Kết quả hình ảnh cho notail in TI 2018


Lưu ý: Bài này không phải một lời biện hộ cho những người vẫn còn xin tiền bố mẹ ngồi net suốt ngày mà chẳng làm được bất-cứ-điều-gì cho xã hội, vì thế hãy bỏ tay ra khỏi quần và đừng nhấn nút share nếu bạn là một kẻ thất bại. 

1. Không tốt cho sức khỏe đâu cháu ạ

Đây là lý do tử tế nhất từ những người tử tế nhất dành cho game thủ. Rất ít khi người ta khuyên một nhân viên văn phòng nên rời bỏ màn hình trở lại với cuộc sống thật (người ta thường khuyên nên về nhà sau 7h tối hơn j/k) nhưng rất hay nói với game thủ điều này.
Điều này là đúng.
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc ngồi nhiều tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp, tim mạch,... thậm chí là tăng nguy cơ ung thư hay khả năng mắc các bệnh về tâm lý như trầm cảm. Tệ hơn nữa, việc ngồi nhiều có thể khiến giảm tuổi thọ dù cho chúng ta có thực hiện những bài tập vận động nhỏ đi chăng nữa. Vì loài người không được sinh ra để ngồi một chỗ, thế nên việc ngồi liên tục sẽ khiến thần chết có nhiều lý do để ghé thăm bạn hơn, và hắn thường ít khi quan tâm bạn ngồi để chơi game hay quyết toán thuế cho công ty.
Hơn nữa, hàng loạt các nghiên cứu đã chỉ ra việc tiếp xúc với màn hình máy tính ảnh hưởng rất nhiều đến thị giác, thần kinh và cả những điều ít quan trọng hơn như sức khỏe da mặt.
Tuy nhiên
Con người bắt đầu đối mặt với việc ngồi một chỗ từ rất lâu về trước. Học sinh phải ngồi liên tục 8h/ngày là chuyện bình thường, ngồi từ khi đang lớn cho tới khi không thể lớn nữa. Nhưng liệu có ai bảo rằng nên cho học sinh nghỉ học vì ngồi nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe? Những số liệu, nghiên cứu là chưa đủ để khiến chính phủ các nước đề ra giải pháp thay thế đại loại như cho học sinh đứng để học và vì thế nên chẳng hợp lí tí nào khi cứ ''báo động'' về việc game thủ phải ngồi liên tục nhiều giờ để chơi game. 
Nhân viên văn phòng cũng phải ngồi nhiều, tiếp xúc với màn hình máy tính nhiều ở một môi trường ít thoải mái hơn game thủ. Nếu như đa phần game thủ lựa chọn các loại màn hình với tần số cao, chất lượng hiển thị chân thực và công nghệ mới thì nhân viên văn phòng không có quá nhiều lựa chọn. Họ phải thỏa hiệp với những gì công ty chủ quản đưa ra và không có quá nhiều công ty dư dả tài chính để tài trợ màn hình retina cho nhân viên của mình. Ghế gaming cũng đã được chứng minh rằng có thể hạn chế những vấn đề về sức khỏe tốt hơn so với trăm kiểu nghìn kiểu ghế nhân viên văn phòng, và chất lượng bàn phím, chuột của game thủ cũng tốt hơn và góp phần giảm bớt các vấn đề xương khớp bàn tay tốt hơn.
Vì thế
Đây là một lý do đúng nhưng vô thưởng vô phạt, vì chúng ta ai cũng phải chấp nhận việc này cho đến khi cơ thể loài người tiến hóa để thích nghi với thời đại. Game thủ cũng như nhân viên văn phòng hay học sinh, phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe và phải tăng cường luyện tập thể thao để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực này. Cho nên thay vì cấm người yêu chơi game, hãy nhẹ nhàng bảo họ "anh nghỉ tay ra đây ăn trái cây, đi dạo với em một tí rồi chơi tiếp nàyyyy".

2. Tao tốn sức khỏe để học, để làm kiếm tiền, còn mày thì phá, sao lại đánh đồng với nhau như thế?

Khi người ta đã ít tử tế hơn và bắt đầu bấu víu vào những lý tưởng tưởng tượng vô hình vớ vẫn, đây là một ngụy biện phổ biến.
Ở đầu bài mình đã có một lời nhắc nhở cấm các cháu nghiện game dùng bài này như một cái cớ để vỗ ngực ta đây nhưng chưa nói rõ bài này đang biện minh cho những ai, thì đây là câu trả lời: Bài này là lời biện minh của những game thủ chuyên nghiệp hiện tại, là lá chắn cho những game thủ tương lai trước định kiến hủ cựu của xã hội, là một câu chuyện phiếm khi không phải làm gì của những người vẫn đang kiếm tiền đều đều nhưng vẫn chơi game vài tiếng một ngày để giải trí (nhưng trong một tâm thế không thoải mái lắm vì sự phản đối từ những người thân yêu).
Kết quả hình ảnh cho GAM in MSI

Kết quả hình ảnh cho gamer salary

Chúng ta thường nhìn vào một cá nhân để đánh giá một tập thể, đó là một điều sai lầm. Thật buồn cười khi bạn nhìn một gã còi cọc phì phèo điếu thuốc, ngồi liên tù tì cả ngày trong một cái net cỏ rồi suy ra lũ game thủ là bọn thất bại. Những kẻ như thế trong xã hội rất nhiều và chúng là kẻ thất bại hết cả lượt. Chẳng khác nào bạn nhìn một đứa nhân viên ngân hàng lười biếng ngồi lướt facebook cả ngày rồi cho rằng nhân viên ngân hàng rặt một lũ lười biếng vậy. Và cũng chẳng có một thống kê nào cho thấy bạn có quyền nói rằng game thủ là một lũ thất bại, nhưng vì một lí do vô hình nào đó, vì một lý tưởng cao siêu nào đó bạn vẫn cho rằng game thủ là một lũ thất bại. Đôi khi chỉ để sướng mồm, hay để tự nhủ rằng mình là một người thành công chỉ vì không đụng đến game.
Điều này ảnh hưởng đến cả những người có một công việc full-time/part-time thỉnh thoảng mới chơi game để giải trí. Xã hội nhìn vào tiệm net và nghĩ rằng đó là nơi chốn của bọn thất bại dung thân, mà không hề biết trong đấy toàn sinh viên các trường top, công nhân viên chức, kĩ sư, bác sĩ và đôi khi là cả những giáo sư. Người thân nhìn vào những người ngồi nhà chơi vài trận game cuối tuần với bạn rồi lời to tiếng nhỏ, ra sức ngăn cản từ đó dẫn đến những rạn nứt tình cảm không đáng có. Vì sao người ta ủng hộ việc chè chén với bạn bè, chém gió linh tinh vô nghĩa ở các quán cafe nhưng lại có ác cảm với việc ngồi nhà chơi game? Vì sao người ta khuyến khích chơi thể thao nhưng lại cấm tuyệt esport? Chỉ vì họ muốn làm điều đó và nghĩ rằng ai cũng như vậy?

3. Tao kiếm tiền và cống hiến những giá trị tốt đẹp cho xã hội, bọn mày thì làm được gì?

Đây là đỉnh cao của sự bấu víu vào những lý tưởng cao siêu vô hình để tự cho mình hơn người khác.
Cần phải nói rõ, cống hiến cho xã hội là như thế nào. Có nhiều người cống hiến bằng vật chất như người nông dân thì trồng lúa, công nhân may áo, luyện sắt,... đại để thế. Có nhiều người khác thì giúp đỡ quá trình lúa thành gạo, rồi gạo đó phải bán được để người nông dân không lâm vào cảnh nghèo khổ nợ nần như các nhân viên PR, marketing,... Có nhiều người khác thì cống hiến bằng các giá trị tinh thần giúp mọi người đều vui như ca sĩ, diễn viên,...
Esport cống hiến ít nhất là hai thứ sau cùng.
Nền công nghiệp game phát triển đã thúc đẩy cho các ngành nghề liên quan, và từ đó tạo ra một động lực phát triển kinh tế cho xã hội. Bằng những tăng trưởng có thể nhìn thấy được như kiếm được hơn 900 triệu đô la Mỹ chỉ riêng trong năm 2018, ngành công nghiệp thể thao điện tử đang ngày càng thu hút đầu tư từ những tập đoàn lớn.
Những trận chung kết của các giải đấu lớn thu hút hàng trăm triệu lượt khán giả (và vẫn đang tăng) cho thấy sức hút từ bộ môn này là không thể cưỡng lại. Những cảm xúc từ các trận chung kết TI, LoL Championship, CS:GO Major Championship,... là không thua kém các trận cầu đỉnh cao hay các trận đấu nảy lửa trong khuôn khổ NBA (giải bóng rổ nhà nghề Mỹ).
Cũng như các loại hình kinh doanh bằng sự chú ý của đại chúng khác, các công ty kiếm tiền chủ yếu từ quảng cáo, tài trợ. Game thủ thì kiếm tiền từ giải thưởng của các giải đấu, tiền lương từ công ty chủ quản và cả từ nguồn donate (đóng góp) từ cộng đồng. Và lượng tiền kiếm được ngày càng nhiều.

Kết bài

Thôi không trêu các bạn định kiến nữa. 
Với sự xuất hiện và phát triển của các nền tảng chia sẻ trực tuyến (như twitch, youtube,...) và sự lớn mạnh nhanh dần đều của các giải đấu khiến nghiệp game thủ ngày càng rộng mở và... vinh quang hơn (dù chẳng có gì là không vinh quang cả, từ xưa đến nay). Chúng ta sẽ ngày càng thấy nhiều bộ môn thể thao điện tử xuất hiện ở các kì thể thao lớn hơn với tư cách là một môn thi đấu chính thống chứ không phải biểu diễn như bây giờ, nhiều hơn những KOLs là gamer, sẽ thấy nhiều hơn những câu chuyện về sự nỗ lực của các game thủ (cũng như những Jack Ma, những Bill Gates vậy) và xã hội sẽ ngày càng có cái nhìn cởi mở hơn.
Thời thế thay đổi, đừng giữ nguyên những định kiến lạc hậu lỗi thời rồi tự cho đó là quan điểm đúng đắn. Còn nếu bạn vẫn nghĩ đó là quan điểm đúng đắn xin hãy trình bày bên dưới và chúng ta sẽ tiếp tục tranh luận.
Cám ơn tất cả các bạn.

Tham khảo:

Ủng hộ cho tác giả:
- Ngân hàng: Vietcombank
- Số tài khoản: 0091 0006 50947
- Chủ thẻ: Tran Van Tien
- Chi nhánh: Vietcombank Kien Giang