Chưa đầy một tuần, cánh đồng lúa xanh ngát tự lúc nào đã biến thành một cánh đồng khô cằn trơ trụi. Trơ trụi không phải vì những khu chung cư sắp mọc lên, trơ trụi vì các bác nông dân đã ngày đêm bỏ công sức để thu hoạch chúng. Năm nay, hạn hán và dịch bệnh kéo dài, gánh nặng đè người nông dân càng nhiều, ấy thế mà khi lúa về cái mệt nhọc lại xua tan, thêm vào đó là những nụ cười rôm rả như được mùa vậy. 
Tôi leo lên gác lửng, ở trên đây, ba tôi phơi một vài bao lúa. Tôi vừa cào lúa, vừa ngó nghiêng để kiếm chút gió mùa hạ. Xa xa, tôi thấy vài em nhỏ đem những cánh diều ra ngoài cánh đồng ở phía sau nhà tôi. Tôi nhớ không nhầm, là khoảng bảy cánh. Tụi nhỏ chạy nhanh để cánh diều có thể bay lên cao, có vài em đi theo chỉ để ngắm diều bay, hoặc chờ đến khi tới lượt mượn diều để thả.
Cái nắng gay gắt của miền Trung, không làm khó được bọn trẻ, chúng cởi áo ra, chỉ mặc một chiếc quần đùi ngắn trên đầu gối. Cái nắng chang chang hòa với chút gió đồng quê khiến bọn trẻ thích thú đến lạ. Chúng chạy thật nhanh thật xa để những cánh diều có thể bay tít trên trời, tôi thầm nghĩ có khi nó có thể chạm trên mây, giống như những chú chim vậy.  Nghĩ xong tôi lại cười khoái lên, quay sang thì thấy ba tôi đứng ở đó ngớ ngẩn nhìn tôi. 
Nhìn những cánh diều bay lơ lửng trên cánh đồng trơ trụi, tôi lại nhớ lại thời thơ ấu. Hồi đó, tôi không giống như mấy đứa trẻ trong xóm, đến kì nghỉ hè vẫn không được đi chơi vui đùa. Không phải vì ba mẹ tôi quá nghiêm khắc không dám cho tôi ra ngoài chơi cùng lũ bạn, mà là vì lúc đó nhà tôi quá nghèo, ba mẹ phải đi làm xa, ba anh em nhà tôi phải ở nhà trông. Tôi, anh trai và cả em trai tôi mỗi người chỉ cách nhau hai tuổi, nên sở thích rất giống nhau. Đến việc làm nũng để đi chơi cũng giống nữa. Nhưng nếu ba mẹ cho một đứa đi, thì đứa còn lại sẽ phân bì, chính vì thế mà ba mẹ bắt cả ba đứa cùng trông nhà. 
Tuy nhiên, việc đó không làm khó ba anh em tôi.  Ba anh em thường lập kế hoạch để được thả diều cùng chúng bạn trong xóm. Kế hoạch này chỉ sử dụng được trong vòng hai giờ đồng hồ vì sợ ba mẹ về sớm. Thế là, cả ba đứa thay nhau đóng tất cả các cửa, từ cửa nhà dưới, nhà trên, cửa sổ và cổng thật chặt, rồi lẳng lặng mang diều ra đồng. Người ta thường nói “ăn vụng thì bao giờ cũng ngon”, lén lút đi chơi cũng thú vị không kém. 
Chạy thật xa ra giữa đồng, ba anh em tôi và chúng bạn mang theo rất nhiều thứ, nào là giấy, lá dừa,  keo dán, dăm ba cuộc chỉ, bút lông và cả bật lửa. Mục đích chúng tôi mang thật nhiều thứ ra là để làm diều. Chúng tôi thường hay gọi nó  là những cánh diều không màu sắc, vì nó chỉ làm từ những tờ giấy trắng tinh. Ngày đó, chỉ có những đứa con nhà hơi khá giả một chút thì may ra mới có diều mua làm sẵn. Diều làm sẵn thì bao giờ cũng nhiều màu sắc, có nhiều hình dáng nào là rồng, cá mập, chim,…Còn anh em tôi thì vẫn xé tập vở ra làm diều, có hôm mẹ tôi kiểm tra vở tập phát hiện ra cuốn vở nào của ba anh em tôi cũng mỏng te (mẹ tôi vẫn thường hay gọi là “mỏng như tờ giấy bổi”), mẹ nổi cơn giận ném mấy quyển tập xuống đất. Thế là cả đêm đó anh em nhà tôi nghe mẹ ca cải lương. 
Buộc chỉ vào diều, chúng tôi bắt đầu hô to “một, hai, ba, xem diều đứa nào làm bay cao hơn”. Những cánh diều không màu sắc cùng lúc bay lên, gió nổi, người của chúng tôi muốn bay theo, vì lúc đó đứa nào cũng ốm như cây tăm vậy. Vì gió to nên chúng tôi thả gần hết cuộn chỉ, để cho gió đưa diều lên cao hơn. Đùng một phát, dây chỉ của tôi bị đứt, làm tôi chạy đứt cả hơi mới theo kịp cánh diều đang dần đáp xuống mặt đất.  
Mỗi lần gió thổi, chúng tôi bỏ diều xuống đất, rồi đi mót lúa ở trên đồng. Chúng tôi nhóm lửa trên những ụ lúa lép và cho thêm vài bông lúa mót được để lên trên ụ. “Tách tách” là tiếng những hạt lúa chắt nổ, chúng tôi lấy cây hất nó ra và bỏ vào miệng nhai. Cái mùi thơm của lúa cộng với độ giòn hòa quyện cùng với nhau, chúng tôi gọi đó là tuyệt phẩm. Bây giờ, nhớ lại thấy thèm ghê. 
Vì dịch bệnh, tôi được về quê. Ngày qua ngày tôi đều trèo lên cái gác lửng mà ba tôi vẫn thường hay lên để hút thuốc, để xem bọn trẻ thả diều. Tôi nhìn những em nhỏ vui tươi hồn nhiên trong những ngày hạ oi bức khó chịu này. Mong một ngày nào đó, tất cả bọn trẻ ở quê sẽ được cắp sách đến trường, để được nhìn rộng hơn ra thế giới bên ngoài, lúc đó bọn trẻ sẽ được làm những điều mình thích, được tự do như những cánh diều trên bầu trời xanh. 
Người viết: Phùng Thị Lên