Tác giả Viktor E Frankl là một bác sĩ tâm lý, đã từng sống trong trại tập trung Đức Quốc Xã, qua câu truyện này, ông kể lại những diễn biến tâm lý của người tù và trình bày liệu pháp ý nghĩa là phương pháp hiệu quả để vượt qua tình cảnh khó khăn.
Câu chuyện được tác giả chia làm 2 chương:

Chương 1: Trải nghiệm của tác giả trong trại tập trung

Tóm tắt chương 1 là lời kể lại câu chuyện về những người tù lao động khổ sai, thiếu ăn, bị tra tấn dã man, điều kiện sống tồi tệ cùng với những biến chuyển tâm lý của họ. Qua đó, ta thấy được tình trạng khổ sở đã khiến người tù trở nên vô cảm, tinh thần bạc nhược. Nhưng ẩn trong đó vẫn còn một sự tự do chọn lựa thái độ sống cho dù điều kiện ra sao. Và tác giả nhấn mạnh, chính thái độ chọn lựa mục đích sống đã cứu người tù khỏi thực tại và khiến họ vượt qua được mọi thử thách.

Chương 2: Liệu pháp ý nghĩa là cách để vượt qua khó khăn

Theo ông, để tìm được ý nghĩa cuộc sống, con người phải biết “vượt thoát khỏi những ham muốn cá nhân bằng cách làm điều gì đó có ý nghĩa với ai đó hay sự vật / sự việc nào đó ngoài bản thân mình…, hay bằng cách trao cho mình một lý do để phụng sự hoặc tìm cho mình một ai đó để yêu thương”.
Thậm chí khi đối mặt với sự mất mát và đau buồn, tinh thần lạc quan, thái độ quả quyết và tấm lòng dạt dào tình cảm, tin yêu cuộc sống đã khiến ông luôn tin tưởng rằng niềm hy vọng và năng lượng tích cực có thể chuyển những thách thức thành chiến thắng. Trong cuốn Đi tìm lẽ sống, ông nhấn mạnh rằng không nhất thiết phải đau khổ mới tìm thấy ý nghĩa sống, mà là “ý nghĩa sống vẫn tồn tại bất chấp mọi đau khổ”. Quả thật như vậy, “những đau khổ không cần thiết sẽ biến ta thành ngớ ngẩn hơn là anh hùng”.
Cuốn sách trình bày tư tưởng về phương pháp chữa trị, nhấn mạnh đến hoạch định tương lai để tìm thấy ý nghĩa sống.
Đây là một cuốn sách có giá trị lớn lao trong ngành tâm lý học hiện đại, và truyền cảm hứng giúp mọi người nhận thức sâu sắc hơn những câu hỏi về ý nghĩa, mục đích sống.