Cảm nghĩ về sách Người thầy - Nguyễn Chí Vịnh
Cảm nhận sau khi đọc quyển sách gần 500 trang của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Cuốn sách gần 500 trang này thu hút mình bởi tác giả đã viết nó - Thượng tướng GS.TS Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Uỷ viên TW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng - người vừa qua đời cách đây không lâu.
Không phải vì tác giả vừa qua đời nên mình mới biết đến cuốn sách. Mình đã bị thu hút bởi phong cách kể chuyện của tác giả từ lâu, từ các bài phỏng vấn về chiến lược đối ngoại quốc phòng, về cuộc đời thời trai trẻ của ông nên mình luôn theo dõi các phát ngôn của ông. Từ khi cuốn sách ra mắt, mình đã rất muốn đọc nhưng lúc đó do đang bận, mà sự thật là do ... lười.
Ông là một chính khách đặc biệt, là "con ông cháu cha" đúng nghĩa, là một "hạt giống đỏ" đã quen biết từ thời thơ ấu với những khai quốc công thần, lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước cùng thời với bố mình - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Chí Thanh - 1 trong 2 người đầu tiên được phong hàm Đại tướng bởi chính Bác Hồ. Nhưng điều đặc biệt là người dân không cho rằng do sức ảnh hưởng của người cha mà giúp ông leo cao trong hệ thống chính trị mà là do chính năng lực của ông, hoặc ít nhất, truyền thống gia đình chỉ là một yếu tố cộng thêm giúp ông nhận được sự tin tưởng của tổ chức để đưa ông vào một vị trí rất nhạy cảm, rất cần sự trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, đó là vị trí người đứng đầu tổ chức tình báo chiến lược của đất nước. Cho nên ngay thời điểm ông mất, trên mạng xã hội, người ta đều thể hiện sự thương tiếc với những cống hiến của ông cho đất nước
Trở lại với cuốn sách, cần nói trước, để thực sự hiểu những chi tiết được đề cập trong sách, người đọc cần có kiến thức cơ bản về lịch sử đất nước trong những năm sau giải phóng, về quan hệ với các nước láng giềng, các nước XHCN, dù thực tế, cách diễn đạt trong sách cũng rất dễ hiểu.
Xuyên suốt cuốn sách đề cập đến mối quan hệ của tác giả với ông Ba Quốc (Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Đặng Trần Đức) trong suốt 20 năm từ khi tác giả là một Trung uý mới ra trường đến khi trở thành người đứng đầu lực lượng tình báo.
Cách kể chuyện của tác giả cuốn thật sự, một chất kể chuyển không lẫn vào đâu được, pha một chút hài hước, phải nói là rất khác biệt nếu bạn đã đọc những sách của các chính khách khác. Không biết sao tác giả có thể nhớ lại được chi tiết nhiều câu chuyện từ mấy chục năm trước như vậy, từ chuyện những cuộc gặp ban đầu với ông Ba Quốc, đồng đội ở chiến trường Campuchia như thế nào, cảm giác lúc đó như thế nào, ... cho đến những sự vụ tác giả tham gia nguy hiểm đến mức nào, những câu chuyện được ông Ba Quốc kể lại lúc hoạt động trong lòng địch, ... Mình sẽ không đi sâu vào chi tiết, nếu muốn tìm hiểu thì các bạn có thể tìm mua sách để hiểu thêm
Cuốn sách cũng làm cho độc giả hiểu hơn về nghề tình báo, một nghề bí mật, thầm lặng và rất nguy hiểm. Tất nhiên, trong sách thì chỉ hé lộ một phần rất nhỏ về những công việc chính của ngành tình báo, như chính tác giả đã chia sẻ, ông đã "rất tiếc khi phải cắt bỏ bớt chương cuối vì yêu cầu nghề nghiệp". Tất nhiên, độc giả cũng nên thông cảm, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia.
Ngoài ông Ba Quốc, trong sách cũng đề cập tới những "ông già" khác mà tác giả rất kính trọng. Đó là ông Sáu Nam - cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Đó là những ông trùm tình báo khác trong thời chiến như ông Hai Trung (thiếu tướng Đặng Xuân Ẩn), ông Hai Nhạ (thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ), ... Trước giải phóng, họ hoạt động độc lập, sau giải phóng, họ là đồng chí, nhưng trước sau như một, vẫn trung thành với đất nước. Ngoài ra còn có ông Vũ Chính, là Tổng cục trưởng tiền nhiệm, cũng là bố vợ của tác giả (nhưng thật ra trong sách, tác giả không đề cập đến chi tiết này). Rồi ông Tư Văn, Tổng cục trưởng Tình báo đầu tiên, ...
Tác giả cũng lồng ghép vào sách về chính bản thân mình, về hành trình đi lên của bản thân. Từ những chuyện rất nguy hiểm tưởng chỉ có trong phim hành động, cho đến những khoảnh khắc đời thường được lồng ghép khéo léo nhưng có chừng mực, không để cho độc giả chú ý quá về mình.
Mua và đọc sách như một sự tri ân đến tác giả, để hiểu được tác giả đã đi đến được những nấc thang cao hơn trong sự nghiệp bằng sự cố gắng không ngừng, dù là con lãnh đạo cấp cao. Khi tác giả mất, niềm thương tiếc không chỉ từ báo chí, mà từ mạng xã hội. Nghe bảo là tác giả đang viết dở một cuốn sách về quá trình Việt Nam tham gia lực lượng giữ gìn hoà bình Liên hợp quốc, hy vọng năm sau, những người được tác giả trao lại nhiệm vụ này sẽ hoàn thành nó và ra mắt độc giả, lúc đó, chắc chắn mình sẽ lại tìm mua đọc.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất