Bước ra khỏi vùng an toàn, gặp gỡ nhiều người, trải nghiệm nhiều thứ, mở rộng tầm mắt. Cái mà mình luôn nghĩ “à, nó mới là hướng đi đúng đắn thì chưa chắc đã như vậy.” Cái mà mình nghĩ “à, chẳng ai làm vậy đâu, mà làm kiểu gì” thì kỳ thực lại là lựa chọn sáng suốt. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Nay mình sẽ kể cho bạn hai câu chuyện có thật từ hai gia đình mà mình chắc chắn đọc xong bạn sẽ rút ra được ít nhất vài thứ có ích cho cuộc sống của riêng bạn.

Gia đình chú Daren: 10 người con, home school, không tivi, không Internet, không điện thoại, không máy tính

Từ khi chuyển lên vùng gần biển ở phía bắc của Sydney tên là Central Coast sống, chủ nhật hàng tuần mình và chồng mình đều đến Hội Thánh EV — là một Hội Thánh của người Úc. Bọn mình đi Hội Thánh này được 4 lần rồi và lần nào cũng làm quen được rất nhiều người Tây ở đây. Họ cực kỳ thân thiện. Cái mình hào hứng nhất mỗi lần nói chuyện với họ không chỉ về cơ hội luyện tiếng Anh mà còn cả về các chia sẻ của họ nữa. Tuần vừa rồi, câu chuyện với chú Daren làm cả hai vợ chồng mình tấm tắc mãi.
Chú Daren khoảng tầm 45 tuổi gì đó mặc dù bề ngoài trông chú ấy khá lớn tuổi rồi. Chú ấy là người Úc, Tây hẳn nhé, chứ không phải dân nhập cư đâu. Ngày xưa chú ấy sống ở Central Coast, nhưng vì mọi thứ đắt đỏ nên vợ chồng chú ấy quyết định chuyển đến vùng gần Hunter Valley. Vùng này giống như vùng sâu vùng xa của Việt Nam vậy, ít người, không có Internet, điện cũng hiếm, không có siêu thị to hay các cửa hàng mua sắm. Xung quanh rất nhiều rừng, đồi núi, các rừng rậm (bush). Đến bây giờ vẫn thế, cuộc sống ở vùng chú ấy ở còn rất hẻo lánh.
Thế mà bạn biết không? Chú ấy kể với bọn mình mà khuôn mặt rạng rỡ, tươi như hoa, đầy thoả nguyện. Chú không có sự phàn nàn kêu ca gì. Sáng chủ nhật nào cả gia đình cũng ra khỏi nhà từ 7h30, lái xe gần 2 tiếng để đến Hội Thánh EV — vì ở vùng chú ấy ở không có Hội Thánh nào cả. Nhà chú chưa vắng đi Hội Thánh một lần nào — tuần nào cũng đều đặn như vậy.
Nghe chú kể thế bọn mình đã khâm phục chú rồi. Nhưng còn ngạc nhiên gấp bội khi chú nói về cách vợ chồng chú nuôi dạy con cái.
Gia đình chú có 10 người con.
Chú kể 10 đứa con của chú, đứa nào cũng home school hết. Nghĩa là con cái của chú đều được vợ chồng chú dạy ở nhà từ bé chứ không đến trường học. Chỉ khi nào 17, 18 tuổi thì mới vào đại học.
“Con cái của chú 10 đứa đều là vợ chú dạy hết. Chúng biết sự tồn tại của điện thoại, máy tính, wifi, Internet, tivi… nhưng ở nhà chú không dùng mấy cái đó. Chỉ khi nào đến 18 tuổi mới sử dụng. Nhà chú có hàng ngàn cuốn sách và chúng đều được dạy dỗ, trưởng thành từ các cuốn sách đó. Đứa nào cũng ham đọc sách. Đứa nào cũng có đức tin mạnh mẽ.”
