Trong một chuyến đi công tác, trong cơn say, một người anh đồng nghiệp đã hỏi tôi một câu:
"Mày liệu có nghĩ là, con gái khi qua tuổi thanh xuân rồi, sẽ dần trở nên ... tùy tiện một cách toan tính không ? Kiểu như an phận với người mình cho là lựa chọn tốt nhất đấy."
Lúc đó, tôi không trả lời, chỉ im lặng nhìn anh uống nốt đi ly cuối cùng. Tôi biết anh buồn, cái buồn của một người con trai bước qua những năm của tuổi 30.
Tôi thở dài, chỉ khoác tay anh rồi nói:
"Ukm... Em không biết. Có lẽ là có, cũng có thể là không."
Lúc đó, tôi nghĩ bản thân vẫn chưa đủ trải nghiệm, và cũng không có khả năng trả lời. Câu hỏi anh đặt có lẽ không phải là dành cho tôi, mà là một người khác.
Tôi ngờ nghệch năm đó chỉ có thể hỏi lại:
"Thế còn đàn ông chúng ta? Thanh xuân trôi qua rồi, cũng sẽ như thế chăng ?"
Cả hai chúng tôi rơi vào im lặng. Đến nay, hai câu hỏi đó vẫn còn bỏ ngõ đâu đó trong miền ký ức.

THANH XUÂN

Thanh xuân, hai chữ tôi được nghe rất nhiều lần khi còn bé và cả khi trưởng thành.
Đó là hai chữ khẽ gằn bên chiếc gối ướt, vào ngày chú Quân lấy người con gái khác.
Là lời khuyên của đứa em gái: "Anh không chắc thì đừng lãng phí thời gian của con gái nhà người ta. Tội lắm!"
Là tiếng thở dài của người chị sau mỗi buổi sinh nhật hằng năm: "Lại một năm trôi qua."
Một điều đơn giản đến đau lòng, mắt nhìn thứ mình quý trọng vơi đi, nhưng lại không thể làm gì khác. Bấy nhiêu cũng đủ bào mòn tâm trí của một người.
Bất giác, tôi nhớ về hai câu chuyện mà bà từng kể cho anh chị em tôi nghe
"Giả sử con có 100 đồng, đi vào một phiên chợ nhưng chỉ có thể mua một món hàng giá trị nhất. Con sẽ không biết lần tổ chức kế tiếp sẽ là khi nào, có thể là ngày mai, có thể là không bao giờ. Số tiền trong tay con sẽ vơi dần đi theo thời gian. Rồi con nhận ra tất cả hàng hóa bày ra hiện tại chỉ có mức giá cao nhất là 70 đồng. Nếu mua món đồ hiện tại: Thì có thể trong ngày mai sẽ xuất hiện món hàng 100 đồng, và đồng nghĩa với việc con bỏ lỡ. Còn nếu bỏ qua món đồ hiện tại: Thì khả năng, khi phiên chợ tiếp theo bắt đầu, con sẽ không còn đủ tiền để mua bất cứ thứ gì."
Con sẽ quyết định mua hay là kiên nhẫn chờ đến phiên chợ kế tiếp ?"
Đó là cách mà bà tôi dạy cho những cô cháu gái, con gái về những giá trị song hành: thời gian, vận may và niềm tin.
Bà đã không bao giờ có đủ thời gian để biết được chúng tôi đã lựa chọn như thế nào.
Chị tôi kết hôn vào năm 28 tuổi, qua trời Âu, chỉ sau ba tháng gặp mặt. Ngày gia đình tiễn chị ra phi trường, có người đã nói đó là hợp lý, là viên mãn. Viên mãn kéo dài 2 năm, cả hai ly dị, chị hai ở lại xứ người, không về nữa.
Dì út thì chờ đợi chú Quân những 10 năm, để rồi bỏ lỡ dường như tuổi trẻ của mình. Dì vẫn hằng ngày đi làm, công tác như mọi khi sau hôn lễ của chú. Mẹ tôi nói đó là an phận, là chết tâm.
Phải mất rất nhiều năm sau nữa, dượng Lâm mới xuất hiện, kiên nhẫn cùng dì út bước từng bước đến hôn nhân. Cả hai kết hôn khi dì út 35 tuổi.
Ngày hôn lễ của dì, dượng Lâm nói: "Có thể anh tiếc là chúng ta không thể gặp nhau vào lúc em rực rỡ nhất, nhưng điều may mắn là cuối cùng chúng ta có thể bên nhau vào lúc hai ta vẹn tròn."
Chuyện của dì út, khiến tôi tin rằng, duyên phận là cái gì đó rất kì diệu và ranh mãnh. Đôi khi, nó đánh lừa bạn, thử thách bạn. Nhưng bất kể thế nào đi chăng nữa, nó rồi sẽ đến.
Không phải lúc ta cần nó nhất, và là lúc ta đã sẵn sàng.
Có lẽ đó là phần mà bà tôi chưa kịp kể trong câu chuyện.

