Ảnh: Sự thách thức này được dùng như một hình thức kích cầu khách hàng bước qua cửa vào nhà hàng nhiều hơn. Nhìn thì có vẻ rất ngon ăn đúng không nào, nhưng thực tế giá bán chuẩn là sau khi đã giảm 50% còn người thừa cân phải trả nhiều tiền hơn cho cùng 1 bữa.
Năm 2008, Dan Ariely - một nhà kinh tế học hành vi, đã đưa ra nhận định trong cuốn Phi lý trí: sẽ đến một giai đoạn các nhãn hàng sẽ cạnh tranh trực tiếp với nhau bằng sự miễn phí. Người tiêu dùng sẽ ào ạt nhặt những thứ mình không cần ngay khi có thể và khiến việc mua bán truyền thống, với tiền mặt, trở thành dĩ vãng.
Chỉ mất 12 năm để lời tiên tri này dần trở thành hiện thực: các nhãn hàng dễ dàng nhận ra rằng việc thu hút khách hàng bằng giảm giá theo chu kỳ là không đủ, người tiêu dùng ngày càng trở nên khó tính hơn với những đòi hỏi cao khủng khiếp cùng lòng trung thành của Mị Châu khiến việc giữ chân 1 khách hàng trong kỷ nguyên số trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Các nhãn hàng buộc phải sale, thậm chí là cho không nhiều giá trị để đảm bảo rằng mình có một vị trí nào đó trong bản đồ tâm trí của khách hàng.
Và hệ quả tất yếu, các đợt sale diễn ra triền miên không nghỉ tạo ra một thói quen tiêu dùng mới, không thể đảo ngược: săn sale.
Săn sale, hay nói cách khác là mua thật nhiều với số lượng lớn trong thời điểm sale chính là hành vi ngược lại với tiêu dùng truyền thống.
Với phong cách tiêu dùng cổ điển, để có một hoạt động tiêu dùng bất kỳ, các bạn cần phải phát sinh nhu cầu với món đồ đấy trước: nếu các bạn chán, các bạn ra quán cafe; nếu mặt các bạn bị chê, các bạn mới nghĩ đến việc mua đồ trang điểm. Mô hình sẽ luôn tuần tự từ nhu cầu -> cân nhắc các lựa chọn -> giải quyết nhu cầu.
Mô hình này có một lợi thế cực lớn với người tiêu dùng: chúng khiến người tiêu dùng cân nhắc kỹ trước khi mua, bản thân việc mua bán sử dụng tiền mặt - cảm giác trả tiền gắn liền với cảm giác mất mát, đồng thời trong quá trình mua phải mặc cả - nghĩa là chiến thắng một mini game nho nhỏ khác trong hoạt động mua. Chính vì thế nên việc mua bán được hiểu là một kết quả cuối cùng sau khi cân bằng phương trình.
Tiêu dùng trong thời kỳ hiện đại sẽ phát triển và khuyến khích hành vi mua bán theo hướng ngược lại: tất cả những gánh nặng liên quan đến thanh toán tiền mặt, mặc cả, chọn hàng,... sẽ được loại trừ hết. Cảm giác mất mát khi không mua được món hàng sẽ được điều chỉnh và tác động dưới rất nhiều thủ thuật tâm lý để lớn hơn cảm giác mất tiền. Phương trình lúc này thay đổi theo hướng: thấy sale -> mua hàng.
Tất cả khoảng cách từ việc thấy hàng cho đến lúc mua hàng được thu gọn lại trong đúng 1 cái click chuột.
Việc đẩy hàng nhanh hơn, bất chấp đấy là những món hàng không phục vụ nhu cầu, khiến hành vi tiêu dùng trở nên khó đoán hơn. Hối hận thường sẽ được xem như một sản phẩm phụ của quá trình tiêu dùng nhanh dạng này, nhưng cũng chẳng hề gì, con người là động vật mau quên, sự hối hận sẽ sớm tan ngay khi món đồ mới thế hệ tiếp theo lên kệ. Ví dụ có thể trải dài từ các đời Pes 2013 – 2020 hay dàn Iphone kể từ khi Steve Jobs qua đời cho đến nay.
Khi sự thỏa mãn nhất thời trở thành một nhu cầu được cả xã hội tôn vinh, dĩ nhiên người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là người tiêu dùng. Như bạn Bill Gates từng nói: nếu cứ mua những gì mình không cần thì trước sau gì cũng sẽ phải bán đi những thứ mình cần. Về lâu dài, khi liên tục mua hàng giảm giá, bạn vô tình gắn kết bản thân mình với những giá trị thấp hơn khả năng mua thực sự của bạn, điều này sẽ khiến bạn né tránh việc nỗ lực nhiều hơn để mua thứ bạn thực sự cần thay vì tự lừa bản thân là mua tạm cũng được. Như vậy, hành động mua vô tội vạ gây ra liền 1 lúc 3 hệ quả: gây thoái hóa hành vi, gây mất khả năng nhận thức/ra quyết định và gây... nghèo.
Không thể đảo ngược phương thức mua bán hiện đại, nhưng ơn Chúa, vẫn có thể làm giảm sát thương ở mức tối đa nếu tuân thủ đúng 3 nguyên tắc sau đây:

1. Luôn ưu tiên nhu cầu lên trước

Nếu một thứ bạn không cần trước khi sale thì sau khi sale bạn cũng sẽ không cần.
Để vận dụng nguyên tắc này, trước khi mở bất kỳ trang sale nào, hãy cân nhắc thật kỹ xem mình đang thực sự cần gì, mình có sử dụng thứ đấy ít nhất 3-7 lần/tuần không? Cuộc sống của mình sẽ thay đổi thế nào nếu có thêm thứ này? Liệu đây có phải là lựa chọn tốt nhất/phù hợp nhất mình có không?
Cứ trả lời thong thả trước ngày sale khoảng 1 – 2 ngày rồi hãy nghĩ đến việc săn sale. Hãy luôn tâm niệm trong đầu: mua thứ bạn không cần là ném tiền qua cửa sổ, giữ thứ bạn không cần là giữ rác trong nhà.

2. Luôn ưu tiên chất lượng lên trước

Tốt – Đẹp – Rẻ trong 3 tiêu chí này luôn xếp rẻ cuối cùng.
Một sản phẩm được coi là hữu ích với bạn khi và chỉ khi chúng giúp giải quyết vấn đề thay vì tạo ra vấn đề. Việc bóc hàng vừa ship đến có thể rất sướng tay, nhưng hãy nhớ rằng thời gian bạn trải nghiệm món hàng đó trong suốt phần đời của nó mới quyết định độ sướng thực sự.
Quá nhiều niềm vui nho nhỏ sẽ không đáng gì với một niềm vui to lớn.

3. Luôn shopping 2 mình

Shopping 1 mình không bao giờ phải giải trình với ai.
Ngược lại, shopping 2 người sẽ phải rất cẩn thận trước khi đặt một món hàng nào đó.
Người đấy sẽ nhận xét ra sao? Liệu mình có ngu ngốc khi đặt mua “1 con rùa siêu dễ thương bằng bông có tai hồng trang trí phòng ngủ cho bé” chuẩn bị cho 1 ngày nào đấy mình có con chỉ vì nó đang bán với giá 1k không? Liệu mình sẽ giải thích thế nào khi định mua “1 chun buộc tóc giống nơ trên đầu cô giáo nào đó” trong khi mình để tóc ngắn 15 năm do da đầu dễ hăm + nhiều chấy?
Tất cả những thứ chuẩn bị mua sẽ được hãm lại ít nhất một vài nhịp trước khi đến quyết định cuối cùng, dù có là gì thì cũng giảm thiệt hại đi khá nhiều so với shopping 1 mình.
Cuối cùng, không có chiến lược kinh doanh nào tồn tại đến thời điểm này lại đẩy doanh nghiệp đến chỗ chết, kể cả khi cho hàng đi với giá 0 đồng, doanh nghiệp vẫn sẽ sống bất chấp người tiêu dùng có tự nhận mình được hưởng lợi đến mức nào, theo thời gian, người tiêu dùng sẽ là người phải chịu tổn thất nhiều nhất.
Đừng như vậy!