“Chú ơi, chú có sợ mấy đứa khi mà lên đại học, chúng bị bỡ ngỡ không? Vì chúng không có đi học sớm, không quen thuộc với bạn bè, không biết trường học là gì, có sợ không theo kịp không ạ?”
“Cô con gái đầu của chú vẫn vào được đại học ở Sydney. Lúc đó mới bắt đầu học cách dùng điện thoại, laptop rồi wifi, mới bắt đầu tập đánh bàn phím. Tất cả các môn nó đều đạt High Distinction (xuất sắc). Mọi thứ đều tốt. Vợ chồng chú không có gì lo lắng cả, ngược lại rất tự tin, vì con chú đứa nào cũng mạnh dạn. Vì không tiếp cận với điện tử nên chúng lại sành sỏi giao tiếp trực tiếp với người khác. Chúng chạy đến nhà hàng xóm, nói chuyện với người già, chúng không ngại ngùng gì. Ở vùng chú ở yên tĩnh, cách xa ồn ào của thành phố nên trẻ con có khu rộng rãi vui chơi, bình yên, trong lành. Đứa nào đứa nấy đều phát triển một cách tự nhiên… Chú có 3 đứa con trai đều làm thợ sửa ống nước — theo nghề của chú đấy… Vợ chú hay nói là cô ấy cảm thấy mình chưa làm tốt việc dạy con ở nhà, nhưng chú luôn bảo là ‘em làm tốt lắm rồi’”. Nói xong chú cười sảng khoái.
Bọn mình cứ để cho chú nói vì chẳng biết hỏi gì, cứ bị cuốn theo những gì đang được phát ra từ môi miệng của chú. Càng nghe càng cảm thấy như đang nghe một câu chuyện “cổ tích” giữa cuộc sống hiện đại nơi mà gần như ai cũng cho rằng không thể sống thiếu công nghệ. Càng nghe càng thán phục vợ chồng chú.
Đang lâng lâng thì 2 đứa con chú chạy lại gọi bố. Nhìn sang chúng mới thấy chắc chắn là vợ chồng chú homeschool con cái rất hiệu quả luôn. Hai cô con gái đứa 7 tuổi, đứa 10 tuổi, đứa nào cũng xinh xắn, nhanh nhẹn, khuôn mặt rạng rỡ, thấy bọn mình là chào ngay. Chào xong thì chạy tung tăng đi chơi với những bạn khác.
“Chú ơi, ở trên đó chú đôi khi có thấy thiếu thốn gì không, kiểu đồ ăn rồi đồ dùng các kiểu ấy, chú mỗi lần chủ nhật xuống đây thì tranh thủ mua sắm luôn hay sao ạ?”
“Trên đấy gì cũng có cháu, những cái cần thiết đều có cả. Đồ ăn thì mình tự làm được. Đồ dùng thì không cần nhiều. Từ lâu rồi vợ chồng chú không có shopping gì. Thế mà chẳng thiếu gì luôn. Vợ chồng chú thích Hội Thánh ở đây lắm mà trên đấy không có như thế này. Đang cầu nguyện để có thể đưa được các bài giảng về trên đó chia sẻ cho mọi người….”
Những gì chú kể luôn làm mình đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Một con người sống vùng xa xôi, hẻo lánh, điện đóm lờ mờ, nơi mà thường được cho là “thiếu thốn”, nhưng cách chú tư duy còn vượt xa cả người sống ở “vùng hiện đại.”

