bật mic: "Thưa cô con xin phép đi vệ sinh", "xin phép cô con xuống dưới nhà lấy đồ ship vì nhà con không có ai ở nhà", "con xin phép đi bật lại mạng vì tự nhiên mạng nhà con yếu quá cô ạ",... đủ mọi lí do khiến mình bật cười vì sự đáng yêu, hồn nhiên.
- Điểm danh đầy đủ nhưng gọi trả lời không thấy đâu. Rất có thể lúc đó các cháu đang say sưa ván game chơi dở hoặc chìm vào giấc mộng gió xuân mà bay đến vùng đất xa lạ nào đó tự bao giờ.
Xét ở bình diện chủ quan, tất nhiên mình cũng cảm thấy có nhiều điểm mà dạy online chưa chạm tới được:
- Trước tiên là khả năng truyền cảm hứng. Giáo viên không chỉ thực hiện nhiệm vụ truyền tới các em kiến thức mà cách thức truyền đạt mới là điều quan trọng. Để làm được điều đó rất cần ngôn ngữ cơ thể và sự tương tác tích cực giữa người nói - người nghe. Đường truyền của Internet sao hiệu quả bằng quá trình tiếp xúc trực tiếp giữa con người với con người?
- Thứ hai là về quy tắc chuẩn mực. Tất nhiên khi đi dạy trên trường, mình cũng rất chú ý đến lời ăn tiếng nói, trang phục, nội dung bài giảng,... song khi dạy trực tuyến mình phải chú ý gấp ba, gấp năm lần. Đối tượng mình tiếp xúc không đơn thuần chỉ là học sinh mà giờ đây có cả phụ huynh nữa. Vì vậy mình cảm thấy khá áp lực.
- Thứ ba là không thể kiếm tra đánh giá. Một số môn học khác thì có thể, nhưng Văn thì không. Có thể các bạn sẽ thắc mắc tại sao không ra đề mở rồi cho các cháu làm, một bài luận hoặc một bài cảm nhận nào đó không có trên mạng, chấm và lấy điểm. Với mình, điều này chỉ có tác dụng khi các cháu yêu thích, say mê văn chương mà thôi. Mặt khác, mình chỉ tin vào năng lực thực sự khi mình trông các cháu làm bài kiểm tra trên lớp =)))
Chặng đường dạy online còn dài, nhưng mình sắp dạy xong chương trình rồi còn đâu, cũng một phần vì Bộ tinh giản khá nhiều. Các cháu cũng đang nản dần, không còn hào hứng như trước. Thật mong ngày mai thức dậy, thấy nắng vàng giòn sau khung cửa và tiếng cười vui vẻ chào vang: "Con chào cô Ngọc".
Nghĩ đến thôi, đủ hân hoan một chút lạ lùng.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất