“Mùa nhảy việc” thường niên đã kết thúc và mình vừa mới nhận được offer mới theo đúng mong cầu nên mình muốn trò chuyện một chút về vấn đề đau đầu này. 
Mình có kinh nghiệm qua các ngành nghề là F&B, Bán mỹ phẩm, Thương mại thời trang, Giải trí, Công nghệ thông tin và sắp tới đây là FMCG. Các công việc mình đã từng làm thì từ phục vụ bàn, quản lý ca, chuyên viên thương mại điện tử, sáng tạo nội dung cho tới việc hiện tại là Chuyên viên Marketing. Đến giờ, mình chưa từng hối hận sau khi đổi nhiều công việc như vậy trong suốt những năm qua. Không phải 7 lần đổi việc đó đều tới từ chủ quan, thực chất mình đã nhảy việc 3 lần, còn lại thì “được" hoặc “bị" thuyên chuyển. Nơi mình gắn bó lâu nhất là 3 năm, ngắn nhất thì là 2 tháng (vừa hết thử việc). 
Mình không phủ nhận là việc đổi nhiều công việc như vậy mà còn trái ngành với nhau mang lại không ít rắc rối cho mình. Dù mình khá chật vật trong việc xâu chuỗi năng lực của bản thân trong 1 tới 2 trang CV ngắn ngủi cũng như giải thích với nhà tuyển dụng, nhưng tất cả những gì mình đã học được thì đều đáng giá. Mỗi lần đổi việc mình lại tự học được thêm nhiều điều mới và quan trọng nhất, thu nhập luôn tăng từ 20% cho tới 70% mỗi lần thay đổi đó. Mức lương hiện giờ không phải quá khủng nhưng cũng đã ở mức tốt so với lương của ngành tại Hà Nội, với thước đo đánh giá là cùng số năm kinh nghiệm và hoàn toàn không có sự nâng đỡ nào của người thân quen. Thu nhập hiện tại là ổn định cho việc sinh hoạt và những kế hoạch phát triển học vấn của mình. 
Vì thế, trong thời gian đang chuẩn bị On Board ở “con tàu" mới thì mình sẽ cảm thấy muốn chia sẻ thật nhiều cho các bạn - những người đang mong muốn bứt phá trong sự nghiệp đặc biệt là ai đang muốn nhảy việc trong nửa cuối năm nay. 
Nguồn ảnh: unsplash.com
Nguồn ảnh: unsplash.com

1. Nắm chắc luật lệ. 

“Quốc có quốc pháp, gia có gia quy" - câu tục ngữ cho thấy rằng ở đâu cũng có luật lệ riêng và người biết luật luôn có lợi. 
Trước khi nhảy việc, bạn phải hiểu về luật lao động. Điều này có vẻ hiển nhiên đúng không, ai đi làm mà chẳng phải biết luật lao động!? Thế nhưng, sau khi tiếp xúc với khá nhiều người ở những lứa tuổi khác nhau thì mình thấy rằng không phải ai cũng biết được những điều tưởng chừng như cơ bản; đặc biệt là các bạn trẻ mới ra trường. Từ những thông tin như mỗi hợp đồng quy định một thời gian nhân sự được chấm dứt hợp tác khác nhau, cho đến thời hạn nhận bảo hiểm thất nghiệp, thử việc mà nghỉ giữa chừng thì có được trả lương không,… rất nhiều người không nắm được. May mắn là những thông tin này các bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu trên mạng nên mình sẽ không nói chi tiết, các bạn hãy tự học hỏi tuỳ theo mong muốn của mình nhé. 
Tiếp theo, các bạn phải hiểu “luật" của công ty bạn đang làm. Thực chất, có nhiều sếp khá dễ tính và có thể châm chước cho bạn nghỉ trước thời hạn sau khi đã nhận đủ bàn giao của bạn nhưng hãy chuẩn bị tinh thần làm “đúng luật” để không bị bỡ ngỡ và rối trí trong việc nhận offer mới. Bởi khi bên công ty mới thấy bạn vẫn đang công tác tại đơn vị cũ thì khả năng cao là bạn sẽ mất “mối ngon", vì thời gian họ phải chờ bạn là quá lâu. Không ít lần mình đọc được những vụ việc hai bên đã chốt với nhau rồi nhưng đến gần ngày On Board thì nhà tuyển dụng lại “quay xe". Cũng nên hiểu cho họ chứ, ai chẳng muốn hoàn thành công việc sớm với kết quả tốt nhất. 
Hơn nữa, họ cũng có mối lo riêng về việc ứng viên đang “một chân hai đò" và có thể thay đổi quyết định vào phút cuối vậy thì họ sẽ không có nhân sự theo đúng hạn. Cùng là người chạy KPI và deadlines, hãy thông cảm cho HR một chút! Điều mình đang muốn nhấn mạnh là hãy chắc chắn rằng mình sẽ nghỉ chỗ cũ và thời gian HR bên kia phải chờ mình không nên quá 2 tuần. Làm vậy vừa đỡ mệt cho mình phải thấp thỏm bàn giao và còn phải chuẩn bị On board bên mới, mà cũng là một hành động tôn trọng nhà tuyển dụng. 
Nói đến đây, nhiều bạn sẽ thắc mắc rằng nếu đã lỡ xin nghỉ mà không tìm được việc luôn thì bạn sẽ gặp khó khăn về tài chính, lúc đấy phải làm thế nào? Mình chỉ muốn nói một câu thế này: Đừng quá khôn lỏi như vậy! Thử hỏi, nếu là bạn thì bạn có muốn chờ đợi một người không rõ ràng hay không? Đó là phép lịch sự tối thiểu thôi. Nên nhớ rằng thế giới việc làm không rộng lớn như các bạn nghĩ. HR hay Sếp cũng nhảy việc là chuyện bình thường, biết đâu bạn sẽ gặp lại người cũ không chỉ một lần? Hãy luôn giữ hình ảnh đẹp nhất trong mắt nhà tuyển dụng nhé!
Bạn nên có kế hoạch thật kỹ càng trước khi quyết định nghỉ việc để chắc chắn rằng dù có thất nghiệp 3 tháng bạn vẫn sống tốt. Nếu không chắc chắn được như vậy thì đừng nhảy việc. Vậy, trước khi nhảy việc mình sẽ cần chuẩn bị những gì? Hãy đọc tiếp phần 2 nhé! 

2. Chuẩn bị trước khi nhảy việc: 

Có 2 vấn đề bạn phải nghĩ rất sâu trước khi quyết định tìm bến đỗ mới trong công việc. Thứ nhất là kế hoạch triển khai việc này; thứ hai là tài chính cho ít nhất 3 tháng tới, mà tốt hơn là 6 tháng sau khi nghỉ việc. 
Nhảy việc không phải chuyện sớm chiều, bạn không thể khinh suất trong việc này được. Trước hết, bạn hãy tìm hiểu gốc rễ vấn đề của công việc hiện tại. 
- Hãy thử phân tích SWOT của công việc này đang tác động thế nào tới việc phát triển trong đường dài của bạn.
Chắc chắn để đi đến quyết định từ bỏ này thì sẽ có nhiều nguyên nhân khiến bạn không hài lòng với công việc nhưng đâu mới là lý do quan trọng nhất? Hãy tìm ra pain points của chính mình và giải quyết nó. Thử nghĩ xem nếu sang môi trường mới thì bạn sẽ cần làm gì, chọn công ty mới ra sao, ứng xử với đồng nghiệp và cấp trên mới thế nào… hãy cố gắng để vẽ ra tất cả những giả thiết đó để hiểu được bạn thực sự muốn gì và có khả năng làm được hay không? Có như vậy, phương án giải quyết của bạn mới chính xác. Chọn việc giống như chọn người yêu vậy, người sau sẽ luôn phải có cái gì đó tốt hơn người trước. Còn điều tốt hơn đó là gì thì tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người. 
Ví dụ như mình - một người luôn tham vọng thăng tiến, mong ước mở doanh nghiệp riêng trong khoảng 5 năm nữa nhưng lại không còn quá trẻ để sẵn sàng “nhảy vào lửa" trong khoảng thời gian tới. Trong trường hợp của mình thì mình sẽ tìm kiếm một môi trường không cần “máu chiến” quá; đủ hiền hoà để mình đi làm cảm thấy bình yên; chế độ hỗ trợ bên cạnh lương phải tốt để mình gắn bó ít nhất 3 năm; cạnh tranh lành mạnh và có lộ trình thăng tiến rõ ràng. Mình sẽ vạch ra các tiêu chí đó để đánh giá một công việc và công ty trước khi nhận việc. Quan trọng nhất là mình cần chia trọng số cho từng tiêu chí để biết được cái gì là điều kiện cần và cái gì là điều kiện đủ. Nhiều tiêu chí nếu có cũng được mà không có thì vẫn chấp nhận được. Mặt khác, có những điều mà nếu không có thì mình sẽ loại ngay từ khi nộp đơn. Khi đó, mình sẽ dễ dàng đánh giá một offer có phù hợp hay không, tiết kiệm thời gian cho cả đôi bên.
- Portfolio là cực kỳ quan trọng trong việc bạn có nhận được nhiều offer hay không.
Bên cạnh CV chỉn chu thì bạn cũng cần chăm chút những trang mạng xã hội việc làm của mình nữa. Thậm chí, một số nhà tuyển dụng còn xem trang Facebook, Instagram của bạn trước khi mời đi phỏng vấn nhưng thực sự thì cái này không mấy quan trọng, trừ khi bạn nộp đơn ứng tuyển vị trí cần hình ảnh xã hội như diễn viên, người mẫu, KOL,... 
Đối với mình thì một số trang tốt có thể kể tới là Vietnamworks, Linkedin, Ybox, các group tuyển dụng trên Facebook, trang tuyển dụng của doanh nghiệp trên các mạng xã hội. Mỗi trang sẽ phù hợp với đối tượng khác nhau dựa trên lứa tuổi, số năm kinh nghiệm, mong muốn tìm việc. Với kinh nghiệm của mình thì Vietnamworks đang chiếm ưu thế, hầu hết offer mình nhận được trong vòng 1 năm trở lại đây đều tới từ trang này. 
- Phân tích thị trường việc làm là một việc cực kỳ quan trọng để định giá bản thân.
Một số người có quan niệm là mỗi năm họ sẽ đi phỏng vấn một lần để xem mình đang có giá bao nhiêu, nhưng mình KHÔNG ủng hộ quan điểm này. Thay vào đó, chúng ta có thể đánh giá được năng lực bản thân qua kỳ review từ chính tổ chức mình đang làm, qua dữ liệu trên các trang tuyển dụng, qua chính JD của các công ty đang tuyển vị trí phù hợp với năng lực của mình, qua người quen… có vô vàn cách để biết được vị thế của bản thân trong thị trường việc làm. 
“Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng" - rõ ràng là như vậy! Học hỏi không bao giờ là thừa cả. Mỗi khi đi phỏng vấn thì hãy gom 2, 3 công ty hoặc nhiều hơn trong tầm ngắm để mình có dữ liệu đánh giá chính xác hơn. Bỏ hết trứng vào một giỏ là hành động cực kỳ nguy hiểm nhất là khi bạn còn đang không có “quả trứng" nào!
Biết rằng đi phỏng vấn nhiều sẽ tốn công sức và thời gian, nhưng nó sẽ làm đa dạng lựa chọn và giúp bạn tự tin hơn trong quá trình đàm phán bởi bạn hiểu rằng sẽ luôn có kế hoạch dự phòng. Nhân sự cũng có quyền chọn công ty và công việc, hãy chuẩn bị shortlist nhà tuyển dụng phù hợp để quá trình phỏng vấn tốt nhất nhé!
- Hãy đảm bảo rằng bạn không bị dồn vào “thế bí” hết tiền trong vòng 3 tới 6 tháng tìm việc.
Mình nhắc lại, đây là điều tiên quyết mà bạn phải có trước khi nhảy việc bởi mình đã từng trải qua sự hoảng loạn và phải lựa chọn bừa khi hết tiền. Bạn hoàn toàn có thể xác định được thời hạn mà bạn nghỉ việc trước khi bạn chính thức chấm dứt hợp đồng. 
Ví dụ, trong lần gap gần nhất, mình đã dành 3 tháng để tích luỹ tài chính trước khi thông báo nghỉ việc ở công ty cũ. Mình cá rằng mình sẽ cần nhiều thời gian hơn thế nếu như lúc đó không phải đang trong thời kỳ giãn cách xã hội. Có thể nói là nhờ đại dịch, mình đã làm được nhiều thứ có lợi cho mình. Sau đó, theo đúng kế hoạch, mình dành toàn bộ 3 tháng cuối năm để nghỉ ngơi và thành lập Hunifest, rồi mình quay lại thị trường lao động sau Tết 2022. Tuy nhiên, do chưa tính toán kỹ, mình đã phải nhận gấp một offer làm gối 2 tháng để có tiền trang trải trong thời gian tìm công việc thích hợp hơn. Dù mọi thứ vẫn suôn sẻ với mình nhưng mình thừa nhận rằng đây là một hành động không công bằng với công ty đó, bởi ngay từ đầu mình đã không xác định gắn bó với họ. 
Thế nên, mình mong các bạn sẽ không gặp sai lầm như mình. Hãy chuẩn bị tài chính kỹ hơn và tính toán chi tiêu cẩn thận hơn để không bị “hết vốn" nhanh như mình. Quãng thời gian đó mình khá hoảng loạn vì tiền tiết kiệm không còn nhiều, cộng thêm tâm lý sợ rằng mình đang làm điều “thất đức" nhưng đến cuối cùng, nếu không có tiền thì mình cũng không sống tiếp được. Mình đã đành phải làm điều mà mình không muốn. Những gì mình đang nói là bao biện, nhưng nó cũng là kinh nghiệm xương máu cho các bạn. 

3. Những giai thoại về vấn đề nhảy việc mà các bạn cần biết: 

Chắc hẳn, nhiều bạn đã từng đọc đâu đó những lưu ý khi nhảy việc nhưng với mình, những giai thoại đó không đúng hoàn toàn. 
- Hãy nhảy việc khi mức lương quá thấp so với thị trường: 
Đừng vội đánh giá bản thân hay so sánh mình với người khác để dẫn đến quyết định nhảy việc vội vàng. Như đã nói, nhảy việc là cả quá trình kéo dài nhiều tháng, thậm chí là cả năm bởi nó cần vô cùng nhiều sự tư duy, xâu chuỗi, tích luỹ. Mình không nói rằng bạn không được so sánh bản thân với thị trường, bởi điều này cơ bản là đúng. Thế nhưng, phép so sánh chỉ nên làm khi hai vế của nó ngang bằng. 
Hãy tỉnh táo và đánh giá xem bạn đang làm ở đâu, vì sao bạn đã lựa chọn công việc này, điều gì giữ bạn lại sau từng ấy thời gian, điều gì làm bạn không thể chịu nổi, bạn định làm gì tiếp theo…? Bên cạnh đó, “thị trường” của bạn là gì, có những ai ở đó, họ đang làm gì, họ được hậu thuẫn như thế nào…? Chỉ cần đánh giá sai một chút thì có thể hậu quả sẽ khôn lường đó bạn ạ. Bình tĩnh nhé! 
-  Hãy nhảy việc khi bạn có dấu hiệu chán nản với công việc: 
Chắc chắn đây là dấu hiệu bạn cần lưu ý. Thế nhưng, đời thay đổi chỉ khi ta thay đổi. Bạn có chắc là khi tới môi trường mới nhưng bạn vẫn cũ thì mọi thứ sẽ khác hay không? Điều bạn cần trong khi mệt mỏi là những người đồng hành tốt và sự nghỉ ngơi. Nếu có thể, hãy tâm sự ra để nhẹ nỗi lo và bất kể “chất kích thích" nào cũng nên bị lược bỏ trong cuộc sống của bạn lúc này. 
Trong trường hợp bạn không chịu nổi nữa, hãy nghỉ ngơi chứ đừng nhảy việc. Dành cho mình một thời gian, không gian tĩnh lặng để suy nghĩ trước khi quyết định. Bạn mang năng lượng xấu tới một môi trường mới thì những gì bạn nhận lại chỉ là năng lượng tiêu cực mà thôi. Và nếu năm lần bảy lượt nhảy việc trong tình trạng đang buồn chán thì bạn sẽ càng rối bời vì không hiểu tại sao mình mãi chẳng tìm được bến đỗ vừa ý. Hãy nhớ rằng, thế giới bên ngoài vận hành như nào là phụ thuộc vào thế giới bên trong của chúng ta. 
- Chỉ những người giỏi khi nhảy việc mới deal được lương cao: 
Deal lương là một nghệ thuật và chúng ta có thể học được cách thức nếu đủ tự tin. Để làm được điều này, trước hết bạn phải trải qua bước phân tích bản thân rồi đến phân tích thị trường đồng chất với bạn. 
Giả dụ: Nếu bạn đi vào một công ty startup mới thành lập chưa được 3 năm với đầy hứa hẹn về việc lên leader chỉ với 6 tháng làm việc, trong khi kinh nghiệm của bạn đã có là vài năm trong cùng ngành thì từ từ đã, có vẻ kèo này khá “chua” đấy! Ngược lại, nếu bạn đi vào một tập đoàn lớn với vốn kinh nghiệm chỉ 1 năm và lời chào mời “Em có tiềm năng" với nhà tuyển dụng, trong khi vị trí đó yêu cầu người có ít nhất 2 năm kinh nghiệm với vị trí tương đương, thì làm ơn đừng tưởng bở nữa, doanh nghiệp không phải là nhà từ thiện. 
Thử nghĩ xem, lương thế nào là cao so với mức chi tiêu của bạn? Và bạn có đủ để đạt được mức lương cao đó hay không? Mức lương sẽ cần đi kèm với dữ liệu về khả năng thực tế. Mình cũng đã từng ảo tưởng về bản thân và hậm hực vì nhà tuyển dụng không nhìn ra tiềm năng của mình. Thế nhưng, nếu bạn đang muốn mua xoài ngọt mà người ta đưa cho bạn một trái xoài chua và quả quyết rằng để một tuần nó sẽ chín, thì bạn có mua hay không? Không ai trả tiền cho một thứ mà người ta không chắc chắn cả. 
Quay lại về quan điểm này, cốt lõi là bạn phải có sự phù hợp và tự tin để chọn đúng người, đúng việc, không bị ép lương. Chứ vấn đề “giỏi” thì mỗi nơi đánh giá mỗi khác. Mình không tự đánh giá mình siêu việt, nhưng số lương mình nhận được sau khi đổi việc luôn cao hơn ít nhất 20%; trong khi trung bình thì mọi người sẽ deal được hơn 10 - 30%. Còn những lần mình deal được từ 31% đến 70% cao hơn lương cũ thì đó là do mình đáng giá đúng “thị trường", năng lực bản thân và chắc hẳn có chút may mắn.
- Nhảy việc có mùa, sau những mùa này thì không nên nhảy việc:
Thật ra thì các trang tuyển dụng cũng đã có phân tích về vấn đề này. Thế nhưng, thực tế thì luôn có người nhảy việc trái mùa và mình cũng nằm trong số đó. Ngẫm lại thì hầu hết những lần đổi việc của mình đều diễn ra trong tháng 7 tới tháng 8, gần đây mình còn nghỉ việc vào tháng 11. Đây không phải khoảng thời gian hợp lý cho nghỉ hay nhảy việc. Nhiều lúc mình cũng nghĩ đó có phải là lí do khiến mình vẫn phải tiếp tục thay đổi công việc hay không. Thế nhưng, hiện tại, khi mình chủ động nhảy việc vào khoảng thời gian được cho và không thuận lợi thì mình thấy rằng kết quả nhìn chung là vẫn tốt. 
Nếu bạn chứng minh được năng lực của mình và chuẩn bị kỹ lưỡng thì thời gian nào cũng phù hợp để nhảy việc. Mình có quen một người bạn làm IT nhảy việc vào tháng 11 năm ngoái. Đó cũng là lần đầu tiên mình biết đến khái niệm sign-in bonus - nghĩa là khi nhận việc, bạn ấy sẽ có ngay một khoản thưởng ký hợp đồng. Khoản này thì mỗi công ty sẽ có chế độ khác nhau. Bạn ấy nhận được công việc đó qua một headhunter với mức đãi ngộ mới rất tốt - theo lời bạn kể. Mình cũng không chắc về trình độ chuyên môn cũng như mức lương cũ của bạn ấy như nào, nhưng đây là một ví dụ rõ ràng cho việc khi bạn tìm được đúng nơi cần mình, bạn sẽ được đối đãi nồng hậu. 
Thực tế là số lượng nhân lực còn thiếu hụt bây giờ là vô cùng nhiều, nếu bạn có khả năng thì không bao giờ sợ thiếu việc cả. Có điều, vẫn là vấn đề chuẩn bị trước, hãy luôn tính xa để nếu việc không diễn ra như ý thì bạn cũng không bị áp lực quá. 
. . .
Còn rất nhiều điều mình muốn nói về chuyện đi tìm việc nhưng bài viết đã dài rồi, mình xin được tạm kết ở đây. Nếu bạn còn muốn tìm hiểu về vấn đề nào thì đừng ngại để lại bình luận, mình sẽ cố gắng trả lời. Nếu có nhiều vấn đề cần phải giải quyết thì mình sẽ cố gắng gom ý kiến lại để viết một bài chi tiết khác.
Cảm ơn các bạn đã kiên nhẫn đọc hết bài viết! 
Hẹn gặp lại sớm nha!