Trong thời đại ngày nay, con người chúng ta(đặc biệt là giới trẻ),  đang bận tâm quá nhiều đến những giá trị cá nhân nhằm mục đích chứng tỏ với người khác: tiền tài, địa vị, sắc đẹp, ngoại hình, tình yêu, danh vọng, số lượng bạn bè trên Facebook, độ nổi tiếng trên Instagram,...hay thậm chí là độ liều mạng. Mặt khác, những giá trị thể hiện về mặt bề ngoài đó, giúp che giấu đi sự yếu đuối bên trong, làm mai một bản sắc cá nhân.
Chúng ta nhìn nhận những lời soi mói, đánh giá, chỉ trích, của người khác như những mối đe doạ đến danh tính và cái tôi của bản thân mình, chúng ta bị chạm đến những nỗi lo sợ cảm xúc sâu thẳm nhất và thế là chúng ta xù lông nhím, phản ứng lại cực kỳ mạnh mẽ bằng sự tức giận, nghi ngờ bản thân. Chúng ta bị dội bom với bất cứ lúc nào và bất cứ đâu trên truyền hình, báo đài về những cuộc đời thành công, những tấm gương đáng ngưỡng mộ, vô tận những chuyện phiếm, scandal và rác thông tin trên Internet, rồi đến những mạng xã hội kiểu“các người nhìn xem cuộc đời tôi đáng ganh tị như thế nào”,… Và chúng ta tự hỏi: "Làm thế nào để được giống như họ?".

Với tất cả những “mảng thông tin gây ức chế mạnh” mà chúng ta chứng kiến hàng ngày dần dần tích tụ trong tâm trí, hàng ngày chúng ta tự nhìn lại cuộc đời bản thân mình và bắt đầu so sánh, theo chiều hướng tiêu cực, chúng ta nhìn những con người ăn mặc sành điệu, đẳng cấp và kiêu sa bước đi trên đường, rồi nhìn lại bộ quần áo rẻ tiền, đôi giày rách chúng ta mang và bắt đầu ganh tị, tủi nhục, chúng ta nhìn những cặp đôi tay trong tay hạnh phúc, và bỗng nhận ra thằng bé mang tên “cô đơn” càng lúc càng lớn ở trong lòng, đang cau có…Dần dần chúng ta mất kiểm soát, xấu hổ, tự ti, ganh tị, tự đày đoạ bản thân với “những thứ mà bản thân ta chưa có” . Chúng ta lại tự hỏi: "Làm thế nào, để được giống như họ".

Chúng ta tìm mọi cách để tự lừa dối bản thân mình, để chứng tỏ với những con người kia rằng chúng ta giống họ, cuộc sống của chúng ta cũng đáng ganh tị như họ. Chúng ta tải hàng loạt các ứng dụng chat, tìm người yêu, tán tỉnh bất kỳ ai chúng ta gặp trên đường với 1 câu gọn lỏn:"Mình làm tình với nhau nhé?" Chúng ta đăng hình đều đặn và liên tục lên mạng xã hội hàng ngày để tìm kiếm những sự “quan tâm thương hại” từ người khác, từ việc sáng nay làm rơi ví tiền, xui v*c, đến kỳ nghỉ mát xa hoa ở dinh thự 5 sao, rồi những đoạn status than thở, kể lể về cái cuộc sống khốn khó của mình nó đáng thương thế nào,  những cái “like” mà dần chúng ta coi đó là món ăn tinh thần hàng ngày, việc được quan tâm, được chia sẻ…trên mạng xã hội trở thành một thói quen khó bỏ.

Chúng ta cố phớt lờ tất cả mọi thứ và bước đi trên đường với cái điện thoại thông minh trên tay, check status, like những hàng dài vô tận những hình ảnh, bình luận trên mạng xã hội, chúng ta bắt đầu sợ yêu, sợ bị đánh giá, sợ bị xem thường, sợ phải khác biệt, và chúng ta tự xây cho mình những bức tường cao và dày che lấp hết mọi tầm nhìn từ phía trong ra lẫn phía ngoài vào, sơn một dòng to tướng ở phía trước “I DON’T FUCKING CARE” hay "DON'T YOU TOUCH ME"…một câu hỏi được đặt ra: liệu có phải thực sự mỗi chúng ta đang sống trong những chiếc điện thoại thông minh của mình? Và sau cùng, mỗi người đều trở thành những con rối của cảm xúc và định kiến xã hội, mỗi người đều phung phí thời gian, năng lượng hàng ngày để chứng tỏ sự hiện diện của bản thân, chứng tỏ với xã hội cái tôi vĩ đại của mình, mà lại quên mất một điều: Thực sự họ đang sống cuộc đời họ muốn, hay chỉ đang tồn tại để né tránh sự khác biệt của bản thân mình?
Thay vì hỏi: "Làm thế nào để được giống như họ", hãy hỏi "Làm thế nào để chấp nhận được sự khác biệt".
Vì căn bệnh "sợ khác biệt" mà chúng ta bỏ quên thậm chí vứt xó hầu hết những điều thực sự quan trọng với bản thân mình, gia đình, sự nghiệp, bạn bè thân thuộc, những mối quan hệ mang tính xây dựng, những con người thật sự quan tâm và yêu thương chúng ta, ánh nắng bình minh vào sáng sớm, tiếng chim hót, làn gió mát mùa thu thổi nhè nhẹ dưới chân, những câu chào hỏi, những nụ cười, những cái ôm, một quyển sách hay, một bản nhạc đi vào tâm hồn,… những điều đơn giản mà ý nghĩa của cuộc sống lại bị không ít người cho là nhàm chán, dở hơi và "có vấn đề" .Thời đại công nghệ hoá, quá tải thông tin đã khiến chúng ta mất đi bản năng cảm nhận và tò mò về mọi thứ xung quanh khi chúng ta còn là một đứa trẻ, khả năng ở một mình, đối diện với những nỗi lo sợ và cảm xúc của bản thân, khả năng thấu cảm người khác, khả năng sống sót qua một ngày mà không có chiếc điện thoại kế bên mình.
Chúng ta có quyền mặc bất kỳ loại quần áo nào chúng ta thấy thoải mái, kệ m* gu thời trang đi, chúng ta có quyền tự tin về bề ngoài của mình, mỗi người đều có một nét đẹp ngoại hình riêng biệt, vứt m* số đo 3 vòng chuẩn và 6 múi đi, chúng ta có quyền được ở 1 mình, được trò chuyện với bất kỳ ai chúng ta muốn, chúng ta có quyền được nói khi có ý kiến, được im lặng khi cần, được cười khi vui, khóc khi buồn, chúng ta có quyền và nghĩa vụ mưu cầu lòng tự trọng. Chỉ cần chúng ta cho phép bản thân mình, chúng ta, có quyền được khác biệt.

Đây là lần đầu mình đăng bài lên Spiderum, với ý muốn chia sẻ với các bạn một chút suy nghĩ, cảm nhận của mình về con người và xã hội hiện đại ngày nay, chủ đề này theo mình nghĩ thì không hề mới, nhưng mình đã viết lại theo cảm hứng nhất thời và tập hợp nhiều điểm quan trọng, cảm ơn vì sự quan tâm và rất mong nhận được phản hồi từ các bạn.