Gia đình chị N.: 1 người con, nhà không thiếu thứ gì, đi học thêm từ sáng tới tối, 6 ngày trong tuần, máy tính, điện thoại, ti vi, đồ gì cũng có

Chị N. là chủ nhà cũ của mình. Vì vài lý do nên mình sẽ không viết ra tên thật.
Chồng chị đi làm hãng bánh. Chị đi làm ở cửa hàng bánh mì 2, 3 ngày một tuần. Tuy vậy, nhưng gia đình anh chị cũng thuộc loại trung lưu vì ở Úc mà, có nhà cho thuê nữa nên nói chung là có điều kiện.
Anh chị có một đứa con trai 10 tuổi tên Andy rất kháu khỉnh. Vì là con một nên từ bé anh chị rất cưng chiều Andy. Cái gì cũng muốn tốt nhất cho con, từ đồ dùng cho đến việc chọn trường học. Andy nhạy bén, thông minh nên việc học rất tốt, thường đại huy chương ở trường.
Bọn mình thuê nhà phía sau nhà chính của vợ chồng chị vào tháng 12/2020. Mình còn nhớ ngày đầu tiên chuyển đến, chị đưa hết ảnh rồi huy chương của Andy ra và nói cho mình biết Andy làm được những gì, học hành ra sao. Chủ đề chính mỗi lần mình gặp chị đều xoay quanh Andy. Mình cảm thấy chị rất tự hào về con và cũng rất cưng chiều nó.
Andy học tốt, nhưng lại không đồng đều giữa các môn. Trong khi đó, bé sắp lên lớp 6 và như thế này là phải thi chọn trường nên anh chị đầu tư toàn bộ thời gian và công sức cho con. Anh chị tìm trường tốt nhất rồi cho con đi học. Ngoài học chính ở trường, Andy còn đi học thêm tiếng Anh, toán, tiếng Việt rồi học bơi, học võ.
Máy tính, điện thoại, thẻ game tận mấy trăm đô, chồng chị đều mua cho con hết. Không thiếu thứ gì. Lần nào mình sang cũng thấy bé ngồi trước máy tính bảng.
Kết quả đến. Anh chị đọc không hiểu nên nhờ mình chạy sang xem hộ. Andy không đủ điểm vào trường chọn, thực tế, Andy nằm trong số 70% những người mà chỉ trả lời đúng 50% bài thôi.
Những tưởng là anh chị sẽ cho Andy nghỉ xả hơi sau đợt học hành căng thẳng. Không ngờ, bé lại phải học căng hơn nữa. Giờ không được chơi game trong vòng 1 năm, chỉ tập trung vào học. Có hôm mình thấy 6h tối mà chị vẫn đang tưới cây, mình hỏi chị chưa ăn cơm à, chị bảo là “chưa, Andy đang học.” Mình nói vừa thấy Andy đi học về mà còn học gì nữa, chị bảo là nó lười lắm nên cứ phải bắt ngồi học làm bài cho xong thì mới ăn cơm.
Mình cảm thấy áp lực cho bé.

Đâu là lựa chọn đúng?

Câu hỏi này có lẽ không dễ trả lời. Nó tuỳ thuộc vào từng điều kiện, hoàn cảnh và suy nghĩ mỗi người. Mình không nói vợ chồng chị N. là sai hay cách làm của vợ chồng chú Daren là đúng. Nhưng mình học được rất nhiều từ câu chuyện của hai gia đình.
Hãy sống thoả lòng và nỗ lực từ những gì bạn đang có. Cho dù bạn đang khó khăn, nghèo, vất vả, áp lực, thiếu thốn… chỉ cần thay đổi góc nhìn, chắc chắn sẽ có cách cải thiện cuộc sống.
Gia đình chú Daren có 10 người con, việc cho tất cả các con đi học ở trường quả sẽ cực kỳ thử thách về tài chính và đưa đón vì sống ở vùng xa xôi. Nên vợ chồng chú lựa chọn homeschool và đầu tư cho con vào những điều thực sự chất lượng: sách và giao tiếp trực tiếp với con người thật — kiến thức và kỹ năng mềm. Cho dù con cái học đại học hay đi làm thợ sửa ống nước, chú đều dành cho chúng sự tự hào như nhau. Chú cực kỳ trân trọng. Đó còn chưa kể vợ chồng chú dù con cái bận rộn nhưng vẫn luôn nghĩ tới việc chia sẻ đức tin và mang các bài giảng của Hội Thánh đến những người trong vùng. Cuộc sống của gia đình chú thật ý nghĩa phải không?
Lắm khi chúng ta cứ lao vào việc phải có cái này cái kia mới hài lòng, mới cảm thấy đủ, mới bình an, mới hạnh phúc? Nhưng liệu đó có phải là sự thật. Có khi chúng ta đã và đang có rất nhiều rồi.
Nếu bạn thích những bài viết chia sẻ trải nghiệm cuộc sống Úc, làm việc tại môi trường nước ngoài, freelance, học tiếng Anh... thì subscriber newsletter The Learners' Circle của mình nha. ;)