Bạn là một người tốt. Bạn nghĩ rằng là mình luôn luôn giúp đỡ người khác. Bạn bức xúc khi cái mình làm không được người khác đền đáp lại. Bạn phàn nàn với người khác, “Ơ hay, mình đã làm giúp cho nó BAOOOOO nhiêu việc. Mà có một tí việc thế mình nhờ nó mà nó còn quên luôn. Tưởng bạn bè thế nào.”
Bạn còn đanh đá một chút nữa. Một phần nào đó trong bạn tự hào về việc đó. Bạn có thể chửi thẳng vào mặt bố con thằng nào động đến cái tôi của bạn.
Bạn biết mình mạnh ở đâu. Và bực mình khi một người khác không hiểu vấn đề. Điều đó dẫn đến những phản ứng mang tính trẻ trâu. Dù họ có đang là khách hàng của bạn, hoặc là một người lớn tuổi hơn bạn.
Nói nhẹ nhàng, bạn đang không biết mình là ai và bạn đang ở đâu.
Nói nặng hơn tí, thì bạn là một con ẾCH ngồi dưới đáy giếng. Không hiểu cái giếng của mình là gì, nhưng vẫn khản cổ chửi bọn ở trên giếng.
ẾCH: LIỆU CHÚNG TA CÓ PHẢI?
Trong đầu chúng ta luôn luôn có định nghĩa cái gì là tốt, cái gì là xấu. Chúng ta dựa trên những định nghĩa đó để dẫn đến hành động. Khi nhận được kích thích từ bên ngoài, não chúng ta sẽ nhanh chóng tính toán xem hành động thế nào là tốt nhất.
Khi bạn bị một người nào đó trêu một cách hơi quá đáng. Bạn có các lựa chọn sau (giảm dần theo thứ tự căng cứng nhé)
  • Đứng dậy tát thẳng vào mặt. Tuổi *** trêu tao.
  • Chửi chết mẹ nó đi, mình là một người có phẩm giá. Không thể để bố con thằng nào trêu mình được
  • Trêu lại. Anh em với nhau cả, sao phải xoắn.
  • Im lặng.
Sau khi tính toán đủ đường, bạn sẽ chọn cách phản ứng tối ưu TRONG LÚC ĐÓ. Thường thì, chúng ta sẽ muốn người khác hiểu ý của mình. Nhất là tôi, nhiều khi tôi có thể nổi giận khi tôi thấy đối phương có vẻ KHÔNG THỂ hiểu được ý tôi đang muốn nói là gì. Những lần “nổi nóng” này của tôi thậm chí còn xảy ra với những người giỏi hơn tôi. Sau mỗi lần như vậy, tôi đều cảm thấy hối hận. Thực ra, ý của cả hai bên đều tốt nhưng vì câu nói mà không đi được đến đâu. Vì tôi đã quá ẾCH.
Điều quan trọng là hệ quả của những hành động đó của bạn. Những hành động đó ảnh hưởng thế nào đến cách suy nghĩ của bạn, cũng như những người xung quanh bạn. Xã hội sẽ phản ứng và thay đổi dựa trên hành động của bạn, để rồi đối xử với bạn lại cho phù hợp. Cái tương tác “bạn -> xã hội” là một vòng lặp vô tận. Nó sẽ là cơn lốc xoáy khiến cuộc đời bạn cảm thấy mệt mỏi, cay đắng. Hoặc, là một đám mây hạnh phúc đưa bạn lên đỉnh (liên tục).
Chúng ta thường chỉ phản ứng mà không để ý nhiều đến hệ quả của những suy nghĩ đó. Chúng ta vô tình rơi vào những vòng xoáy không đáng mong đợi đó.
LUÔN NGHĨ ĐẾN ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM
Có một sự việc đau lòng diễn ra cách đây không lâu tại Đắc Nông. Một người nông dân tên Đặng Văn Hiến, đứng trước nguy cơ bị cướp trắng đất để làm ruộng cho gia đình. Anh bị công ty Long Sơn ép phải dời bỏ mảnh đất làm ăn lâu năm của gia đình mà không nhận lại được gì (chi tiết vụ án tôi sẽ không đi quá sâu). Anh đã lựa chọn phương pháp giải quyết là bắn chết 3 người định cướp nhà anh. Pháp luật đã xử tử hình người đàn ông này.
Rất nhiều ẾCH trên mạng đã cực kỳ phẫn nộ sau trước quyết định cuối cùng của tòa án. Họ cho rằng như vậy là không văn minh, không có tình. Họ viện chứng là trước đây tòa án Pháp cũng đã xử một vụ tương tự như vậy ở Việt Nam. Và người nông dân được đặc xá không bị tù. Vậy giải quyết như thế nào mới là đúng.
Luật pháp được viết ra và thực thi dựa trên lợi ích và mục đích chung của quốc gia. Với trường hợp người nông dân làm như vậy thì có thật là luật pháp không công bằng khi tử hình một người đang bị coi là “nạn nhân” hay không? Theo tôi, tòa án xử tử người nông dân là hoàn toàn đúng đắn.
Chúng ta đều hiểu rằng, luật pháp được sinh ra để giữ trật tự và bảo toàn quyền lợi của tất cả mọi người. Thử hỏi, nếu tòa án không xử tử một người cướp đi mạng sống của 3 người khác thì có công bằng không? Nếu tha cho một người sát nhân như vậy sẽ tạo ra tiền lệ. Vậy là cứ người đi cướp đất người khác là chết cũng không đòi được công lý? Người chửi tòa án đã thử nghĩ rằng, đứng ở góc nhìn của 3 người bị giết, thì hệ lụy của họ với vợ con họ thế nào? Tất cả những hệ quả ấy liệu có đẩy cái xã hội vào loạn lạc hay không?
Luật pháp sẽ luôn xét xử dựa trên yếu tố của mỗi vụ án. Nhưng luật pháp sẽ coi trọng bức tranh tổng thể của xã hội hơn.
Tòa án làm như vậy vì họ tin rằng họ giải quyết là giải quyết đến tận cùng theo góc nhìn cho xã hội, chứ không phải chỉ theo tình tiết vụ án. Trong trường hợp của người nông dân này, hoàn cảnh anh ta như thế nào chỉ là một yếu tố dẫn đến quyết định. Quyết định này ảnh hưởng thế nào đến tận cùng xã hội mới là yếu tố quan trọng. Vì thế, xử tử hình là đúng. Giết người thay pháp luật là sai, là phá hủy xã hội. Chấm hết.
Việc không nhìn được quá cái giếng là lỗi lầm ở ẾCH.
TREAT THINGS AS AN END, NOT A MEAN
Tại sao tôi phải kể một câu chuyện pháp luật ra làm ví dụ. Vì tôi tin rằng, dù chuyện lớn hay chuyện bé, con người luôn phải có nguyên tắc để xử lý dựa trên hệ quả cuối cùng. Đó là cái tách biệt giữa loài người chúng ta và con vật.
Bạn là người chọn cách phản ứng với xã hội. Đừng phản ứng cho ngay giây phút đó, hãy nghĩ đến bức tranh lớn hơn. Khi bạn bị trêu quá đáng, bạn nên xử lý thế nào đây? Phản ứng đầu tiên của chúng ta luôn luôn là phản ứng bản năng. Chúng ta sẽ muốn trêu lại ác hơn, hoặc im lặng trong sự căm ghét – để bảo vệ cái tôi của bản thân. Tất nhiên, bạn sẽ cảm thấy thoải mái ngay lúc đó. Nhưng có thể, bạn sẽ gây tổn thương cho người bạn vừa trêu lại. Mối quan hệ của bạn và người đó đột nhiên bị thoái hóa ngay một phần. Mà người đó có thể là đồng nghiệp mà bạn gặp hàng ngày – hoặc là người yêu, người thân.v.v.
Hãy dừng lại một tíc tắc, suy nghĩ về mối quan hệ của bạn với đối phương. Tự đặt câu hỏi, cách giải quyết nào sẽ là cách giải quyết tốt nhất cho mối quan hệ giữa hai người? Hoặc hỏi một câu hỏi sâu hơn, mối quan hệ của bạn và đối phương có đáng giữ hay không? Phản ứng của bạn như thế nào phụ thuộc vào hai câu hỏi đó.
Lần tới, khi bạn phật lòng với điều gì đó đối phương nói, hãy nghĩ xem cách phản ứng của mình như thế nào là phù hợp. Tôi thường hay nghĩ đến kết quả trước, liệu thực sự mình và người này có một mối quan hệ kéo dài rất lâu không. Nếu có, mối quan hệ đó sẽ là mối quan hệ như thế nào – là bạn bè thân thiết, là đối tác hay là gì? Từ đó mới dẫn đến những hành động tiếp theo mà tôi dành cho họ.
Ví dụ. Trong cuộc sống, không ít lần tôi cần sự giúp đỡ của người khác. Nhưng không phải lúc nào sự nhờ vả ấy cũng được đáp ứng. Điều này thực sự làm tôi phật lòng nếu người tôi nhờ là một người mình đã từng giúp rất nhiều. Trong trường hợp đó, tôi sẽ thực sự phải nghĩ lại về mối quan hệ của tôi với người bạn đó. Liệu tôi và anh ta có thể là bạn tri kỷ được không? Nếu có, tại sao tôi đã giúp anh ta rất nhiều rồi mà chưa được nhận lại. Có thể vì tôi chưa thực sự giúp anh ta đủ. Cũng có thể, tôi chưa nói rõ nguyện vọng của mình khi tôi nhờ anh ta. Có thể, câu trả lời không phải là phàn nàn về sự vô tâm của người bạn. Có thể, cách giải quyết là nói rõ với người bạn đó về kỳ vọng của tôi với mối quan hệ này. Hoặc, tôi sẽ không nói gì nhưng thậm chí chăm chỉ chăm sóc và tưới mát mối quan hệ của bản thân mình hơn.
Tóm lại, hãy nghĩ đến kết quả lâu dài của hành động của mình. Đừng làm một con ẾCH.
CUỘC ĐỜI LÀ TẤM GƯƠNG PHẢN CHIẾU CÁCH ĐỐI NHÂN XỬ THẾ CỦA BẠN
Cùng một lúc, tôi luôn có vài dự án mini trong công ty cần phải để tâm đến. Nhiệm vụ của tôi là phải để ý đến thời gian và kết quả của mỗi việc. Tôi muốn mọi việc đều nhanh và đạt hiệu quả như mong muốn. Khi những việc đó không đạt kỳ vọng, việc đầu tiên tôi làm là trách móc những người nhân viên của mình. Tại sao một việc đơn giản như vậy mà làm mãi không xong? Tại sao cùng một vấn đề mà mãi cứ nhắc đi nhắc lại vẫn bị chậm?
Những kỳ vọng cao trong công việc dẫn dến việc thất vọng khi không đạt được yêu cầu. Cái cảm xúc tiêu cực ấy lây lan đến cảm xúc của bản thân tôi với nhân viên. Cảm thấy bị thiếu tôn trọng, cảm giác mọi người không toàn tâm toàn ý trong công việc ngày càng tăng dần. Tôi dần trở nên nóng tính và đóng mình hơn. Cách suy nghĩ vậy lại một lần nữa, ảnh hưởng tồi tệ đến công việc hơn.
Tôi thiếu compassion – sự cảm thông. Compassion được ghép từ 2 từ: “Com” nghĩa là cùng nhau, “passion” nghĩa là khổ đau. Cảm thông nghĩa là phải nhận biết nỗi khổ đau của người khác để chia sẻ cùng họ. Tôi nhận ra rằng, tôi chưa chịu đứng về phía nhân viên của mình để thực sự giúp họ. Tôi chưa dành đủ thời gian để ngồi cùng họ, để lắng nghe và và biết những khó khăn của họ. Lãnh đạo không chỉ đơn thuần là đưa ra mục tiêu và “quất” nhân viên. Lãnh đạo phải hiểu nhân viên, phải biết vui và buồn cùng họ.
Trồng cây gì, ăn quả nấy. Hãy tử tế với người khác, đừng mong người khác tử tế trước với mình.
CUỘC SỐNG ĐANG THỬ THÁCH BẠN THÔI
Đạo lý thì nghe bùi tai đấy. Nhưng cuộc sống như cái c** vậy. Bạn cố gắng hết sức rồi. Bạn cũng tốt hết sức với người khác rồi. Nhưng quả ngọt thì chưa thấy đâu. Tại sao lại bất công thế?
Cuộc sống vốn không bất công, chỉ là cách chúng ta phản ứng với nó như thế nào mà thôi.
Có vẻ bạn đang nhăn nhó một chút, vì cuộc sống nó khắc nghiệt mà. Bạn đang được cuộc sống thử thách đấy.
Cuộc sống thử thách bạn vì cuộc sống biết trong bạn còn đang có những thứ cực kỳ tuyệt vời mà chưa được nuôi dưỡng đúng cách.
Cuộc sống có nhiều rào cản. Vì rào cản là để ngăn những người không thực sự quyết tâm. Nếu bạn vượt qua được rào cản, bạn sẽ nằm trong phần 1% người giàu có nhất thế gian.
KẾT
Immanuel Kant đã nói “Act in such a way that you treat humanity, whether in your own person or in the person of any other, never merely as a means to an end, but always at the same time as an end.” – “Nghệ thật nằm trong cách đối nhân xử, dù là với bản thân bạn hay với người khác, không bao giờ chỉ dành cho ngay lúc đó, mà luôn luôn dành cho kết quả cuối cùng”.
Đừng phản ứng như một phản xạ vô hướng. Hãy có những nguyên tắc hành xử phù hợp đúng với con người bạn muốn trở thành. Mở lòng chính là cách để chúng ta, những người còn một phần ẾCH thoát khỏi giếng.
- Son Dao

Tái bút
Cám ơn bạn đã đọc đến đây. ^^ 
Nếu bạn đồng tình với tôi thì hãy upvote còn nếu chúng ta có ý kiến trái chiều nhau hãy commnet ngay dưới này hoặc liên hệ với tôi để chúng ta có thể thảo luận sâu hơn về vấn đề này ^^
Email: [email protected]
Facebook: https://www.facebook.com/SonnyD53

Biết thêm về quan điểm, tư duy của tôi tại
Blog: https://sondao.net/
Youtube: https://www.youtube.com/user/sdao533/videos
Cám ơn các bạn.