Tuần trước nộp hồ sơ xin học bổng, và qua trường Bách Khoa để nộp hồ sơ NCS. Tôi có vào phòng thầy Nguyên Viện trưởng Viên Quản lý Kinh tế - Đại học Bách Khoa, trước là để xin xác nhận một số việc giấy tờ liên quan, sau thì có nói chuyện với thầy về đề tài mình theo đuổi.
Thầy hỏi tôi những câu về tính mới của đề tài và cũng thể hiện sự băn khoăn về tên gọi đề tài của mình “Thay đổi và đổi mới mô hình kinh doanh tại các chuỗi bán lẻ kinh tế tư nhân tại Việt Nam theo hướng ứng dụng Trí tuệ nhân tạo và Big Data”. Tôi có giải thích với thầy về 3 mục tiêu của đề tài này:
1 là nhằm làm rõ thay đổi và đổi mới mô hình kinh doanh (Business Model Changing & Innovation) của các doanh nghiệp bán lẻ với mô hình chuỗi khi ứng dụng các công nghệ Trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn;
2 là xác định các nhân tố thúc đẩy hoặc kìm hãm thay đổi và đổi mới mô hình kinh doanh khi ứng dụng các công nghệ này;
3 là xây dựng được phương pháp thay đổi và đổi mới kinh doanh đạt hiệu quả cho doanh nghiệp bán lẻ tư nhân vận hành theo mô hình chuỗi tại Việt Nam.
Cho dù giải thích với thầy, Bản thân tôi cũng nhìn thấy sự hạn chế của tên đề tài này, thầy Linh hướng dẫn cũng vài lần nói với tôi rằng đề tài này rộng quá. Hai người thầy đều đã có ý muốn điều chỉnh đề tài này nhưng với sự dốt cố hữu thì tôi vẫn cố gắng muốn thử thực hiện.
Chắc anh chị, cô bác của tôi đều biết đến thương hiệu Kodak, và các bạn trẻ hơn tôi thì có vẻ rất ít người biết đến thương hiệu này. Kodak là thương hiệu phát minh ra ảnh kỹ thuật số, và không ngờ đâu ảnh kỹ thuật số ở góc nhìn mô hình kinh doanh đã tham gia góp phần quan trọng vào sự biến mất của thương hiệu này. Trước đây mọi tấm ảnh chụp film đều khá tốn kém, không phải mọi thứ đều đủ giá trị để có thể lưu vào ảnh film. Người ta phải đắn đo, cân nhắc cái giá trị của sự kiện, phải căn ke cho những gì trong khuôn ảnh có giá trị trong tương lai. Mọi thứ thay đổi khi ảnh kỹ thuật số ra đời, nó rất rẻ, rẻ đến không đáng kể, rẻ đến mức tôi có thể chụp lại sự kiện con tôi đánh răng cùng tôi mà không mảy may đắn đo. Việc thay đổi này nếu phân tích về mặt nhu cầu của người tiêu dùng là sự chuyển hóa từ nhu cầu lưu trữ hình ảnh sang nhu cầu chia sẻ hình ảnh.Vậy đã đủ để khiến Kodak biến mất chưa?
Chưa, Kodak không biến mất vì máy ảnh kỹ thuật số, Kodak biến mất vì sự xuất hiện của Facebook, của Instagram và chiếc điện thoại thông minh. Ở nơi ảnh film trở nên quá đắt để có đất diễn, đến cái máy ảnh kỹ thuật số còn hơi rườm rà, nơi thi thoảng có 1 tấm ảnh thật đẹp mà khá hiếm khi người dùng chịu bỏ thêm 1 phút để đồng bộ ảnh, so với sự tiện dụng vô cùng của ảnh từ điện thoại.
Bạn thấy đấy, Kodak không phải là tấm gương duy nhất, Nokia, Erricson, Motorola là những cái tên mà tôi còn nhớ được, có vô vàn thương hiệu đã vĩnh viễn không còn ở trong tâm trí của chúng ta.
Những câu chuyện kể của trong nhà tôi
Năm 1990, đất nước đổi mới, bố tôi có cùng mấy chú buôn ít xe máy, đồ điện máy. Buôn lâu thì thành cửa hàng. Những năm 2000, những thương hiệu bán lẻ đầu tiên có dịch vụ hẫu mãi đi kèm xuất hiện, nếu tôi nhớ không nhầm là phải tầm những năm này mới xuất hiện những trung tâm bảo hành dịch vụ đầu tiên của mấy hãng kiểu Sony, Samsung tại Việt Nam. Những năm 2010, những thương hiệu bán lẻ chú trọng đến chăm sóc khách hàng mới dần xuất hiện như FPT hay Thế giới di động. Vậy tiếp theo là gì? Ngành bán lẻ Việt Nam cũng dần bắt kịp với thế giới, và thế giới cũng biết vậy nên thế giới đến với Việt Nam. Sự kiện Apple ra mắt kênh mua hàng trực tuyến chính hãng tại Việt Nam chắc là sự kiện thời sự nhất tính đến thời điểm 15/5/2023 này của ngành bán lẻ. Các hãng bán lẻ mảng điện thoại cũng thể hiện sự lo lắng nhất định trước tin này. Tuy có những thông cáo báo chí nhất định để nói về chuyến lược cạnh trạn nhưng chưa hãng nào nói được keyword theo tôi là sống còn.
“Cảm xúc”
Tôi e rằng, nếu tiếp tục duy trì mô hình kinh doanh theo mối quan hệ với khách hàng, tức là tập trung vào phân loại mối quan hệ khách hàng theo gần xa, lâu mới, nhiều ít thì vẫn chưa đủ. Khách hàng hiện đại có nhiều yêu cầu hơn rất nhiều. Đâu chỉ có tiện, có rẻ - những nhu cầu vật chất phổ biến nghiễm nhiên phải đạt. Họ cần được giết thời gian, được chụp ảnh trong cửa hàng, được có hoặc không có nhân viên hỗ trợ đúng lúc họ cần. Hay là có ai từng hỏi tại sao các ông chồng mặt cứ thẫn thờ ngồi vất vương đợi vợ mua sắm không? Và liệu nếu các ông chồng được chăm sóc tử tế hơn thì vợ có mua sắm nhiều hơn không? Nếu việc này không giúp mua sắm nhiều hơn thì chắc chắn đấy không phải ông chồng rồi.Và xin nhớ rằng Apple là bậc thầy trong việc cung cấp cảm xúc cho khách hàng, tất nhiên là họ có áp dụng AI & Big Data.
“AI era” - kỷ nguyên AI là chuyện không tránh khỏi, những cạnh tranh và khó khăn mới chưa bao giờ lường tới bán lẻ Việt chắc chắn phải đối mặt. Nhưng ít nhất các doanh nghiệp này cần tồn tại để có thể cạnh tranh. Tôi nghĩ rằng nếu minh có thể đạt được 3 mục tiêu của mình, ở một góc độ nào đó tôi sẽ giúp những người giống như mẹ tôi, các cô chú tôi không như Kodak trên chính mảnh đất của họ.