"CUỘC ĐUA"

Thật ra sau này, trải qua rất nhiều chuyện, tôi chợt nhận ra thế giới này vốn dĩ không chiều lòng bất cứ ai cả. Chỉ là chúng ta đang cố chấp khăng khăng rằng mọi thứ đều phải theo ý mình.
Một ngày kia bạn nhận ra món mà bạn thích đang giảm giá sốc trong vòng ngày hôm nay.
Nhưng rồi, bạn lại chợt nhận ra bản thân lại không đủ tiền để chi trả cho nó, đơn giản là vì hôm nay là giữa tháng, và lương của bạn thì đâu đó ở tương lai hai tuần. Thẻ tín dụng thì đã quá hạn mức sử dụng.
Và thế là, bạn bỏ lỡ nó.
Có lẽ, tuổi trẻ của con trai là như thế.
Là tập hợp của những thứ đã bỏ lỡ, những thứ tưởng như trong tầm tay, nhưng thời gian lại luôn đến trễ.
Với tôi, nó như một cuộc chạy đua. Đua với thời gian, và đua với những gã xuất phát từ trước.
Có cay cú khi thua cuộc. Đưa tay khịt mũi, lau mồ hôi. Rồi điều duy nhất có thể làm, là cắm đầu chạy về phía trước, để không phải bỏ lỡ thêm bất cứ điều gì.
Có những trận thua, mà bọn nó tưởng chừng như sụp đổ, tự trách mình đã đến đích quá trễ. Lặng nhìn phần thưởng duy nhất đã trong tay gã khác.
Chuyện đó vẫn thường và sẽ luôn xảy ra.
Không phải là không cố gắng. Chỉ đơn giản là không kịp. Đời là thế.
Rồi sao nữa ? Sau đó thì sao ?
Thì vẫn phải vác đít lên,rồi cắm mặt chạy tiếp về phía trước.
Một phần bản ngã để lại đường đua.
Từng chút, từng chút vơi đi, mảnh cuối cùng bong ra. Bọn nó trở thành một thứ gọi là "đàn ông từng trải".

HẠNH PHÚC ... LÀ HẠNH PHÚC THÔI !

Sau tất cả, thanh xuân là quý giá, tuổi trẻ là điên cuồng.
Nhưng điều đau lòng hơn cả, chính là khi một người chọn sợ hãi, thay vì tin tưởng vào những điều tốt đẹp.
Vì dù là ai đi chăng nữa, có kết hôn hay còn đơn độc.
Ta rồi sẽ già.
Nhưng chí ít là, hạnh phúc chẳng phải chỉ đơn giản là:
Muốn cười thì cứ cười.
Đau lòng, khóc thì cứ việc khóc.
Vui vẻ khi ở một mình, hay bên cạnh ai đó.
Phải rồi! Một mảnh vẹn tròn bao giờ vẫn hơn một mảnh khiếm khuyết.
Chúng ta có thể đang đi trên những con đường khác nhau. Nhưng sau cùng đích đến vẫn là nơi khiến bản thân an bình.
Ta chưa từng bỏ lỡ gì cả. Như câu chuyện của dì út vậy.
Ông trời đôi khi tốt bụng một cách "ngang ngược". Cứ nhất định phải cho con người nhỏ bé dưới kia trải qua nhân sinh: chua, cay, mặn, đắng, ngọt, bùi. Rồi lại dành những điều tuyệt vời nhất sau cùng.
Thế nên, có lẽ một vài thứ, vài người vẫn đang ở phía trước, không chậm, không hối thúc, kiên nhẫn chờ bạn.
Chỉ là bạn có còn tin tưởng không?