Cơ duyên của mình với sách cũng khá hy hữu, mình biết sách qua 1 bài post nào đó nhắc về sách rất sơ sài, nhưng do thầy Giản Tư Trung là 1 nhà giáo dục mình khá thích qua 1 bài phỏng vấn, nên mình có để tâm, trước lễ mình có tính đặt mà lại quên mất, thì hôm 30/4 lúc đi ăn sáng vs cậu em xong tự dưng nó rủ đi đường sách chơi, với nó thì đúng nghĩa là chơi =) chứ nó có đọc sách bao giờ, vậy là 2 chị em cầm ly cà phê đi tàng tàng, lang thang một hồi thì mình sực nhớ ra tựa sách,rồi đi tìm, hỏi đúng chỗ nhà sách Phương Nam, bạn nhân viên vớ lấy đưa ngay trong sự bất ngờ của mình, mình thốt lên bảo ôi anh hay quá, ảnh còn bảo best seller mà em.
Về nhà là mình nghiền ngẫm suốt 2 ngày liền, sách hay thật, chả trách được tái bản những 13 lần rồi =) Sách chia làm 4 phần tương ứng với 4 vai trò mà tác giả/thầy nghĩ rằng đã là người thì sẽ đâu đó đều thực hiện/theo đuổi: Làm người, làm nghề, làm dân và làm giáo dục.
Bằng giọng văn độ lượng, giảng giải, và mình cho là "thuộc thế hệ trước" vì thầy dùng khá nhiều từ, cụm, thành ngữ mà hiện tại khá ít dùng nữa, như Đồng thanh tương ứng, Đồng khí tương cầu, Khai Minh - Vô Minh, nô dân, bồi bút, trí nô...Nhưng không vì như vậy mà sách rơi vào kịch bản giáo điều, "đao to búa lớn" hay sáo mòn không thực tế. Khép sách lại, mình cảm giác như mình vừa được đi học lại, được ngồi ở giảng đường và nghe 1 vị giáo sư thông tuệ, khiêm nhường chia sẻ về những gì thầy đã đúc kết, và với 1 thái độ cầu thị, trân trọng với người học, người nghe. 
Với phần làm người, thầy cho rằng năng lực làm người của chúng ta nên bắt đầu từ 2 việc cơ bản nhất, là Khai Minh/Khai Trí và Khai Tâm
Nếu khai minh/khai trí theo thuật ngữ phương Tây hay dùng là "keep ur mind open" - thì thầy nói, việc khai minh/khai trí là luôn giữ một tâm thế học tập, và ý thức được sự vô hạn của tri thức, học để phân định, minh định rõ, ai là ai, cái gì là cái gì, và mình là ai. Thì Khai Tâm là giữ cho mình một trái tim nóng, vì thầy tin, và thầy trích dẫn từ lời của một nhà Thầy kinh học trong bài phát biểu tại đại học Stanford của ông, rằng "Điểm độc đáo của con người, thứ riêng có của giống người là chúng ta có khả năng đồng cảm với cả những giống loài khác, biết rung cảm trước những giá trị vô hình, chẳng hạn như có thể rơi nước mắt trước một bức tranh".
Thầy suy rộng ra và kết luận "Nói đơn giản, năng lực làm người, ngoài cái đầu minh định, còn cần một trái tim có hồn, một trái tim biết rung lên trước cái đẹp (không chỉ là cái đẹp hữu hình, mà là cái đẹp vô hình, cái đẹp không nhìn thấy và không sờ thấy) một trái tim biết phẫn nộ trước cái sai, cái xấu và cái ác, một trái tim đầy tình thương yêu và giàu lòng trắc ẩn. Một người mà không còn xúc cảm, không còn tin vào điều gì, nhất là những điều tốt đẹp trong cuộc đời này nữa, cũng như không còn biết đau chung nỗi đau của người khác thì về cơ bản, người đó đã "chết lâm sàng" 
Đọc đến đoạn này, mình thấy quá tâm đắc, vốn những người như mình hay bị người khác gán cho là sến súa, bao đồng, tâm hồn treo trên ngọn cây, nhạy cảm thái quá, tâm trạng thất thường, thì, hơn bao giờ hết, những lời này như sự trấn an và cổ vũ thầm lặng, để biết rằng, mình ổn, và mình cũng đang làm một Người nên làm, nên sống, và chẳng có gì là sai khi ta mang trong mình một trái tim biết yêu thương cả, rất rất không sai, nhỉ?
Một đoạn khác ở cũng chương làm người, trước đó thầy đang nói về có 3 cấp độ hạnh phúc khi chúng ta lao động
1 là làm cho "ra tiền",
2 là làm cho "ra việc",
và cuối cùng là làm cho "ra người".
"Nếu đi làm cứ cố gắng làm cho ra người và làm cho ra việc thì nhất định sẽ ra tiền. Nói cách khác, đối với những con người tự do/tự trị thì "làm cho ra người" mới là mục đích thật sự khi làm việc, còn cấp độ 2 (tình cảm, sự quý trọng) và cấp độ 1 (tiền bạc, quyền lực, danh phận...) chỉ là hệ quả tất yếu mà họ sẽ nhận được. Với họ, đây mới thực sự là "được sống đúng với con người của mình" trong công việc, và đây mới đúng là "được là chính mình" hay "hãy là chính mình" trong công việc.
Tính chất công việc của mình hay tổ chức hoạt động cho các em thiếu nhi. Có những việc mà sếp, đồng nghiệp, hay thậm chí CEO, đâu hề mảy may biết mỗi lần đi chuẩn bị cho 1 hoạt động, mình & team đã tốn công sức và chất xám như thế nào, như ví dụ đi tham quan vườn thú chẳng hạn, tụi mình sẽ đi bộ như các bé sẽ đi, vào từng cái toalet, lội xuống hồ bơi, đếm từng cái quạt ở khu ăn trưa, chọn khung giờ đi nắng nhất...tất cả những điều đó, đâu phải để đổi về một con số % tăng lương hay một cái trophy, nên khi "phía trên" thay đổi, huỷ bỏ kế hoạch vào phút chót, mình thường không buồn nhiều, không phải vì đã quen (mà chắc cũng có đó ha ha), nhưng là vì mình vẫn nghĩ, nếu được làm lại, mình vẫn sẽ làm y chang như vậy, và đối tượng tiếp nhận những tâm tư lo lắng chu toàn của mình, không phải họ, mục đích của mình, cũng không phải là để được khen hay công nhận hay có chuyện để kể lể, khoe khoang.
Tư tưởng này, cách sống, cách làm việc này , có lẽ dần dần trở nên "quý hiếm", thậm chí lạc lõng, nhưng chính vì vậy mà mình lại càng thấy tin tưởng vào những gía trị mình đang, và sẽ tiếp tục theo đuổi hơn, tin rằng, chỉ cần mình vẫn giữ được đạo sống, đạo làm nghề như vậy, thì mỗi đêm đi ngủ, mình đều có thể vỗ giấc thật ngon, tin rằng mình đang làm tất cả những điều đó, chỉ để mình không hổ thẹn với chính mình, không vì ai khác, không vì một lợi ích hữu hạn nào khác cả.
Sự thanh thản xen lẫn một chút tự hào mình có khi khép lại những trang sách này, mình, nhận ra một niềm vui dạt dào trong tâm tưởng, niềm vui của sự khai sáng, niềm vui của tri thức, và niềm vui vì mình lại được tiếp thêm động lực để can đảm hơn cho mỗi việc mình làm, cho mỗi ngày mình sống.