Thật ra tôi đã nghe tên ông từ trước và cái tên ấy để lại tôi một cái ấn tượng lạ, Hồ Dzếnh, tên có chữ “z” đúng là chưa từng thấy trong những cái tên Việt Nam thông dụng. Đương nhiên đó là chuyện của tôi vào thời ngu dại ngày trước, sau này tìm hiểu, ai cũng có thể nhận ra chuyện tên ông có chữ “z” cũng không có gì đáng bàn, chỉ hơi lạ mắt với ai lần đầu gặp mà thôi.
          Chân trời cũ, cái tiêu đề mà làm ta mơ về một thời xa vắng nay có vẻ không còn hiện hữu. 14 câu chuyện trong tập truyện này là thế, qua những dòng hồi tưởng của nhân vật tôi (người con, người em,…) như chính là Hồ Dzếnh kể lại những chuyện gia đình mình, ai đã thích những truyện không cốt truyện của Thạch Lam thì có thể thích cuốn sách. Nếu hỏi nó có phải là hiện thực không thì có đấy nhưng lại một hiện thực được tái tạo lại qua những những nỗi buồn man mác chẳng nguôi.
          Đọc Hồ Dzếnh, mà cụ thể là tập truyện này, ngay từ câu chuyện đầu tiên thì như đã có bàn tay của một cậu bé dắt tôi đi vào cái vùng chân trời ấy. Tôi lạc lối trong một con xóm nhỏ, không biết hỏi han ai nơi xa lạ vì trông ai cũng vội vàng quá thể. Thế mà vì sao tôi lại chú ý đến một chàng trai ngồi trầm ngâm tại một quán nước bên vệ đường, tuy hơi ngại nhưng tôi đánh bạo mà bắt chuyện hỏi han anh. Có vẻ như anh đang buồn gì lắm, anh chia sẻ tôi vài thứ rồi dần tôi phát hiện anh là người Hoa, cứ thế tôi bị cuốn vào nỗi buồn của anh lúc nào chẳng hay.
          Anh kể tôi nghe về những người bước qua đời anh, chà nghe to tát quá, thật ra họ chính là những người thân anh thôi, mẹ anh, ba anh ,anh cả anh, anh hai anh,… Có thể do tâm hồn anh kì lạ, anh cho là thế, anh chia sẻ trong một đợt nói về mẹ mình: “Thuở thơ ấu của tôi phần lớn là những ngày buồn bã, cái buồn bã không đâu, đến bây giờ còn theo dõi tôi mãi.” Dường như, nỗi buồn từ những người thân ấy để lại cho anh những vết thương đã thành sẹo để rồi một khi ký ức gọi về, chúng lại cứ thế mà nhói lên. Mà đâu phải họ làm anh buồn, hình như anh buồn vì lúc ấy sao mình vô dụng quá, anh mong ước có thể làm gì giúp cho cái hoàn cảnh khốn khổ của họ (đương nhiên là cả anh nữa) nhưng sao được đây khi anh đã bất lực trước thực tại, để rồi chúng cứ đằng đẵng theo anh đến sau này.
          Anh, con người mang hai dòng máu Việt Nam lẫn Trung Hoa cứ để hồn phiêu du trong miền tình cảm của hai quốc gia, có lẽ do anh chưa một lần quay về đất nước bên kia nên hồn anh cứ lang thang trong cái đẹp của những bài Đường thi cổ để rồi dừng chân trong sự yêu thương mà người mẹ Việt Nam dành cho anh. Anh yêu lắm những con người gắn bó với mình trên mảnh đất này và rồi yêu luôn dải đất này lúc nào không hay.Tiếc thay, cuộc vui nào ắt cũng tàn, không có nhiều thời gian để trò chuyện cùng anh, tôi vội ghi chép lại chút cảm xúc mơ màn đọng lại trong cuộc trò chuyện trước khi chúng nhạt dần.
          Đọc Hồ Dzếnh, một trải nghiệm pha lẫn giữa hiện thực và lãng mạn, cái hiện thực chìm xuống và cái lãng mạn được tài của ông tôn lên nhưng dù có thi vị đến đâu người đọc làm sao thoát khỏi nỗi buồn của hiện thực, cái đẹp trong văn chương Hồ Dzếnh mang cho ta một nỗi buồn dai dẳng.