Gần đây rộ lên tin rằng truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao đang được phóng tác để làm phim rạp mang tên Cậu Vàng. Dự án Cậu Vàng vốn là của NSND Bùi Cường, ông đã rục rịch viết kịch bản gần chục năm nay. Tuy nhiên năm 2018 NSND Bùi Cường ra đi đột ngột nên con rể ông là đạo diễn Trần Vũ Thủy tiếp nhận dự án này.
Chúng ta chưa hề biết gì về bộ phim, thậm chí cái pốt-tơ phim cũng chưa có. Những điểm ít ỏi được biết: đây là phim phóng tác, nhân vật chính là một con chó (Cậu Vàng của lão Hạc trong truyện), và con chó được nhận vai là chó thuộc giống shiba Nhật Bản (trong khi nguyên tác là chó cỏ Việt Nam).
Như một qui luật xã hội, những chủ đề càng mập mờ và đánh mạnh vào yếu tố nhạy cảm như tinh thần dân tộc, ngôn ngữ, định kiến xã hội v.v. thì càng thu hút nhiều quan tâm. Và cũng một qui luật nữa, đây là mảnh đất màu mỡ cho các thành phần mồm chó vó ngựa nhảy vào tranh khôn với nhau bằng chửi bới và ảnh chế.
Một ảnh chế được chia sẻ nhiều.

Thật ra thì không có tranh luận đúng nghĩa nào có thể nổ ra với lượng thông tin mập mờ như hiện nay cả. Lúc này đây người ta không dùng lô-gích học để nói chuyện mà chỉ dùng cảm xúc như những cục giấy ăn thấm đẫm nước mắt, nước mũi để ném vào mặt nhau. Có thể tóm tắt vụ việc trong ba luận điểm: 
a/ Đạo diễn nói rằng phải dùng chó shiba vì đã huấn luyện cho hai chó cỏ trong vài năm nhưng chúng không đạt yêu cầu.
– Người lạc quan thì tin. Người bi quan thì không tin và nghĩ đạo diễn sính ngoại. Tất thảy đều là đoán mò theo kinh nghiệm. Nó chỉ thể hiện cuộc đời anh bất hạnh nên dễ nghĩ xấu cho người khác, hoặc cuộc đời anh màu hồng nên dễ tin người, vậy thôi. Người dùng lô-gích ở đây thì họ không đưa ra kết luận nào cả vì quá ít dữ kiện.
– Về việc chó cỏ thật sự không đủ khôn hay không, nếu muốn làm rõ việc này cần phải có người quay phim lại toàn bộ buổi diễn tập của từng con, rồi bầu ra hội đồng có chuyên môn để đánh giá công bằng. Việc này đến giờ không ai làm. Tranh luận kiểu “Tony quen một người bạn có chó cỏ khôn lắm…”, “Nhà Tony nuôi một con chó cỏ thừa khôn…” v.v. tất nhiên không phải là tranh luận đúng nghĩa.
Ảnh hậu trường của con shiba được nhận vai diễn.
b/ Con chó Nhật trông béo và đẹp không phù hợp với Cậu Vàng đói ăn.
– Bây giờ mới chỉ có ảnh hậu trường, để lên phim là một chặng đường dài và việc hoá trang biến con shiba thành chó cỏ là không khó với công nghệ làm phim bây giờ. Nhưng kịch bản phim chưa được tiết lộ, chúng ta chưa biết đạo diễn có hoá trang cho nó không. Ai tin là có thì nói có, ai tin là không thì nói không. Người hiền lành thì im, người hung hăng thì chửi.
c/ Đạo diễn và bộ phim xúc phạm hương hồn nhà văn Nam Cao.
– Nhắc lại là kịch bản phim chưa được tiết lộ, vậy nên chưa ai biết đạo diễn sẽ làm gì với kịch bản. Tư duy hậu trường cũng phải đồng nhất với trong phim là tư duy của tầng lớp ít học không phân biệt được giữa nghệ phẩm và đời. Thiết nghĩ một bộ phim hay (giả dụ thế) được làm từ nguyên liệu không thuần khiết thì sẽ càng tôn vinh tay nghề đạo diễn mới đúng.
– Và hơn nữa, một bộ phim phóng tác tồi (giả dụ thế) thì làm xấu mặt đạo diễn của nó chứ nhà văn ở nguyên tác không bị ảnh hưởng gì. Phóng tác không có quyền đại diện cho nguyên tác. Việc ảnh hưởng chỉ xảy ra khi khán giả xem phim mặc định phim phóng tác với truyện nguyên tác là một. Đây là cái sai của khán giả, và khán giả không có quyền bắt ai khác chịu trách nhiệm cho cái sai của mình.
Trên đây là ba luận điểm chính, cạnh đó có cả tin gầm giường là đạo diễn đi đêm với chủ chó shiba, hay đạo diễn dùng chó cỏ để đóng thế những cảnh Cậu Vàng bị đánh đập. Về cơ bản tin tức này là fake news, trừ khi người tung tin đưa thêm bằng chứng.
Sự việc vẻn vẹn chỉ có thế: mập mờ để dễ cãi vã, và dễ nhớ để đầu óc thấp kém của quần chúng có thể nhớ được.
Bài được chia sẻ nhiều: Đầy nước mắt nước mũi để kích động cảm xúc đám đông.
Vì câu chuyện vẻn vẹn chỉ có thế nên bài viết của tôi, thưa các anh chị, sẽ không bàn thêm vào ba luận điệu vô bổ trên. Bài viết này chỉ là được gợi hứng từ vụ việc trên và dựa vào phản ứng của quần chúng để đưa ra vài quan điểm của tôi về nghệ thuật.
Tuy thế không có nghĩa rằng tôi khẳng định bộ phim này là phim nghệ thuật. Nó có thể là phim thị trường hoặc phim nghệ thuật tuỳ ở đạo diễn, tuy nhiên qua tiểu sử đạo diễn thì tôi hi vọng phim không thị trường. Tôi hi vọng thế bởi rất thích Nam Cao, và việc phóng tác tác phẩm của ông thành phim với tôi là rất đáng trân trọng (đặc biệt người phóng tác chính là NSND Bùi Cường, và người nối tiếp là Trần Vũ Thủy đến giờ vẫn chưa dính dớp làm phim hài nhảm nào). Ít nhất là đáng trân trọng hơn việc suốt ngày quanh quẩn chuyển thể truyện dài Nguyễn Nhật Ánh để chiều lòng quần chúng.
Chủ đề bài viết sẽ nói về giá trị của nghệ thuật giữa xã hội tiêu dùng và trong mắt của những kẻ theo chủ nghĩa tiêu thụ, lấy vụ Cậu Vàng làm cảm hứng. Đoạn sau đây nói về nghệ thuật và sẽ khá khó hiểu và nhiều chữ (dài) với quần chúng, vậy nên thể loại tay nhanh hơn não và thể loại chuyên hóng chuyện gầm giường thì cứ việc cút nhanh khẩn trương, mời mời…

Chủ nghĩa tiêu thụ gom xã hội vào hai phạm trù là sản xuất và tiêu dùng. Nó khiến cho người ta nghĩ rằng một thứ được tạo ra buộc phải có tiêu thụ thì nó mới có ý nghĩa tồn tại. Và người sản xuất phải chạy vạy người tiêu thụ vì nếu không có họ, việc anh ta làm là vô nghĩa. Lẽ tất yếu người tiêu thụ sẽ được săn đón, được tôn lên cao, và đi xa hơn là khẩu hiệu bệnh hoạn như “Khách hàng là Thượng Đế”, “Khách hàng luôn đúng”. 
Thế có nghĩa là: Dù bạn dốt nát, ít học, thô bỉ nhưng chỉ cần bạn mang vài chục nghìn đi mua cái vé hay quyển sách là bạn nghiễm nhiên được quyền chỉ đạo những người bỏ nhiều năm trời để học hành và rèn luyện. Bạn được cái quyền tối thượng ấy chỉ vì bạn là khách hàng, và để là khách hàng bạn chỉ cần vài chục nghìn.
Nghệ thuật cũng không thoát khỏi kiểu nhìn đời ấy. Từ lâu nay rồi và ở mọi loại hình nghệ thuật, khi khán giả muốn chỉ đạo nghệ sĩ (thường nói tránh là góp ý) nhưng không được chiều theo ý thích tầm thường của mình, họ liền giở chiêu bài cuối cùng ra như thứ vũ khí đầy tính công kích: Không tiêu thụ nghệ phẩm. 

