Cảm xúc và lý trí – Không tồn tại “Con người nhất thể”
Bài viết này được lấy cảm hứng từ cuốn sách “ Phi lý trí – Predictably Irrational ” của Dan Ariely về cách chúng ta đưa ra quyết định...
Bài viết này được lấy cảm hứng từ cuốn sách “Phi lý trí – Predictably Irrational” của Dan Ariely về cách chúng ta đưa ra quyết định khi bị kiểm soát bởi cảm xúc mãnh liệt.
Lý trí của chúng mình không phải lúc nào cũng hoạt động tốt
Trong cuốn “Phi lý trí” có một chương tác giả trình bày một thử nghiệm khá thú vị ở một nhóm đối tượng là nam sinh viên về cách họ đưa ra quyết định khi ở trạng thái “lạnh” (trạng thái không bị kích thích hay có thể nói là khi lý trí bị chi phối bởi cái tôi siêu ngã) và khi ở trạng thái bị kích thích tình dục (trạng thái khi sự phòng vệ và đạo đức biến mất hoàn toàn). Điều thú vị là, dù cùng phải trả lời một hệ thống câu hỏi giống nhau, nhưng đáp án đưa ra ở hai trạng thái này lại có nhiều trái ngược, đặc biệt là những câu hỏi liên quan đến các hành vi phi đạo đức như cưỡng dâm. (Nội dung thử nghiệm được trình bày trong Chương 5 của cuốn sách)
Tương tự như sự hưng phấn trong tình dục của đàn ông, phụ nữ cũng rất dễ “mất kiểm soát” khi đi shopping với một cái thẻ tín dụng =)))) Cảm giác thăng hoa khi mua được những bộ đồ thời thượng và trendy mà không cần băn khoăn về giá rất dễ khiến phái đẹp chi tiêu quá đà, dù chỉ mới cách đó vài giờ họ còn đang lên kế hoạch rất tỉ mỉ cho việc “Tiết kiệm”.
Kết luận được đưa ra là “Bình thường chúng ta tưởng là đã hiểu được chính mình, nhưng trong trạng thái phấn khích mãnh liệt, bỗng nhiên có một sự chuyển đổi nội tại nào đó và mọi thứ thay đổi”, chúng ta sẽ khó mà hình dung được bản thân mình sẽ làm gì hay cư xử như thế nào khi mất đi lý trí nếu chưa thực sự trải qua nó. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải hoàn toàn tìm kiếm câu trả lời thông qua trải nghiệm trực tiếp, sẽ vẫn có cách khám phá “con người thứ 2” của bản thân một cách gián tiếp.
Ví dụ như việc phụ nữ mang thai lần đầu sẽ khó hình dung được cảm giác đau đớn lúc sinh thường, do vậy họ sẽ khó quyết định có nên dùng thuốc giảm đau trước khi sinh hay không. Nhưng một vị bác sĩ sản phụ đã giúp những người phụ nữ này đưa ra lựa chọn dễ dàng hơn bằng cách yêu cầu họ nhúng tay vào một xô nước đá lạnh trong vòng 2 phút. Cảm giác này sẽ gần giống như cảm giác đau đẻ, nếu họ chịu đựng được, thì không cần thuốc giảm đau, và ngược lại.
Hiểu được cảm xúc của mình khi ở trạng thái đối lập và học cách làm chủ được nó khi bị kích thích (như cảm giác hưng phấn, tức giận, thù ghét….) là việc rất quan trọng giúp chúng ta đưa ra đưa ra những quyết định đúng đắn. Bạn biết đấy, bản thân chúng ta chưa chắc đã “kiên cường” như chúng ta nghĩ, cho nên hãy luôn phòng bị cẩn thận trước mọi cám dỗ:
“Say NO” khi cảm giác nguy cơ hoặc nếu “Say YES” thì nên phòng bị một số cách ứng phó với hậu quả của việc “đánh gãy lý trí”.
Theo tác giả, bài học này có thể áp dụng trong nhiều trường hợp, ví dụ như "giáo dục giới tính". "Giáo dục giới tính nên tập trung nhiều hơn vào cách làm chủ được những cảm xúc phát sinh khi hưng phấn tình dục". Như đã nói ở trên, tránh xa cám dỗ luôn dễ hơn việc vượt qua nó. Nhưng nếu cảm xúc khiến bạn muốn loại bỏ tất cả những nguyên tắc của bản thân, thì hãy mang theo bao cao su.
Mình có một người bạn luôn nói “không” với Smartphone. Nó chung thành với chiếc điện thoại cục gạch chỉ có chức năng nhắn tin và gọi điện từ bao năm nay, bởi nó sợ dùng smartphone thì không chữa được tật lướt mạng xã hội thường xuyên. Đối với nó, mạng xã hội là một “CÁM DỖ”, nếu cái sự “CÁM DỖ” này cứ available thì không khác gì “mỡ dâng miệng mèo”. Vì thế, nó tìm cách “tránh càng xa càng tốt”. Tuy nhiên, stupid phone cũng đem lại những bất tiện trong sinh hoạt, ví dụ nó luôn phải gọi điện nhờ mình đặt giúp Grab/Be hoặc Google Map hoặc check một số thông tin khi cần gấp. Gần đây, nó được em trai cho một chiếc iphone 6, nhưng chiếc điện thoại đó luôn trong tình trạng không SIM và không có 3G. Mỗi lần gặp nhau, nó sẽ bắt mình share mạng cho nó dùng ké khi cần nhắn tin, hoặc nếu không có mình, nó sẽ tạt vào một cửa hàng tiện lợi nào đó dùng chùa wifi. Đôi khi mình cũng thấy khá là không thoải mái với phương pháp “né tránh tiến bộ của nhân loại” này của nó, nhưng mà âu cũng là một giải pháp =))))
Viết tới đây, mình cảm thấy đã lý giải được một phần tại sao những người luôn điềm tĩnh, trầm ổn lại có sức hút đến như vậy. Có lẽ bản thân đã đi qua nhiều thăng trầm, chứng kiến nhiều việc, thông qua trải nghiệm, họ nhìn thấy bản thân mình ở nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, thử và sai trong một thời gian dài khiến họ biết cách điều tiết chính mình, do vậy chúng ta thường thấy họ sáng suốt khi đưa ra các quyết định.
Ai cũng muốn trở nên thông minh nên người ta tìm đến tri thức, nhưng ngoài sự thông minh sách vở, có lẽ chúng ta cũng cần thêm nhiều trải nghiệm để rèn luyện cảm xúc. "Đầu tư thời gian vào việc tìm hiểu hai con người trong chính bản thân mình, hiểu được trạng thái "nóng" và "lạnh" trong cùng một con người, nhìn thấy được khoảng cách giữa hai trạng thái đó đó" mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống của chúng ta, giúp tránh khỏi việc lầm đường lạc lối.
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất