Tôi đã thưởng thức khá nhiều những bộ phim sâu sắc cả về nội dung lẫn hình thức của Việt Nam, nhưng chưa có phim nào đọng lại trong tôi một dư vị bùi ngùi như Ba Mùa.
Ba Mùa đã lấy của tôi không biết bao nước mắt cùng vô vàn trăn trở suy tư, suy tư cho một kiếp người. Tôi đã khóc như một đứa con lần đầu tiên nhìn thấy Sài Gòn thân yêu qua cửa sổ máy bay sao bao năm xa cách nơi đất khách quê người.
Tôi ngậm ngùi thương Lan, cô gái làng chơi nhìn đời bất cần và chua chát đang chạy theo lối sống tây hóa. Cô sống bằng cái nghề mà thiên hạ cho là xấu xa nhơ nhuốc, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn mình cô vẫn đẹp – một cái đẹp hướng thiện. Cô khao khát quay về thời học sinh. Cô ước được khoác lên người một bộ áo dài trắng tinh khôi, thong thả dạo bước dưới tán phượng đỏ như màu máu tim ai.
Tôi mủi lòng thương Kiến An, cô thôn nữ sống dựa vào sen có tâm hồn thanh khiết như sen. Có lẽ cô không học cao hiểu rộng, nhưng cô thấu hiểu được nỗi đau thể xác và tinh thần của thầy Đào, một nhà thơ bị biến hình đổi dạng vì căn bệnh phong quái ác đang tự cách ly mình với thế giới bên ngoài ở cái am giữa đầm sen trắng. Với đôi bàn tay thơm ngát hương sen, cô giúp thầy Đào mắc bệnh phong được dịp tìm về quá khứ tươi đẹp và thổ lộ nỗi lòng qua những trang thơ.
Tôi cảm động cho James, một cựu binh Mỹ quay lại Sài Gòn tìm đứa con gái rơi của mình. Mỗi sáng ông ngồi trước khách sạn, đôi mắt nhìn xa xăm trong dòng người xuôi ngược dõi tìm bóng dáng đứa con thất lạc. Trời thương ông. Cuối cùng ông đã tìm được con. Ông bật khóc như một đứa trẻ khi thấy đứa con gái bằng xương bằng thịt ngồi đối diện nghe ông dãy bày nỗi lòng của một người cha.
Tôi khóc vì thương Woody, cậu bé con lai lăn lộn kiếm sống bằng nghề bán kẹo cao su và thuốc lá dạo. Những thước phim cậu xuất hiện đều bao phủ một màn mưa. Cậu bán hàng trong mưa; cậu chơi bóng trong mưa cùng những đứa trẻ đường phố khác; cậu ngủ dưới mưa bên ngoài cửa hiệu quần áo sang trọng. Cậu bị mất hộp đồ trong một đêm mưa, và cuối cùng tìm được nó cũng trong mưa. Phải chăng mưa Sài Gòn là những giọt nước mắt của cậu. Nước mắt của sự tủi hờn và cô độc. Đôi mắt cậu trông như trách móc, nhưng cậu biết trách ai đây. Đời nó thế.
Tôi cảm động vì thương Hải, anh chàng đạp xe xích lô si tình và giàu lòng nhân ái. Anh không ngại mà đem lòng yêu Lan dù nàng là chỉ là một con điếm, một con điếm có lòng tự trọng của riêng mình. Cô như một con thiêu thân bay vào ánh hào quang của cuộc sống phù du đầy xa hoa cám dỗ. Mặc kệ. Hải vẫn yêu Lan. Hải cháy hết sức trai trẻ dành giải nhất cuộc thi đua xích lô chỉ để mua giấc mơ cỏn con cho Lan.
Hải thuê khách sạn cho Lan vì Lan thích ngủ một đêm ở phòng khách sạn có nệm êm ái và máy lạnh mát mẻ. Anh không suồng sã buông phần con như bao gã đàn ông lắm tiền ngoài kia. Anh ngắm Lan như ngắm một nữ thần khi Lan mặc chiếc váy anh tặng, trong khi Lan muốn kết thúc cuộc đổi chát càng nhanh càng tốt. Nhưng không. Anh cất giọng ngọt và nhẹ như nước giếng: Lan ngủ đi. Tôi chỉ muốn nhìn Lan ngủ thôi. Chỉ thế thôi. Vậy là Lan ngủ. Tôi tin đó là giấc ngủ ngon và sâu nhất trong đời cô gái bán hoa như Lan.
Tôi khóc vì nhớ Sài Gòn – một Sài Gòn chợt nắng chợt mưa. Sài Gòn là nơi để thương để nhớ dù Sài Gòn chỉ làm trạm dừng chân cho một kẻ lữ hành thích dạo chơi khắp chốn như tôi.Thương vì nơi ấy có những người con xa quê vất vả mưu sinh, ‘gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn’. Nhớ vì nơi ấy là nơi tôi đặt chân xuống đầu tiên khi về Việt Nam để tận mắt nhìn thấy hình ảnh thân thuộc ngày nào.
Bộ phim chỉ xoay quanh những kiếp người nhỏ mọn tầm thường như thế. Cũng như đất Sài Gòn đang quằn mình vươn lên sau lệnh cấm vận về kinh tế được gỡ bỏ, người Sài Gòn trong Ba mùa chật vật bươn chải nhưng luôn tràn trề hy vọng và thương yêu nhau. Họ nghèo về vật chất nhưng giàu có về tâm hồn. Họ vẽ nên Sài Gòn một bức tranh đối lập, đậm tình người và cũng đậm chất thơ.
Đó là sự đối lập giữa đầm sen trắng xanh mát và cái am u ám cũ kĩ; giữa cái nóng oi ả và cơn mưa mát lành của một Sài gòn hai mùa mưa nắng; giữa những khách sạn lấp lánh đầy hoa lệ và những khu nhà ổ chuột dơ bẩn bừa bộn; giữa những dòng chảy giao thông hối hả không bao giờ dứt của đất Sài Thành và những chiếc thuyền nan mong manh chầm chậm lướt nhẹ trên mặt hồ sen tĩnh lặng vào mỗi sớm mai.
Tình người thấm đẫm trong từng thước phim. Kiến An rưng rưng nước mắt, cất lên tiếng hát da diết qua làn điệu dân ca Đố Ai (do Phạm Duy phổ nhạc) như một lời đưa tiễn thầy Đào về nơi chín suối. Dẫu tiếng hát ấy không xóa đi nỗi đau thể xác nhưng cũng phần nào làm vơi đi vết thương lòng hằn sâu của một thi nhân xấu số, giúp ông ra đi thanh thản. Trong đêm mưa lạnh lẽo, trái tim của Woody nhỏ bé dường như ấm áp hẳn lên khi cậu có bạn đồng hành là cô bé lượm lon còn nhỏ hơn cả cậu. Cô bé sẵn sàng chia sẻ miếng bánh với cậu dù miếng bánh ấy không đủ lót dạ cho cô bé. Rồi hai đứa bé tựa vào nhau ngủ trong mưa. Hải kiên nhẫn chờ Lan để chở nàng về nhà sau những giờ phục vụ khách dù nàng thẳng thừng khước từ; ân cần chăm sóc cho Lan khi nàng bị cảm; đưa nàng quay về thời áo trắng trong trắng ngây thơ.
Chất thơ cuộn dài từ đầu phim đến cuối phim. Làn điệu dân ca Đố Ai đậm chất thơ là cầu nối tâm hồn giữa Kiến An và thầy Đào. Rồi làn điệu dân ca ngọt ngào thiết tha ấy lại đưa ta về dòng sông êm đềm, nơi Kiến An thả những đóa sen trắng để tri ân những cô gái tảo tần chốn quê theo ước nguyện thầy Đào. Hình ảnh Lan mặc chiếc áo dài trắng lặng nhìn trăm cánh hoa rơi trong màn mưa phượng vĩ càng làm cho chất thơ ấy thêm trữ tình và vương vấn lòng người.
Có ai đó bảo tôi mùa thứ ba trong Ba Mùa là mùa hy vọng. Nhưng với tôi, mùa thứ ba ấy là mùa nhân văn - một mùa nhân văn sâu lắng, thắm đậm nghĩa tình. Đó là mùa của những trái tim đồng cảm, vị tha, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc khó khăn hoạn nạn của cuộc đời.
Nếu bạn là một đứa con sống cách đất mẹ ngàn dặm xa xôi, bạn càng phải xem Ba Mùa. Bản sắc nghệ thuật chất lừ qua những góc quay trầm mặc chậm rãi và sống động sẽ làm bạn phần nào nguôi đi nỗi nhớ quê hương. Tính nhân văn cao cả qua những nhân vật bình thường nhưng không tầm thường, chịu thương chịu khó, sẽ làm bạn thấy ‘cuộc đời vẫn đẹp sao’1 dù ‘ngoài kia bão tố đầy trời’2.
Mai Huỳnh
Chú thích:
1.Lời trong bài hát Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao do Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc từ thơ Bùi Minh Quốc
2.Lời trong bài hát Xin Thời Gian Qua Mau’ của tác giả Lam Phương