Ở hai bên con đường một chiều đi tới miền khuất mặt, nhiều thứ đẹp lắm, chạy nhanh thở gấp thì không thấy được đâu.

1. Thông tin chung

- Tên tác phẩm: Hành lý hư vô
- Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư
- Thể loại: Tập tản văn
Đầu tiên phải cám ơn các bạn tốt bụng đã chụp lại mục lục cuốn sách giúp mình. Do chưa có điều kiện mua sách để ủng hộ tác giả, và không biết tên các truyện có trong sách, nên đã phải tìm người trợ giúp. Cũng nhờ vậy mà làm quen được với vài bạn cùng yêu mến cô Tư, cám ơn các bạn nhiều.
Biết tới cuốn sách qua “Trạm radio #51“, nghe và tâm đắc với truyện “biết sống” nên quyết tâm “Hành lý hư vô” sẽ là cuốn tiếp theo của cô Tư mà mình phải đọc.

2. Cảm nhận

Dưới đây là những cảm xúc cá nhân ngay khi đọc xong từng truyện, truyện nào không xuất hiện không phải vì không hay, mà đơn giản do không biêt viết gì thôi.
-neo lại bóng mình-
“Cho đi và mất trí nhớ, chỉ nhiêu đó mà anh phải học mấy năm mới thuộc”
“Sợ bị người đời quên mất” là nỗi ám ảnh của nhiều người, bằng mọi giá phải ghi lại dấu ấn của mình trong từng việc, từng hành động, cốt chỉ để thỏa mãn cái tôi cá nhân.
Lại có những người sống đơn giản, không sân si, cho đi yêu thương tự nguyện, lại để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người thân, bạn bè.
Vậy dấu ấn hữu hình hay vô hình sẽ lưu lại lâu hơn? Có lẽ không có câu trả lời cụ thể, nhưng tôi tin, sự cho đi không màng ghi nhận đáng trân quý hơn. Nhưng mấy ai sống vô tư được hết kiếp này…
-bên cuộc nổi trôi-
“Ở thời buổi thần Phật còn bị đẩy ra sau thần Tiền, người dửng dưng với sự nhiều tiền chắc phải can đảm lắm”
Ngồi trên một gia tài nhưng không thèm sử dụng, là cảm giác tôi chưa bao giờ có :))
Suy đoán cho lý do người ta có thể dửng dưng tới vậy thì nhiều lắm, đẹp có, xấu có, nhưng cũng chẳng để làm gì, chuyện của người ta mà, bàn cho vui thôi.
Quan trọng là bản thân mình này, còn trẻ nên với tôi tiền vẫn quan trọng, khi được trao cho cơ hội để kiếm tiền, tôi sẽ nắm lấy. Và tôi vẫn tự nhủ, phải chuẩn bị đủ năng lực để có thể sống tốt ngay cả khi không có “thừa kế” hay “vận may”, bởi nếu luôn trông chờ vào những khoản tiền từ đâu rơi xuống như vậy, sẽ rất nguy hiểm nếu như nó không tới, lúc đó biết cầu cứu ai?
Chỉ bản thân mới giúp được bản thân thôi.
-thừa ra con người-
“Phải có loại rô bốt nào biết nấu nướng, lau dọn nhà cửa, giá nửa tỉ tui cũng mua”
Chà, lần này cô Tư đặt vấn đề hợp thời quá, ưng.
Chuyện máy móc thay thế con người đã và đang diễn ra từng ngày, các công việc tay chân mất dần, nên đầu tư cho trí óc là xu hướng không thể tránh khỏi, nếu không muốn bị “thừa”.
Nhưng có cái muôn đời không thừa được, đó là tình cảm. Sự tiện lợi giúp ta làm mọi thứ suôn sẻ hơn, có nhiều thời gian rảnh hơn. Mà khi rảnh, ta lại có xu hướng tìm về những thứ liên quan tới cảm xúc.
Hồi mới qua Nhật tôi thích ăn cơm hộp lắm, ngon mà rẻ, hình thức thì bắt mắt, đẹp chẳng kém trong tiệm. Nhưng sau khi xem được một chương trình về quy trình sản xuất cơm hộp, tôi hết muốn ăn. Không phải vì dơ, vì nguyên liệu kém chất lượng, mà vì máy móc nhiều quá, chẳng thấy bàn tay con người đâu. Nên thôi, rảnh thì mua đồ tươi về nấu, bận thì đồ đông lạnh cũng được, nhưng vẫn phải tự mình nêm nếm, chế biến nó mới giống “đồ ăn”.
Nên, đừng đặt sự tiện lợi đi cùng với tình cảm, vì cái tình cảm ấy, không phải cứ thích là quẳng đi dược đâu.
-biết sống-
“Giàu nghèo gì phải vui mới được”
“Nhìn thấy cái đẹp trong thứ tưởng chừng vô dụng, trăm phần trăm chẳng phải người sống gấp sống nhanh”

Như đã nói ở đầu bài viết, đây là truyện tôi tâm đắc nhất, vì nó đúng với lối sống mà tôi đã chọn sau khi đọc Cái chết của Chu Du của Tony Buổi Sáng cách đây vài năm. Bài của Tony nói về tính đố kị, một trong những thói cần phải bỏ để biết sống.
Biết sống, biết đủ, không đố kị, không sân si, việc mình mình làm… tất cả cốt để đạt được cảm giác thanh thản, tránh căng thẳng, muộn phiền. Lối sống “không có tham vọng” ấy bị nhiều người chỉ trích lắm, vì không có tham vọng thì lấy đâu ra thành công. Không phải, tôi có tham vọng chứ, có cố gắng chứ, nhưng là cố gắng trong sự thoải mái, vì tôi biết cân bằng.
Sự cân bằng quan trọng lắm, quá sa đà vào một phía nào đó, sẽ khiến ta đi chệch hướng. Công việc hàng ngày đã vắt kiệt não trái rồi, thì thời gian rảnh hãy để não phải vận động. Đầu óc sắc sảo đi cùng với tâm hồn phong phú, chẳng tuyệt với hay sao?
Và tùy vào năng lực và tính cách, mà mỗi người có một mức cân bằng khác nhau, ta vẫn có thể đạt được thành công mà không nhất thiết phải cắt bớt thời gian hưởng thụ, tâm trạng thoải mái thì công việc ắt sẽ trôi chảy. Tôi tin vào cách suy nghĩ như vậy, vì thực tế, tôi đang dành rất nhiều thời gian cho sở thích riêng, và công việc của tôi thì không hề tệ 🙂.
-đến hồi tan vỡ-
“Thật may cho những ai không ký ức, họ không phải tiếc nuối cái thời mà con người sống hài hòa với thiên nhiên, với những sinh vật hoang dã, tận hưởng thơm thảo của đất trời.”
Tôi không có ký ức về thời mò cua bắt ốc, ăn những món dân dã tự nhiên, nhưng bố tôi thì có.
Đọc truyện mới ngẩn ra, bố cũng từng hay nhắc về những món ngon thủa trẻ, từ những món gắn liền với ruộng đồng như ốc, cua, tép, cá rô, … đến những món nghe đã rợn gáy như gan lợn vắt chanh. Thỉnh thoảng bố cũng nấu những món đó (trừ món gan lợn), nhưng ổng nấu không có ngon (xin lỗi bố 🙂), tôi vẫn ráng ăn vị sợ làm đứt mạch hồi tưởng về cái thời long lanh của ông đầu bếp. Cái thời mà thế hệ tôi không bao giờ được nếm thử.
Thèm ăn đồ dở ổng nấu ghê.
-dâu biển ngang qua một nét mày-
Truyện về cái sự làm đẹp của các chị em, nên tôi thì không có gì để đồng cảm ở đây cả 🙂
Chỉ thấy buồn cười sao cái chân mày quan trọng đến thế thôi. Tưởng các chị em thành thị bây giờ mới vậy, ai dè các cô các dì ở đẩu đâu cũng chăm chút thấy gớm.
Mà nhân cái chân mày, hỏi các chị em nè: ra đường là nhất quyết phải kẻ chân mày thật chỉn chu, vậy sao trước khi đi ngủ không kẻ luôn đi, người ngoài đường thì được thấy lá liễu tốt tươi, còn người nằm cạnh toàn thấy cành trụi là sao?
Bất công.
-dưỡng chất vô hình-
“Ờ, năm nay cây xoài rụng bông quá mạng, có khi tới Tết không có trái nào bày lên dĩa cúng ba tụi bây”
Chuyện dẹp Tết hay không.
Tết với tôi giống như Bố Mẹ vậy, còn nhỏ thì quấn quít, càng lớn càng xa cách dần. Rồi khi tách hẳn ra, không ở chung nữa, lại nhớ quay quắt. Mỗi lần gặp là bao nhiêu trìu mến đem ra hết, khác hẳn thời ở chung, gần mặt mà xa lòng.
Tết cũng thế, 5 năm không ăn Tết với gia đình khiến tôi vô cùng háo hức với cái Tết năm nay, khi tôi sắp về nước. Vẫn biết những điều khó chịu mà Tết đem lại vẫn còn đấy, nhưng cái cảm giác thèm muốn hiện tại còn lớn hơn. Những Tết tiếp theo, không biết còn cảm giác này hay không, nhưng cứ tận hưởng đã.
Còn dẹp hay không ấy à? Có những thứ không thể đem lý trí ra mà phân tích được. Khi nào dẹp được Bố Mẹ thì dẹp Tết nhé.
-hành lý hư vô-
“Những thứ bạn phụ thuộc vào, như thể chúng là tai, là mắt, là oxy, hóa ra buông bỏ được. Và có thể buông nhẹ không.”
Trong 5 năm sống một mình, tôi chuyển nhà có 2 lần. Cả 2 lần đều nhẹ tênh, cái gì bỏ là bỏ, vì tôi không quan trọng đồ đạc lắm. Cái thực sự có thể níu chân là những quãng đường đi tới mòn giày mòn dép, những kỉ niệm rải rác mỗi nơi một chút trên đường về nhà mà thôi. Nên mỗi lần có dịp về lại chỗ cũ, tôi không có mong muốn được ngó vào bên trong xem thế nào, mà chỉ muốn đi lại quẩn quanh những góc quen thuộc, để nhớ lại vài câu chuyện đã qua.
Sắp rồi, vài tuần nữa thôi là thêm một lần chuyển nhà nữa, hình như không phải chuyển, mà là bỏ.
Tôi chưa có mong muốn mua nhà, do tôi nghĩ mình chưa cần sự ổn định đó, mua nhà giống như tự trói mình vào một nơi, tự gạt đi các cơ hội, các trải nghiệm vậy. Hoặc đơn giản là chưa tìm được đúng nơi thôi…

3. Tổng kết

Từ hồi đọc Người Quảng đi ăn mì Quảng của Nguyễn Nhật Ánh, tôi đã thích thể loại tản văn, tùy bút. Vì nó đời, nó thật, nó gần gũi, nên khi biết cô Tư cũng viết thể loại này, tôi vui lắm.
Khác với giọng văn vui vẻ của NNA, cô Tư vẫn trung thành với sự tưng tửng mà buồn man mác, nhưng chính vì vậy mà người đọc phải dừng lại, đầu óc nghĩ vẩn vơ lâu hơn.
32 câu chuyện lần này không gói gọn ở xứ cô Tư nữa, mà trải dài nhiều nơi, nhiều chủ đề gần gũi với tôi hơn, nên ưng. Mặc dù chỉ viết ra được cảm nhận cho 8 câu chuyện, vì đó là những chủ đề mà tôi có trải nghiệm nên bật ra được ngay. Các câu chuyện còn lại vẫn hết sức cảm động, như bà nội trồng cây trên mộ con trong “khăn trắng cho cây“, chị Ba ở vậy để chăm sóc cho đàn em dù đã trưởng thành trong “người giữ hơi người“, hay cô Vẹm bình thản bán bánh mì với tấm lòng hào sảng dù thời thế bao đổi thay trong “trăm năm thắp lửa bên lề“. Còn nhiều, nhiều câu chuyện đáng đọc trong tập tản văn này lắm.
Đọc mà thấy trải nghiệm mình còn ít quá, biết tới bao giờ được đồng cảm hết với các câu truyện của cô Tư đây.
Hợp với ai?
- Cần những mẩu chuyện ngắn, có thể đọc bất kì lúc nào.
- Muốn thấy nhiều hơn những trải nghiệm cuộc sống qua góc nhìn của người khác.
- Hoặc đơn giản là thích cô Tư thôi 🙂
Tiếp theo đọc gì?
“Gió lẻ và 9 câu chuyện khác” của cùng tác giả.