Nhưng nghệ thuật và thủ công khác nhau ở chỗ nghệ thuật là sản phẩm độc nhất từ khí chất độc nhất của nghệ sĩ; còn thủ công là sản phẩm rập khuôn và người nghệ sĩ, lúc ấy trở thành thợ, chỉ là cái máy vận hành theo ý người khác. 
Việc khán giả nói với nghệ sĩ mình chấp nhận có thưởng thức nghệ phẩm hay không là hoàn toàn vô nghĩa. Bởi trước nghệ sĩ công chúng là không tồn tại. Nghệ thuật tồn tại vì chính nghệ thuật, thảy là vậy. Bất cứ tư tưởng nghệ thuật vị nhân sinh nào cũng là đồng nghĩa với ủng hộ kiểm duyệt nghệ thuật. Rõ ràng nếu đã vị nhân sinh tức là công nhận nghệ thuật có chức năng nhất định, đã có chức năng tất yếu có chức năng tốt và xấu, từ đó buộc phải sinh ra cơ chế kiểm duyệt để giữ trật tự xã hội. Nhưng một khi nghệ thuật nằm dưới sự kiểm soát nó sẽ không tự do là chính nó nữa, nó quay trở về thành thủ công. Hay nói cách khác nghệ thuật vị nhân sinh chỉ là cái tên gọi mới của thủ công.
Trong Cộng hoà của Plato đã viết rằng khi ông xét đến các phân công xã hội thì nghệ sĩ chẳng có chỗ nào cả. Nghệ thuật không phải một nghề kiếm sống. Epicurus cho rằng nghệ thuật thoát thai từ trò chơi, mà đã để chơi tức là chỉ mang lại cảm xúc thuần tuý. Hoạ sĩ với chơi với màu, nhà văn chơi với chữ, họ tìm cảm xúc trong hành động chứ chẳng mong một ai khác đến đổi lấy nắm tiền. Có thể đến bây giờ một số chuyện đã khác. Nghệ thuật lúc này là trò chơi ra tiền, nhưng cái cốt lõi là trò chơi thì không thể khác được, bằng không nghệ thuật sẽ trở thành thủ công, nghệ sĩ trở thành thợ.

Nghệ thuật không được trở nên đại chúng. Mọi cố gắng làm cho đại chúng cũng ngu ngốc như việc đẽo cày giữa đường. Nực cười ở chỗ quần chúng luôn muốn nghệ thuật là đẽo cày giữa đường nhưng khi nghệ thuật như vậy họ lại kêu gào chửi rủa. Xu hướng nhuộm đen, nữ quyền hay LGBT hoá ở các phim thị trường bây giờ chính là sản phẩm của chủ nghĩa dân tuý. Bị chửi là tất nhiên bởi vì năm người mười ý, không ai chiều được cả xã hội. Rốt cuộc phim thị trường thì bị chửi, phim nghệ thuật thì vốn không ai quan tâm, sự bát nháo luôn là sản phẩm từ bàn tay quần chúng.
Thứ nghệ thuật tươi tốt nhất là nghệ thuật mà quần chúng đừng để mắt đến, vì khi quần chúng để mắt đến họ sẽ ham muốn chỉ đạo, mọi nghệ thuật nằm dưới chỉ đạo của quần chúng đều trở thành lố bịch. Đó là lí do mà sách hàn lâm và sách thị trường luôn đứng về hai phía độc giả khác nhau, phim thị trường và phim nghệ thuật cũng vậy. Nếu chẳng may nghệ phẩm hàn lâm chiều theo quần chúng thì sớm muộn cũng trở nên lố bịch mà thôi. 

Mà thật ra ngay tình yêu đối với nghệ phẩm của quần chúng cũng là thứ đáng nghi ngờ. Tình yêu đó xuất hiện theo thời vụ, đó là những dịp họ dùng nghệ phẩm này làm bàn đạp để đạp xuống thứ khác. Trong vụ Cậu Vàng dễ thấy nhiều bình luận nhắc đến và khen ngợi hai bộ phim lâu nay bị quên lãng là Đất rừng phương nam  Làng Vũ Đại ngày ấy. So sánh này khập khiễng đến lố bịch vì con chó trong hai phim ấy không phải nhân vật chính, và yêu cầu diễn xuất tất nhiên là không cao bằng phim riêng về một con chó được. Điều này chỉ cho thấy quần chúng tuy ít học nhưng rất tự tin chỉ đạo những công việc chuyên môn.
Còn tình yêu với nghệ sĩ, quần chúng không yêu nghệ sĩ mà chỉ đơn giản là họ không lật đổ được những nghệ sĩ danh tiếng đã quá vững chắc, nên đành quay sang chấp nhận họ mà thôi. Quần chúng sợ hãi và bài bác mọi thứ mới lạ, trong khi nghệ sĩ giỏi thì luôn tìm đến cái mới lạ, chính Nam Cao cũng có nhiều điểm mới lạ so với nhà văn bấy giờ lắm. Khi quần chúng nói họ yêu nghệ sĩ giỏi thì có nghĩa là họ không hiểu gì về nghệ sĩ đó hết, họ chỉ đơn thuần chấp nhận anh ta bởi vì thằng bên cạnh họ cũng làm vậy, và họ coi anh ta là ông ba bị để hù doạ những nghệ sĩ mà họ ghét. Thực tế trong vụ Cậu Vàng, nhà văn Nam Cao đang bị quần chúng giơ ra như một tay đồ tể để doạ chém bất cứ sáng tạo nào.

Nếu quần chúng thấy nét đẹp của Nam Cao, họ sẽ không lên đồng vì cái mới lạ. Nếu quần chúng thấy khiếm khuyết của Nam Cao, họ càng không lên đồng vì cái mới lạ. Giả như hiểu Nam Cao, người ta không thể phẫn nộ trước sáng tạo về tình yêu với chó. Nam Cao có thể nói là nhà văn đầu tiên và duy nhất trong lứa nhà văn cùng thời cảm thấy rung cảm trước mảnh đời của động vật, cụ thể là chó. Ông đã viết truyện ngắn Cái chết của con Mực lấy tâm lí nhân vật Du để tỏ lòng day dứt khi thịt con chó nhà bị ghẻ. 
Cạnh đó ông tập trung vào đời sống tinh thần con người với những cật vấn, dằn vặt bản thân rất khác lạ với những nhà văn khác trong số nhà văn cùng thời. Hộ trong Đời thừa, giáo Thứ trong Sống mòn, ngay cả Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên đều được nhà văn dành cho cái nhìn đầy cảm thông, không đổ lỗi. Điều này có thể đến từ nền tảng gia đình Công giáo khi vào nhà thờ giáo dân thường đấm ngực nói “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.” (mea culpa, mea culpa, mea maxima culpa.) Và thử nghĩ xem, một nhà văn luôn mang tinh thần cảm thông như thế, liệu Nam Cao có dễ dàng đổ lỗi cho một phóng tác rằng đang bôi nhọ mình? 

Nhìn chung, nếu muốn thưởng thức nghệ thuật thuần tuý cho ra cái hồn người thì hãy ngừng lại các hành động hoà mình vào đám đông ngay lập tức. Anh chị có thể nghe nhạc, xem phim, đọc sách, có thể viết lách dù chưa hay, nhưng vẫn bổ ích hơn việc tụ bạ cùng đám cánh hẩu để chửi rủa một thứ chưa chắc đã xảy ra. Bởi thẩm định của quần chúng hầu như vô nghĩa, cứ nhìn ví dụ gần nhất là phim Aladdin 2019 thì hiểu, Will Smith trong vai thần đèn bị chê bai nhưng rốt cuộc Will Smith là diễn viên đóng hay nhất phim.
Nghệ sĩ là số người hiếm hoi tạo ra được nghệ phẩm, và để làm thế cũng cần trình độ nhất định. Quần chúng về đa số là ít học, mặt bằng chung không thể bằng giới nghệ sĩ, và quần chúng không cần trình độ gì cũng được thưởng thức nghệ phẩm (miễn phí trên mạng, và vài chục nghìn ngoài rạp). Nên lẽ tất nhiên quần chúng thấp kém hơn nghệ sĩ và hãy để quần chúng học hỏi từ nghệ thuật, chứ không có ngược lại. Quần chúng luôn muốn nghệ thuật phải đi theo định kiến ngờ nghệch của mình, kiểu hậu trường phải giống hệt phim, và phim phải giống hệt đời. Họ muốn vậy để cốt thoả mãn tính tọc mạch với các xó xỉnh cuộc đời, chứ không hề khao khát ấn tượng nghệ thuật.
Và cuối cùng, nếu sau này bộ phim trở thành phim thị trường rác rưởi, hãy ném gạch nó và nên nhớ Nam Cao không nhúng tay vào làm nó. Nếu sau này bộ phim trở thành phim nghệ thuật thì cũng hãy nhớ Nam Cao không nhúng tay vào làm nó, cùng lắm ông là người gợi hứng qua truyện ngắn mà thôi. Và dường như quần chúng quên rằng: Giá trị một bộ phim nằm ở cả cinematography, lời thoại, nhạc phim, biểu tượng v.v. chứ không phải tất cả chỉ nằm ở chủng tộc của diễn viên, thậm chí là diễn viên động vật. 



Tham khảo: 
The Soul of Man under Socialism. Oscar Wilde. 1891.
Mỹ học. Denis Huisman. Huyền Giang dịch.
Tuyển tập Nam Cao. NXB Văn Học. 2002.



TORNAD
27/8/2019

Chỉnh sửa 22:40, 27/8, cảm ơn bạn Võ Trần Nhã Linh đã đóng góp.