Chúng ta ai cũng muốn được hạnh phúc: một cuộc sống vô lo vô nghĩ, một mối quan hệ hoàn hảo và những đêm làm tình không biết mệt mỏi. Ta muốn kiếm được nhiều tiền, muốn bản thân trông thật lộng lẫy. Ta muốn được nổi tiếng, được mọi người kính trọng. Bất kì nơi nào ta đặt chân đến, đám đông ngay lập tức dạt ra hai bên để nhường chỗ.  
Ai mà chẳng thích ít nhất một trong những điều tôi vừa kể.
Nếu được hỏi “Bạn ước mình gì trong cuộc sống này?”. Hạnh phúc, gia đình êm ấm và một công việc yêu thích, nhỉ? Đối với tôi, cầu trả lời sáo rỗng đó chả có ý nghĩa gì cả.
Có một câu hỏi thú vị hơn mà tôi dám chắc trước giờ bạn chưa từng nghĩ đến: Bạn sẵn sàng chịu những sự đau khổ nào để có thể có được điều mình muốn? Đó mới là câu hỏi quyết định xem cuộc sống của bạn sẽ như thế nào?
Chúng ta đều muốn một công việc xịn xò và tự chủ về mặt tài chính. Nhưng mấy ai muốn làm việc 60 tiếng/tuần, thường xuyên đi công tác dài ngày và xử lý mớ thủ tục giấy tờ rườm rà dưới sự chỉ đạo của một đống láp lang ban bệ trong một văn phòng chật hẹp. Ta ước rằng mình trở nên giàu có ngay lập tức mà không cần bỏ chút công sức nào.
Trong một mối quan hệ, ta luôn thèm khát những lần ân ái đầy đê mê nhưng liệu có mấy ai có thể cùng người mình yêu, vượt qua những trận cãi nhau nảy lửa, những khoảng lặng đầy khó chịu, cùng với đó là sự bất ổn về mặt cảm xúc mà cả hai gây ra cho nhau. Mọi chuyện cứ thế diễn ra, cho đến khi bạn nhận được trợ cấp hàng tháng (*) và tự hỏi tại sao lại thành ra thế này. Đó không phải là hậu quả việc ta bỏ qua những thứ cốt lõi của một mối quan hệ thì là gì?
Hạnh phúc chỉ thực sự đến khi ta nỗ lực giải quyết khó khăn. Càng cố tránh né, khó khăn sẽ càng chồng chất.
Về mặt bản chất, nhu cầu của mỗi chúng ta đều ít nhiều có điểm tương đồng. Ai cũng có thể dễ dàng tiếp nhận những trải nghiệm tích cực. Nhưng chính những trải nghiệm tiêu cực mới là thứ đáng chúng ta để tâm. Không khó để ta ngồi mội chỗ và nói rằng mình muốn abc, xyz. Nhưng để hiện thực hóa những ước muốn đó, bắt buộc bạn phải đứng lên, bắt tay vào thực hiện để thấu hiểu được việc đó khó khăn đến nhường nào.
Làm thế quái nào bạn có thể có được body 6 múi, nếu bạn không thực sự “tận hưởng” việc mài đũng quần ở phòng gym và liên tục tập luyện với cường độ không tưởng từ ngày này qua ngày khác. Chưa kể đến việc bạn phải cân đo đong đếm từng li từng tí những thứ bạn cho vào miệng – thường sẽ gói gọn trong một dĩa thức ăn được chia ra thành các phần bé tẹo.
Bạn chẳng thể nào có thể tự kinh doanh và trở nên độc lập tài chính nếu bạn không học cách chấp nhận sự thật rằng ngoài kia đầy rẫy rủi ro và bạn cần phải thất bại nhiều lần để phân biệt được đâu là cơ hội thực sự. Bạn sẽ phải bỏ ra một lượng lớn thời gian và công sức để xác minh xem liệu thứ mình làm có thể thành công hay không.
Liệu bạn có thể tìm được người bạn đời hoàn hảo nếu không học cách đồng cảm với chứng rối loạn cảm xúc đến từ những điều bất an sâu thẳm trong lòng đối phương? Đó là một phần của tình yêu. Bạn phải chấp nhận tham gia trò chơi thì mới có thể có cơ hội giành chiến thắng.
Hãy hỏi bản thân: “Tôi có thể chịu đựng những gì?” thay cho “Tôi muốn hưởng thụ điều gì?” vì cuộc sống thường là kết quả của những trải nghiệm tiêu cực hơn là những điều tích cực. Thế nên, cách tốt nhất để sống một cuộc sống hạnh phúc là học cách giải quyết những điều tiêu cực.
Có một lời khuyên tởm lợm như thế này: “Bạn có thể làm được bất kỳ điều gì nếu bạn thật sự muốn điều đó đủ nhiều!”
Ai mà chả muốn một thứ gì đó. Không chỉ là muốn, ta thực sự thèm khát nó. Nhưng vấn đề ở đây là ta không hiểu cái thứ mình đang thèm khát đó là gì.
Nếu muốn sở hữu thứ gì đó, bạn phải chấp nhận đánh đổi một thứ tương đương. Bạn muốn có thân hình nóng bỏng? Hãy tập quen với việc thức dậy sớm, cơ thể thường xuyên đau nhức và liên tục bị cơn đói hành hạ. Tương tự như thế, bạn phải làm việc thâu đêm suốt sáng hoặc thậm chí trở thành cái gai trong mắt nhiều người để đổi lấy chiếc du thuyền mới cáu.
Nếu bản thân bạn hằng ao ước một thứ gì đó hết tháng này qua tháng kia, hết năm này qua năm nọ nhưng mãi bạn vẫn không chạm được tay vào nó, khả năng cao đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng – một hình ảnh được lý tưởng hóa quá mức. Có lẽ bạn không muốn điều đó chút nào cả – bạn chỉ đang thích thú với suy nghĩ rằng bạn muốn nó.
Một số người khi được hỏi: “Bạn có sẵn lòng chịu cực khổ không?” Họ nhìn tôi như kiểu “what the fuck, bruh?”. Nhưng chính điều đó – chứ không phải những mơ ước và hoài bão của bạn - cho tôi biết bạn là ai. Trên đời không có chuyện “ngồi mát ăn bát vàng”. Để đạt được thứ mình muốn, bắt buộc bạn phải trải qua những đau khổ tương ứng.
Đây là câu hỏi giúp thay đổi cuộc đời bạn. Trả lời được nó đồng nghĩa với việc bạn biết được mình là ai và bạn có gì khác so với mỗi một cá thể ngoài kia.
Lúc còn trẻ, tôi thường mơ về việc trở thành một ngôi sao nhạc rock. Mỗi khi nghe được một bài hát vãi chưởng, tôi đều nhắm mắt, tưởng tượng ra cảnh mình đứng trên sân khấu trước đám đông đang hò hét điên loạn – tất cả họ đều mê mẩn với những pha chạy ngón thần sầu của mình. Mơ ước đó theo tôi đến hết thời đại học. Thậm chí tôi vẫn luôn nghĩ về nó sau khi tôi bỏ học ở nhạc viện cũng như không chơi nhạc chuyên nghiệp nữa. Tôi chắc mẩm mình có đủ khả năng biến giấc mơ thành sự thật, chỉ là không biết khi nào. Để có thể trở thành một ngôi sao nhạc rock, trước tiên tôi phải tốt nghiệp đại học, sau đó tôi phải kiếm tiền, sau đó tôi cần có thời gian, sau đó … tất nhiên làm quái gì có sau đó nữa.
Dẫu cho đã ôm giấc mơ ấy hơn nửa cuộc đời, tôi dường như không bao giờ có thể chạm được vào nó. Sau rất nhiều trải nghiệm tiêu cực trong một thời gian dài, cuối cùng tôi cũng nhận ra: tôi không thực sự muốn trở thành ngôi sao đến như vậy.
