Với việc biên kịch thêm vào một số thay đổi không có trong “Mắt Biếc” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà nhân vật Ngạn trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh từ một chàng trai si tình đáng thương trờ thành nhân vật bị ghét nhất phim và bị coi là một “loser” chính hiệu. Thay đổi nhiều nhất phải kể tới nhân vật “Hồng” được thêm vào trong phim so với tác phẩm gốc, mặc dù chỉ xuất hiện một vài phân đoạn nhưng xuyên suốt bộ phim Hồng khiến người xem cảm nhận được tình cảm của cô dành cho Ngạn cũng nhiều như tình cảm của Ngạn dành cho Hà Lan, việc Ngạn từ chối cô mặc dù anh biết cô yêu anh nhiều đến mức nào cũng không khác gì Hà Lan đối với Ngạn - vậy thì Ngạn đâu xứng đáng để có được tình yêu của Hà Lan. Đối với Hà Lan cũng vậy, trong phim cô liên tục không muốn chấp nhận tình cảm của Ngạn vì: “Nhìn Ngạn cô chỉ cảm thấy hối tiếc cho bản thân”. Với Trà Long thật khó để chấp nhận tình yêu ấy bởi vì mỗi khi nhìn thấy Trà Long luôn là hình ảnh của Hà Lan mà thôi. Tóm lại vì một loạt những hành động của Ngạn trong phim đã khiến cho cả ba cô gái phải đau khổ, và tất cả đều là lỗi của Ngạn. Chẳng trách sao Ngạn lại trở thành nhân vật bị “ghét” nhất phim. Thêm một vài chi tiết nho nhỏ nữa như hồi bé bị đánh tơi bời bởi thằng Hòa (trong tác phẩm gốc thì ngược lại Ngạn đã cho thằng Hòa một trận nhừ tử), đến khi gặp Dũng cũng bị nốc ao sao vài cú ( trong tác phẩm gốc Ngạn đánh với Dũng từ sáng đến tối mịt cho đến khi cả hai quá mệt và Dũng cũng phải công nhận về độ lỳ của Ngạn) càng khiến anh trở thành một “loser” chính hiệu.

Nhưng có thật Ngạn trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh yếu đuối và kém cỏi vậy không? Trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh Ngạn rất khác. Không hề có sự xuất hiện của “Hồng” câu chuyện chỉ xoay quanh chuyện tình của ba nhân vật: Hà Lan – Ngạn – Trà Long. Đối với Hà Lan, nhưng ai xem qua bộ phim đều thấy Ngạn quả là ngốc nghếch khi không bao giờ thổ lộ trực tiếp tình cảm với Hà Lan để đến khi Hà Lan dành tình cảm cho người khác anh mới cố gắng nói cho cô nhưng đã muộn, thực ra trong tác phẩm Ngạn đã nói cho Hà Lan biết về tình cảm của mình từ rất lâu và Hà Lan cũng biết rõ điều đó, điều này thể hiện trong một đoạn trong tác phẩm nơi Ngạn đã tự nói lên nỗi lòng của mình
“Rất nhiều năm về sau này tôi thường tự trách mình tại sao hồi đó tôi không nói thẳng với Hà Lan là tôi yêu nó. Nếu tôi nói ra điều đó, hẳn cuộc đời của chúng tôi đã rẽ sang hướng khác, sáng sủa hơn và ít xây xát hơn. Nhưng thời gian càng lùi xa, tôi hiểu rằng điều đó thật ra không cần thiết như tôi nghĩ. Tôi đã viết những bản tình ca và hát chúng lên. Đó là lời tỏ tình của tôi . Trong những ngày tháng đó, Hà Lan đã nhìn thấu đáy lòng tôi như người làng Do Do nhìn thấu những viên sỏi phơi mình dưới lòng suối Lá vào những mùa nước cạn. Vậy thì, tôi cần gì phải nói ra những điều đã không còn là bí ẩn với cả hai đứa tôi . Và liệu có ích gì nếu tôi nói Hà Lan rằng tôi yêu nó và được nghe nó nói nó cũng yêu tôi, khi mà tất cả những điều đó đều có thể đổi thay trong một sớm mai nào ?”
Nhưng vì sao Hà Lan không bao giờ đáp lại tình cảm của Ngạn cho dù cô biết anh yêu cô và sẵn sàng chấp nhận hi sinh nhiều đến thế nào? Đơn giản vì Hà Lan không yêu Ngạn, Hà Lan luôn biết rõ tình cảm của Ngạn dành cho mình nhưng tận trong thâm tâm cô biết tình cảm cô dành cho Ngạn không phải là tình yêu, đối với cô chỉ có một tình yêu duy nhất là Dũng mặc dù Dũng đã đối xử với cô vô cùng tệ bạc, thậm chí sau này cô cũng quen Linh chỉ bởi vì Linh có nét gì đó giống Dũng – Điều đó càng cho thấy cô yêu Dũng nhiều thế nào.

Và cuối cùng điều đáng thất vọng nhất ở bộ phim khi chuyển thể từ tác phẩm nếu ai đã từng đọc qua tiểu thuyết sẽ thấy rõ nhất là đoạn kết của phim. Trong tác phẩm của mình Nguyễn Nhật Ánh đã viết nên một đoạn kết tuyệt vời khi khiến Ngạn nhận ra rằng tình cảm của anh dành cho Trà Long chỉ là sự nối dài của mối tình anh với Hà Lan qua một hình bóng khác, điều đó cuối cùng cũng khiến Ngạn nhận ra lý do vì sao Hà Lan không bao giờ có thể chấp nhận tình cảm của anh cũng giống như anh không bao giờ có thể chấp nhận Trà Long bởi vì tình yêu của anh chỉ có một, nếu chấp nhận Trà Long anh sẽ khiến cô bé phải đau khổ cả đời và anh chọn cách ra đi giống như Hà Lan đã chọn. Trong tình yêu luôn luôn có hai lựa chọn – chọn người mình yêu hay chọn người yêu mình và trong “Mắt biếc” của Nguyễn Nhật Ánh xuyên suốt tác phẩm ta có thể thấy rõ tác giả đã luôn để cho các nhân vật “chọn người mình yêu” cho dù có khiến “ người yêu mình” có phải đau khổ. Nhưng đoạn kết của bộ phim, có lẽ để chiều lòng thị hiếu của số đông khán giả  khiến nội dung đi ngược lại với tác phẩm gốc – Hà Lan cuối cùng cũng nhận ra và chấp nhận tình cảm của Ngạn khiến bộ phim đáng lẽ sẽ có ý nghĩa hơn trở thành một bộ phim bình thường như bao bộ phim tình cảm khác – điều này thật sự đáng thất vọng

Tổng kết
Xét về tổng thể “Mắt biếc” của Victor Vũ vẫn là một bộ phim rất đáng để xem với phần hình ảnh và âm thanh luôn là điểm mạnh đối với các phim của Victor Vũ, đặc biệt với diễn xuất của nhân vật Ngạn do Trần Nghĩa thủ vai thật sự quá xuất sắc với rất nhiều phân cảnh cảm động khiến người xem phải thổn thức. Bài viết của mình chỉ muốn nói một điều nhỏ đối với ai đã xem bộ phim có thể tìm đọc tác phẩm gốc của Nguyễn Nhật Ánh để cảm nhận tốt hơn về nhân vật Ngạn – một người mà thật sự đáng thương nhiều hơn đáng trách.