Cảm hứng văn học với "Hẻm Radio"
Sáng tạo nội dung hài hước, vui nhộn, mới lạ… là xu hướng nổi bật trên nền tảng Youtube hiện nay. Thế nhưng, một nhóm bạn trẻ lại chọn...
Sáng tạo nội dung hài hước, vui nhộn, mới lạ… là xu hướng nổi bật trên nền tảng Youtube hiện nay. Thế nhưng, một nhóm bạn trẻ lại chọn cách “lội ngược dòng” sản xuất những video chia sẻ kiến thức văn học… rất đời thường, chất lượng và thu hút nhiều người quan tâm.
Sáng tạo đi liền… giá trị nhân văn
Vốn là người yêu văn học và thích đọc sách, Phan Lê Trung Tín (người đồng sáng lập kênh “Hẻm Radio”) đã chia sẻ ý tưởng sáng tạo kênh Youtube về văn học với nhóm bạn và được bạn bè ủng hộ. Từ đây, “Hẻm Radio” ra đời. “Ban đầu, mọi người khuyên mình nên chọn nội dung mang tính giải trí, hình ảnh hài hước hoặc gây sốc thì dễ dàng tiếp cận thị hiếu người xem, có khả năng tăng lượt “view”. Mình suy nghĩ rằng, bản thân nên chọn điều mình thích và cứ làm tốt thì chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm của mọi người. Mình và nhóm bạn yêu văn học cùng nhau sáng tạo và chia sẻ với mọi người những tác phẩm văn học thành một dạng audio sống động, gần gũi…”, Tín cho biết.
Theo Tín, để chuyển tải tác phẩm văn học thành ngôn ngữ phát thanh và hoàn thiện sản phẩm đăng trên Youtube, anh và các thành viên dành thời gian đọc, suy ngẫm và phân tích những điểm nổi bật của tác phẩm, phù hợp với những giá trị nhân văn. Với những truyện ngắn, thơ ca… nhóm chỉ mất khoảng vài giờ hoặc nửa ngày để hoàn thiện. Nhưng đối với các tác phẩm truyện dài, các bạn dành thời gian vài tháng thực hiện. Tính đến hiện tại, “Hẻm Radio” có hơn 900 video đăng tải, nhiều tác phẩm học đường được chuyển thể sang dạng phát thanh: Tắt Đèn, Chí Phèo, Vợ Chồng A Phủ, Vợ Nhặt,...
“Khó khăn nhất của nhóm chính là việc thu âm, thể hiện những tác phẩm văn học cổ xưa sao cho sống động, gần gũi. Để làm được điều đó, nhóm phải nghiên cứu kỹ các từ vựng cổ và cố gắng diễn đọc tác phẩm đầy cảm xúc, có “cái tình”. Mỗi bạn sẽ được phân vai cùng khóc, cùng cười với các nhân vật trong truyện. Điều này giúp người nghe dễ hiểu, cảm nhận tác phẩm rõ nét và trọn vẹn hơn”, Tín nói.
Khi thực hiện, “Hẻm Radio” nhận được sự đồng hành và ủng hộ từ nhiều nhà văn và nhiều nhà xuất bản. Họ cho phép nhóm sử dụng nội dung tác phẩm để thực hiện các video phát thanh. “Tụi mình luôn ý thức vấn đề bản quyền, vì vậy, trước khi thu âm sản phẩm mới, nhóm đều tìm cách liên hệ với tác giả và nhà xuất bản để xin phép. Tuy nhiên, một vài trường hợp, nhóm chưa nhận được sự đồng ý từ tác giả hoặc nhà xuất bản, nên phải xóa bỏ nhiều video để tôn trọng bản quyền và tác giả. Qua mỗi sản phẩm, “Hẻm Radio” mong muốn “tôn vinh văn hóa đọc”, mang đến nội dung đề cao giá trị nhân văn, giúp mọi người lắng nghe nhiều hơn, sống “chậm” để chiêm nghiệm cuộc sống”, Tín chia sẻ.
Lan tỏa tình yêu văn học
Hơn một năm thành lập, “Hẻm Radio” kết nối nhiều bạn trẻ với các ngành nghề khác nhau: Diễn viên lồng tiếng, giảng viên luyện giọng nói, nhân viên marketing, nhân viên thiết kế... Theo Tín, tiêu chí của nhóm là làm việc phi lợi nhuận và chia sẻ kiến thức văn học. Vì vậy, Tín ngỏ lời mời thì các thành viên đều “gật đầu” tham gia.
Các cộng sự của “Hẻm Radio” đều là các giọng đọc nổi tiếng: Bình Nguyên, Ngọc San, Ngọc Thiện… Theo Tín, trong công việc chuyên môn, các thành viên có thể tính chi phí từng chữ một, nhưng với “Hẻm Radio”, các bạn đều đọc hoàn toàn miễn phí mà chẳng có yêu cầu hay quyền lợi gì. Với mỗi sản phẩm phát sóng, các thành viên mong muốn truyền tải tình yêu văn học đến gần với khán thính giả.
Trong quá trình làm việc, Trung Tín và nhóm cùng nhau trao đổi ý tưởng để chọn lọc ra những tác phẩm sẽ lên sóng. Thông thường, mỗi tuần, nhóm sẽ thu âm hoàn chỉnh một tác phẩm truyện ngắn. Đồng thời, nhóm còn khuyến khích người nghe viết những tản văn ngắn và chọn ra những bài viết giàu cảm xúc để thu thanh.
Vào thời điểm mùa thi, “Hẻm Radio” sẽ tập trung đọc hiểu, phân tích, bình luận… các tác phẩm học đường. “Ngoài công việc chính, tụi mình thường dành thời gian buổi tối họp nhóm và thu âm sản phẩm mới. Kênh chỉ thuần về giọng đọc, nhóm chỉ cần một thiết bị thu âm và một căn phòng yên tĩnh là có thể sáng tạo. Bọn mình tốn rất ít kinh phí, nhưng nguồn chi tiêu nhiều nhất là tự bỏ tiền túi cho việc mua sách và các chi phí phát sinh (cười to).
Nhưng bù lại, “Hẻm Radio” nhận được sự đón nhận và tình cảm từ các khán thính giả. Nhiều bạn yêu mến gửi thư về nhóm chia sẻ cảm xúc riêng, bài viết cộng tác… Sự tin tưởng của mọi người là động lực để tụi mình tiếp tục theo đuổi đam mê”, Tín bày tỏ.
Điều đặc biệt, kênh cộng đồng “Hẻm Radio” tạo cảm hứng bằng các giọng đọc cộng với phần âm nhạc lồng ghép tinh tế trong các bản thu âm, khiến người nghe dễ rung động. Ngoài các tác phẩm văn xuôi, nhóm còn dành thời gian đọc thơ ca: Truyện Kiều, Lục Vân Tiên…
“Kỷ niệm nhớ nhất là khi nhóm thực hiện Truyện Kiều chính là do tác phẩm có rất nhiều từ khó hiểu, nhóm phải ngồi đọc lại tác phẩm, tra cứu từ vựng, tìm hiểu những điển tích xưa… Có chút “vốn liếng” kiến thức, nhóm mới bắt đầu thu âm. Khi đó, bọn mình gặp nhiều trục trặc: Vấp chữ, nhiều đoạn đọc không trôi chảy... và phải thu âm lại nhiều lần. Nhóm chọn hình thức chia tác phẩm theo nhiều phần để nhấn mạnh quá trình lưu lạc của Thúy Kiều. Sau mỗi phần, tụi mình sẽ thêm yếu tố phân tích tác phẩm, giải thích ý nghĩa câu chữ nhằm giúp người nghe dễ dàng cảm nhận hơn. Sau khi sản phẩm lên sóng, “Hẻm Radio” nhận được rất nhiều lời khen từ các bậc phụ huynh, thầy cô, học sinh, sinh viên.... Đó chính là động lực để nhóm tiếp tục cố gắng sáng tạo sảm phẩm ngày càng hoàn thiện hơn”.
Theo Bình Nguyễn (SVVN)
Like Facebook Wishare Việt Nam tại địa chỉ: https://www.facebook.com/wishare.vietnam theo dõi thông tin hữu ích hàng ngày dành cho cộng đồng yêu thích điều tốt lành!
Hiện tại, “Hẻm Radio” nhận được hơn 80.000 lượt theo dõi, hơn 900 video chia sẻ với cộng đồng. Ngoài kênh Youtube, các thành viên nhóm đã xây dựng ứng dụng công nghệ “Hẻm Radio” kết nối trên hệ điều hành iOS và Android.Độc giả yêu thích văn học, có thể tham khảo: https://www.facebook.com/hemradio360/
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất