Mình là một người từ vùng xa, lên Hà Giang lập nghiệp. Một người ngoại lai, nhưng đối với mình, Hà Giang là một nơi mà mình cảm thấy thuộc về, mình yêu tất cả, văn hóa, con người, cảnh vật, và cả những sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây.
Được sống cùng những người anh em bản địa, người Mông, người Giáy, người Dao,... được lang thang khắp các cung đường, được nghe những câu chuyện về mảnh đất nơi Cực Bắc, mảnh đất không có gì ngoài đồi núi, những con đốc, con đèo, xung quanh khắp nơi toàn lá đá và khan hiếm nước vô cùng.
Từ lâu, mình đã luôn ấp ủ ý tưởng có một chiếc quán, mà đây là nơi kết nối, chia sẻ, và có một không gian thực sự ấm cúng cho những người bạn phương xa ghé thăm. Một nơi mà mình có thể thoải mái thể hiện sự đam mê của bản thân mình với kiến trúc, thiết kế và cả pha chế.
Dựa trên nền tảng ấy, cùng với những đồng đội, những người con của Hà Giang, những anh chị đến và ở lại gắn bó với Hà Giang vì một tình yêu.
Phiên ra đời.
Phiên được sang chỉnh từ một ngôi nhà cổ theo đúng kiến trúc người Mông truyền thống, nhà trình tường, mái ngói âm dương. Nghe chị chủ nhà kể, căn nhà này có từ rất lâu rồi, chắc tới cả trăm năm, từ ngày xưa - khi mà trước đây khu vực (mà sau này trở thành quảng trường) vẫn là ngôi chợ cổ.
Phiên mất 4 tháng 9 ngày để hoàn thiện, tất cả đều nhờ những đôi tay của người bản địa. Có thể hơi méo, có thể không được thẳng thớm, nhưng đối với chúng mình, đó là sự cố gắng của tất cả những người thợ đồng hành trong quá trình sửa chữa. Có nhiều thứ lạ lẫm, là lần đầu tiên của mình, cũng là lần đầu tiên của những người thợ.
Tên quán là Phiên, Phiên trong từ chợ phiên. Chợ phiên - đối với mình - là linh hồn của vùng cao.
Mỗi phiên chợ, ai cũng có thể tham gia tham gia và hầu như mọi thứ có thể được đưa ra để trao đổi, từ mớ rau, bịch ớt, bắp ngô con gà cho tới mấy quả trứng,... cứ ai mang ra là đã thành gian gian hàng rồi. Đúng kiểu mùa nào thức ấy. Lịch chợ thường cách nhau 1 tuần, có thể cố định hoặc là theo con giáp (mà người ta hay gọi là chợ lùi).
Đi chợ, không chỉ để buôn bán, trao đổi mà còn là để đi chơi - đi gặp gỡ. Cứ đến ngày chợ là cả nhà cùng nhau mặc đồ thật đẹp, thật tươm tất rồi cùng nhau đến chợ, có khi chẳng mua sắm gì đâu, đi ngắm vậy thôi. Có những người ở xa, đường sá khó khăn, thì có thể đi bộ cả 4-5 tiếng đồng hồ mới đến, cả đi cả về là mất cả ngày rồi.
Những đứa trẻ đi theo cha mẹ, ánh mắt rụt rè sợ sệt nơi đông người, rồi mừng húm khi được ăn cây kem, hay chiếc bánh rán. Dưới con mắt của những đứa trẻ, phải chăng chợ là một nơi thật diệu kỳ.
Mỗi ngày chợ phiên mình thường hay đi sớm, gần tới chợ là hay bắt gặp cả nhóm đi với nhau. Có khi bắt gặp hình ảnh cả gia đình - người cha cắp nách một con gà, người mẹ đeo gùi dắt mấy đứa nhỏ. Đến chợ sẽ bán con gà đó, mua mắm muối dụng cụ, có khi còn đủ tiền ăn phở chợ cho cả nhà nữa. Một bát phở có 20 ngàn thôi, nhưng biết bao nhiêu là bánh phở, no thôi được rồi, đâu cần nhiều thịt.
Có những cuộc gặp gỡ ở chợ chỉ để ăn bát phở, uống chén rượu ngô và tỉ tê hỏi thăm nhau, tâm sự chuyện cuộc đời. Anh Phớn kể :"Lên đến vùng đất ấy tôi lần đầu biết đến nói lý người Mông khi mắng nhau: “Mắt mày xấu, mày nhìn cái gì cũng xấu”. Lại cũng lần đầu tiên biết cái lý của say: “Tao tốt bụng, ra chợ mỗi bạn mời bát rượu, tao mới được say. Xấu bụng như mày, ai mời, bao giờ mày được say”.
Chợ phiên, nó đặc biệt như vậy đó.
Phiên - một quán nước giữa lòng Phố Cổ Đồng Văn. Cái tên được lấy cảm hứng từ những lần đi chợ vùng cao. Phiên - đối với mình, là một không gian để gặp mặt, giao lưu theo đúng kiểu chợ phiên. Dù ở những nơi khác nhau, nhưng chúng ta cùng gặp mặt ở Hà Giang, mỗi người mang một câu chuyện, câu chuyện nào đó để khi gặp gỡ, chúng ta có thể kể cho nhau nghe.
Menu của Phiên, có cà phê, có trà, có nước ép hoa quả theo mùa, và có cả bia - cả cocktails nữa. Chợ Phiên mà, cái gì cũng có, để đủ cho tất cả mọi nhu cầu của mọi người.
Nếu bạn thích một không gian ấm cúng, mộc mạc với những thức uống đặc biệt "mùa nào thức ấy", muốn lắng nghe những câu chuyện vùng cao thì có thể đến đây để trò chuyện với tụi mình nhé.
Anh uống bia, tôi nhâm nhi chén trà, nhưng chúng ta vẫn chung một cuộc trò chuyện.