Tôi chết mê chết mệt với hình ảnh mình đứng trên sân khấu, khán giả vỗ tay không ngớt khi tôi cháy hết mình trong từng câu hát. Nhưng tôi chưa bao giờ thích thú quá trình luyện tập để có thể làm được điều đó. Nên việc tôi liên tục thất bại là điều đương nhiên. Thú thật, tôi đã không cố gắng đủ nhiều – hay chính xác hơn - tôi chẳng buồn cố gắng để biến nó thành sự thật.
Mọi thứ không đơn giản chỉ là bước lên sân khấu và biểu diễn. Nó giống như việc leo lên đỉnh núi cao vạn dặm vậy: nào là tập luyện mỗi ngày, nào là tìm thành viên để lập band, nào là kiếm hợp đồng biểu diễn, nào là hò hét mọi người có mặt đúng giờ. Rồi thì đứt dây đàn, rồi thì sự cố âm thanh. Chưa kể đến việc vác một đống nhạc cụ nặng cả chục ký đi đi về về mỗi lần tập bài. Phải mất một thời gian dài để tôi nhận ra mình chẳng thích thú gì việc leo núi. Tôi đơn giản chỉ muốn hưởng thụ thành quả khi đã ở trên đỉnh.
Xã hội sẽ chửi vào mặt tôi rằng tôi là một đứa thất bại, rằng tôi đã không tin vào bản thân mình, rằng tôi chả có chút can đảm nào cả. Họ bảo tôi là đứa chết nhát, chỉ biết bằng lòng với những điều tầm thường. Trong suy nghĩ của họ, tôi cần học hỏi thật nhiều từ những bậc cha chú (**).
Nhưng sự thật chẳng hề phức tạp đến thế. Nó chỉ đơn giản là tôi tưởng rằng tôi muốn trở thành ngôi sao nhạc rock, nhưng hóa ra không phải vậy. Hết chuyện!
Bản thân tôi muốn có được phần thưởng ngay lập tức – không cần phải tranh đấu. Tôi chỉ muốn nhanh chóng có được kết quả chứ không mặn mà với quá trình luyện tập. Tôi không hề muốn tham gia vào cuộc chiến mà chỉ muốn ngay lập tức có được chiến thắng. Nhưng đáng buồn thay, đó không phải cách cuộc sống này vận hành.
Để trả lời cho câu hỏi bạn là ai, bạn phải xác định được đâu là những thứ mà bạn sẵn sàng đánh đổi một phần của bản thân (vật chất hoặc tinh thần) để sở hữu. Bất kỳ ai chấp nhận vật lộn với bản thân trong phòng gym đều xứng đáng có được một body chuẩn chỉnh. Tương tự như thế, những ai biết tận dụng triệt để lợi ích của hàng giờ làm việc miệt mài trước máy tính thường là những người có những bước tiến dài trên nấc thang sự nghiệp. Và, những người cảm nhận được niềm vui nơi cuộc sống bấp bênh của người nghệ sĩ, rất có thể cũng sẽ trở thành một nghệ sĩ trong tương lai.
Để có thể hiện thực hóa ước mơ của mình, hãy ghi nhớ điều cốt lõi này: nỗ lực quyết định kết quả. Thế nên hãy nỗ lực đúng cách!
(*) Alimony (bản gốc): tiền trợ cấp hàng tháng cho vợ/chồng sau khi li hôn. Câu này ám chỉ rằng mối quan hệ sẽ đổ vỡ khi ta chỉ tập trung vào những khoái cảm nhât thời.
(**) Master group (bản gốc): một nhóm những thành viên có cùng một tư tưởng, có một khát khao muốn tập trung và đạt được mục tiêu của mình, thông qua việc nghiên cứu một tài liệu cụ thể của một tác giả, hay một cuốn sách nào đó.
Nguồn: The Most Important Question of Your Life - Mark Manson