Đây là link trên youtube mà mình đã nghe
Mình đã từng gặp vấn đề về "burn out". Khi tìm hiểu về nó, mình tiếp cận được tới video của Light Talks. Kênh Đuốc Mồi và anh Trần Tuấn là kênh mà mình theo dõi khá lâu, dù chưa gặp họ bao giờ nhưng những gì họ đem lại thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ. Và mình cũng ngạc nhiên không kém khi anh Trần Tuấn lại có mong muốn phát triển dự án Light Talks này. Mục đích của nó là nơi người ta được chia sẻ, đồng cảm về những tổn thương tinh thần khi đi làm, và từ đó mỗi người tìm được giải pháp để chữa lành.
Thật sự mà nói, nếu bạn chưa trải qua tổn thương này, bạn sẽ không hiểu nó như thế nào, hoặc bạn cũng dễ nhầm lẫn nó với một số trạng thái tâm lý khác (nhưng có biểu hiện khá giống nhau). Ví dụ như trạng thái "burn out" ở trên, dù cùng có biểu hiện là bạn không còn ham muốn đến nơi làm việc, không có động lực làm việc, không còn nhiệt huyết... thì nguyên nhân của nó cũng có rất nhiều. Nếu không tìm đúng nguyên nhân, không gặp được "bác sỹ" thực sự hiểu và đồng cảm thì chúng ta cũng không có cách chữa đúng.
Mình nhận thấy cùng là 1 trạng thái "Burn out", nhưng ở độ tuổi 2x với 3x cũng khác nhau khá nhiều. Trước đây mình đã trải qua giai đoạn bế tắc khi công việc không phù hợp ở độ tuổi 24-25. Phần này mình đã chia sẻ trong Series Cà phê 1 mình. Cách mình thoát ra khỏi nó, tìm lại động lực và phát triển tiếp. Sau khi nhìn lại, mình thấy trạng thái burn-out đó là trạng thái chưa hiểu rõ bản thân, chưa hiểu rõ về xã hội - hay nói một cách khác là "tham gia cuộc chơi mà chưa hiểu luật chơi". Khi được những người đi trước chỉ bảo (như ông anh trong phần 2, bác già trong phần 13) thì mình đã hiểu ra luật chơi và tự tin hơn, mạnh mẽ hơn và có những bước tiến khá mạnh mẽ.
Bây giờ ở độ tuổi 34-35 mình lại có 1 cái burn-out khác. Dù vị thế khác nhau nhưng nó có biểu hiện tâm lý giống nhau: Chán mọi thứ, mất động lực, có mục tiêu nhưng không đạt được, hoặc không duy trì đủ "nhiệt" để đi tới mục tiêu. Cảm giác nó giống như đi xuống dốc và dừng lại, nhìn thấy phía trước mông lung. Để dễ hình dung thì bạn cứ tưởng tượng về 1 hình chữ A. Trạng thái Burn-out như nét nằm ngang của chữ A, phía bên trái là giai đoạn 2x và phía bên phải là giai đoạn 3x, chỉ khác là đang đi lên hay đi xuống mà thôi.
Cách thoát khỏi burn-out ở tuổi 2x thường là nghỉ việc, tìm việc khác. Bởi khi làm 1 thứ mới lạ, thử thách bản thân, có những mục tiêu mới, gặp gỡ con người mới... tạo ra hứng khởi để làm việc. Chúng ta cũng không bị quá nhiều áp lực như gia đình, con cái... mà chỉ đơn giản là đối diện với chính mình mà thôi. Còn ở tuổi 3x này thì không dễ dàng như thế. Khi đã biết mình giỏi ở đâu, mình rất khó để đổi sang làm 1 cái khác. Việc thay đổi sẽ ảnh hưởng lớn tới thu nhập, tới các mối quan hệ, tới khả năng thích nghi, rồi bị những kinh nghiệm có sẵn ngăn cản mình tiếp cận cái mới. Do đó việc thoát khỏi trạng thái burn-out ở độ tuổi này cần có phương pháp khác. Không đơn giản nói nghỉ là nghỉ, nói thay đổi là thay đổi được.
Một vấn đề nữa là "nói ra thì không có người hiểu". Khi người ta còn trẻ, ta gặp vấn đề, gặp bế tắc... thì rất dễ được cảm thông. Bởi tâm lý: nó còn trẻ người non dạ, vạn sự khởi đầu nan, là do chưa hiểu luật... và rất dễ để có các đàn anh, đàn chị chỉ bảo cho. Lúc ấy yêu nhau thì người yêu vẫn chưa tạo nhiều áp lực, hoặc có thể "bỏ tìm người khác" cũng được. Còn ở tuổi này, nói ra chẳng ai hiểu cho. Người ta (kể cả người thân cận và tin tưởng nhất) cũng dễ dàng nói: tuổi này rồi mà còn như thế, hay "ông mà như thế thì ai lo cho con ông"... nói chung cách nhìn ở độ tuổi này khắt khe hơn với burn-out. Người ta khó chấp nhận người khác bị burn-out khi họ đã có kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc, có trách nhiệm, có những thứ mà kẻ khác mơ còn chẳng được...
Vậy nên tôi nhận thấy sự cần thiết của 1 dự án như Light Talks mà anh Trần Tuấn đang phát triển. Người ta cần 1 nơi để chia sẻ, để được lắng nghe, được nói, được đồng cảm, được tham khảo từ những người có chung cảnh ngộ. Có thể giải pháp vượt qua nó là do chính bản thân họ phải tìm ra, nhưng đó không phải là cái họ yêu cầu ở 1 nơi như Light Talks. Không có giải pháp nào là giống nhau cho mọi người, không có vấn đề tâm lý nào là giống nhau hoàn toàn. Nó chỉ có những nét tương đồng mà thôi. Chỉ đơn giản là "cảm" (đồng cảm) và "nhận" mà thôi. Chính vì được "cảm" nên tự họ sẽ "nhận" được thứ họ cần, mà đôi khi người cho còn chẳng biết họ đã cho cái gì. Tôi nghĩ đó chính là liều thuốc của tâm bệnh. Trong tâm mỗi người đều có 1 ngọn lửa, chỉ cần họ được khơi dậy, được mồi, được ở cạnh nhau, ngọn lửa ấy sẽ tự lan tỏa và rực cháy, nếu như họ thực sự muốn được cháy.