Cảm nhận của em về nhân vật tràng trong tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân
Kim Lân là nhà văn chuyên viết về truyện ngắn. Đề tài của ông luôn gắn liền với hơi thở đồng ruộng Bắc Bộ, nơi những con người quê...
Kim Lân là nhà văn chuyên viết về truyện ngắn. Đề tài của ông luôn gắn liền với hơi thở đồng ruộng Bắc Bộ, nơi những con người quê hương chân chất, thật thà, coi trọng nghĩa tình, rất nhân hậu và giàu yêu thương. Đó là ông Hai - một người nông dân yêu làng yêu nước nhưng phải đối mặt với bi kịch làng Chợ Dầu theo "giặc" trong tác phẩm "Làng"; đó còn là anh Tràng - mộ người đàn ông xấu xí, nghèo khổ nhưng vẫn chấp nhận cưu mang một người đàn bà xa lạ ngay giữa cái nạn đói trong truyện ngắn "Vợ nhặt". Có thể nói rằng, "Vợ nhặt" là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Kim Lân trong cuộc đời lao động nghệ thuật của mình. Bằng tài năng nghệ thuật, đặc biệt là biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật sâu sắc, Kim Lân đã để thương để nhớ trong lòng người đọc sự xúc động mãnh liệt và những suy nghĩ đáng lưu tâm thông qua nhân vật Tràng.
Tràng là một tiêu biểu cho hàng ngàn, hàng vạn, thậm chí hàng triệu người dân của đất nước ta trong cái nạn đói khủng khiếp năm 1945. Anh là một người có ngoại hình thô tháp, xấu trai, tính tình có phần dở hơi, đã lớn tuổi và đang trong tình trạng ế vợ. Không rõ anh quê quán nơi nào, chỉ biết anh là dân ngụ cư, sống ăn nhờ ở đậu trên đất người khác. Anh ở với mẹ già trong túp lều nát, xiêu vẹo, "lổm chổm những búi cỏ". Thế nhưng anh rất được lòng tụi con nít trong xóm. "Đứa trẻ to xác" này cứ mỗi lần đi làm về, lại tụm năm tụm bảy bày trò chơi với lũ trẻ trong xóm. Tụi nó thích Tràng lắm, cứ ngóng Tràng mau về để chơi. Cú mỗi lần thấy bóng Tràng lấp ló đầu ngõ là chúng nó lại reo hò lên "Anh Tràng về rồi chúng mày ơi!" đủ để thấy được Tràng được mọi người yêu thích như thế nào. Không những vậy, Tràng còn là một người đàn ông tinh tế, giàu lòng thương người và tràn đầy khát vọng được sống, được hạnh phúc.
Cụ thể là, trong một lần đẩy xe bò lên dốc tỉnh, Tràng vu vơ hò:
" Muốn ăn bánh đúc mấy giò này
Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì!"
Tràng chỉ hò vu vơ thôi, không có ý chòng ghẹo cô nào cả. Thế mà thị xuất hiện. Từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến bây giờ, chưa ai tình tứ với Tràng như thế. Trong cái thời sống dở chết dở, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ mong manh như sợi tóc, thế mà Tràng lại chấp nhận thị. Thân Tràng Tràng lo chưa xong, giờ thêm thì có mà đeo bòng. Nhưng Tràng kệ, "lá rách ít đùm lá rách nhiều". Trong cái thời buổi khó khăn ấy, Tràng và thị nên duyên vợ chồng nhờ "bà mai" là bốn bát bánh đúc. Thú thật, chẳng có ai lấy được vợ như cách của Tràng cả. Như bà cụ Tứ nói "người ta dựng vợ gả chồng lúc nhà ăn nên làm nổi", còn Tràng lại lúc đói khổ lại "nhặt" được cô vợ về nhà. Thế nhưng không phải vì nhặt mà anh không trân trọng, sau mộ ngày làm việc mệt mỏi, kiếm được đồng tiền chật vật khó khăn, Tràng vẫn sảng khoái mời thị ăn, đưa thị mua đồ lặt vặt, đánh chén no say ở chợ rồi mới về nhà. Trên đường về, bao suy nghĩ, cảm xúc, niềm vui của anh đều được tác giả miêu tả một cách chân thức như cái mặt "phớn phở", "tủm tỉm cười nụ",... Có lẽ anh đang rất vui sướng. Cái niềm vui có được vợ của Tràng mấy ai hiểu được. Rồi khi nhìn thấy mấy người ở xóm ngụ cư bàn tán về mình, anh lại "vênh mặt lên tự đắc". Tràng tự hào về bản thân mình, anh giờ đã có vợ. Tràng mà cũng có vợ rồi đấy, đâu tầm thường chút nào.
Khi dẫn vợ vào nhà, Tràng "xăm xăm" đi trước, nhìn cái không gian bừa bộn nào quần áo, nào nồi niêu mà "cười cười" thanh minh với thị rằng nhà thiếu đàn bà nên mới thế. Quả thật, nhà Tràng bây giờ thiếu bàn tay của một người phụ nữ trẻ khỏe để vun vén nhà cửa. Mẹ Tràng già rồi, không đủ sức để làm nữa. Tràng cần thị. Một cái khát vọng được sống, được hạnh phúc từ từ nhen nhóm ngay trong Tràng. Để rồi khi mẹ về, một nỗi sợ không tên từ từ lớn lên trong anh. Có lẽ anh sợ mẹ phản đối, sợ cái khát vọng vừa nhen nhóm sẽ bị dập tắt. Chuyện lấy vợ là chuyện trọng đại, vậy mà anh lại tự quyết định, lại chẳng nói với mẹ câu nào. Thế mà trong cái tình huống khẩn cấp đó, ứng xử của Tràng đã khiến chúng ta phải kinh ngạc. Anh đón mẹ về từ ngõ, đưa mẹ vào nhà, mời mẹ ngồi lên giường rồi mới thưa chuyện. Tràng không nhanh không chậm, có thưa có gửi, giải thích cho mẹ hiểu về sự xuất hiện của người đàn bà lạ mặt "Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đó u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp nhau ... " Chỉ với đôi ba câu kể ngắn gọn, Tràng đã làm yên lòng vợ, bằng lòng mẹ, để rồi khi mẹ "mừng lòng", tảng đá đè nặng trong lòng Tràng mới được gỡ bỏ, cái khát vọng ấy càng cháy rực hơn trong Tràng.
Cái khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc ấy được thể hiện rõ nhất vào buổi sáng đầu tiên sau đêm tân hôn. Tràng thức dậy, anh vẫn còn ngỡ ngàng chuyện mình đã có vợ. Tràng thấy "êm ả như người vừa từ trong giấc mơ đi ra". Việc Tràng có vợ quá đỗi bất ngờ, nhanh chóng khiến Tràng mông lung, ngờ ngợ, chẳng biết mơ hay thực. Để rồi khi thấy hình ảnh mẹ và vợ vun vén nhà cửa, cái nhà hôm nay sao nó sạch sẽ. tươm tất thế, Tràng lại thấy "yêu cái nhà của hắn lạ lùng". Hắn thấy thị khang khác, thị giờ hiền hậu, đảm đang rồi hắn thấy hắn cũng khác, hắn có trách nhiệm, hắn muốn tu chí làm ăn, vun vén cho cái gia đình nhỏ này. Lúc này, cái khát vọng hạnh phúc ấy đã đạt đến đỉnh điểm. Tràng vẽ ra tương lai của hắn và thị, cùng nhau "sinh con đẻ cái". Hai từ "gia đình" giờ đây Tràng mới được cảm nhận sâu sắc nhất. Nhà văn Nga Séc-nư-xép-xki từng ao ước: "Tôi sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp nếu biết rằng trong một căn phòng nhỏ ấm áp nào đó, có một người đàn bà đang ngóng đợi tôi về bữa ăn tối." Tâm trạng Tràng bây giờ cũng vậy, anh khao khát hạnh phúc, anh ao ước có một gia đình, nơi có anh và thị, rồi sau này có con cái, rồi sau này... Có thể nói rằng lấy vợ Tràng mới nên người. Cái tài của Kim Lân ở đây là việc sử dụng hàng loạt các từ láy để miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật Tràng, khắc họa một cách đặc sắc để tác giả cùng vui cùng buồn với anh.
Kết thúc truyện là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trong óc Tràng. Anh cứ thẩn thơ nghĩ mãi đến hình ảnh đó. Khác với các nhân vật như chị Dậu (Tắt đèn), Chí Phèo (Chí Phèo), lão Hạc (Lão Hạc) - điểm chung của họ là đều bế tắc trước nỗi khổ đau và bất hạnh của mình, Tràng của Kim Lân được mở đường, được Đảng soi rọi, từ đây Tràng đấu tranh rồi đổi đời.
Trong văn chương, người ta thường nhấn mạnh chữ "tâm" hơn chữ "tài". Song nếu cài tài không đạt đến mức độ nào đó thì cái tâm làm sao mà bộc lộ hết được. Ở "Vợ nhặt" cũng thế, tấm lòng thương xót của Kim Lân sở dĩ lay động được trái tim người đọc là nhờ cái tài dựng truyện và sau đó là cái tài dẫn truyện. Trong bối cảnh như vậy mà Kim Lân đã đặt vào một mối tình thật táo bạo. Chao ôi, toàn những chuyện cười ra nước mắt: bốn bát bánh đúc ngày đói mà làm nên một mối tình, nồi cháo cám ngày đói mà làm nên một cỗ tân hôn. Với tài năng và biệt tài sử dụng từ láy của mình, Kim Lân đã khắc họa thành công anh Tràng - đại biểu cho đám người đói nước ta năm 1945. Từ đó phê phán sự áp bức bất công của thực dân Pháp, của phát xít Nhật, của phong kiến "dân ta một cổ ba tròng", qua đó ông bày tỏ tấm lòng nhân đạo của mình, lòng tin vào bản chất tốt đẹp của con người.
Nhân vật văn học chính là con người thực bước vào văn chương qua ngòi bút sống động của tác giả. Dưới ngòi bút của Kim Lân, nhân vật Tràng đến với người đọc với ngoại hình, tính cách, từng cái nhăn mày, tiếng cười, tâm tư suy nghĩ được miêu tả một cách sống động, rõ nét. "Vợ nhặt" của Kim Lân đã thắp lên trong lòng người đọc biết bao ngọn lửa, tia sáng để họ có niềm tin vào bản thân, con người và nhìn vào tương lai phía trước.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất